Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 01/2023 ước đạt 25,08 tỷ USD, giảm 13,6% so với tháng trước và giảm 21,3% so với cùng kỳ năm trước. Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu tháng 01/2023, nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 89%.

Trong tháng 1/2023, có 7 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên, chiếm 66,6% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 01/2023 ước đạt 21,48 tỷ USD, giảm 21,3% so với tháng trước và giảm 28,9% so với cùng kỳ năm trước. Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu tháng 01/2023, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 93%.

Cả nước xuất khẩu được trên 25 tỷ USD trong tháng 1/2023
Tháng 01/2023, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 7,6 tỷ USD

Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 01/2023, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 7,6 tỷ USD; Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 8,1 tỷ USD.

Cán cân thương mại hàng hóa tháng 01/2023 ước tính xuất siêu 3,6 tỷ USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 1,04 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 4,64 tỷ USD.

Đánh giá về tình hình xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2023, Tổng cục Thống kê cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế có thể phải đối mặt với lạm phát và thực trạng suy thoái kinh tế ở hầu hết các quốc gia, nhu cầu tiêu dùng toàn cầu suy giảm sẽ tác động bất lợi đến hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam.

Đồng thời, với thực trạng xu hướng xuất, nhập khẩu của quý IV/2022 đã có dấu hiệu suy giảm, các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu bị sụt giảm đơn hàng, dẫn tới cả nhập khẩu và xuất khẩu đều sụt giảm. Dự báo năm 2023, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tiếp tục gặp khó khăn.

Nhận định từ Bộ Công Thương cũng cho thấy, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Diễn biến xung đột tại Ukraine, tình hình kiểm soát lạm phát của các quốc gia nhập khẩu, diễn biến kinh tế ở các thị trường có quy mô nhập khẩu lớn trên thế giới.

Tuy nhiên, với việc thực thi lộ trình cắt giảm thuế quan theo các hiệp định thương mại tự do (FTA) và việc đẩy mạnh chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội sẽ là động lực thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu. Thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài tích cực cũng sẽ là động lực tạo thêm năng lực sản xuất mới cho xuất khẩu trong năm 2023.

Một trong những chỉ tiêu mà ngành Công Thương đưa ra trong năm 2023 là kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tăng khoảng 6%; cán cân thương mại duy trì trạng thái thặng dư.

Theo Bộ Công Thương, để đạt được mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tăng khoảng 6% trong năm 2023, các doanh nghiệp cần chủ động nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu lân cận.

Cùng với đó, Bộ Công Thương sẽ tăng cường khai thác các thị trường lân cận còn tiềm năng, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu để thúc đẩy xuất khẩu bền vững.

Ngoài ra, Bộ sẽ đổi mới phương thức xúc tiến thương mại, phát triển hạ tầng số, nhằm đẩy mạnh phân phối hàng hóa thông qua các kênh thương mại điện tử./.