TS. Nguyễn Ánh Minh

Nguyễn Minh Hoài

Trịnh Công Phú

Nguyễn Phương Quyên

ThS. Nguyễn Lê Mẫn

Khoa Khoa học – Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Cần Thơ

Tóm tắt

Đối với Trường Đại học Cần Thơ, việc duy trì và phát triển một hệ thống truyền thông hiệu quả không chỉ giúp kết nối giữa nhà trường và sinh viên, mà còn là cầu nối quan trọng với cộng đồng và các đối tác bên ngoài. Nghiên cứu này nhằm đánh giá hiệu quả các hoạt động truyền thông của đơn vị truyền thông của Trường Đại học Cần Thơ (CTU Media). Thông qua khảo sát đối với 250 sinh viên Trường Đại học Cần Thơ, nghiên cứu đã chỉ ra 5 yếu tố tác động đến hiệu quả của các hoạt động truyền thông của CTU Media, bao gồm: Chất lượng nội dung; Hiệu quả tương tác và phản hồi; Năng lực chuyên môn; Chất lượng kỹ thuật và Khả năng tiếp cận thông tin. Dựa trên kết quả này, nghiên cứu đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động của CTU Media trong thời gian tới.

Từ khóa: các yếu tố ảnh hưởng, truyền thông, hiệu quả, Trường Đại học Cần Thơ

Summary

At Can Tho University, maintaining and developing an effective communication system not only helps connect the school and students but also serves as an important bridge with the community and external partners. This study aims to evaluate the effectiveness of communication activities of the communication unit of Can Tho University (CTU Media). Through a survey of 250 students of Can Tho University, the study identified 5 factors affecting the effectiveness of communication activities of CTU Media, including Content quality; Interaction and response effectiveness; Professional competence; Technical quality, and Access ability to information. Based on these results, the study proposes several solutions to contribute to enhancing the effectiveness of CTU Media’s operations in the coming time.

Keywords: influencing factors, communication, effectiveness, Can Tho University

ĐẶT VẤN ĐỀ

Những năm gần đây, truyền thông ngày càng trở thành một công cụ quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh và nâng cao uy tín của các trường đại học. Với bề dày lịch sử của Trường Đại học Cần Thơ, xây dựng và phát triển một hệ thống truyền thông hiệu quả không chỉ giúp tăng cường sự kết nối giữa nhà trường và sinh viên, mà còn đóng vai trò cầu nối chiến lược với cộng đồng và các đối tác bên ngoài. CTU Media, đơn vị truyền thông chính thức của Trường, chịu trách nhiệm triển khai các chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao sự tham gia, cũng như nhận thức của sinh viên đối với các hoạt động học tập và ngoại khóa, góp phần tạo nên sự gắn kết chặt chẽ, bền vững giữa nhà trường và các bên liên quan.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, hoạt động truyền thông của CTU Media vẫn đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là trong việc đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao về chất lượng và khả năng tiếp cận thông tin từ phía sinh viên. Mức độ tương tác giữa sinh viên với nhà trường thông qua các kênh truyền thông hiện tại còn hạn chế, gây khó khăn trong việc thu thập phản hồi và cải tiến kịp thời. Đồng thời, cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho hoạt động truyền thông cũng chưa được đầu tư đầy đủ, ảnh hưởng đến chất lượng của thông tin được truyền tải. Vì vậy, nghiên cứu và đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả các hoạt động truyền thông của CTU Media trở nên cấp thiết. Qua đó, tìm ra những giải pháp phù hợp nhằm tối ưu hóa hiệu quả truyền thông, góp phần vào việc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo tại Trường Đại học Cần Thơ.

CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ MÔ HÌNH NGHIÊN CỨU

Cơ sở lý thuyết

Theo định nghĩa của Hoàng Phê (1996) trong Từ điển Tiếng Việt, hiệu quả là kết quả như yêu cầu của việc làm mang lại. Theo đó, hiệu quả là một khái niệm luôn gắn liền với một việc làm, một hoạt động nhất định. Nói đến hiệu quả là nói đến kết quả mang lại của một việc làm, một hoạt động so với yêu cầu nêu ra (Vũ Trọng Rỹ, 2018).

