Là cố đô của 13 triều đại, Tây An (Trung Quốc) là nơi lưu giữ nhiều di tích lịch sử lâu đời. Không chỉ có kiến trúc, ngay cả những cái cây nơi đây cũng mang trong mình những câu chuyện lịch sử thú vị. Nằm ẩn mình dưới chân núi Chung Nam, chùa cổ Quan Âm là nơi tọa lạc của một cây bạch quả cổ thụ hơn 1.400 năm tuổi. Cứ mỗi độ thu về, cây bạch quả này lại khoác lên mình một màu vàng rực rỡ toát lên vẻ đẹp “độc nhất vô nhị”, thu hút hàng vạn du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng.
Cây bạch quả 1.400 tuổi nổi tiếng khắp MXH, được cho do chính tay Đường Thái Tông trồng
Cứ mỗi độ thu sang, sắc vàng rực rỡ của cây bạch quả 1.400 tuổi tại chùa cổ Quan Âm (thuộc huyện Trường An, thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây) lại thu hút đông đảo du khách từ khắp nơi trên đất nước Trung Quốc. Nằm dưới chân núi Chung Nam, ngôi chùa cổ kính được xây dựng từ thời nhà Đường (năm Trinh Quán), tức đã trải qua hơn 1.400 năm lịch sử. Theo tài liệu ghi lại, chính vị vua khai sáng triều đại thịnh trị này – Đường Thái Tông Lý Thế Dân đã tự tay trồng nên cây bạch quả.
Với kích thước khổng lồ cùng giá trị lịch sử to lớn, cây bạch quả này đã được đưa vào danh sách cây cổ thụ quốc gia cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Dù vua Đường Thái Tông đã băng hà từ lâu, nhưng “di sản” mà ông để lại vẫn sừng sững hiên ngang và trở thành điểm đến nổi tiếng, thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới.
Nhiều du khách khi đến Tây An đều muốn tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cây bạch quả cổ thụ này, đồng thời tìm hiểu những câu chuyện lịch sử thú vị xung quanh nó. Sức hút của “cụ” bạch quả lớn đến mức trong mùa thu mỗi năm, ước tính có khoảng 70.000 lượt du khách đã xếp hàng dài chỉ để được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nó.
Nhìn bề ngoài, cây bạch quả này có lẽ không khác biệt quá nhiều so với những cây bạch quả khác ở đất nước tỷ dân này. Thậm chí, cây bạch quả ở chùa Quan Âm không phải cây lâu đời nhất ở Trung Quốc – cây bạch quả nhiều tuổi nhất đang nằm ở Quý Châu (khoảng 5.000 tuổi). Tuy nhiên, chính những câu chuyện lịch sử và giá trị văn hóa to lớn đã khiến cây bạch quả này trở nên đặc biệt, khó có thể thay thế.
Sự tồn tại của cây bạch quả cổ thụ khiến nhiều người không khỏi trầm trồ, thán phục sức sống mãnh liệt của nó. “Cây bạch quả này thật đẹp! Nhất định mình sẽ đến thăm nó vào một ngày không xa”, một cư dân mạng bình luận. “Thật khó tin khi nó vẫn tồn tại sau ngần ấy năm. Cây cối là loài sinh vật cô độc nhất. Chúng sống lặng lẽ qua năm tháng, chứng kiến sự ra đời và mất đi của nhiều thế hệ. Cây bạch quả này có lẽ cũng mang trong mình nhiều tâm sự lắm!”, một người khác bày tỏ.
Bí mật trường thọ của cây bạch quả 1.400 tuổi: Nguồn nước thiêng từ giếng Quan Âm?
Bạch quả là loài cây cổ thụ nổi tiếng của Trung Quốc và cũng là một trong những loài cây lâu đời nhất trên thế giới. Các hóa thạch lâu đời nhất của loài cây này được tìm thấy có niên đại khoảng 300 triệu năm. Chính vì vậy, bạch quả còn được mệnh danh là “hóa thạch sống”.
Vào mùa thu, hàng triệu chiếc lá vàng từ cây bạch quả ngàn năm tuổi rơi xuống, tạo thành một tấm thảm vàng rực rỡ bao phủ khắp sân chùa Cổ Quan Âm. Điều khiến nhiều người tò mò là làm thế nào cây bạch quả này có thể sinh trưởng và phát triển tốt như vậy sau hàng nghìn năm. Câu trả lời có thể nằm ở chính giếng Quan Âm dưới gốc cây.
