Với sự tài trợ của Quỹ Quốc Tế Toshiba (TIFO), sáng ngày 3/3, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Trường Chính sách công – Đại học Tokyo (GraSPP) tổ chức Diễn đàn Nghiên cứu Việt Nam – Nhật Bản về “Động lực mới trong chuỗi cung ứng Châu Á – Thái Bình Dương giai đoạn hậu COVID-19: Hàm ý đối với hợp tác Nhật Bản – Việt Nam”.

CHUỖI CUNG ỨNG Ở KHU VỰC CHÂU Á – THÁI BÌNH DƯƠNG GẶP NHIỀU BIẾN ĐỘNG

Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đang có những thay đổi về trật tự khu vực, gắn với những xu hướng nổi bật về sự trỗi dậy của Trung Quốc, cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ. Nhiều nỗ lực thúc đẩy các liên kết chiến lược đã và đang diễn ra, trong khi khả năng ly khai về kinh tế, thương mại, công nghệ… giữa các siêu cường kinh tế đã được bàn thảo nhiều hơn. Nỗ lực thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư đan xen với cả cạnh tranh chiến lược, ngay cả trong quá trình thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do.

Mặt khác, Cách mạng công nghiệp 4.0 và kinh tế số vẫn đang có những chuyển biến như vũ bão, đã trở thành các nội dung của hợp tác quốc tế thay vì dừng lại ở cấp độ từng nền kinh tế. Các nước ở khu vực cũng đạt được đồng thuận cao hơn về phục hồi xanh và hợp tác chống biến đổi khí hậu. Bối cảnh đó rõ ràng ảnh hưởng đáng kể đến quá trình hội nhập kinh tế và phát triển chuỗi cung ứng ở khu vực ASEAN cũng như hợp tác về chuỗi cung ứng giữa ASEAN và Nhật Bản.

Hơn nữa, theo nhận định của TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM, từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát hồi cuối năm 2019, chúng ta đã phải đối mặt với không ít khó khăn và hệ lụy tiêu cực.

Trong đó, những cụm từ “gián đoạn”, “đứt gãy” chuỗi cung ứng thường xuyên được đề cập, gây ra nhiều quan ngại cho cộng đồng doanh nghiệp. Các biện pháp phòng chống dịch ở nhiều quốc gia đã ảnh hưởng trực tiếp đến lưu chuyển hàng hóa giữa các nền kinh tế và trong từng nền kinh tế. Cụ thể, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phải chịu nhiều hệ lụy nghiêm trọng do thiếu nguyên vật liệu, tăng giá và chi phí vận chuyển… Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp nhiều nước đã phải nghiên cứu, ban hành các biện pháp nhằm tăng cường khả năng kết nối và tăng sức chống chịu của chuỗi cung ứng. Theo đó, tư duy kết nối trong chuỗi không chỉ là “đúng sản phẩm – đúng số lượng – đúng nơi – đúng thời điểm” (Just in time), mà còn phải “phòng ngừa rủi ro” (Just in case).

Cải thiện hiệu quả hợp tác Việt Nam - Nhật Bản trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu
Theo các chuyên gia, việc phát huy hợp tác giữa các nền kinh tế ở khu vực, trong đó có Nhật Bản và Việt Nam, càng ngày càng trở nên quan trọng

Những cân nhắc trên càng làm cho chuỗi cung ứng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương gặp nhiều biến động hơn. Thời gian qua, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đã nỗ lực thúc đẩy hội nhập kinh tế sâu rộng, đặc biệt thông qua Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Những cuộc thảo luận về Khu vực Thương mại Tự do Châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP) và tương lai hậu covid-19 cũng đang được các nền kinh tế ở khu vực tích cực thảo luận. Dù vậy, thách thức cũng đan xen, khi các FTA này và những xu hướng mới (chuyển đổi số, phục hồi xanh) đều chứng kiến cạnh tranh chiến lược giữa giữa Mỹ và Trung Quốc.

CẢI THIỆN HIỆU QUẢ HỢP TÁC VIỆT NAM – NHẬT BẢN TRONG CHUỖI GIÁ TRỊ

Trước bối cảnh trên, việc phát huy hợp tác giữa các nền kinh tế ở khu vực, trong đó có Nhật Bản và Việt Nam, càng trở nên quan trọng.