Peter Drucker, một trong những nhà lý thuyết quản trị nổi tiếng thế giới, trong tác phẩm “Nhà quản trị hiệu quả” (The Effective Executive) xuất bản năm 1967 đã định nghĩa hiệu quả là “làm đúng việc” (doing the right things). Quan điểm này mở rộng khái niệm hiệu quả không chỉ dựa trên kết quả, mà còn bao gồm cả quá trình liên tục cải tiến, hoàn thiện các phương pháp và đảm bảo sự linh hoạt trong việc thực hiện các nhiệm vụ. Như vậy, hiệu quả có thể được nhìn nhận như một quá trình phát triển liên tục, luôn điều chỉnh và cải thiện để đáp ứng tốt hơn các yêu cầu thay đổi trong môi trường làm việc (Peter Drucker, 1967).

Dựa trên các khái niệm này, có thể thấy rằng, hiệu quả không chỉ là đạt được mục tiêu, mà còn là quá trình tối ưu hóa nguồn lực và quản lý thời gian một cách thông minh. Trong bối cảnh hiện đại, hiệu quả còn thể hiện qua khả năng thích ứng, linh hoạt và biết ưu tiên trong công việc, tạo ra một môi trường làm việc tích cực và bền vững. Hiệu quả không chỉ đơn thuần là kết quả cuối cùng, mà còn là một chu trình hoàn thiện liên tục về cả kỹ năng, phương pháp và sự phối hợp giữa các yếu tố trong tổ chức. Việc đánh giá hiệu quả các hoạt động truyền thông trong một tổ chức có vai trò quan trọng trong việc tối ưu hóa nguồn lực truyền thông và tăng cường mức độ ảnh hưởng của hệ thống này.

Khi xem xét các hoạt động trong một tổ chức như một xã hội thu nhỏ, dòng lý thuyết cấu trúc – chức năng nhấn mạnh rằng, xã hội là một hệ thống phức tạp được cấu thành từ nhiều bộ phận, mỗi bộ phận đảm nhiệm một chức năng cụ thể để duy trì sự cân bằng và ổn định của toàn hệ thống. Với mối quan hệ tương hỗ như vậy, những thay đổi ở một bộ phận sẽ kéo theo thay đổi ở các bộ phận khác (Nguyễn Tuấn Anh, 2016). Trong lĩnh vực truyền thông, lý thuyết này chỉ ra vai trò quan trọng của các phương tiện truyền thông trong việc duy trì xã hội thông qua cung cấp thông tin, giải trí và giáo dục.

Nghiên cứu về hoạt động truyền thông của CTU Media cho thấy, hệ thống này phụ thuộc vào sự phối hợp nhịp nhàng giữa các thành tố, như: quản lý, nhân sự, cơ sở vật chất. Nếu các yếu tố này hoạt động ổn định, hiệu quả truyền thông sẽ được nâng cao; ngược lại, nếu có hạn chế, hiệu quả sẽ giảm đi đáng kể. Các nghiên cứu về vấn đề này đã chỉ ra rằng, có 5 yếu tố chính ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động truyền thông, bao gồm: Chất lượng nội dung; Hiệu quả tương tác và phản hồi; Năng lực chuyên môn của đội ngũ truyền thông; Chất lượng kỹ thuật và Khả năng tiếp cận thông tin (La Thuy Linh và Le Phong Le, 2023). Ngoài ra, hiệu quả truyền thông còn phụ thuộc vào mức độ tin cậy và sự quan tâm của đối tượng tiếp nhận đối với các thông tin được truyền tải (Lê Thùy Hương, Phạm Thị Thu Thủy, 2017).

Mô hình nghiên cứu

Trên cơ sở kế thừa các nghiên cứu có liên quan, nhóm tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động truyền thông của CTU Media tại trường Đại học Cần Thơ như Hình 1.