Mặc dù bạch quả là loài cây phổ biến ở đất nước này, nhưng số lượng bạch quả cổ thụ lại vô cùng hiếm hoi. Quả của cây bạch quả cổ thụ có giá trị dinh dưỡng cao hơn nhiều so với bạch quả thông thường, vì vậy nó rất quý giá và được coi là “quốc bảo” của Trung Quốc, giống như gấu trúc vậy.
Giếng Quan Âm nằm ngay dưới gốc cây bạch quả hơn ngàn năm tuổi. Nguồn nước trong veo, mát lạnh quanh năm, được người dân đồn thổi là có thể chữa bệnh. Dù trời nắng hay mưa, mực nước trong giếng Quan Âm luôn giữ ở một mức nhất định, không đầy cũng không cạn, được người dân truyền tai nhau là có thể chữa được bách bệnh. Chính vì vậy, từ xa xưa, rất nhiều người dân đã không quản ngại đường xá xa xôi đến đây để lấy nước về uống.
Điều trùng hợp là cây bạch quả hơn ngàn năm lại mọc ngay trên giếng Quan Âm. Nguồn nước từ giếng như nuôi dưỡng bộ rễ của cây, còn cây bạch quả thì che chở cho giếng khỏi nắng mưa. Sự cộng sinh kỳ diệu này đã giúp cây bạch quả sống sót qua hàng nghìn năm, vẫn xanh tốt và tràn đầy sức sống, trở thành một trong những điểm tham quan nổi tiếng nhất Tây An mỗi độ thu về.
Những sự thật khác về cây bạch quả – loài cây cổ xưa nhất thế giới
Cây bạch quả (cây ngân hạnh) hay còn được gọi bằng cái tên trìu mến là “cây hóa thạch sống”, chính là loại cây cổ xưa nhất hành tinh chúng ta đang sống. Nhắc đến cây bạch quả, người ta không chỉ nhớ đến một loài cây, mà còn là một nhân chứng lịch sử, đã vững bền trải qua hàng triệu năm, kể từ thời kỳ khủng long hùng mạnh.
Tại Nhật Bản, bạn có thể bắt gặp rất nhiều những hàng cây bạch quả vàng rực khi thu về, chẳng hạn ở Công viên tưởng niệm quốc gia Showa, Công viên phía Đông ga Utsunomiya, Công viên thể thao Fukushima Soto,…
Trải qua nhiều biến đổi của thời gian, cây bạch quả đã từng là nhân vật chính trên bản đồ phân bố thực vật của bán cầu Bắc. Kể từ thời kỳ Jura, loài cây này đã phủ kín khắp nơi, từ Âu sang Á, từ Mỹ qua tận cực phương Đông. Tuy nhiên, đến cuối kỷ Creta (kỷ Phấn Trắng), diện mạo của cây bạch quả bắt đầu thay đổi.
Thật không may, thời kỳ băng hà Đệ tứ đã đẩy nhiều loài thực vật gần như tới bờ vực tuyệt chủng, và bạch quả cũng không nằm ngoài số phận ấy. Châu Âu và Bắc Mỹ từng là những nơi bạch quả sinh sôi, nhưng lạnh giá đã khiến chúng tàn lụi. May mắn thay, nhờ điều kiện địa lý ưu đãi, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản đã trở thành những nơi bảo tồn giống cây này.
Cây bạch quả khổng lồ ở thành phố Wonju, tỉnh Gangwon, Hàn Quốc.
Cây bạch quả nhiều tuổi nhất thế giới hiện đang đứng sừng sững tại Phúc Tuyền, Quý Châu, Trung Quốc. Được ước lượng khoảng từ 5.000 đến 6.000 năm tuổi, cây có đường kính gốc lên đến 5.8m và cao 50m. Để ôm trọn thân cây này, cần tới 13 người trưởng thành. Vào năm 2001, cây này đã ghi danh vào sách kỷ lục Shanghai Guinness với danh hiệu “Cây bạch quả có đường kính lớn nhất thế giới”.
