Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2023, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cập nhật nội dung báo cáo các thay đổi về số liệu, kết quả đánh giá lại một số mục tiêu, chỉ tiêu.

Cập nhật kết quả thực hiện Kế hoạch năm 2022: Có 2/12 chỉ tiêu chủ yếu không đạt mục tiêu đề ra
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cập nhật nội dung báo cáo các thay đổi về số liệu, kết quả đánh giá lại một số mục tiêu, chỉ tiêu. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bộ trưởng thông báo, so với nội dung đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, kết quả đánh giá bổ sung năm 2022 có một số thay đổi tích cực như: tốc độ tăng GDP đạt 8,02% (đã báo cáo khoảng 8%); CPI bình quân tăng 3,15% (đã báo cáo khoảng 4%); thu NSNN đạt 1.815,5 nghìn tỷ đồng, cao hơn 201,4 nghìn tỷ đồng so với đã báo cáo Quốc hội; vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành ước đạt 3.219,8 nghìn tỷ đồng (đã báo cáo đạt khoảng 3.201,5 nghìn tỷ đồng); vốn FDI thực hiện cả năm tăng khoảng 13,5% (đã báo cáo khoảng 6,4-11,5%); kim ngạch xuất khẩu đạt 371,3 tỷ USD, tăng khoảng 10,5% (đã báo cáo là 368 tỷ USD, tăng khoảng 9,5%); xuất siêu đạt hơn 11 tỷ USD (đã báo cáo là khoảng 01 tỷ USD)…

Tuy nhiên, có 02/12 chỉ tiêu chủ yếu không đạt mục tiêu đề ra, tăng 01 chỉ tiêu so với đã báo cáo Quốc hội là chỉ tiêu về tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP chỉ đạt 24,76% (số đã báo cáo là khoảng 25,7-25,8%), thấp hơn mục tiêu đề ra (25,7-25,8%).

Nguyên nhân được chỉ ra là do ngành công nghiệp phục hồi rõ rệt, nhưng chưa đạt được mức tăng trưởng như trước dịch Covid-19; giá nguyên nhiên vật liệu thế giới, nhất là xăng dầu biến động mạnh, trong khi nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu đầu vào nhập khẩu, gây áp lực lớn lên sản xuất, tác động không nhỏ đến tăng trưởng ngành chế biến, chế tạo.

Ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước (NSNN0 đến ngày 31/01/2023 là 541.857,52 tỷ đồng, đạt xấp xỉ 93,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 81,02% kế hoạch (bao gồm kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương phân bổ vượt so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao) cao hơn số đã báo cáo Chính phủ tháng 01 (đạt 93,42% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 81,02% kế hoạch, bao gồm kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương phân bổ vượt so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), thấp hơn cùng kỳ năm 2021 (95,11%) nhưng là năm có số tuyệt đối giải ngân cao nhất so với các năm trước đây, tăng khoảng 23% (khoảng 103 nghìn tỷ đồng) so với năm 2021.

Số tuyệt đối giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2016: 186,641 nghìn tỷ đồng; năm 2017: 277,267 nghìn tỷ đồng; năm 2018: 303,069 nghìn tỷ đồng; năm 2019: 325,111 nghìn tỷ đồng; năm 2020: 455,031 nghìn tỷ đồng; năm 2021: 417,702 nghìn tỷ đồng.

Bộ trưởng cho biết, có 08 bộ, cơ quan trung ương (Bộ Nội vụ, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam) và 30 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt từ 100% kế hoạch; có 40/51 bộ, cơ quan trung ương và 24/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước./.