Hình 1: Mô hình nghiên cứu đề xuất

Các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của đơn vị truyền thông tại Trường Đại học Cần Thơ (CTU Media)
Nguồn: Nhóm tác giả đề xuất

Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu kết hợp phương pháp định lượng và định tính để thu thập dữ liệu. Dữ liệu thứ cấp liên quan đến quá trình hình thành và phát triển của Trường Đại học Cần Thơ được thu thập thông qua các báo cáo. Sau khi thu thập và phân tích dữ liệu thứ cấp, bước tiếp theo là thu thập dữ liệu sơ cấp tại địa bàn nghiên cứu. Cụ thể, đối với dữ liệu định lượng, nghiên cứu tiến hành khảo sát 250 sinh viên Trường Đại học Cần Thơ bằng phương pháp chọn mẫu thuận tiện trong thời gian từ tháng 6-8/2024. Đối tượng khảo sát bao gồm sinh viên các khóa 46, 47,48 và 49 của Trường, trong đó, đặc biệt tập trung vào sinh viên khóa 49 – nhóm sinh viên mới tiếp cận vào các hoạt động truyền thông của CTU Media trong năm học 2023-2024. Bên cạnh đó, các vị trí chủ chốt từ CTU Media, như: trưởng nhóm, thành viên chủ chốt, lãnh đạo và cố vấn cũng được lựa chọn cho các cuộc phỏng vấn sâu.

Phiếu khảo sát được thiết kế với 2 phần chính, gồm thông tin chung và các chỉ báo cụ thể, sử dụng thang đo Likert 5 mức để đánh giá. Ngoài ra, dữ liệu định tính được thu thập qua phỏng vấn sâu với 14 đáp viên, bao gồm: các trưởng nhóm, thành viên chủ chốt, lãnh đạo và cố vấn của CTU Media. Phương pháp chọn mẫu có chủ đích được áp dụng để đảm bảo tính phù hợp của đối tượng nghiên cứu. Dữ liệu thu thập được làm sạch và xử lý bằng phần mềm SPSS 20. Các phương pháp thống kê mô tả, phân tích nhân tố khám phá (EFA) và hồi quy tuyến tính được sử dụng để phân tích. Dữ liệu định tính từ phỏng vấn sâu được mã hóa và phân tích nội dung để bổ trợ cho kết quả định lượng, giúp nghiên cứu có cái nhìn toàn diện hơn.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Mức độ đáp ứng nhu cầu của các sản phẩm truyền thông từ CTU Media

Các sản phẩm truyền thông được liệt kê bao gồm: tin tức đăng trên website trường (cả tiếng Việt và tiếng Anh), bài viết trên Facebook, video ngắn trên Facebook (Reels), video trên TikTok, các buổi Livestream, bản tin CTU và chương trình Gương mặt CTU (CTU Talents). Đây đều là những kênh truyền thông chính thức của Trường và tiếp cận tốt với người sử dụng. Mức độ đáp ứng nhu cầu của từng sản phẩm truyền thông được thể hiện trong Bảng 2.

Bảng 1: Mức độ đáp ứng nhu cầu của các sản phẩm truyền thông

Sản phẩm truyền thông

Giá trị trung bình (Mean)

Ý nghĩa

Tin tức đăng trên website Trường (tiếng Việt)

3,90

Đáp ứng

Tin tức đăng trên website Trường (tiếng Anh)

3,65

Đáp ứng

Bài viết trên Facebook

4,02

Đáp ứng

Video ngắn (Reels) trên Facebook

3,86

Đáp ứng

Video trên Tiktok

3,91

Đáp ứng

Các buổi Livestream

3,57

Đáp ứng

Bản tin CTU (CTU News)

3,87

Đáp ứng

Gương mặt CTU (CTU Talents)

3,79

Đáp ứng

Nguồn: Kết quả khảo sát

Kiểm định hệ số Cronbach’s Alpha

Để đảm bảo độ tin cậy của thang đo khi đưa vào phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả truyền thông của CTU Media, nghiên cứu tiến hành kiểm định độ tin cậy của thang đo Cronbach’s Alpha. Sau khi kiểm định lần 1, tác giả đã loại bỏ biến HQ4 (CTU Media thường tổ chức các hoạt động tương tác với sinh viên) với hệ số tương quan biến tổng là 0,072. Kết quả kiểm định độ tin cậy thang đo về các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả truyền thông của CTU Media với 22 biến thuộc 5 nhóm nhân tố cho thấy, hệ số Cronbach’s Alpha của các nhân tố đều cao (> 0,6), hệ số tương quan biến tổng dao động trong khoảng từ 0,443-0,827 (biến nhỏ nhất là ND5 = 0,443), đều ≥ 0,3, đủ điều kiện tiếp tục đưa vào phân tích EFA.

