Báo cáo phân tích mới đây của Vietnam Report đã cho thấy tiềm năng tăng trưởng và chiến lược phát triển của Top 50 Công ty Đại chúng Uy tín và Hiệu quả (VIX50) năm 2022 vừa được công bố bảng xếp hạng vào đầu tháng 6 vừa qua. Đây là lần thứ 2 Bảng xếp hạng VIX50 được công bố nhằm ghi nhận những công ty đại chúng thể hiện sự vượt trội về sức mạnh tài chính cũng như tiềm năng tăng trưởng, mức độ phát triển bền vững, chất lượng quản trị và vị thế trong ngành.

Chiến lược tăng trưởng của doanh nghiệp VIX50 trong bối cảnh kinh tế biến động
Nguồn: Vietnam Report

Doanh nghiệp VIX 50, những tên tuổi vốn hóa tỷ đô

Tại thời điểm công bố bảng xếp hạng, vốn hóa của 50 công ty đại chúng trong danh sách VIX50 của Vietnam Report chiếm trên 53% của toàn thị trường, ROE năm 2021 trung bình đạt 20,8%, tốc độ tăng trưởng kép của doanh thu và lợi nhuận trung bình 5 năm đạt tương ứng lần lượt là 19,1% và 31,7%.

So với bảng xếp hạng năm 2021, VIX50 ghi nhận xuất hiện lần đầu tiên của một số doanh nghiệp như FPT Retail (FRT), Gemadept (GMD), Tập đoàn Kido (KDC), Ngân hàng Maritime (MSB), Ngân hàng Phương Đồng (OCB), Tập đoàn PC1 (PC1), Viettelpost (VTP), Vĩnh Hoàn (VHC) và Đường Quảng Ngãi (QNS). Đây là sự ghi nhận của Vietnam Report về những nỗ lực và kết quả ấn tượng mà các đơn vị này đạt được trong khoảng thời gian có rất nhiều khó khăn vừa qua.

Chiến lược tăng trưởng của doanh nghiệp VIX50 trong bối cảnh kinh tế biến động
Nguồn: Vietnam Report

Trong danh sách của VIX50, có 30 doanh nghiệp đạt vốn hóa trên 1 tỷ USD, 21 doanh nghiệp đạt doanh thu trên 1 tỷ USD, và 40 doanh nghiệp đạt lợi nhuận trên 1.000 tỷ đồng. Kết quả này cho thấy sức mạnh nội tại, khả năng thích ứng, vượt qua thách thức và nắm bắt cơ hội trong bối cảnh kinh tế có nhiều biến động của các doanh nghiệp trong top 50 Công ty Đại chúng Uy tín và Hiệu quả.

Do đặc thù ngành hàng, nhóm ngành ngân hàng chiếm nhiều cái tên nhất với 14 cái đại diện xuất hiện trong Top 50. Bên cạnh đó là nhóm ngành sản xuất thực phẩm (6), bất động sản (5), bán lẻ (4), dịch vụ tài chính (4). Trong danh sách này, Petrolimex là quán quân về doanh thu, còn Vinhomes là quán quân về lợi nhuận. Xét về hiệu quả sinh lời ROE thì Hoa Sen là doanh nghiệp đứng đầu, tiếp đó là Hóa chất Đức Giang và Hòa Phát. Các tên tuổi như Hóa chất Đức Giang (DGC), Vinhomes (VMH), Thế giới số (DGW), Bưu chính Viettel (VTP) thuộc nhóm doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng kép về doanh thu giai đoạn 2017-2021 cao nhất thị trường (trên 50%).

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang nỗ lực củng cố nội lực để vượt qua các thách thức trong và ngoài nước, các chuyên gia của Vietnam Report nhấn mạnh khuyến nghị các doanh nghiệp VIX50 cần phải tiếp tục cân bằng chiến lược tối ưu hóa chi phí đồng thời chuyển hướng đầu tư cho các yếu tố giúp tăng trưởng trong bối cảnh mới. Đây cũng chính là thời điểm thích hợp để rà soát lại các lĩnh vực ưu tiên và tìm kiếm sự khác biệt trong chuỗi giá trị và vận hành doanh nghiệp theo những phương thức mới để giữ vững được uy tín thương hiệu, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và phát triển bền vững cho các doanh nghiệp VIX50 trong thời kỳ bình thường tiếp theo.

