NĂM 2022 VỚI NHIỀU BIẾN ĐỘNG

Trái với dự kiến phục hồi nhanh sau đại dịch Covid-19, kinh tế toàn cầu năm 2022 đối mặt với hàng loạt những thách thức lớn, bao gồm sức ép lạm phát và kinh tế tăng trưởng chậm lại do tác động của các biến động kinh tế, địa – chính trị thế giới, như: xung đột chính trị giữa Nga và Ukraine, chính sách Zero-Covid của Trung Quốc và xu hướng thắt chặt tiền tệ ứng phó với lạm phát tăng cao.

Xung đột chính trị giữa Nga và Ukraine gây ra nhiều hệ lụy tới kinh tế toàn cầu: Đây là yếu tố được nhắc đến nhiều nhất tới kinh tế toàn cầu năm 2022, là nguyên nhân gây ra việc tăng giá năng lượng và một số hàng hóa thiết yếu cùng với tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng. Chiến sự tại Ukraine hiện đã diễn ra gần một năm và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Căng thẳng giữa phương Tây đối với Nga cũng ngày càng gia tăng, với nhiều lệnh trừng phạt về kinh tế được các nước phương Tây áp đặt đối với Nga. Xung đột ngoài việc làm tăng mạnh chi phí sinh hoạt và hủy hoại sinh kế của người dân tại nhiều nước, còn dẫn đến một cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng ở châu Âu. Giá khí đốt ở châu Âu đã tăng hơn 4 lần kể từ năm 2021, khi Nga cắt giảm lượng khí đốt giao hàng xuống dưới 20% so với mức năm 2021. Cuộc xung đột cũng đã đẩy giá lương thực trên thế giới lên cao, gây khó khăn nghiêm trọng, đặc biệt là ở các nước có thu nhập thấp.

Đại dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng: Mặc dù đã được kiểm soát ở phần lớn các nước, tác động của đại dịch vẫn đặc biệt nghiêm trọng ở Trung Quốc, dẫn tới sự suy giảm tăng trưởng của nền kinh tế này trong quý II/2022 và góp phần làm chậm hoạt động toàn cầu. Chính sách kiểm soát dịch Covid-19 làm suy yếu cả sản xuất và tiêu dùng. Mức sử dụng năng lực sản xuất trong nước của Trung Quốc đã giảm xuống dưới 76% trong quý II – mức thấp nhất trong 5 năm. Sự gián đoạn chuỗi sản xuất ở Trung Quốc không chỉ tác động trong nước, mà còn lan rộng ra quốc tế, khi nhu cầu của Trung Quốc giảm làm giảm nhu cầu với hàng xuất khẩu của các nước khác, đồng thời cũng gây nên sự khan hiếm đầu vào khiến lạm phát tăng cao ở nhiều nước.

Lạm phát và giá cả hàng hóa tăng cao: Lạm phát toàn cầu tăng mạnh trong năm 2022. Xung đột tại Ukraine khiến giá dầu và giá cả hàng hóa toàn cầu tăng cao (Hình 1). Giá dầu thế giới đã duy trì mức trung bình trên 100 USD/thùng trong 5 tháng liên tiếp, từ tháng 4-7/2022. Giá lương thực tăng lên mức kỷ lục mới do gián đoạn xuất khẩu ngũ cốc và dầu ăn tại các cảng ở Biển Đen. Chỉ số giá lương thực của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tăng lên mức đỉnh 159,3 điểm trong tháng 3/2022 so với 141,4 điểm vào tháng 2/2022, sau đó hạ xuống 154,2 điểm trong tháng 6/2023 và giảm dần trong các tháng sau đó, nhưng vẫn ở mức cao và góp phần làm tăng lạm phát trên diện rộng. Xung đột Nga – Ukraine còn đẩy giá nguyên liệu thô cho sản xuất tăng cao do Nga và Ukraine là những nước dẫn đầu về sản xuất kim loại toàn cầu, như: niken, đồng và sắt, cùng các nguyên liệu thiết yếu khác.

