Thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực còn gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ, chủ trì Phiên họp thứ 4 của Ban Chỉ đạo diễn ra sáng nay (ngày 19/4), theo chinhphu.vn.

Các báo cáo và ý kiến tại cuộc họp đánh giá, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các thành viên Ban Chỉ đạo các cấp, luôn coi CCHC là nhiệm vụ đột phá chiến lược; thường xuyên chỉ đạo, đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, đánh giá. Nhận thức và hành động về CCHC tiếp tục chuyển biến tích cực, có sự lan tỏa ở các cấp, các ngành, các địa phương, nhất là người đứng đầu.

Chấm dứt tình trạng sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, tiến độ xử lý văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ các rào cản về thể chế, cơ chế, chính sách tại một số nơi còn chậm (ảnh: VGP)

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng nêu rõ, tiến độ xử lý văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ các rào cản về thể chế, cơ chế, chính sách tại một số nơi còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu.

Thủ tục hành chính (TTHC) trên một số lĩnh vực còn chồng chéo, nhiều rào cản, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp (như phòng cháy, chữa cháy, tài chính, ngân sách, đất đai, giải phóng mặt bằng…).

Việc cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, quy định kinh doanh gắn với chuyển đổi số được chú trọng và đẩy mạnh. Các bộ đã cắt giảm, đơn giản hóa gần 2.200 quy định kinh doanh tại 175 văn bản quy phạm pháp luật. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa gần 1.100 quy định của 10 bộ, cơ quan. Các bộ đã công khai, cập nhật hơn 17.800 quy định kinh doanh. Năm 2022, Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR INDEX) đạt trên 80%.

Việc cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh còn chậm, thậm chí một số bộ chưa trình phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh; chưa huy động được sự tham gia tích cực của hiệp hội, doanh nghiệp, người dân trong quá trình cải cách.

Việc ban hành quy trình nội bộ trong giải quyết TTHC và hoàn thiện hệ thống thông tin giải quyết TTHC tại một số bộ, ngành, địa phương còn chậm. Tỉ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn thấp (chiếm 57,8%), tỉ lệ hồ sơ xử lý quá hạn còn cao (gần 34%); số hóa hồ sơ, kết quả TTHC còn chậm, thiếu hướng dẫn về lưu trữ điện tử phục vụ việc giải quyết TTHC trên môi trường điện tử.

Công tác chỉ đạo, điều hành phần lớn vẫn theo phương thức thủ công, bằng giấy tờ. Nhiều cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành chưa được triển khai, hoặc triển khai còn chậm; nhiều bộ, ngành, địa phương chưa xây dựng được hệ thống thông tin phục vụ sự chỉ đạo, điều hành…

Các hệ thống công nghệ thông tin chưa được liên kết đồng bộ, hiệu quả, tổng thể, bao trùm, xuyên suốt; việc kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu còn nhiều hạn chế, còn tình trạng “cát cứ thông tin”, “co cụm dữ liệu”.

Nhiều “điểm nghẽn” trong Đề án 06 vẫn chưa được các bộ, ngành, địa phương quan tâm tháo gỡ. Việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành thể chế, chính sách còn chậm, hạ tầng số của nhiều bộ, ngành, địa phương còn chưa bảo đảm an toàn thông tin.

Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế có cả chủ quan và khách quan, trong đó, nguyên nhân chủ quan là chính. Theo đó, công tác chỉ đạo, điều hành CCHC vẫn chưa được thực hiện một cách thường xuyên, liên tục ở một số bộ, ngành, địa phương.

Một số cơ quan, đơn vị chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhất là vai trò của người đứng đầu. Việc công bố, công khai TTHC, hướng dẫn của các bộ, ngành chưa kịp thời. Việc thực hiện quy định không yêu cầu công dân xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy hoặc xác nhận thông tin về cư trú chưa nghiêm.

Trách nhiệm trong thực thi công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức chưa cao, chưa có ý thức thay đổi thói quen sử dụng văn bản điện tử thay cho văn bản giấy; một số cán bộ, công chức sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, gây phiền hà, sách nhiễu cho người dân, doanh nghiệp, thậm chí tham nhũng vặt.

Không đùn đẩy trách nhiệm của mình lên cấp trên

Thủ tướng yêu cầu chấm dứt tình trạng sợ trách nhiệm, không dám làm, không dám tham mưu, đề xuất của một bộ phận cán bộ, công chức; tình trạng đùn đẩy trách nhiệm các cơ quan, các bộ, các ngành, giữa Trung ương với địa phương, dứt khoát không xử lý những nhiệm vụ không thuộc thẩm quyền và không đùn đẩy trách nhiệm của mình lên cấp trên và cho các cơ quan khác; phản ứng chính sách, xử lý các thủ tục, nhất là với người dân và doanh nghiệp nhanh chóng, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả hơn nữa.

“Nếu cần thiết thì có các biện pháp xử lý cán bộ phù hợp; đồng thời động viên, bảo vệ, khuyến khích những người dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì công việc chung; vừa khắc phục, xử lý các mặt yếu kém, vừa thúc đẩy mặt tích cực”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Chấm dứt tình trạng sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thấm nhuần quan điểm đầu tư cho CCHC là đầu tư cho phát triển, là nhiệm vụ chính trị quan trọng của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi địa phương, mỗi cá nhân, tập thể có liên quan (ảnh: VGP)

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác CCHC, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, phường. Có giải pháp tích cực, hiệu quả để ngăn chặn, vô hiệu hóa các nguy cơ ảnh hưởng tới hiệu quả CCHC.