Hạt bạch quả có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon, đặc biệt có tác dụng đẹp da đối với chị em phụ nữ.
Không chỉ sở hữu tuổi đời “khủng”, bạch quả còn là một loại cây có giá trị sử dụng cao. Gỗ của bạch quả có màu sắc hấp dẫn, cấu trúc mịn màng và không dễ bị nứt, được xếp vào hàng ngũ nguyên liệu quý. Hạt bạch quả không chỉ là thực phẩm mà còn có ứng dụng trong y học. Dù vậy, chúng ta cần chú ý đến lượng tiêu thụ hợp lý để tránh nguy cơ ngộ độc. Đồng thời, lá bạch quả cũng là một dược liệu quý giá trong việc chữa trị các bệnh. Với sự tồn tại qua bao thăng trầm của lịch sử, cây bạch quả không chỉ là một di sản sinh học mà còn là biểu tượng của sự kiên trì và sức sống mãnh liệt.
Muốn chiêm ngưỡng sắc vàng rực rỡ của bạch quả vào mùa thu ở Trung Quốc, bạn có thể tham khảo các điểm đến sau.
1. Làng bạch quả Đằng Xung (Bảo Sơn, Vân Nam)
Làng bạch quả Đằng Xung có lẽ là khu rừng bạch quả lớn nhất, tập trung nhiều cây cổ thụ nhất và lâu đời nhất được phát hiện ở Vân Nam cho đến nay. Nơi đây có hơn 3.000 cây bạch quả cổ thụ, cộng với 1.000 mẫu rừng bạch quả non được trồng trong những năm gần đây, tổng số cây bạch quả lên tới khoảng 33.000 cây. Vào mùa thu, khung cảnh cả ngôi làng được bao phủ bởi một màu vàng rực rỡ, tạo nên một khung cảnh thơ mộng, trữ tình. Vẻ đẹp nên thơ của ngôi làng đã thu hút đoàn làm phim “Võ hiệp” đến đây ghi hình.
– Thời điểm lý tưởng để chiêm ngưỡng: Đầu tháng 11 – tháng 12
– Phương tiện di chuyển/Tuyến đường: Tuyến đường chính là Quốc lộ 320 (Hàng Châu – Thụy Lệ), tuyến đường cao tốc Côn Minh – Đại Lý – Bảo Sơn – Lộ Giang.
2. Làng bạch quả Hương Dương (Linh Xuyên, Quế Lâm, Quảng Tây)
Hương Dương được mệnh danh là “Làng bạch quả số 1 Trung Quốc” quả không hổ danh. Nơi đây có tới 1 triệu cây bạch quả, là nơi có mật độ bạch quả bình quân đầu người cao nhất thế giới. Mặc dù thời gian lý tưởng để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của rừng bạch quả ở đây chỉ kéo dài từ 14 đến 21 ngày, nhưng lại hội tụ được hết thảy vẻ đẹp của mùa thu Quảng Tây. Khi những chiếc lá vàng rực rỡ phủ kín mái ngói, sân nhà, cả ngôi làng như được khoác lên mình một tấm áo mới, lộng lẫy và rực rỡ.
– Thời điểm lý tưởng để chiêm ngưỡng: Giữa tháng 11 – đầu tháng 12
– Phương tiện di chuyển/Tuyến đường được đề xuất: Quế Lâm – Đại Hồi – Triều Điền – Hương Dương – Tân Dân – Mão Tử Lĩnh – Tiểu Bình Lạc.
3. Rừng bạch quả ở thung lũng Lạc Dương (thôn Vĩnh Hưng, Lạc Dương, Tùy Châu, Hồ Bắc)
Thung lũng Lạc Dương là một trong bốn quần thể bạch quả cổ thụ tập trung dày đặc nhất thế giới, với 308 cây bạch quả trên 1.000 năm tuổi, hơn 17.000 cây trên 100 năm tuổi và 5.1 triệu cây bạch quả được trồng. Đây là quần thể bạch quả cổ thụ có mật độ dày đặc và được bảo tồn tốt nhất trên thế giới.
Thung lũng Lạc Dương, Tùy Châu mang vẻ đẹp bình dị, mộc mạc là một trong những vùng đất hoang sơ đẹp nhất thế giới và cũng là ngôi làng cổ kính động lòng người nhất.
