Chiều ngày 29/6/2022, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định chủ trì họp Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thứ trưởng Trần Quốc Phương, Phó Chủ tịch Hội đồng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham dự phiên họp.

Tham dự phiên họp có đại diện các bộ, ngành là thành viên Hội đồng cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Về phía tỉnh Quảng Ninh có Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tường Văn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Cao Tường Huy, đại diện lãnh đạo HĐND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Tin tưởng Quảng Ninh sẽ viết nên một câu chuyện phát triển mới
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định chủ trì họp Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Đức Trung

Nếu chọn được con đường đi đúng sẽ phát triển bền vững

Phát biểu mở đầu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, công tác quy hoạch có vai trò vô cùng quan trọng và nếu có được quy hoạch tốt, tầm nhìn chiến lược, dài hơi và tổ chức được không gian phát triển hợp lý sẽ khai thác hết các tiềm năng, lợi thế, khắc phục các hạn chế.

“Do vậy, nếu chọn được con đường đi đúng sẽ phát triển bền vững và ngược lại sẽ làm cản trở con đường phát triển”, Bộ trưởng chia sẻ quan điểm.

Với nhận định Quảng Ninh mấy năm qua đã trỗi dậy rất mạnh, Tỉnh đã thay đổi mô hình tăng trưởng và đạt được những thành tựu ấn tượng, từ quy mô, diện mạo, cơ cấu kinh tế, thu ngân sách… đều rất tốt, Bộ trưởng khẳng định, chắc chắn xuất phát từ tầm nhìn và công tác quy hoạch.

“Giờ thì có cách tiếp cận mới, thay đổi tư duy theo hướng tích hợp ngay, gắn không gian phát triển với phân bổ nguồn lực, tạo ra cơ hội mới, động lực mới, giá trị mới. Nếu cơ cấu lại, cập nhật lại, dựa trên nền tảng cũ, thì càng có cơ hội để phát triển”, Bộ trưởng tin tưởng.

Phát biểu tại phiên họp, ông Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh, Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, có ý nghĩa hết sức quan trọng, được xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, được Quảng Ninh luôn đặc biệt quan tâm.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Tin tưởng Quảng Ninh sẽ viết nên một câu chuyện phát triển mới
Ông Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh, Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa hết sức quan trọng. Ảnh: Đức Trung

Tỉnh Quảng Ninh nhận thức sâu sắc rằng, sau khi Quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là công cụ quan trọng trong định hướng, quản lý toàn diện các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội, phát triển không gian lãnh thổ trên địa bàn Tỉnh, là cơ sở để tỉnh Quảng Ninh tiếp tục phát triển bứt phá, hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV đã đề ra trong giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo.

Ngay sau khi Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Tỉnh đã chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành tổ chức lập quy hoạch tỉnh đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo từ Tỉnh ủy đến UBND tỉnh và các sở, ban, ngành, địa phương trong Tỉnh.

Theo đó, mục tiêu tổng quát được Quy hoạch chỉ rõ: Đến năm 2030 xây dựng, phát triển Quảng Ninh là một tỉnh tiêu biểu của cả nước về mọi mặt; tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại; một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; là khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc về quốc phòng – an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế. Tầm nhìn phát triển đến năm 2050, Quảng Ninh là tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, vùng đô thị lớn mang tầm khu vực và quốc tế, là một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia với động lực tăng trưởng chính là dịch vụ, du lịch, đổi mới sáng tạo, có cơ sở kinh tế vững chắc, sức cạnh tranh cao; người dân có mức thu nhập tương đương các nước phát triển; phát triển kinh tế hài hòa giữa các khu vực đô thị và nông thôn; đảm bảo vững chắc quốc phòng – an ninh.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Tin tưởng Quảng Ninh sẽ viết nên một câu chuyện phát triển mới
Nguồn: UBND tỉnh Quảng Ninh

Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2030 là 10%/năm. Cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 3-4%; công nghiệp, xây dựng chiếm khoảng 47-48%; dịch vụ chiếm khoảng 38-39% và thuế sản phẩm 9-10%.

GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt 19.000-20.000 USD. Phương án tổ chức các hoạt động kinh tế – xã hội theo hướng “một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng phát triển”, kiến tạo các hành lang giao thông gắn với các hành lang kinh tế, hành lang đô thị, hướng tới xây dựng thành thành phố trực thuộc Trung ương.