Hình 1: Chỉ số giá cả một số hàng hóa chính (năm 2010 là 100 điểm)

Bức tranh kinh tế thế giới năm 2022 và triển vọng năm 2023

Nguồn: World Bank commodity price database, tháng 12/2022

Giá dầu và các hàng hóa cơ bản thế giới tăng cao đã khiến lạm phát tại nhiều quốc gia tăng lên mức kỷ lục. Tại Mỹ, lạm phát tháng 5/2022 đã lập đỉnh 40 năm ở mức 8,6%. Tại châu Âu, giá tiêu dùng đang tăng với tốc độ trên 8%. Theo ngân hàng Goldman Sachs, giá năng lượng ở khu vực đồng Euro – tăng với tốc độ là 39% vào tháng 5 – đóng góp khoảng 4 điểm % vào lạm phát, so với 2 điểm % ở Mỹ. Ở các nước Đông Nam Á, lạm phát cũng phá kỷ lục mới: 7,1% tại Thái Lan, 5,4% ở Philippines và 3,47% tại Indonesia vào tháng 5/2022.

Xu hướng thắt chặt tiền tệ: Nhằm đối phó với tình trạng lạm phát leo thang, các quốc gia đã áp dụng thắt chặt tiền tệ mạnh hơn. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã liên tục tăng lãi suất cơ bản với mức tăng cao hơn kế hoạch lúc đầu[1]. Ngày 14/12/2022, Fed đã nâng lãi suất tham chiếu thêm 50 điểm cơ bản, đánh dấu sự thay đổi của Fed sau một năm chưa từng có tiền lệ với 7 lần nâng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát hiện cao nhất 40 năm. Tại châu Âu, lạm phát cao kỷ lục 8,1% đã khiến EU đưa ra một loạt động thái, bao gồm cả việc chấm dứt chương trình mua tài sản lâu dài của mình vào cuối tháng 12. Ngày 21/7/2022, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định tăng lãi suất lần đầu tiên sau 11 năm. Một số nền kinh tế chủ chốt khác cũng trong xu hướng gia tăng thắt chặt tiền tệ, gồm: Ấn Độ, Hàn Quốc, Úc, Anh, Canada[2]. Trái lại, một số nền kinh tế lớn như Trung Quốc và Nhật Bản vẫn duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế trì trệ. Ngày 25/11/2022, Trung Quốc đã công bố giảm 25 điểm cơ bản đối với yêu cầu dự trữ của các tổ chức tài chính để hỗ trợ tăng trưởng. Việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc lần thứ hai trong năm dự kiến sẽ thúc đẩy niềm tin của thị trường và sức khỏe của nền kinh tế, củng cố lĩnh vực bất động sản và giải phóng thanh khoản cho đầu tư và tiêu dùng trong quý IV/2022, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong cả năm 2022 và 2023. Tương tự như vậy, Nhật Bản vẫn khẳng định sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế.

Biến động thị trường tiền tệ: Do cắt giảm lãi suất quá nhanh với quy mô lớn và liên tục, tỷ giá các đồng tiền trên thế giới biến động mạnh trong năm 2022 so với đồng USD. Đồng USD tăng giá rất mạnh so với các ngoại tệ khác. Nguy cơ tổn thương lớn hơn của kinh tế EU và Nhật Bản trước tình trạng giá cả hàng hóa và năng lượng gia tăng cũng khiến cho hai đồng tiền này mất giá so với đồng USD. Ngày 13/7/2022, lần đầu tiên trong lịch sử, đồng EUR đã về mức ngang giá so với đồng USD, sau đó đã phục hồi dần và hiện ở mức 1,06 EUR/USD. Tỷ giá Yên/USD đã giảm xuống mức 146,86 Yên đổi một USD ngày 12/10/2022, vượt qua mốc thấp kỷ lục trước đó.

Thương mại hàng hóa toàn cầu suy giảm: Các dấu hiệu tăng trưởng chậm lại bắt đầu từ quý II/2022 với các chỉ số về đơn hàng và xuất khẩu giảm. IMF (2022) ước tính tăng trưởng thương mại toàn cầu sẽ chậm lại từ 10,1% năm 2021 xuống 4,3% năm 2022 và 2,5% năm 2023. Đây là mức tăng trưởng cao hơn so với năm 2019, khi các rào cản thương mại gia tăng đã hạn chế thương mại toàn cầu và trong cuộc khủng hoảng dịch Covid-19 năm 2020, nhưng thấp hơn nhiều so với mức trung bình trước đây (4,6% cho giai đoạn 2000-2021 và 5,4% cho giai đoạn 1970–2021). Tốc độ chậm lại chủ yếu phản ánh sự suy giảm trong tăng trưởng sản lượng toàn cầu.

