Cần bổ sung đánh giá tác động cụ thể đối với những quy định mới

“Luật Dầu khí và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật trong những năm qua đã tạo điều kiện cho sự phát triển của ngành dầu khí, đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách nhà nước và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước…”, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, khi thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) tại Phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đang diễn ra, theo Văn phòng Quốc hội.

Cần quy định minh bạch hơn về địa vị pháp lý của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trình bày Tờ trình Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi). Ảnh: QH

Tuy nhiên, thời gian qua hoạt động dầu khí đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập, nên việc xây dựng Luật Dầu khí (sửa đổi) để thay thế Luật Dầu khí năm 1993, năm 2000, năm 2008 là hết sức cần thiết.

Thẩm tra Tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Dầu khí (sửa đổi). Tuy nhiên, đề nghị cơ quan soạn thảo báo cáo thêm về việc nội luật hóa các quy định tại các điều ước quốc tế song phương trực tiếp điều chỉnh lĩnh vực dầu khí, bảo đảm đáp ứng yêu cầu quy định của Luật Điều ước quốc tế. Để có thêm cơ sở nghiên cứu, xem xét các quy định tại dự thảo Luật, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung nội dung đánh giá tác động cụ thể đối với những quy định mới tại dự thảo Luật so với quy định hiện hành của pháp luật.

Liên quan đến hợp đồng dầu khí, ông Thanh cho hay, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí có quy định riêng tại Luật Dầu khí về đấu thầu lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí (nhà đầu tư dầu khí) với những đặc thù trong lựa chọn nhà đầu tư và đặc thù liên quan đến tài nguyên, quốc phòng – an ninh, chủ quyền biển đảo quốc gia. Tuy nhiên, đề nghị có chương riêng quy định về nội dung này; rà soát, bổ sung quy định bảo đảm tính toàn diện, tổng thể, rõ ràng…

Cần quy định rõ hơn về địa vị pháp lý của PVN

Cho ý kiến tại Phiên họp, liên quan đến nội dung về địa vị pháp lý của PVN, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, dự án Luật quy định PVN là doanh nghiệp nhà nước. Điều lệ và tổ chức hoạt động của PVN do Chính phủ quy định. PVN được tiến hành điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí, ký kết và quản lý hợp đồng dầu khí với các tổ chức, cá nhân để tiến hành hoạt động dầu khí. Đề nghị cần quy định rõ, cụ thể hơn, chặt chẽ, minh bạch hơn nữa về địa vị pháp lý của PVN.

Cần quy định minh bạch hơn về địa vị pháp lý của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, việc thiết kế các điều khoản về điều tra cơ bản dầu khí còn tương đối mờ nhạt. Ảnh: QH

“Việc thiết kế các điều khoản về điều tra cơ bản dầu khí còn tương đối mờ nhạt, nên cần nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng về nội hàm và bản chất của điều tra cơ bản, quy định chặt chẽ và toàn diện hơn đối với nội dung này…”, ông Vương Đình Huệ yêu cầu.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, vấn đề bảo vệ môi trường đối với hoạt động dầu khí đã có quy định trong Luật Bảo vệ môi trường, nên việc thiết kế nội dung này trong Luật Dầu khí (sửa đổi) cần phải đảm bảo sự thống nhất, khả thi khi áp dụng trong thực tiễn….

Liên quan đến quản lý nhà nước về dầu khí, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị rà soát, chỉ quy định nội dung đặc thù, thực sự cần thiết đối với các bộ, ngành chính; cần bảo đảm quyền chủ động trong phân công, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ theo quy định, không quy định lại các thẩm quyền đã được quy định trong các điều cụ thể khác.

“Đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến của UBTVQH, ý kiến của các cơ quan thẩm tra để hoàn chỉnh hồ sơ Dự án Luật; đề nghị Ủy ban Kinh tế hoàn thiện báo cáo thẩm tra để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 tới…”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh khi kết luận nội dung Phiên thảo luận./.