“Quy hoạch có tư duy hiện đại, nhiều tư duy mới, tầm nhìn mới”

Trình bày các nội dung cơ bản của bản quy hoạch, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Cao Tường Huy chỉ rõ 5 quan điểm phát triển của Quảng Ninh trong tương lai.

Một là, phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau, đồng bộ về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường sinh thái, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh và chủ quyền biên giới quốc gia. Phát huy tối đa, hiệu quả các tiềm năng, lợi thế riêng có, khác biệt. Khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Phát huy tối đa lợi thế cạnh tranh mang lại nhờ hệ thống kết cấu hạ tầng động lực về kinh tế – xã hội ngày càng hoàn thiện, đồng bộ, hiện đại. Hội nhập sâu rộng, phát triển kinh tế tổng hợp, toàn diện, hiện đại với độ mở cao. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế trên nền tảng nguồn nhân lực chất lượng cao, yếu tố đổi mới sáng tạo, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ, tham gia sâu rộng vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Tin tưởng Quảng Ninh sẽ viết nên một câu chuyện phát triển mới
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Cao Tường Huy Trình bày các nội dung cơ bản của bản quy hoạch. Ảnh: Đức Trung

Hai là, tiếp tục chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” theo hướng bền vững dựa vào ba trụ cột: thiên nhiên, con người, văn hóa. Kết hợp với tận dụng xu thế hòa bình, hợp tác, hội nhập, cơ hội mới và công nghệ mới của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại. Tham gia sâu rộng, có hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Ba là, tổ chức lại không gian phát triển, kiến tạo các hành lang giao thông gắn với các hành lang kinh tế, hành lang đô thị, hướng tới xây dựng thành thành phố trực thuộc Trung ương. Thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng, phân công và hợp tác lãnh thổ. Bảo đảm các tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh từng địa phương của tỉnh, trong tam giác động lực phía Bắc, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng đồng bằng sông Hồng được phát huy tối đa, bổ sung cho nhau, cùng phát triển.

Bốn là, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, nâng cao hiệu quả kinh tế đô thị gắn với phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, phát triển kinh tế nông thôn, nhanh chóng thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền. Bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, tiến bộ và công bằng xã hội; nâng cao chất lượng sống mọi mặt của Nhân dân, bảo đảm hài hòa giữa đời sống vật chất và đời sống văn hóa tinh thần theo các tiêu chí của “hạnh phúc”. Bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, thiên nhiên.

Năm là, bảo đảm vững chắc quốc phòng – an ninh: Giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, chủ quyền biên giới quốc gia; Mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, văn minh.

Ông Huy cũng cho biết, Quảng Ninh sẽ phát triển các ngành kinh tế quan trọng như: công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, kinh tế biển.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Tin tưởng Quảng Ninh sẽ viết nên một câu chuyện phát triển mới
5 đột phá phát triển của Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030

Cụ thể, Quảng Ninh sẽ phát triển công nghiệp xanh, tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao – trở thành một trụ cột chính trong nền kinh tế. Tiếp tục duy trì là một trung tâm năng lượng của quốc gia (trung tâm về điện gió, điện khí LNG của miền Bắc), chuyển dần sang năng lượng sạch; Dừng mở rộng, nâng cao hiệu suất các nhà máy điện than; Phát triển hợp lý, bền vững ngành công nghiệp khai khoáng, trọng điểm là ngành Than.

Phát triển dịch vụ tổng hợp hiện đại ngày càng giữ vai trò chủ đạo; Quảng Ninh trở thành trung tâm logistics, cửa ngõ trung chuyển vận tải đa phương thức kết nối với Trung Quốc, Đông Bắc Á và ASEAN; sân bay quốc tế Vân Đồn thành trung tâm logsitics của Việt Nam, hướng tới là điểm trung chuyển cho khu vực Đông Nam Á. Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với hệ thống dịch vụ chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế, giá trị gia tăng lớn.

