Phát biểu tại buổi làm việc của Đoàn giám sát của Quốc hội về giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” với Bộ Công an, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp, Tổ trưởng Tổ công tác, Đoàn giám sát của Quốc hội Nguyễn Công Long cho biết, Bộ Công an đã thực hiện nghiêm túc thực hiện các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đặc biệt, trong công tác quản lý, khai thác, sử dụng biển số xe ô tô giai đoạn 2016-2021, Bộ Công an đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, theo Văn phòng Quốc hội.

Cách nào phòng chống tiêu cực liên quan đến biển số “đẹp”?
Tổ trưởng Tổ công tác, Đoàn giám sát của Quốc hội Nguyễn Công Long đề nghị Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành liên quan khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện đề án và hồ sơ về dự án Nghị quyết quy định về cơ chế thí điểm cấp biển số ô tô qua bán đấu giá (ảnh: Quốc hội)

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, mảng công tác trên vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, vướng mắc. Trong đó, về cấp biển số phương tiện, vướng mắc nhất hiện nay là pháp luật chưa có quy định đồng bộ về quản lý, khai thác kho số phục vụ quản lý nhà nước. Luật Giao thông đường bộ 2008 và các văn bản hướng dẫn chưa coi biển số xe là một loại tài sản, mà chỉ coi biển số xe là “tài liệu của cơ quan nhà nước”. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, thì “kho số quản lý phương tiện giao thông vận tải” là một loại tài sản công.

Do các văn bản pháp luật hiện hành chưa đồng bộ (Bộ luật Dân sự; Luật Bán đấu giá tài sản, Luật Giao thông đường bộ; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công…), nên chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện việc cấp biển số xe qua bán đấu giá, biển số phương tiện vẫn chỉ được cấp theo thủ tục thông thường.

Trong khi đó, thực tế cho thấy, nhiều cá nhân, tổ chức tư nhân có nhu cầu và mong muốn được đăng ký biển số ô tô, mô tô có các ký tự đặc biệt (như: dãy số cuối có các số trùng nhau toàn bộ, dãy số cuối có các số trùng nhau lặp lại, dãy số cuối có các số thứ tự liên tiếp tăng dần…). Để có được biển số đăng ký theo sở thích, các cá nhân, tổ chức phải bỏ ra số tiền lớn để mua lại xe ô tô, mô tô đã đăng ký hoặc bằng các cách thức khác để đăng ký được biển số “đẹp”. Điều này làm lãng phí rất lớn đến việc khai thác kho phương tiện giao thông, không đáp ứng được yêu cầu của người dân, vừa dễ làm phát sinh tiêu cực và gây hồ nghi trong dư luận nhân dân.

Để khắc phục tình trạng trên, Tổ công tác đề nghị Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành liên quan khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện đề án và hồ sơ về dự án Nghị quyết quy định về cơ chế thí điểm cấp biển số ô tô qua bán đấu giá; đồng thời đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định của các luật liên quan, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật…/.