Phân tích EFA

Kết quả phân tích EFA (Bảng 2) với chỉ số KMO = 0,858, nghĩa là việc phân tích nhân tố hoàn toàn phù hợp. Giá trị kiểm định Bartlett có ý nghĩa với Sig.= 0,000, chứng tỏ các biến quan sát có sự tương quan với nhau xét trên phạm vi tổng số các quan sát. Đồng thời, mức giá trị Eigenvalue là 1,189 (>1), 21 biến được nhóm vào trong 5 nhóm yếu tố với tổng phương sai trích là 68,923% (≥ 50%), nghĩa là khả năng sử dụng 5 nhóm yếu tố này để giải thích cho 21 biến quan sát ban đầu là 68,923%.

Kết quả phân tích hình thành 5 nhóm yếu tố mới có ảnh hưởng đến hiệu quả truyền thông của CTU Media. Yếu tố thứ nhất được hình thành với 5 biến quan sát có mối tương quan với nhau, gồm: ND4, ND2, ND3, ND1, ND5, liên quan đến Chất lượng nội dung (ND) và đặt là F1 trong phân tích hồi quy tuyến tính. Yếu tố thứ hai được hình thành với 3 biến quan sát có mối tương quan là: HQ1, HQ3, HQ2, liên quan đến Hiệu quả tương tác và phản hồi (HQ) và đặt là F2 trong phân tích hồi quy tuyến tính. Yếu tố thứ ba là Năng lực chuyên môn (NL) và được đặt là F3 trong phân tích hồi quy tuyến tính, bao gồm 5 biến quan sát: NL5, NL4, NL1, NL2, NL3 có mối tương quan với nhau. Yếu tố thứ tư là Chất lượng kỹ thuật bao gồm 4 biến: KT1, KT2, KT4, KT3. Yếu tố thứ năm là Khả năng tiếp cận thông tin gồm 4 biến quan sát: KN3, KN2, KN1, KN5, được đặt là F5 trong phân tích hồi quy tuyến tính. Từ đó, tác giả hiệu chỉnh lại mô hình nghiên cứu trong việc đánh giá hiệu quả truyền thông của CTU Media.

Bảng 2: Kết quả phân tích EFA

Biến quan sát

Nhân tố

F1

F2

F3

F4

F5

ND4: Các sản phẩm của CTU Media mang tính sáng tạo và mới mẻ.

0,785

ND2: Bài viết của CTU Media cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết.

0,751

ND3: Thông tin cho CTU Media cập nhật kịp thời và nhanh chóng.

0,744

ND1: Nội dung truyền tải của CTU Media phong phú và hấp dẫn

0,743

ND5: Nội dung của CTU Media phù hợp với nhu cầu và sở thích

0,535

HQ1: CTU Media phản hồi nhanh chóng với các câu hỏi và bình luận của người theo dõi.

0,905

HQ3: Người theo dõi thoải mái và dễ dàng khi đưa ra ý kiến và bình luận trên các kênh truyền thông của CTU Media.

0,904

HQ2: Ý kiến của người được CTU Media lắng nghe và tôn trọng.

0,898

NL5: Thiết kế đáp ứng được các yêu cầu về hình ảnh và đồ họa chất lượng của ấn phẩm truyền thông.

0,773

NL4: Biên tập có khả năng phân tích và tổng hợp thông tin tốt

0,740

NL1: Cách làm việc và tổ chức các hoạt động truyền thông mang lại hiệu quả cao

0,635

NL2: Kỹ thuật đáp ứng yêu cầu quay và hậu kỳ cho các sản phẩm truyền thông.

0,597

NL3: Nội dung sáng tạo và có kiến thức sâu rộng về các chủ đề được trình bày

0,537

KT1: Hình ảnh và âm thanh trong các sản phẩm truyền thông của CTU Media có chất lượng cao.