Phát triển nền nông nghiệp sinh thái xanh – sạch, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, lấy người nông dân làm chủ thể, trung tâm. Thủy sản là ngành mũi nhọn phát triển đồng bộ, hiện đại. Phát triển các khu ứng dụng công nghệ cao Đông Triều, Đầm Hà, Tiên Yên; Sản xuất tập trung về chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản; Xây dựng các vùng phát triển rừng bền vững, rừng gỗ lớn, phát triển công nghiệp chế biến lâm sản gắn với quy hoạch các vùng trồng rừng nguyên liệu.

Quảng Ninh trở thành một trung tâm kinh tế biển của cả nước, là cửa ngõ trung chuyển của khu vực Đông Nam Á, động lực phát triển của Vùng và cả nước thông qua đầu tư phát triển hệ thống cảng biển nước sâu gắn với phát triển kinh tế chuỗi đô thị biển-ven biển liền kề. Chú trọng phát triển các lĩnh vực kinh tế dựa vào bảo tồn và tiếp cận liên ngành. Lấy hợp tác quốc tế và khu vực làm đòn bẩy. Tổ chức lại không gian biển bảo đảm hài hòa lợi ích. Đẩy mạnh bảo vệ môi trường.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Tin tưởng Quảng Ninh sẽ viết nên một câu chuyện phát triển mới
Định hướng không gian phát triển của Quảng Ninh theo hướng “Một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phát, ba vùng phát triển”

Không gian phát triển của Quảng Ninh theo hướng “Một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng phát triển”: 1 tâm là TP Hạ Long; 2 tuyến từ Hạ Long về phía Tây và về phía Đông; 2 mũi đột phá KKT Vân Đồn và KKT Cửa khẩu Móng Cái; 3 vùng phát triển là: 1) Vùng đô thị Hạ Long: Trung tâm tổng hợp đa ngành (Hạ Long, Quảng Yên, Uông Bí, Đông Triều, Cẩm Phả);(2) Vùng đô thị Vân Đồn: Trọng tâm phát triển du lịch (Vân Đồn, Cô Tô, Tiên Yên, Ba Chẽ); (3) Vùng đô thị Móng Cái: Trọng tâm phát triển kinh tế cửa khẩu, công nghiệp (Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà, Bình Liêu).

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, trong những năm gần đây, Quảng Ninh đã có bước phát triển vượt bậc, có nhiều đổi mới, tư duy, tầm nhìn và khát vọng cùng quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt để phát triển.

“Quy hoạch có tư duy hiện đại, nhiều tư duy mới, tầm nhìn mới, tôi tin chắc đây là bản quy hoạch mẫu mực”, Bộ trưởng Dũng nhận xét.

100% thành viên Hội đồng thông qua Quy hoạch Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030

Tại cuộc họp, 100% thành viên Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh đã nhất trí thông qua Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, có 4/25 phiếu thông qua mà không cần chỉnh sửa; 21/25 phiếu thông qua với điều kiện cần chỉnh sửa trên cơ sở các ý kiến tham gia.

Cảm ơn và tiếp thu các ý kiến của các bộ, ngành bằng văn bản trước đây và các ý kiến của các thành viên Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh, các chuyên gia, các nhà khoa học tại cuộc họp, ông Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, tỉnh Quảng Ninh sẽ nghiêm túc tiếp thu tối đa để chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện Quy hoạch.

Phát biểu kết luận phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Ninh trong thực hiện xây dựng quy hoạch, đồng thời lưu ý tỉnh Quảng Ninh cần tiếp thu đầy đủ các ý kiến phản biện, ý kiến góp ý của các bộ, để hoàn thiện Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Tin tưởng Quảng Ninh sẽ viết nên một câu chuyện phát triển mới
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng kết luận cuộc họp. Ảnh: Đức Trung

Cần khắc phục hạn chế để thúc đẩy phát triển bền vững

Trên cơ sở nội dung báo cáo Quy hoạch, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã cho ý kiến cụ thể vào quan điểm phát triển của Tỉnh, nhằm thể hiện rõ mức độ ưu tiên, tính đột phá, động lực, khát vọng để Quảng Ninh phát triển trong thời gian tới. Đồng thời gợi mở những tiềm năng, lợi thế để tỉnh Quảng Ninh có bước phát triển nhanh hơn, mạnh mẽ hơn và bền vững hơn; những đường hướng trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo lựa chọn xác định trọng tâm, trọng điểm, mức độ ưu tiên, lĩnh vực đột phá, động lực tạo sự khác biệt nổi trội của tỉnh Quảng Ninh.