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các thành viên của Ban Chỉ đạo, Chủ tịch UBND các cấp tiếp tục tham mưu, chỉ đạo triển khai một cách mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ công tác CCHC tại bộ, ngành, địa phương mình theo kế hoạch năm 2023 của Ban Chỉ đạo, coi đây là một tiêu chí để đánh giá cán bộ.

Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương ban hành, sửa đổi, bổ sung các văn bản thuộc thẩm quyền và trình các cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi các phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh và phân cấp giải quyết TTHC. Nghiên cứu kỹ lưỡng, áp dụng hình thức một văn bản sửa nhiều văn bản theo trình tự, thủ tục rút gọn. Thực hiện tham vấn, tương tác nhiều hơn với đối tượng tác động, các hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học, người hoạt động thực tiễn đối với các quy định trong dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Nội vụ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất những giải pháp mới, sáng tạo, đột phá để tổ chức thực hiện Chương trình CCHC nhà nước giai đoạn 2021-2030 một cách toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, hiệu quả. Khẩn trương ban hành hướng dẫn về lưu trữ điện tử trên cơ sở quy định của pháp luật để các bộ, ngành, địa phương thực hiện lưu trữ hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC; khai thác, tái sử dụng dữ liệu trong giải quyết TTHC, hoàn thành trong tháng 5/2023. Khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Đẩy nhanh việc rà soát, thực thi 19 Nghị quyết chuyên đề về đơn giản hóa TTHC, giấy tờ liên quan đến quản lý dân cư, hoàn thành trong tháng 6/2023. Khẩn trương ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định tại Nghị định số 104/2022/NĐ-CP của Chính phủ liên quan đến việc xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công, hoàn thành trong tháng 5/2023.

Phối hợp với Văn phòng Chính phủ xây dựng Khung Bộ chỉ số điều hành phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền cấp tỉnh. Kết nối, tích hợp, chia sẻ các thông tin, dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo Quyết định số 1498/QĐ-TTg ngày 11/9/2021.

Khẩn trương đề xuất đầu tư hạ tầng số Hệ thống thông tin giải quyết TTHC. Hoàn thành kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu về kết quả giải quyết TTHC trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, hoàn thành trong tháng 5/2023.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nội bộ; khẩn trương xử lý các văn bản phối hợp giữa các cơ quan.

Đẩy mạnh việc rà soát, ban hành các giải pháp, tạo đột phá mạnh mẽ để nâng cao hiệu quả CCHC, nhất là cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số, tháo gỡ các “điểm nghẽn” về hoàn thiện thể chế; bổ sung trang thiết bị và nguồn lực để triển khai Đề án 06.

Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa TTHC, khẩn trương sửa đổi quy định chưa phù hợp về phòng cháy, chữa cháy, các quy định về tài chính, ngân sách, đất đai, giải phóng mặt bằng… để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Thủ tướng lưu ý, các quy định cần bảo đảm sát thực tế, khả thi, phù hợp tình hình, điều kiện đất nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi.

Rà soát, hoàn thiện quy trình nghiệp vụ các dịch vụ công trực tuyến đã cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, hoàn thành trong tháng 9/2023. Có các giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình HĐND ban hành các chính sách miễn, giảm phí, lệ phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến để khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia thực hiện, hoàn thành trong tháng 6/2023.

Xây dựng quy trình, hướng dẫn, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức thực hiện việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC tại bộ phận một cửa các cấp, nhất là cấp xã. Tập trung nguồn lực đẩy nhanh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC bảo đảm từ ngày 01/6/2023 người dân không phải cung cấp lại thông tin khi thực hiện TTHC tại các cấp chính quyền.

Tiếp tục thực hiện nghiêm việc ký số, gửi nhận văn bản và xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử tại các cấp chính quyền. Thúc đẩy tiến độ chuẩn hóa chế độ báo cáo, xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo và tích hợp, chia sẻ dữ liệu với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, hoàn thành trong tháng 6/2023.

“Các bộ, ngành, địa phương quyết tâm cao hơn, nỗ lực hơn nữa, hành động quyết liệt, mạnh mẽ, có trọng tâm, trọng điểm hơn nữa, phấn đấu nâng cao mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của chính quyền các cấp trong thực hiện thủ tục hành chính, năm 2025 đạt trên 90%, năm 2023 đạt trên 85%; tỉ lệ giải quyết đúng hạn tại các trung tâm phục vụ hành chính công phải đạt trên 90%; cuối năm 2023, tỉ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình phải đạt 50%…”, Thủ tướng yêu cầu.

Các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cần khẩn trương ban hành các thông tư, đề xuất xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để cải cách TTHC phục vụ người dân và doanh nghiệp thực chất hiệu quả, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị chung của cả nước, các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội được Trung ương, Quốc hội giao, góp phần thúc đẩy hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm 2023…/.