– Thời điểm lý tưởng để chiêm ngưỡng: Đầu tháng 11 – đầu tháng 12
– Phương tiện di chuyển/Tuyến đường được đề xuất: Khởi hành từ Vũ Hán, đi theo đường cao tốc Hán Thập (Hiếu Cảm) đến lối ra cao tốc Lạc Dương Điếm (trấn), rẽ phải đi về hướng thị trấn Lạc Dương khoảng 12km.
4. Rừng bạch quả ở Thiều Quan (thị trấn Bình Điền, TP. Nam Hùng, Quảng Đông)
Thiều Quan, Nam Hùng là vùng sản xuất bạch quả chính duy nhất ở tỉnh Quảng Đông, và cũng là khu vực vĩ độ thấp nhất có bạch quả mọc tự nhiên ở Trung Quốc. Cứ vào mỗi độ thu về, nơi đây lại đẹp như một bức tranh thủy mặc, khiến bao người say đắm.
Tại Nam Hùng, cây bạch quả chủ yếu phân bố ở các nơi như Bình Điền, Du Sơn, Chủ Điền, Mão Tử Phong. Trong đó, tại thị trấn Bình Điền có một khu rừng bạch quả rộng lớn với niên đại hàng trăm, hàng nghìn năm, với hơn 2.000 cây. Cây lâu đời nhất đã sống được 1.680 năm, trong khi cây non nhất cũng đã được hai đến ba trăm năm. Đây là một trong những địa điểm yêu thích của các nhiếp ảnh gia.
– Thời điểm lý tưởng để chiêm ngưỡng: Cuối tháng 11 – đầu tháng 12
– Phương tiện di chuyển/Tuyến đường được đề xuất: Khởi hành từ Quảng Châu, đi theo đường cao tốc Bắc Kinh – Châu Hải – Thiều Quan – Quốc lộ 106 đến ngã tư Nam Hùng.
5. Làng bạch quả Bát Đô Yểm (Trường Hưng, TP. Hồ Châu, Chiết Giang)
Mùa thu đẹp nhất ở Chiết Giang có lẽ là khi bạch quả thay lá. Con đường bạch quả cổ thụ ở Bát Đô Yểm, Trường Hưng, Chiết Giang, có hơn 30.000 cây bạch quả bản địa. Trong đó có hơn 2.700 cây cổ thụ trên trăm năm tuổi. Chúng trải dài hơn 10km dọc theo làng Bát Đô Yểm và được mệnh danh là “Quần thể bạch quả cổ thụ đẹp nhất đồng bằng sông Trường Giang”. Mỗi độ thu về, ngôi làng cổ kính lại được bao phủ bởi một màu vàng rực rỡ. Người dân nơi đây coi bạch quả như cây thần, điều này càng làm tăng thêm vẻ đẹp cổ kính, linh thiêng cho nơi đây.
– Thời điểm lý tưởng để chiêm ngưỡng: Đầu tháng 11 – đầu tháng 12
– Phương tiện di chuyển/Tuyến đường được đề xuất: Đường cao tốc Diên An – Đường cao tốc Hồ Dụ G50 (nguyên là đường cao tốc A9 Thượng Hải – Thanh Phố – Bình Hồ) – Đường cao tốc Thân – Tô – Chiết – Vạn – chuyển sang đường cao tốc Hàng – Ninh (hướng Nghi Hưng – Nam Kinh) – xuống tại lối ra Trường Hưng.
6. Làng bạch quả Chỉ Nam (Lâm An, Chiết Giang)
Làng Chỉ Nam, Chiết Giang, được mệnh danh là một trong những ngôi làng cổ đẹp nhất miền Đông Trung Quốc. Ngôi làng cổ này đã có lịch sử hơn 2.000 năm. Hai bên làng là 470 mẫu ruộng bậc thang. Trong làng có gần 300 cây bạch quả cổ thụ trên 200 năm tuổi và 8 cây phong cổ thụ từ 800 đến 1.000 năm tuổi.
– Thời điểm lý tưởng để chiêm ngưỡng: Đầu tháng 11 – đầu tháng 12
– Phương tiện di chuyển/Tuyến đường được đề xuất: Khởi hành từ Hàng Châu, sau khi đi qua thành phố Lâm An, tiếp tục đi theo Tỉnh lộ 205, đến ngã ba núi Chỉ Nam là đến.
