Cái giá EU phải trả khi giảm lệ thuộc vào khí đốt từ Nga

EU muốn “đoạn tuyệt” với năng lượng hóa thạch Nga trước năm 2030. (Nguồn: Erma.eu)

Bối cảnh và mục tiêu ra đời REPowerEU

Tổng quan kế hoạch REPowerEU cho thấy lộ trình rất bài bản của EU, nhưng các chuyên gia thuộc Tạp chí Năng lượng Balkan (BENC) của Serbia đánh giá, sẽ rất khó thực hiện và nếu cố tình thực hiện, EU sẽ phải trả giá đắt. Các quốc gia thành viên cần sử dụng trợ cấp để giảm thiểu tác động đối với các hộ gia đình cũng như doanh nghiệp và một trong những nguồn thu về là đánh thuế lợi nhuận. Trong bối cảnh chuyển đổi năng lượng, đây có thể là một cú hích đối với năng lượng tái tạo, nhưng cũng là một bước lùi do gia tăng nhà máy điện than.

REPowerEU là kế hoạch chính thức được Ủy ban châu Âu (EC) trình bày hôm thứ Ba (8/3). Theo kế hoạch, lượng khí đốt của Nga mà EU nhập khẩu có thể giảm 2/3 vào cuối năm nay và sự lệ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch Nga có thể chấm dứt trước năm 2030, với chi phí ước khoảng 750 tỷ EUR.

Các biện pháp bao gồm mục tiêu lấp đầy 90% cho kho chứa khí vào ngày 1 tháng 10; đa dạng hóa nguồn cung cấp khí; đặt nhiều pin mặt trời trên mái nhà, máy bơm nhiệt và tiết kiệm năng lượng, khử cacbon trong ngành bằng điện và hydro tái tạo, tăng tốc triển khai các nhà máy điện tái tạo, và tăng sản xuất biomethane… Ngoài ra, EU còn thực hiện một kế hoạch tương tự với chi phí 750 tỷ EUR cho việc khắc phục đại dịch do Covid-19 gây ra.

Theo phân tích được Reuters công bố, EU có thể cắt giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga, nhưng những thay đổi sẽ rất lớn và chi phí cũng rất cao. Reuters lưu ý, EU đã thông qua kế hoạch gói kích thích 750 tỷ EUR cho các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch và nay lại thêm kế hoạch REPowerEU sẽ phải cần tới nguồn vốn tương tự. Hai tổ chức năng lượng tái tạo của EU là WindPower Europe và SolarPower Europe cho rằng, họ tin ngành công nghiệp năng lượng có thể cung cấp những gì được yêu cầu, nhưng phải có một khuôn khổ pháp lý thích hợp.

Cái giá EU phải trả khi giảm lệ thuộc vào khí đốt từ Nga

Kế hoạch REPowerEU của EU ra đời ngay sau khi chiến sự tại Ukraine diễn biến phức tạp (Nguồn: Moderndiplomacy)

Chi phí tìm nguồn cung khác không hề nhỏ

Theo REPowerEU, EC dự định thay thế 70% lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga bằng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), dự trữ khí đốt, nhập khẩu qua đường ống từ Bắc Phi và Azerbaijan, tiết kiệm năng lượng, cũng như thay thế các nhà máy điện khí bằng than, năng lượng hạt nhân, và năng lượng xanh. EC dự định giảm nhập khẩu khí đốt từ Nga 112 tỷ mét khối vào cuối năm nay, trong đó họ có kế hoạch đảm bảo 50 tỷ mét khối thông qua nhập khẩu LNG. Cần lưu ý, EU với 27 quốc gia hiện nay, thường phải dùng khoảng 90% lượng khí đốt nhập từ các nước ngoài và Nga chiếm 45% thị phần trong số này. Ngoài ra EU có 25% cổ phần trong các chuyến hàng dầu sắp tới và 45% cổ phần trong than nhập ngoại.

Vấn đề ách tắc đầu tiên trong việc thực hiện kế hoạch REPowerEU là hạ tầng kết nối các cảng LNG của EU ở Anh, Pháp, Tây Ban Nha với phần còn lại của lục địa châu Âu rất yếu kém. Tuy nhiên, trở ngại chính đối với việc nhập khẩu LNG là đảm bảo đủ số lượng, vì vậy Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho rằng, mức tăng thêm 20 tỷ mét khối là hợp lý.

LNG đắt hơn khí đốt của Nga ngay cả trong trường hợp bình thường và hiện giá đã tăng gấp 10 lần trong năm qua. Theo phân tích, điều này đồng nghĩa, người tiêu dùng, cả hộ gia đình và doanh nghiệp, sẽ phải trả nhiều hơn cho năng lượng, gây ảnh hưởng đến mức sống của tất cả công dân châu Âu và khả năng cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp, khiến các chính phủ rơi vào tình thế khó khăn để điều hành.