Biến động dòng vốn đầu tư toàn cầu: Các điều kiện tài chính thắt chặt hơn và lo ngại về suy thoái toàn cầu đã ảnh hưởng tiêu cực tới đến dòng vốn đầu tư. Lãi suất của Mỹ tăng cùng với USD tăng giá mạnh đã làm tăng chi phí tài chính. Bên cạnh đó, các điều kiện tài chính thắt chặt và triển vọng kinh tế không chắc chắn làm giảm động lực của các nhà đầu tư. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu được dự báo sẽ giảm trong năm 2022. Dữ liệu của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cho thấy, trong quý II/2022, dòng vốn FDI toàn cầu đạt khoảng 357 tỷ USD, giảm 31% so với quý đầu tiên. Việc USD tăng giá cũng dẫn đến xu hướng dòng vốn đầu tư gián tiếp rút khỏi các thị trường đang nổi do sức hấp dẫn từ việc đầu tư để hưởng chênh lệch lãi suất ở các thị trường này sụt giảm mạnh. Từ tháng 3 đến tháng 6/2022, 30,1 tỷ USD đã chảy ra khỏi thị trường chứng khoán của các thị trường đang nổi. Dữ liệu của Bloomberg cũng cho thấy, chỉ số chứng khoán MSCI châu Á – Thái Bình Dương (không bao gồm Nhật Bản) đã giảm 19% tính từ đầu năm 2022, sau khi giảm 4,9% vào năm 2021 (Hình 2).

Hình 2: Chỉ số chứng khoán MSCI châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản)

Đơn vị: %

Bức tranh kinh tế thế giới năm 2022 và triển vọng năm 2023

Nguồn: Bloomberg

Tăng trưởng chậm lại: Tại các nền kinh tế lớn, do những bất ổn toàn cầu kể trên, kinh tế toàn cầu năm 2022 tăng trưởng chậm lại còn 3,19% (IMF, 2022), giảm mạnh so với mức 6,02% năm 2021 và thấp hơn mức dự báo đưa ra đầu năm (4,4%). Kinh tế Mỹ suy giảm hai quý liên tiếp, giảm 1,6% trong quý I và 0,9% trong quý II, sau đó phục hồi lên mức 2,6% trong quý III/2022. Kinh tế Nhật Bản suy giảm 0,3% trong quý III/2022 so với quý trước do đồng Yên yếu và chi phí nhập khẩu tăng. Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm, dự báo chỉ đạt 2,7% trong năm 2022, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 5,5%. EU có khả năng chỉ đạt mức tăng trưởng 3,23%, giảm 0,4 điểm % so với dự báo trước đây. Kinh tế ở khu vực này hiện đã bước vào giai đoạn khó khăn hơn nhiều. Với các nền kinh tế đang phát triển và đang nổi, tốc độ tăng trưởng cũng dự kiến chậm lại xuống mức 3,74% trong năm 2022, thấp hơn đáng kể so với mức 6,62% năm 2021. Ở một số nước Mỹ Latinh, đặc biệt là Brazil, chính sách thắt chặt tiền tệ được áp dụng để kiềm chế lạm phát tăng cao khiến triển vọng kinh tế xấu đi nhanh chóng.

TRIỂN VỌNG NĂM 2023

Kinh tế thế giới dự báo sẽ bước vào năm 2023 với nhiều khó khăn, thách thức do tác động kéo dài của các cú sốc bất lợi trong năm 2022. Theo IMF (2022), các cú sốc bất lợi của năm 2022 dự kiến sẽ có tác động lâu dài đến sản lượng. Lũy tiến đến năm 2026, thiệt hại về sản lượng (tích lũy) được dự báo là 3,0% so với đầu năm 2022. Khoảng một nửa mức giảm dự kiến vào năm 2022 và những năm tiếp theo là do tăng trưởng thấp hơn ở Trung Quốc, khu vực đồng Euro, Nga và Mỹ. Tổn thất sản lượng kéo dài phản ánh một số yếu tố, bao gồm sự kết hợp giữa tác động tiêu cực tới cung ngay từ đầu năm 2022 và việc thắt chặt chính sách kinh tế vĩ mô của các nước. Đối với các nền kinh tế bị ảnh hưởng trực tiếp bởi chiến tranh ở Ukraine, thiệt hại đối với hoạt động có thể sẽ kéo dài và ảnh hưởng đến hầu hết các ngành công nghiệp. Việc các gói hỗ trợ tài chính do dịch Covid-19 giảm dần và xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ chống lạm phát tương phản với chính sách hỗ trợ mở rộng được áp dụng ở nhiều nền kinh tế trong năm 2020. Những tác động kéo dài dẫn đến đầu tư ít hơn vào vốn, đào tạo, nghiên cứu và phát triển, ảnh hưởng xấu đến tiềm năng tăng trưởng kinh tế.