Bộ trưởng nhấn mạnh, để đảm bảo Quy hoạch Tỉnh có tầm nhìn chiến lược, phù hợp với quy hoạch của cả nước, Quảng Ninh cần làm tốt công tác quy hoạch và khai thác tốt các tiềm năng, khắc phục hạn chế để thúc đẩy phát triển bền vững.

Thứ nhất về tư duy, Bộ trưởng mong muốn quy hoạch theo hướng mới hơn. “Tôi muốn Quảng Ninh đi đầu trong vấn đề này”, Bộ trưởng nói.

Thứ hai, về cơ hội và tiềm năng, theo Bộ trưởng phải tiếp cận từ 2 phía, tự có, hiện nay đang có, thứ hai từ tư duy kiến tạo phát triển, hình thành nên cơ hội mới, từ đó có tầm nhìn mới, để tạo cơ hội.

“Từ hai phía chúng ta nhận diện đúng và trúng đâu là cơ hội, đâu là thách thức chúng ta phải đối mặt để biến chúng thành động lực, thành giá trị mới cho phát triển”, Bộ trưởng lưu ý.

Thứ ba, về quy hoạch, Bộ trưởng cho rằng, Quảng Ninh có rất nhiều lợi thế về kinh tế, cảng biển, khu kinh tế…, vì vậy tỉnh phải thực hiện quy hoạch đồng bộ theo hướng bền vững, có cơ cấu, tầm vóc lớn hơn phù hợp với điều kiện phát triển thực tế để từ đó có những đột phá vượt bậc trong thời gian tới và xứng đáng với cực tăng trưởng trong vùng kinh tế.

Đồng thời, Quảng Ninh cũng cần phải đề cập, phân tích các yếu tố phát triển về tiềm năng, phát huy lợi thế Khu kinh tế Vân Đồn, Khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái để phát triển đồng bộ.

Trong công tác quy hoạch, tỉnh Quảng Ninh cần tập trung vào các định hướng mới như: Chuyển đổi số, kinh tế đêm, xã hội số… để phát triển quy hoạch nằm trong tổng thể chung của cả nước. Đặc biệt, Quảng Ninh cần phát triển nhanh, bền vững trên 4 trụ cột chính: kinh tế, văn hóa-xã hội, môi trường và quốc phòng an ninh.

“Phải xác định được đâu là điểm nghẽn trong quá trình thực hiện quy hoạch vừa qua để làm rõ được quan điểm và triết lý phát triển, mục tiêu, phương hướng phát triển, từ đó rà soát lại chỉ tiêu, mục tiêu, số liệu cho khớp, phù hợp. Phải làm rõ mối quan hệ với các tỉnh trong vùng, với Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang, trong cảng biển, sân bay, trong công nghiệp, dịch vụ, thương mại”, Bộ trưởng lưu ý.

Chỉ rõ, Khu Kinh tế Vân Đồn chính là đột phá phát triển của Tỉnh trong tương lai, Bộ trưởng yêu cầu, cơ quan lập Quy hoạch phải làm “bật” vai trò của Vân Đồn. “Phải là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, mua sắm, du lịch phức hợp, lượng khách quốc tế mới tăng cao, từ đó mới phát triển được”, Bộ trưởng gợi ý.

Bên cạnh việc phát triển cơ sở hạ tầng tốt, chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) tốt, môi trường kinh doanh tốt… thì cũng cần phải tập trung mạnh vào việc phát triển nguồn nhân lực. Tạo thể chế, cơ chế mới để bứt phá mạnh mẽ trong thời gian tới.

Trong cơ cấu chuyển đổi từ “nâu” sang “xanh” cần chú trọng đến chuyển đổi việc làm lao động ngành Than. Đồng thời, cũng lưu ý đến việc phát triển dân số và dân cư trong quy hoạch.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư bày tỏ tin tưởng, Quảng Ninh sẽ phát huy được toàn bộ tiềm năng lợi thế và viết nên một câu chuyện phát triển mới, trong thời kỳ mới của Đất nước./.