Chiến lược tăng trưởng của doanh nghiệp VIX50 trong bối cảnh kinh tế biến động
Nguồn: Vietnam Report

Cũng theo các chuyên gia, để phù hợp với quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay, cũng như góp phần tạo ra những doanh nghiệp lớn, đủ tầm dẫn dắt quá trình phát triển, tăng sức thu hút với các nhà đầu tư nước ngoài hơn nữa, rõ ràng đã đến lúc phải tính đến chất lượng của doanh nghiệp đại chúng thông qua một bộ chỉ số đo lường sức bật của doanh nghiệp.

Một bộ chỉ số đo lường và đánh giá bức tranh tổng thể về Doanh nghiệp đại chúng, phản ánh trực tiếp các vấn đề nghị sự của nhóm doanh nghiệp đại chúng này, như VIX50, trong tương lai có thể là giá trị thương hiệu vô hình đối với doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng Top 50 Công ty Đại chúng Uy tín và Hiệu quả, quảng bá hình ảnh của doanh nghiệp đại chúng Việt Nam đối với nhà đầu tư quốc tế. Ngoài ra đây cũng là cơ sở để các doanh nghiệp thuộc VIX50 ý thức hơn về nghĩa vụ công bố thông tin, minh bạch, phấn đấu trong hoạt động sản xuất – kinh doanh để giữ vững vị thế của mình.

Các chiến lược tăng trưởng của doanh nghiệp VIX50 trong bối cảnh kinh tế có nhiều biến động

Năm 2022, thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng cơ bản đã bước ra khỏi bóng ma của đại dịch COVID-19 để quay trở lại với nhịp sống bình thường. Theo số liệu kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm 2022 mới được công bố, nền kinh tế Việt Nam ghi nhận sự hồi phục mạnh mẽ. Tăng trưởng GDP trong 6 tháng đầu năm đạt 6,42%, cải thiện đáng kể so với mức 2,04% của 6 tháng đầu năm 2020. Chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tăng trưởng 8,7%; chỉ số quản trị mua hàng PMI duy trì trên mức 50 điểm trong 8 tháng liên tiếp. Lượng khách quốc tế liên tục gia tăng và đạt gần 602 nghìn lượt người, gấp 6,8 lần so với cùng kỳ năm trước. Vốn FDI giải ngân trong nước ước tính đạt 10,06 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng cao nhất của 6 tháng đầu năm trong 5 năm qua.

Chiến lược tăng trưởng của doanh nghiệp VIX50 trong bối cảnh kinh tế biến động
Nguồn: Vietnam Report

Tuy nhiên, những rủi ro địa chính trị và vĩ mô thế giới cũng xuất hiện khiến cho nền kinh tế thế giới và Việt Nam đang trên đà hồi phục bỗng vấp phải những lực cản to lớn. Chi phí nguyên vật liệu tăng cao gây khó khăn cho quá trình giải ngân vốn đầu tư công của Chính phủ. Tỷ giá USD/VND tăng theo lãi suất của FED làm gia tăng nỗi lo nhập khẩu lạm phát. Giá dầu thế giới ở mức cao cũng khiến giá xăng dầu Việt Nam có 07 lần tăng giá liên tiếp và khiến cho chỉ số giá tiêu dùng CPI của Việt Nam tăng theo. CPI tháng 6/2022 tăng 0,69% so với tháng trước, tăng 3,18% so với tháng 12/2021 và tăng 3,37% so với cùng kỳ năm trước… Mức tăng của CPI tháng 6/2022 được ghi nhận là cao nhất trong giai đoạn 2016-2022.

Khi vĩ mô có nhiều yếu tố tiêu cực thì thị trường chứng khoán, vốn luôn rất nhạy cảm với những biến động kinh tế đã có nhịp điều chỉnh mạnh từ vùng 1.500 điểm xuống vùng 1.150 – 1.200 điểm vào cuối tháng 06/2022. Mức giảm này không thua kém so với nhịp điều chỉnh năm 2018 về tỷ lệ và nhiều yếu tố vĩ mô dự kiến còn có thể xấu hơn so với quá khứ.