7. Làng bạch quả Dương Gia (thôn Dương Gia, trấn Vạn Thị, Phú Dương, Hàng Châu, Chiết Giang)
Làng Dương Gia được mệnh danh là “quê hương của bạch quả” ở Chiết Giang, với hơn 3.500 cây bạch quả, trong đó có hơn 1.200 cây trên trăm năm tuổi. Cây bạch quả “vua” ở đây đã sống hơn 1.000 năm. Vào mùa thu, khi dạo bước giữa những con đường làng, du khách sẽ cảm nhận được rõ rệt không khí mùa thu len lỏi khắp nơi. Mặc dù nằm ở vùng hẻo lánh, nhưng với sắc thu rực rỡ, làng Dương Gia vẫn thu hút ngày càng đông du khách ghé thăm.
– Thời điểm lý tưởng để chiêm ngưỡng: Đầu tháng 11 – đầu tháng 12
– Phương tiện di chuyển/Tuyến đường được đề xuất: Từ Hàng Châu đi Lâm An theo đường cao tốc Hàng – Huy, xuống tại Linh Lung, rẽ phải đi Vạn Thị, theo hướng Tư Khẩu khoảng 20km, rẽ phải đi La Trạch, khoảng 10km là đến làng Dương Gia, tổng quãng đường khoảng 80km.
8. Thủy Mặc Bình (thôn Thủy Mặc Bình, huyện Chung Tường, Hồ Bắc)
Khác với những ngôi làng thông thường, để vào được Thủy Mặc Bình, du khách phải đi qua một hang động tự nhiên dài 2.500 mét, sau đó leo lên hơn 200 bậc thang “thiên đường” mới đến được. Toàn bộ hành trình giống như đi tìm kiếm một thế giới tiên cảnh, khi gió thu thổi đến, vẻ đẹp nơi đây hiện lên trong trẻo, tinh khôi, thoát tục.
– Thời điểm lý tưởng để chiêm ngưỡng: Đầu tháng 11 – đầu tháng 12
– Phương tiện di chuyển/Tuyến đường được đề xuất: Vũ Hán – đường cao tốc Hồ Dung – đường cao tốc Hứa – Quảng – Hoàng Tiên Động – đi bộ đến thôn Thủy Mặc Bình.
9. Trương Các Trang (thôn Trương Các Trang, trấn Thiều Gia, Xương Bình, Bắc Kinh)
Bắc Kinh có rất nhiều địa điểm ngắm bạch quả nổi tiếng, chẳng hạn như Địa Đàn, nhưng nổi tiếng nhất phải kể đến Trương Các Trang. Nơi đây có hơn 800.000 cây bạch quả, là cơ sở trồng bạch quả lớn nhất ở Bắc Kinh.
Khác với những cây bạch quả cổ thụ, bạch quả ở đây có tuổi đời còn non, không cao lắm nên cành lá sum suê hơn. Vào mùa thu, nhìn từ xa, du khách sẽ choáng ngợp trước một màu vàng bất tận, đẹp đến nao lòng.
– Thời điểm lý tưởng để chiêm ngưỡng: Cuối tháng 10 – đầu tháng 11
– Phương tiện di chuyển/Tuyến đường được đề xuất: Đi theo đường cao tốc Bắc Kinh – Tây Tạng đến Vành đai 6 hướng Thuận Nghĩa, ra khỏi khu vực trường Đại học – đường Hồi Long Quan – đường Nam Bách – Trương Các Trang.
10. Khu du lịch sinh thái Tiền Xung (trấn Vương Nghĩa Trinh, An Lục, Hồ Bắc)
Khu du lịch sinh thái bạch quả Tiền Xung, Hồ Bắc, sở hữu quần thể bạch quả cổ thụ lớn nhất khu vực. Nơi đây cùng với núi Thiên Mục, Chiết Giang được mệnh danh là hai quần thể bạch quả tự nhiên lớn nhất Trung Quốc. Các chuyên gia của Cục Lâm nghiệp Trung Quốc từng đánh giá nơi đây là “nơi phân bố tập trung nhất, cây cổ thụ nhất và hình dáng đẹp nhất”.