Việc tăng nhập khẩu đường ống thêm 10 tỷ mét khối là có thể đạt được và một thỏa thuận với các nước Bắc Phi, Algeria chẳng hạn, có thể đảm bảo số lượng bổ sung. Ngoài ra, không khó để đưa ra nghĩa vụ lấp đầy 90% kho khí đốt của EU, chiếm 30% lượng tiêu thụ mùa đông, nhưng các nhà phân tích cảnh báo rằng một số kho chứa thuộc sở hữu của tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga. Lượng khí đốt có thể được tiết kiệm nếu công dân EU giảm nhiệt độ trên bộ điều nhiệt trong nhà của họ xuống 1 độ C. Nhưng vẫn còn phải xem người dân phản ứng thế nào với đề xuất nói trên.

Cái giá EU phải trả khi giảm lệ thuộc vào khí đốt từ Nga

LNG đắt hơn khí đốt của Nga ngay cả trong trường hợp bình thường, và hiện giá đã tăng gấp 10 lần trong năm qua (Nguồn: Time)

Thay nhà máy điện khí, gia tăng các nhà máy điện than và hạt nhân

Việc thay thế các nhà máy điện khí cũng có thể làm giảm nhập khẩu khí từ Nga. Để làm được điều đó, các quốc gia EU phải sử dụng than và các nhà máy điện hạt nhân, đồng thời lắp đặt các trang trại gió và nhà máy điện mặt trời mới. Tất cả bốn lĩnh vực này đều có những thách thức riêng. Chẳng hạn như, Đức dự định loại bỏ dần ba nhà máy hạt nhân còn lại – Emsland, Isar và Neckarwestheim vào cuối năm 2022, và việc loại bỏ dần các nhà máy điện than đang diễn ra ở nhiều nước.

Tuy nhiên, cách đây vài ngày, Phó Chủ tịch điều hành EC Frans Timmermans cho biết, các nước EU có thể trì hoãn giai đoạn bán than để tránh gián đoạn khí đốt nhập khẩu từ Nga. EU có kế hoạch thay thế 20 tỷ mét khối (bcm) khí với các trang trại gió mới và công suất quang điện mặt trời, nhưng IEA ước tính kết quả thực có thể đạt ngưỡng thấp hơn ba lần.

Cái giá EU phải trả khi giảm lệ thuộc vào khí đốt từ Nga

Việc thay thế các nhà máy điện khí có thể làm giảm nhập khẩu khí từ Nga. (Nguồn: Dailyenergyinsider)

Làm thế nào để đạt được mục tiêu năng lượng gió và mặt trời?

Theo EC, mục tiêu nói trên có thể đạt được nếu EU giải quyết vấn đề cấp phép, và đưa ra các khuôn khổ pháp lý phù hợp. EC gợi ý, mức bổ sung thêm 30 GW năng lượng gió, trên tổng số 450 GW mà các kịch bản khử cacbon đã đưa ra vẫn có thể được triển khai vào cuối năm 2030.

Nhưng theo WindEurope, điều quan trọng để đạt mục tiêu này chính là việc cấp phép. Theo WindEurope, EC cần hiểu các thủ tục cấp phép kéo dài và quá phức tạp là điểm nghẽn cho việc mở rộng năng lượng gió. WindEurope đã yêu cầu EC đảm bảo rằng các chính phủ quốc gia tuân thủ nhấn quán các quy tắc. Sở dĩ WindEurope băn khoăn về điều này là vì EU hiện chỉ đang xây dựng khoảng một nửa số trang trại gió mới, và chỉ muốn đạt mục tiêu 40% năng lượng tái tạo.

Theo SolarPower Europe, trong năm 2022 ngành năng lượng mặt trời EU triển khai trên 30 GW, còn kế hoạch RePowerEU đặt ra mục tiêu 420 GW cho công suất mặt trời bổ sung của EU vào năm 2030, nâng tổng lượng lắp đặt năng lượng mặt trời ở EU lên 565 GW. Kịch bản có khả năng xảy ra cao nhất theo SolarPower Europe dự báo vào năm 2030, EU sẽ đạt 672 GW năng lượng mặt trời, hoặc hơn 1 TW với điều kiện các khuôn khổ pháp lý phù hợp và được chính phủ các nước hỗ trợ ở mức cao nhất.

Cái giá EU phải trả khi giảm lệ thuộc vào khí đốt từ Nga

Để năng lượng điện và gió phát triển EU cần giải quyết các vướng mắc về cấp phép, và đưa ra các khuôn khổ pháp lý phù hợp (Nguồn:Euronews.)