Trong năm 2023, nhìn chung, rủi ro lớn nhất vẫn là xung đột giữa Nga – Ukraine và hoạt động kinh tế chậm lại do thắt chặt tiền tệ để kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, áp lực lạm phát và giá cả hàng hóa có thể giảm do nhu cầu toàn cầu tăng chậm lại. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19 nhằm tiến tới mở cửa nền kinh tế trong nửa cuối năm 2023 hoặc năm 2024 dự báo sẽ ảnh hưởng tích cực tới tăng trưởng kinh tế Trung Quốc nói riêng và kinh tế thế giới nói chung (Hình 3). Tăng trưởng toàn cầu dự báo giảm khoảng 0,5 điểm %, còn khoảng 2,49% so với năm 2022. Các nền kinh tế lớn khác, như: Nhật Bản, EU, Mỹ sẽ chỉ phục hồi từ đầu năm 2024.

Hình 3: Dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới

Đơn vị: %

Bức tranh kinh tế thế giới năm 2022 và triển vọng năm 2023
Nguồn: Dự báo của nhóm nghiên cứu từ mô hình NiGEM

Các dự báo mới nhất của các tổ chức quốc tế đều điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2023. IMF (2022) dự báo, tăng trưởng kinh tế thế giới giảm từ 3,19% năm 2022 xuống còn 2,66% năm 2023, chủ yếu do suy giảm tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển (từ 2,43% năm 2022 xuống còn 1,11% năm 2023), trong khi không có thay đổi lớn ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển (3,73% so với 3,74%).

Tăng trưởng kinh tế Mỹ được dự báo sẽ giảm từ 5,7% vào năm 2021 xuống 1,6% vào năm 2022 và 1,0% vào năm 2023, trong đó kinh tế Mỹ quý IV/2022 dự báo không có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước (IMF, 2022). Tăng trưởng năm 2022 giảm so với dự báo trước đây, phản ánh sự sụt giảm GDP thực ngoài dự kiến trong quý II/2022. Thu nhập khả dụng thực tế giảm tiếp tục ảnh hưởng đến nhu cầu của người tiêu dùng và lãi suất cao hơn đang gây ra tác động nghiêm trọng đến chi tiêu, đặc biệt là chi tiêu cho đầu tư nhà ở.

Triển vọng kinh tế EU gặp nhiều rủi do, đặc biệt cao khi cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine tiếp diễn và khả năng nền kinh tế vẫn tiếp tục bị gián đoạn. Mối đe dọa lớn nhất đến từ những diễn biến bất lợi trên thị trường khí đốt và nguy cơ thiếu hụt nguồn cung năng lượng, đặc biệt là vào mùa Đông 2023-2024. Ngoài nguồn cung cấp khí đốt, EU vẫn trực tiếp và gián tiếp phải hứng chịu những cú sốc tiếp theo đối với các thị trường hàng hóa khác do căng thẳng địa – chính trị gây ra. Tăng trưởng kinh tế EU dự báo giảm xuống 0,59% năm 2023 so với 3,24% năm 2022 (dự báo của nhóm nghiên cứu dựa trên mô hình NiGEM).

Triển vọng kinh tế Trung Quốc có thể cải thiện trong năm 2023 nhờ các biện pháp hỗ trợ tài khóa của Chính phủ (giảm thuế, thúc đẩy đầu tư công) và các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19 được nới lỏng hơn, tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2023 có khả năng tăng tốc lên 4,4% so với 3,2% năm 2022 (dự báo của nhóm nghiên cứu dựa trên mô hình NiGEM, tương đương với con số dự báo của IMF đưa ra vào tháng 10/2022).