“Trong nhiều năm qua, Nhật Bản và Việt Nam luôn nỗ lực thúc đẩy mối quan hệ chiến lược toàn diện sâu sắc. Tại các diễn đàn quốc tế, hai bên duy trì quan hệ hợp tác và ủng hộ lẫn nhau trên nhiều lĩnh vực. Đáng lưu ý, các hiệp định CPTPP và RCEP dưới nỗ lực điều phối quan trọng của Nhật Bản đều vượt qua những thời điểm khó khăn cuối cùng khi Việt Nam là chủ nhà của các sự kiện lớn (tương ứng là APEC 2017 và ASEAN 2020). Các cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam luôn đánh giá cao tầm quan trọng của quan hệ hợp tác với Nhật Bản, không chỉ ở tiềm lực tài chính và trình độ công nghệ hàng đầu của các doanh nghiệp Nhật Bản, mà còn ở cách làm của người Nhật Bản, doanh nghiệp Nhật Bản: đó là sự tâm huyết, nghiêm túc, khoa học và kiên trì”, TS. Trần Thị Hồng Minh chỉ ra.

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cũng khẳng định, Việt Nam – Nhật Bản có tiềm năng hợp tác lớn. Hai bên cùng chia sẻ nhiều giá trị truyền thống và văn hóa, đồng thời là đối tác “chiến lược, toàn diện, sâu sắc”; là thành viên của rất nhiều định chế/thỏa thuận kinh tế – tài chính khu vực và toàn cầu (WTO, WB, IMF, APEC, CPTPP, RCEP, ADB, AMRO…). Hai bên không có “xung đột” lợi ích chiến lược, mà có tính bổ sung cao xét cả về mức độ phát triển, trình độ công nghệ, cơ cấu thương mại, cấu trúc dân số…

Do đó, về hợp tác trong chuỗi giá trị, Nhật Bản vẫn nằm trong nhóm nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam, xét theo vốn đăng ký lũy kế. Trong đó, hơn 65% vốn FDI của Nhật Bản vào Việt Nam tập trung ở lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.

Dù vậy, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp – CIEM cho rằng, mức độ tham gia của doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi cung ứng do doanh nghiệp Nhật Bản dẫn dắt còn tương đối hạn chế và chậm cải thiện.

Nhằm tăng cường khả năng kết nối chuỗi cung ứng, ông Nguyễn Anh Dương giới thiệu kinh nghiệm đổi mới cách tiếp cận ở một số nước.

Chẳng hạn, tại Trung Quốc, Chính phủ ưu tiên kiểm soát tốt dịch Covid-19. Đồng thời, giảm bớt các các rào cản đối với đầu tư nước ngoài, đặc biệt là lĩnh vực tài chính, chủ động tham gia các FTA và sáng kiến hợp tác mới như RCEP, CPTPP, DEPA…

Trong khi đó, Nhật Bản tăng cường hợp tác về chuỗi cung ứng với các nền kinh tế ở khu vực, được thể hiện qua Tầm nhìn Phát triển công nghiệp Mekong 2.0 (2019) hướng tới tăng cường khả năng chống chịu của chuỗi cung ứng ở khu vực Mekong (bên cạnh các mục tiêu khác) trong giai đoạn 2020-2023; Sáng kiến chuỗi cung ứng Australia, Ấn Độ và Nhật Bản (4/2021) chia sẻ thực tiễn tốt về tăng cường khả năng chống chịu của chuỗi cung ứng; thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư và kết nối bên mua – bên bán để tăng cơ hội đa dạng hóa chuỗi cung ứng; Chiến lược cho công nghiệp bán dẫn và công nghiệp số (6/2021) tập trung vào công nghiệp bán dẫn, hạ tầng số và công nghiệp số.

Trên cơ sở đó, ông Nguyễn Anh Dương cũng đưa ra đề xuất một số nội dung cần ưu tiên để cải thiện hiệu quả hợp tác Việt Nam – Nhật Bản trong chuỗi giá trị là: kiểm soát dịch Covid-19 hiệu quả và bảo đảm nguồn cung lao động; quyết liệt thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế; tạo động lực mới cho cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh; củng cố niệm tin trong quan hệ liên kết giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước./.