Giữa bối cảnh vĩ mô biến động và đầy chông gai, doanh nghiệp Việt Nam vừa vượt qua một thời kỳ dịch bệnh lại tiếp tục phải gồng mình với những biến động mới. Tuy nhiên, trong nguy luôn có cơ, điều quan trọng ở thời kỳ này là tồn tại để bứt phá. Có thể nói, những năm 2020 – 2022 là khó khăn bủa vây với khối doanh nghiệp cả nhà nước và tư nhân. Những doanh nghiệp có dự trữ nội tại, khả năng thích nghi và sức mạnh đủ để vượt qua thời kỳ này đều là những doanh nghiệp tên tuổi, có tiềm lực tài chính lớn và không ngại thay đổi. Vinhomes (VHM), Hòa Phát (HPG), Masan (MSN), Thế giới Di động (MWG), Ngân hàng Ngoại thương (VCB)… Đây cũng là những tên tuổi quen thuộc và đứng đầu trong danh sách Top 50 công ty đại chúng uy tín và hiệu quả 2022.

Khi tỷ giá, lãi suất và lạm phát đều trong xu hướng tăng, không khó hiểu khi giá đầu vào của hầu hết doanh nghiệp đều tăng. Vì thế, việc tăng mạnh giá bán sản phẩm, dịch vụ là điều không thể tránh khỏi. Tăng giá đồng nghĩa với doanh số giảm cũng như làm suy yếu khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Mặc dù vậy, các doanh nghiệp tự chủ được đầu vào sẽ giúp biên lợi nhuận được cải thiện. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể kiểm soát giá bán đầu ra sẽ càng được hưởng lợi khi công suất vẫn không thay đổi nhưng giá tăng sẽ có thể tác động khiến kết quả kinh doanh khả quan hơn.

Để kinh doanh ổn định và vững chắc trong thời bão giá, theo phân tích của các chuyên gia, các doanh nghiệp VIX50 nhìn chung đều phải tái định vị lại chuỗi giá trị của doanh nghiệp, một trong những chiến lược mà các doanh nghiệp cần quan tâm là đánh giá lại giá trị và giá bán các sản phẩm của mình trong thời kỳ mới. Phân tích các yếu tố vĩ mô có thể ảnh hưởng đến giá thành sản xuất sản phẩm, xây dựng chính sách giá mới và đánh giá thường xuyên tâm lý khách hàng với chính sách mới là những bước mấu chốt của chiến lược giá thời kỳ lạm phát.

Lãi suất huy động và cho vay tăng cao trong thời kỳ lạm phát cũng là một yếu tố mà các doanh nghiệp phải chú ý. Đưa hệ số nợ về tỷ lệ an toàn để tiết giảm chi phí lãi vay, tăng lượng tiền và tương đương tiền để dự phòng rủi ro và chuẩn bị cho các kế hoạch đầu tư của doạnh nghiệp.

Hạn chế thâm dụng vốn lưu động cũng là một chiến lược cần đề cao trong giai đoạn lạm phát. Trong khi rất dễ nhận thấy ảnh hưởng của lạm phát đối với lợi nhuận của doanh nghiệp thì ảnh hưởng của nó đối với tình hình tài sản lại khó nhận biết nhưng cần phải chú ý hơn. Khi lạm phát tăng cao, tiền bị mất giá, nên số lượng tiền mặt cần thiết cho các kế hoạch đầu tư của doanh nghiệp cũng tăng lên, nhiều khi mức tăng là rất đáng kể. Vì vậy, doanh nghiệp cần chủ động đẩy nhanh vòng quay hàng tồn kho, hạn chế để tồn kho quá lâu, thâm dụng vốn lưu động.

Khi mô hình hoạt động yêu cầu phải có lượng hàng hóa tồn trữ lớn thì bắt buộc doanh nghiệp phải liên tục bổ sung hàng dự trữ với mức giá ngày càng cao trong giai đoạn lạm phát, đòi hỏi lượng vốn lưu động cũng phải tăng lên. Ngược lại, khi hình thức hoạt động yêu cầu lượng hàng tồn kho ít thì doanh nghiệp đó có thể linh hoạt hơn, thậm chí tận dụng giá thấp hiện tại để thu mua nguyên liệu đầu vào cơ bản để tránh giá cao lúc lạm phát. Vì vậy, doanh nghiệp cần chủ động đẩy nhanh vòng quay hàng tồn kho, hạn chế để tồn kho quá lâu, thâm dụng vốn lưu động.