Khu du lịch này có diện tích 60km2, với 48 cây bạch quả trên 1.000 năm tuổi, 1.486 cây trên 500 năm tuổi và 4.368 cây trên 100 năm tuổi. Cứ vào mùa thu, lá vàng rơi rụng khắp các ngôi nhà trong làng, khiến ngôi làng nhỏ ở Giang Nam này càng thêm phần thơ mộng, trữ tình.
– Thời điểm lý tưởng để chiêm ngưỡng: Đầu tháng 11 – đầu tháng 12
– Phương tiện di chuyển/Tuyến đường được đề xuất: Vũ Hán – đường cao tốc Đại – Hoàng (hoặc sân bay Thiên Hà) – đường cao tốc Hán – Thập – An Lục – Lôi Công – Vương Nghĩa Trinh – Mao Hà – Tiền Xung.
11. Làng bạch quả Thỏa Lạc (huyện Bàn, TP. Lục Bàn Thủy, Quý Châu)
Làng Thỏa Lạc có 1.145 cây bạch quả trên 1.000 năm tuổi, cây nhỏ nhất cũng đã hơn 300 năm tuổi, được mệnh danh là “Quê hương của bạch quả cổ thụ thế giới”. Mỗi độ thu về, làng Thỏa Lạc nằm nép mình bên dòng suối nhỏ như được khoác lên mình một tấm áo vàng rực rỡ. Những tán bạch quả vàng rực phủ kín mọi ngóc ngách trong làng, hòa quyện với những ngôi nhà cổ kính, cây cầu và dòng suối, tạo nên một bức tranh mùa thu đẹp đến nao lòng.
– Thời điểm lý tưởng để chiêm ngưỡng: Đầu tháng 11 – đầu tháng 12
– Phương tiện di chuyển/Tuyến đường được đề xuất: Đường cao tốc Thượng Hải – Côn Minh/Trấn Thắng, ra khỏi lối ra Lưu Quan/Hưng Nghĩa/G320; đi theo Tỉnh lộ 212 X202, hướng về làng Thỏa Lạc, Đại Miếu.
12. Làng bạch quả Điền Hà (thôn Điền Hà, trấn Gia Lăng, huyện Huy, tỉnh Cam Túc)
Tương truyền, những cây bạch quả ở đây được trồng từ thời nhà Chu và vẫn giữ được nét đẹp rực rỡ như thuở ban đầu. Làng Điền Hà với những ngọn núi trùng điệp, hùng vĩ lại là nơi cư ngụ của hơn 40.000 cây bạch quả. Trong đó có 153 cây bạch quả trên 1.000 năm tuổi, cây cổ thụ nhất đã sống hơn 3.000 năm.
Ngày nay, cứ vào mỗi độ thu về, nơi đây lại đẹp như một bức tranh thủy mặc, với những ngôi làng cổ kính ẩn mình dưới những tán lá vàng rực rỡ. Dường như cuộc sống bình dị, yên bình “ngày ngày làm việc, tối tối nghỉ ngơi” của người dân nơi đây cũng theo đó mà hiện ra rõ nét.
– Thời điểm lý tưởng để chiêm ngưỡng: Cuối tháng 10 – cuối tháng 11
– Phương tiện di chuyển/Tuyến đường được đề xuất: Cách ga tàu Gia Lăng 6.9km, tại đầu cầu bên dưới ga tàu huyện Huy, bắt xe buýt đến Gia Lăng, xuống xe tại Điền Hà.
13. Cây bạch quả 1.400 tuổi chùa Quan Âm (thôn La Hán Động, núi Chung Nam, Tây An, tỉnh Thiểm Tây)
Trong những năm gần đây, rất nhiều người biết đến cây bạch quả cổ thụ hơn 1.400 năm tuổi ở chùa Quan Âm, núi Chung Nam, Tây An. Tương truyền, cây bạch quả này được chính tay Đường Thái Tông Lý Thế Dân trồng. Ngày nay, cây bạch quả cổ thụ sừng sững, uy nghi bên cạnh ngôi chùa trang nghiêm, trầm mặc, hòa cùng tiếng kinh kệ, tiếng mõ cá, tạo nên một khung cảnh vừa cổ kính, vừa linh thiêng.