0,733

KT2: Hệ thống kỹ thuật trong các buổi livestream được CTU Media thực hiện ổn định.

0,731

KT4: Ánh sáng và góp quay trong các video của CTU Media có chất lượng tốt.

0,707

KT3: CTU Media cung cấp đầy đủ nguồn và dẫn chứng cho thông tin.

0,638

KN3: Thông tin từ CTU Media dễ hiểu và dễ theo dõi.

0,692

KN2: Các kênh truyền thông của CTU Media (Facebook, TikTok, Instagram) dễ dàng truy cập.

0,685

KN1: Thông tin từ CTU Media có thể tìm kiếm dễ dàng.

0,684

KN5: Người theo dõi có thể dễ dàng nhận thông báo về sự kiện và thông tin mới từ CTU Media.

0,593

Eigenvalue

5,359

2,395

1,816

1,220

1,189

Phương sai trích

30,281

11,408

8,648

5,811

5,662

Cronbach’s Alpha

0,817

0,911

0,794

0,732

0,717

Tổng phương sai trích (%) = 61,809 ≥ 50%

Sig. Bartlett = 0,000

Nguồn: Xử lý dữ liệu SPSS

Phân tích hồi quy

Nhằm xác định mức độ tác động của 5 biến độc lập (F1: Chất lượng nội dung, F2: Hiệu quả tương tác và phản hồi, F3: Năng lực chuyên môn, F4: Chất lượng kỹ thuật, F5: Khả năng tiếp cận thông tin) tới biến phụ thuộc là Hiệu quả truyền thông của CTU Media, nghiên cứu tiến hành phân tích hồi quy để đưa những kết luận về tác động của các biến độc lập đối với biến phụ thuộc.

Kết quả phân tích hồi quy (Bảng 3) cho thấy, hệ số R² = 0,515 và R² hiệu chỉnh = 0,505, chỉ ra rằng, mô hình này giải thích được 50,5% sự biến thiên của hiệu quả truyền thông, trong khi 49.5% còn lại là do các yếu tố khác ngoài mô hình. Giá trị Durbin – Watson là 1,889, cho thấy mô hình không có hiện tượng tự tương quan. Các giá trị VIF đều

Bảng 3: Kết quả phân tích hồi quy tuyến tính của từng biến

Nhân tố

Hệ số hồi quy chưa chuẩn hóa

Hệ số hồi quy chuẩn hóa

Giá trị t

Sig.

Thống kê cộng tuyến

Hằng số

B

Sai số chuẩn

Beta

Độ chấp nhận

VIF

F1: Chất lượng nội dung

0,189

0,040

0,240

4,776

0,000

0,786

1,272

F2: Hiệu quả tương tác và phản hồi

0,096

0,023

0,190

4,146

0,000

0,942

1,062

F3: Năng lực chuyên môn

0,126

0,053

0,136

2,368

0,019

0,605

1,652

F4: Chất lượng kỹ thuật

0,135

0,050

0,141

2,692

0,008

0,721

1,386

F5: Khả năng tiếp cận thông tin

0,301

0,055

0,323

5,497

0,000

0,575

1,739

Sig.F

0,000

Hệ số R2

0,515

Hệ số R2 hiệu chỉnh

0,505

Hệ số Durbin – Watson

1,889

Nguồn: Xử lý dữ liệu SPSS

Phương trình hồi quy chuẩn hóa được thể hiện như sau:

Y = 0,323*F5 + 0,240*F1 + 0,190*F2+ 0,141*F4 + 0,136*F3

Kết quả chuẩn hóa cho thấy, biến F5 (Khả năng tiếp cận thông tin) có ảnh hưởng mạnh nhất đến sự hài lòng của sinh viên. Khi khả năng tiếp cận thông tin tăng một đơn vị, hiệu quả truyền thông sẽ tăng thêm 0,323 đơn vị. Biến F1 (Chất lượng nội dung) đóng vai trò quan trọng thứ hai trong việc cải thiện hiệu quả truyền thông. Việc đảm bảo chất lượng nội dung phù hợp với nhu cầu của người xem sẽ giúp tăng cường hiệu quả truyền thông. Biến F2 (Hiệu quả tương tác và phản hồi) nhấn mạnh tầm quan trọng của tương tác hai chiều giữa CTU Media và người xem, cho thấy việc tăng cường phản hồi và xử lý thông tin từ người theo dõi sẽ góp phần cải thiện quá trình truyền thông. Biến F4 (Chất lượng kỹ thuật) và F3 (Năng lực chuyên môn) cũng có tác động tích cực, mặc dù mức độ ảnh hưởng không lớn bằng các yếu tố còn lại, nhưng vẫn góp phần vào việc cải thiện tổng thể hiệu quả truyền thông.

Kết quả nghiên cứu khẳng định rằng, khả năng tiếp cận thông tin, chất lượng nội dung và tương tác phản hồi là những yếu tố chính quyết định hiệu quả truyền thông của CTU Media. 5 yếu tố tác động mạnh đến hiệu quả truyền thông của CTU Media xếp từ cao xuống thấp là: Khả năng tiếp cận thông tin; Chất lượng nội dung; Hiệu quả tương tác và phản hồi; Chất lượng kỹ thuật và Năng lực chuyên môn. Cả 5 yếu tố này giải thích được 50,5% biến thiên của hiệu quả truyền thông và có 49,5% sự biến thiên còn lại được giải thích bởi các biến khác.

KẾT LUẬN VÀ ĐỀ XUẤT

Kết quả nghiên cứu đã xác định được 5 yếu tố tác động mạnh đến Hiệu quả truyền thông của CTU Media theo mức độ giảm dẩn là: Khả năng tiếp cận thông tin; Chất lượng nội dung; Hiệu quả tương tác và phản hồi; Chất lượng kỹ thuật và Năng lực chuyên môn. Qua đó, có thể thấy hoạt động truyền thông của CTU Media đang phát huy tốt được vai trò của mình. Trên cơ sở kết quả này, nhóm tác giả đề xuất một số hàm ý quản trị nhằm khắc phục những hạn chế và nâng cao hơn nữa hiệu quả truyền thông của CTU Media trong thời gian tới, cụ thể như sau:

Khả năng tiếp cận thông tin

CTU Media cần phải mở rộng và đa dạng hóa các kênh truyền thông, từ các phương tiện truyền thống đến các nền tảng trực tuyến và mạng xã hội, nhằm tiếp cận đông đảo đối tượng và tăng cường sự tương tác. Bên cạnh đó, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và công nghệ hiện đại sẽ đảm bảo nội dung được truyền tải chất lượng và nhanh chóng hơn. Việc tăng cường tương tác trên các nền tảng số sẽ giúp mở rộng phạm vi ảnh hưởng và tạo dựng mối quan hệ bền vững với công chúng.

Chất lượng nội dung

Để nâng cao chất lượng nội dung và hiệu quả truyền thông, CTU Media cần phát triển một chiến lược nội dung rõ ràng và nhất quán, đồng thời, tập trung vào việc sáng tạo nội dung hấp dẫn và phù hợp với nhu cầu và mong đợi của người theo dõi. Sử dụng dữ liệu và phân tích xu hướng để cung cấp thông tin đúng thời điểm và theo cách mà khán giả mong đợi là yêu cầu quan trọng. Nội dung không chỉ cung cấp giá trị, mà còn phải có sức hút, dễ tiếp cận và mang tính tương tác cao.

Hiệu quả tương tác và phản hồi

Về hiệu quả truyền thông, CTU Media cần tập trung nâng cao kỹ năng tương tác, đáp ứng nhanh chóng và linh hoạt đối với các phản hồi từ khán giả. Việc dự báo và xử lý các yếu tố “nhiễu” có thể ảnh hưởng đến quá trình truyền thông là vô cùng cần thiết, nhằm đảm bảo tính liền mạch và hiệu quả của thông điệp truyền thông. Đồng thời, việc theo dõi và hỗ trợ sau phản hồi cũng giúp duy trì mối quan hệ chặt chẽ với khán giả, tối ưu hoá quy trình sản xuất nội dung bằng cách tự động hoá và sử dụng các công cụ phân tích dữ liệu để hiểu rõ hơn về nhu cầu của người dùng.