Thương mại toàn cầu dự báo sẽ đạt kỷ lục 32 nghìn tỷ USD vào năm 2022, nhưng triển vọng ngày càng ảm đạm cho năm 2023 (UNCTAD, 2022). Báo cáo của UNCTAD cảnh báo rằng, sự chậm lại của thương mại toàn cầu vào nửa cuối năm 2022 đã chỉ ra những điều kiện khó khăn hơn vào năm 2023. Tuy nhiên, một dấu hiệu tích cực đối với thương mại quốc tế là bất chấp sự suy giảm về giá trị thương mại, tổng khối lượng thương mại vẫn tiếp tục tăng trong suốt năm 2022 – cho thấy nhu cầu toàn cầu đang phục hồi. Một phần của sự sụt giảm giá trị thương mại quốc tế trong nửa cuối năm 2022 là do giá của các sản phẩm chính giảm. Trong khi đó, những yếu tố tích cực của các FTA (như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực – RCEP và FTA Lục địa châu Phi – AfCFTA) và hoạt động logistics được cải thiện. Các cảng và công ty vận chuyển hiện đã điều chỉnh để thích nghi với những thách thức do đại dịch Covid-19 mang lại. Giá cước vận tải và hàng hóa vẫn cao hơn mức trung bình trước đại dịch, nhưng đã có xu hướng giảm. Áp lực đối với chuỗi cung ứng từ phía cung do các yếu tố của đại dịch dự báo sẽ giảm trong năm 2023, ngay cả khi những thách thức ở Trung Quốc vẫn còn. UNCTAD cũng dự báo thương mại Đông Á có thể phục hồi trong thời gian tới dựa trên số liệu tăng trưởng thương mại của khu vực vào quý III/2022, mặc dù thương mại ở khu vực khác đều giảm.

Giá dầu thế giới dự báo tiếp tục hạ nhiệt trong những tháng tới do triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới yếu đi. Theo dự báo của EIA (2022), nhu cầu dầu thế giới năm 2023 có thể tăng 2,1 triệu thùng/ngày lên mức 101,5 triệu thùng/ngày. Giá dầu WTI dự báo đạt mức trung bình 98,71 USD/thùng trong năm 2022 và 89,13 USD/thùng trong năm 2023, so với 68,21 USD/thùng năm 2021. Giá dầu Brent dự báo ở mức 104,78 USD/thùng năm 2022 và 95,13 USD/thùng năm 2023. Giá các hàng hóa thiết yếu khác, như: dầu ăn, nguyên liệu thô và phân bón dự báo sẽ hạ nhiệt nhờ thỏa thuận giữa các nước liên quan đến chiến sự tại Ukraine, tuy vậy vẫn cao hơn mức trước đại dịch do áp lực từ chi phí nhiên liệu đầu vào và nhu cầu thế giới hồi phục. Lạm phát toàn cầu dự báo tăng mạnh từ 4,7% năm 2021 lên 8,8% năm 2022, sau đó giảm xuống 6,5% năm 2023 và 4,1% năm 2024. Cụ thể, lạm phát dự kiến đạt đỉnh 9,5% vào quý 3/2022 trước khi giảm xuống 4,7% vào quý 4/2023 (IMF, 2022).

Thị trường chứng khoán châu Á có thể phục hồi trong năm 2023 sau hai năm ảm đạm, với kỳ vọng về việc kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại và đồng USD có khả năng yếu hơn. Theo khảo sát các chuyên gia do Bloomberg tổng hợp, chứng khoán khu vực châu Á có thể tăng 9% trong năm tới. Hầu hết những yếu tố tiêu cực đối với thị trường này, như việc đồng USD tăng giá quá cao, Trung Quốc đóng cửa vì Covid-19 hay chu kỳ suy thoái của chip, hiện đang giảm dần, giúp cải thiện triển vọng về thu nhập. Việc Trung Quốc dỡ bỏ các biện pháp giãn cách do đại dịch Covid-19 dự kiến thúc đẩy nền kinh tế đang gặp khó khăn, cùng với các đối tác thương mại trong khu vực, với mức tăng trưởng dự báo gần 5% vào năm 2023. Trung Quốc sẽ trở thành nơi “có thể đầu tư” trở lại trong năm tới, trong khi Hàn Quốc và Đài Loan cũng đang nổi lên như những thị trường được yêu thích do có thể hưởng lợi từ sự cải thiện trong chu kỳ hàng tồn kho của phần cứng công nghệ.

Có rất nhiều thách thức trong năm 2023, bao gồm những lo ngại về thời gian và mức độ mở cửa trở lại của Trung Quốc là mối lo chính cũng như rủi ro khác liên quan đến chính sách của Fed và sự gián đoạn nguồn cung nông nghiệp do căng thẳng tại Ukraine. Tuy nhiên, nhìn chung, các chuyên gia đều lạc quan về chứng khoán châu Á và dự báo rằng, chỉ số MSCI châu Á Thái Bình Dương có thể tăng 10%-15% vào cuối năm 2023.