– Thời điểm lý tưởng để chiêm ngưỡng: Đầu tháng 11 – cuối tháng 11
– Phương tiện di chuyển/Tuyến đường được đề xuất: Từ trung tâm thành phố, chuyển sang tuyến xe buýt 916/921, xuống xe tại trạm Nam Thạch Thôn, đường Vành đai Quan Trung, đi bộ về phía Nam khoảng 10 phút là đến.
14. Huyện Đồng Bối, thị trấn Hoài Nguyên (Nam Dương, Hà Nam)
Cách phía bắc làng Hồng Nghi Hà, huyện Đồng Bối, Nam Dương khoảng 4km, tại ngọn núi Sư Cổ Phong có một cây bạch quả đã sống trên 2.000 năm, người địa phương gọi đó là “Vua bạch quả ngàn năm”.
Cây bạch quả này đã nhiều lần chặn được sấm sét, và nhờ vậy mà chùa cổ Thanh Quán dưới gốc cây đã được giữ lại, nhưng nó đã bị cháy đi một nửa. Cho đến ngày nay, mọi người vẫn có thể thấy dấu vết của thân cây bị cháy.
15. Thị trấn Bạch Hà, huyện Tùng Huyện, Lạc Dương
Nếu hỏi bạch quả đẹp nhất Hà Nam ở đâu? Có lẽ cái tên đứng đầu phải là rừng bạch quả ngàn năm ở thị trấn Bạch Hà. Bạch Hà hiện có 413 cây bạch quả cổ thụ trên 500 năm tuổi, trong đó có 237 cây bạch quả cổ thụ trên 1.000 năm tuổi. Những cây bạch quả ngàn năm này cao lớn, uy phong, tạo nên một khu rừng rợp vàng rực rỡ, tạo thành một cảnh tượng kỳ lạ với những cây như vàng óng.
16. Hẻm núi Bạch Thụ, Tây Hạ
Hẻm núi Bạch Thụ là một thiên đường màu vàng khác của Hà Nam, bước vào đây, từng cây bạch quả đều chuyển màu vàng óng, lá rụng trải đầy dưới rừng, gió thu thổi qua những linh hồn màu vàng như thể đang kể lại những câu chuyện từ ngàn năm trước.
Khu rừng bạch thụ cổ của Hẻm núi Bạch Thụ có hơn 100 cây, phân bố trên diện tích khoảng 2-3 km2, cây lớn nhất có tuổi đời hơn 1.500 năm. Dạo bước giữa rừng, không chú ý bạn sẽ thấy lá bạch quả rơi khắp người, hòa mình vào ánh hoàng hôn…
17. Rừng bạch quả ngàn năm Long Trì Mạn
Khu bảo tồn tự nhiên Long Trì Mạn sở hữu rừng bạch quả cổ thụ lâu đời. Ở đây không có chút hương vị thương mại, ít đi rất nhiều vẻ tục tằn, là nơi mà mọi người mong muốn tìm đến để tận hưởng sự yên bình. Rừng bạch quả rậm rạp cũng là địa điểm chụp ảnh tuyệt vời.
Mỗi năm sau khi tiết Sương Giáng đến, lá bạch quả chuyển sang màu vàng nhanh chóng, từng cây bạch quả xanh tươi cao vút trong một đêm bỗng chốc được khoác lên mình bộ cánh mới màu vàng rực rỡ, dưới ánh nắng mặt trời trở nên lấp lánh.
18. Cây bạch quả cổ thụ núi Vương Ốc
Cây bạch quả cổ thụ núi Vương Ốc đã có lịch sử hơn 2.000 năm, mọc ở dưới chân núi Thiên Đàn, Vương Ốc Sơn, thành phố Cát Nguyên, lặng lẽ chứng kiến tháng năm, làm cho thời gian trở nên kinh ngạc và tuyệt vời.
Do lịch sử lâu dài của nó, cây bạch quả này đã thu hút rất nhiều du khách, đặc biệt là các cặp đôi đến đây để ước nguyện. Điều thú vị là không xa cây bạch quả còn có một “suối không già”, ngàn năm nước suối vẫn không ngừng chảy, như thể đang trò chuyện với cây bạch quả, kể cho nhau nghe những lời tình tự không dứt.