Chất lượng kỹ thuật

Đối với việc nâng cao chất lượng kỹ thuật và hiệu quả truyền thông của CTU Media, việc áp dụng các giải pháp công nghệ hiện đại và liên tục cập nhật thiết bị truyền thông là vô cùng cần thiết. Đẩy mạnh việc đào tạo và phát triển kỹ năng cho đội ngũ kỹ thuật, xây dựng một nhóm sáng tạo nội dung có khả năng sản xuất những chương trình chất lượng và lan tỏa cao sẽ giúp tăng cường hiệu quả truyền thông. Bên cạnh đó, cần triển khai hệ thống quản lý chất lượng toàn diện, bao gồm cả việc kiểm tra và đảm bảo chất lượng nội dung trước khi phát sóng, từ đó, sẽ giúp nâng cao tiêu chuẩn chung của sản phẩm truyền thông.

Năng lực chuyên môn

Phát triển năng lực chuyên môn là yếu tố then chốt để nâng cao hiệu quả truyền thông. CTU Media cần tổ chức các chương trình đào tạo để nâng cao kỹ năng công nghệ thông tin, an ninh mạng và kiến thức nghiệp vụ truyền thông số cho đội ngũ nhân viên. Các hoạt động tập huấn, hội thảo chuyên đề cũng cần được triển khai để nhân viên cập nhật kiến thức mới nhất và nâng cao chuyên môn. Việc xác định và khắc phục những thách thức về nguồn nhân lực đảm bảo rằng, đội ngũ làm việc tại CTU Media có đủ kiến thức và kỹ năng để đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh chuyển đổi số cũng là một nhiệm vụ quan trọng./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Andrew C. McMilan (2021), Why communication skills are essential in college, United Nations Educational, Scientific and Cutural Organization (UNESCO).

2. Ban chấp hành Trung ương (2013), Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) về Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

3. Hoàng Phê (1996), Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng.

4. La Thuy Linh and Le Phong Le (2023), Enhancing the efficiency of communication programs for student enrollment at Universities through recipient feedback, Dalat University Journal of Science, 13(3), 33-50, Doi: https://doi.org/10.37569/Dalat University.13.3.980 (2023).

5. Lê Thùy Hương, Phạm Thị Thu Thủy (2017), Ảnh hưởng của truyền thông qua mạng xã hội tới giá trị thương hiệu của doanh nghiệp, Kỷ yếu hội thảo Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.

6. Melissa Howard (2020), Effective Communication in Higher Education, Havard University.

7. Ngô Xuân Hiếu (2021), Nâng cao hiệu quả của hoạt động truyền thông tuyển sinh trực tuyến tại Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, số 47/2021.

8. Nguyễn Thị Lan Hương (2021), Nâng cao hiệu quả truyền thông trong giáo dục đại học tại Việt Nam, Tạp chí khoa học Trường Đại học Văn Lang, số 05/2021.

9. Nguyễn Tuấn Anh và cộng sự (2016), Giáo trình Xã hội học đại cương, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.

10. Phạm Thị Minh Khuyên và Ma Thị Thu Thủy (2018), Truyền thông thương hiệu trường đại học trong thời kỳ giáo dục đổi mới tại Việt Nam, Tạp chí Công thương, Số 4, Tháng 4/2018, 192-198.

11. Peter F. Drucker (1967), The Effective Executive, HarperCollins Publishers.

12. Trần Văn Bình (2022), Ứng dụng công nghệ thông tin trong truyền thông giáo dục đại học, Tạp chí khoa học Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, số 14/2022.

13. Vũ Trọng Rỹ (2018), Tiêu chí đánh giá chất lượng và hiệu quả sử dụng thiết bị dạy học ở trường phổ thông, Tạp chí Khoa học Giáo dục Việt Nam, số 1, tháng 01/2018, Doi: http://lib.yhn.edu.vn/bitstream/YHN/22487/1/N691.pdf.

Ngày nhận bài: 21/9/2024; Ngày phản biện: 03/10/2024; Ngày duyệt đăng: 21/10/2024