KẾT LUẬN VÀ HÀM Ý CHO VIỆT NAM

Kinh tế thế giới đã trải qua một năm 2022 đầy biến động, thách thức và dự báo tiếp tục đối mặt với những cơn gió nghịch trong năm 2023. Tuy nhiên, một số điểm sáng đối với kinh tế thế giới trong năm 2023 có thể giúp giảm bớt áp lực đối với điều hành vĩ mô của nền kinh tế Việt Nam, bao gồm áp lực lạm phát giảm và Trung Quốc nới lỏng chính sách Zero-Covid.

Trong bối cảnh đó, để duy trì được tăng trưởng kinh tế, Việt Nam cần tiếp tục kiên trì các biện pháp nhằm ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu và thu hút FDI để đảm bảo cân đối ngoại tệ, thúc đẩy tăng trưởng cũng như tạo dựng các tấm đệm bảo vệ nền kinh tế trước các biến động của thế giới.

Trước những khó khăn về xuất khẩu trong nửa cuối năm 2022, đặc biệt là với ngành dệt may và da giày, Việt Nam cần tận dụng tốt hơn các FTA đã ký kết (CPTPP, EVFTA, RCEP – những hiệp định được đánh giá sẽ tác động tích cực tới ngành dệt may), đồng thời đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để giảm rủi ro suy giảm tăng trưởng xuất khẩu của các thị trường chính, như: Mỹ, EU. Đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường trọng điểm như: Trung Quốc, Mỹ, EU, ASEAN, Nhật Bản và Hàn Quốc. Để giảm thiểu rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng, các cơ quan quản lý chuyên ngành cần thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình thị trường thế giới, khu vực và trong nước để chủ động, kịp thời đề xuất các giải pháp đảm bảo đầu vào nhập khẩu phục vụ sản xuất.

Ngoài ra, với xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng và chuyển đổi xanh tiếp tục được đẩy mạnh sau đại dịch Covid-19, Việt Nam cần đảm bảo các điều kiện cần thiết để có thể thu hút các dòng vốn FDI xanh và/hoặc công nghệ cao từ xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng này, đồng thời từng bước đổi mới nền sản xuất để hướng tới tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững./.

Tài liệu tham khảo

  1. EIA (2022), Short-term Energy Outlook, 12/2022.

  2. IMF (2022), World Economic Outlook, 10/2022.

  3. Thu Minh (2022), Chính sách Zero Covid của Trung Quốc ảnh hưởng thế nào tới Việt Nam?, truy cập từ https://vneconomy.vn/chinh-sach-Zero-Covid-cua-trung-quoc-anh-huong-the-nao-toi-viet-nam.htm.

  4. UNCTACD (2022a), World Economic Situation and Prospects 2022, 12/2022.

  5. UNCTAD (2022b), Global trade set to hit record $32 trillion in 2022, but outlook increasingly gloomy for 2023.

  6. UNCTAD (2022c), World Investment Report, 6/2022.


[1] Ngày 4/5/2022, tiếp tục tăng mạnh lãi suất cơ bản với mức tăng gấp hai lần quy mô của một đợt tăng lãi suất thông thường là 0,5 điểm % lên mức 0,75%-1%. Ngày 15/6/2022, Fed thông báo nâng lãi suất thêm 0,75% – mức tăng lãi suất mạnh nhất trong vòng 30 năm để đối phó với tình hình lạm phát tồi tệ nhất nhiều thập kỷ. Trong cuộc họp ngày 27/7/2022, Fed quyết định tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,75% lần thứ hai, nâng mức lãi suất hiện tại lên 2,25-2,5%.

[2] Ngày 4/5/2022, Ấn Độ thông báo tăng lãi suất thêm 0,4%, lên mức 4,4%. Lần tăng lãi suất gần nhất vào tháng 8/2018. Hàn Quốc ngày 14/42022 đã tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm lên 1,5%. Ngày 3/5/2022, Úc cũng đã công bố mức nâng lãi suất cao hơn dự kiến với 0,25%, đưa tỷ lệ lãi suất cơ bản ở nước này lên mức 0,35%. Đây là đợt tăng lãi suất đầu tiên của Úc trong hơn 10 năm qua. Từ đầu năm tới nay, Canada đã hai lần tăng lãi suất chốt – hiện ở mức 1%, từ mức thấp kỷ lục 0,25%.

TS. Trần Toàn Thắng, TS. Nguyễn Đoan Trang

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

(Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 1+2 tháng 1/2023)