Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Dù còn thách thức, nhưng kinh tế Việt Nam có nhiều cơ hội phục hồi
Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 4/2022

Bộ trưởng cho biết, trong quý I/2022, Chỉ số Môi trường kinh doanh tăng lên 73 điểm phần trăm, tăng 12 điểm phần trăm so với quý IV/2021, là mức cao nhất kể từ sau đợt dịch bùng phát lần thứ 4. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, việc nới lỏng các quy định chống dịch và tiếp tục phục hồi phát triển kinh tế của Chính phủ đã giúp lãnh đạo các doanh nghiệp nước ngoài lạc quan hơn. Đà tăng này được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì trong quý II/2022. Ngân hàng Phát triển châu Á dự báo nguồn vốn FDI sẽ tiếp tục gia tăng đáng kể vào Việt Nam, mặc dù nhiều nước phát triển đang thực hành chính sách thắt chặt tiền tệ.

Cũng theo Bộ trưởng, trong tháng 4/2022, nhiều tổ chức quốc tế đã đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022. Theo ADB, tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ phục hồi ở mức 6,5% trong năm 2022 và đạt 6,7% năm 2023. Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ đạt 5,3% năm 2022, sau đó sẽ ổn định trở lại quanh mức 6,5%. Tuy nhiên, thời gian tới, kinh tế Việt Nam có nhiều cơ hội phục hồi và phát triển, song cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, rủi ro, trong đó nguy cơ xuất hiện những biến thể mới còn hiện hữu, xung đột địa chính trị đang có ảnh hưởng tiêu cực và chặn đà tăng trưởng của kinh tế toàn cầu; xu hướng thắt chặt các điều kiện tài chính toàn cầu đang gia tăng trong khi Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam – một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự hồi phục trong nước vẫn đang trong quá trình triển khai.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Dù còn thách thức, nhưng kinh tế Việt Nam có nhiều cơ hội phục hồi
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong bối cảnh tình hình có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, nhờ sự lãnh đạo của Đảng, sự nỗ lực, cố gắng của hệ thống chính trị, nhất là của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; các bộ, ngành, địa phương, sự vào cuộc của Nhân dân, ủng hộ của bạn bè quốc tế, tình hình kinh tế – xã hội tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. CPI tháng 4 tăng 2,64% so với cùng kỳ năm trước, thấp nhất cùng kỳ các năm 2017-2022; tính chung 04 tháng tăng 2,1%, tương đối thấp so với cùng kỳ các năm 2018-2020.

Thị trường tài chính – tiền tệ cơ bản ổn định; Thu ngân sách 04 tháng đầu năm đạt 45,7% dự toán, tăng 13,3% so với cùng kỳ, đáp ứng nhu cầu chi phòng chống dịch, an sinh xã hội, chăm lo đối tượng chính sách; Xuất khẩu hàng hóa tháng 4 tăng 25% so với cùng kỳ năm trước; Vốn FDI đăng ký tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần 04 tháng tăng 1,9 lần so với cùng kỳ; Hoạt động sản xuất, kinh doanh có nhiều khởi sắc. Sản xuất nông nghiệp ổn định; Sản xuất công nghiệp phục hồi tốt.

Tình hình doanh nghiệp rất tích cực, số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng lần đầu tiên vượt mốc 15 nghìn doanh nghiệp; Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục chuyển biến tích cực. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm, tăng cường.

Nguyên nhân của kết quả đạt được là nhờ sự lãnh đạo của Đảng; đồng hành, ủng hộ của Quốc hội; sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; nỗ lực của cả hệ thống chính trị; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, linh hoạt và chủ động của các bộ, cơ quan trong quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn; đẩy mạnh phân công, phân quyền trong tổ chức thực hiện gắn với trách nhiệm người đứng đầu; tinh thần đoàn kết, đồng lòng, chung sức, nỗ lực vượt qua khó khăn của doanh nghiệp, người dân; hỗ trợ của bạn bè quốc tế.

Về tình hình triển khai thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP, Thủ tướng Chính phủ đã có 03 Công điện đôn đốc các bộ, cơ quan, địa phương triển khai công việc được giao. Trên cơ sở tổng hợp báo cáo của các bộ, cơ quan và địa phương. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã khẩn trương hoàn thiện, từ khi Nghị quyết 11/NQ-CP được ban hành đến nay, đã có 04 văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng thời báo cáo Thường trực Chính phủ về danh mục, mức vốn dự kiến bố trí cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình; trình Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phương án điều chỉnh linh hoạt nguồn vốn đầu tư công của Chương trình và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Đồng thời, đang hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thực hiện cơ chế đặc thù về chỉ định thầu đối với các gói thầu thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội và Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhận được văn bản của 16/16 địa phương tự đánh giá năng lực, kinh nghiệm và khẳng định việc làm cơ quan chủ quản thực hiện các đoạn tuyến đường cao tốc thuộc Chương trình qua địa bàn mình; trên cơ sở đó, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phân cấp cho UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản thực hiện các dự án, dự án thành phần đầu tư các đoạn tuyến đường bộ cao tốc theo hình thức đầu tư công thuộc Chương trình.

Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, các bộ, cơ quan, địa phương cần nghiêm túc triển khai thực hiện nhanh, hiệu quả, thực chất, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 (2022-2023); chủ động triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể của bộ, ngành, địa phương mình, kịp thời xử lý vấn đề phát sinh; bám sát tình hình, chủ động dự báo, xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó đồng bộ, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, các cân đối lớn. Trong đó, chú trọng một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như tập trung, ưu tiên triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng chống dịch Covid-19 (2022-2023); Điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ, phối hợp chặt chẽ các công cụ chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác; điều hành tín dụng phù hợp, duy trì mức lãi suất cho vay hợp lý để hỗ trợ phục hồi tăng trưỏng kinh tế.

Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xây dựng các kịch bản điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa, báo cáo Chính phủ để chủ động với kịch bản điều hành tăng trưởng trong tình hình mới; tiếp tục nghiên cứu chính sách giảm thuế, phí, lệ phí, góp phần giảm bớt gánh nặng chi phí sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp, người dân.

Theo dõi chặt chẽ thị trường, giả cả hàng hóa để có chính sách, giải pháp kịp thời; Triển khai thực hiện nhanh, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 11/NQ-CP, xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là một trong các tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại cuối năm đối với tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu; thành lập các ban chỉ đạo, tổ công tác của Chính phủ để chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ, dự án về đầu tư công thuộc Chương trình.

Triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; thành lập các Tổ công tác về các dự án trọng điểm triển khai trong năm 2022 để kịp thời đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, tùy tiện nâng giá, ép giá vật liệu xây dựng; Rà soát, tháo gỡ các rào cản, vướng mắc cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, khơi thông điểm nghẽn về huy động, sử dụng nguồn lực trong nền kinh tế; đẩy nhanh lộ trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi truờng đầu tư kinh doanh. Khẩn trương hoàn thiện, báo cáo cấp có thẩm quyền phương án xử lý các vấn đề tồn đọng, dự án, doanh nghiệp kém hiệu quả./.