Các chiến lược xây dựng và phát triển hình ảnh, nâng cao uy tín doanh nghiệp

Các chuyên Vietnam Report khuyến nghị, trong bối cảnh lạm phát và biến động, doanh nghiệp nên hướng trọng tâm vào cơ cấu và hoàn thiện lại bộ máy cũng như con người, định vị thương hiệu nhằm tìm kiếm chiến lược phát triển dài hơi cho doanh nghiệp đi qua thời kỳ khó khăn.

Chiến lược đầu tiên để phát triển hình ảnh và nâng cao uy tín doanh nghiệp là tập trung vào phát triển sản phẩm, cả về chất lượng, mẫu mã và khả năng nhận diện thị trường của sản phẩm. Cùng với đó, đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ thông tin, chuyển đổi số cũng sẽ giúp các doanh nghiệp có cơ hội mở rộng thị trường phát triển. Doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất sản phẩm, sẽ có sự thay đổi lớn từ phía cung hàng hóa thông qua việc tiết giảm chi phí và tăng năng suất lao động.

Chiến lược tăng trưởng của doanh nghiệp VIX50 trong bối cảnh kinh tế biến động
Nguồn: Vietnam Report

Chiến lược thứ ba là phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh đào tạo, truyền thông nội bộ giúp nâng cao hiệu quả và năng suất lao động, giảm tối đa gánh nặng cho doanh nghiệp khi phải thúc đẩy và giám sát người lao động làm việc, nâng cao tính ổn định của tổ chức. Trong bối cảnh lạm phát và biến động, doanh nghiệp chú trọng phát triển nguồn nhân lực còn có thể thu hút nhân tài từ các đối thủ trong ngành.

Chiến lược thứ tư liên quan đến một chính sách nổi lên gần đây là minh bạch hóa thị trường vốn, cụ thể là thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Sau những vụ việc lùm xùm của một số doanh nghiệp lớn vừa qua, các chuyên gia của cho rằng đi cùng với chính sách, doanh nghiệp không nên bỏ qua kênh huy động vốn này mà nên chuyên nghiệp hóa, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn tài chính và pháp lý, kết hợp với truyền thông rõ ràng, minh bạch các sản phẩm trái phiếu của mình để thu hút nhà đầu tư chuyên nghiệp và các quỹ đầu tư tài sản, qua đó nâng tầm thương hiệu của doanh nghiệp.

Chiến lược tăng trưởng của doanh nghiệp VIX 50 trong bối cảnh kinh tế biến động
Khuyến nghị các thông tin doanh nghiệp phải công bố theo chuẩn OECD

Bên cạnh đó, việc công bố và minh bạch thông tin doanh nghiệp là một đòi hỏi bắt buộc để các doanh nghiệp đại chúng uy tín duy trì giữ vững uy tín, niềm tin, hình ảnh và đặc biệt là đảm bảo chất lượng quản trị và điều hành trước các cổ đông cũng như nhà đầu tư. Minh bạch thông tin còn là một phần của công tác quản trị doanh nghiệp. Đứng trước làn sóng hội nhập thị trường vốn quốc tế ngày càng nhanh, các doanh nghiệp sẽ cần dành sự chú ý nhiều hơn vào công tác này để tận dụng được các cơ hội phía trước. Điều này xuất phát từ sự dịch chuyển hoạt động kinh doanh theo tiêu chí ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị doanh nghiệp) trong những năm gần đây, được thúc đẩy mạnh mẽ bởi sự kiện “thiên nga đen” – đại dịch COVID-19 vừa qua. ESG là bộ tiêu chuẩn mới giúp doanh nghiệp hoạt động bền vững và hiệu quả, qua đó cải thiện khả năng thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Trong đó việc công bố thông tin là một tiêu chuẩn chủ chốt để đánh giá chất lượng Quản trị doanh nghiệp.

Chiến lược tăng trưởng của doanh nghiệp VIX 50 trong bối cảnh kinh tế biến động
6 gợi ý nâng cao hiệu quả hoạt động công bố thông tin

Thực tế qua quan sát từ Bảng xếp hạng VIX50 cho thấy, các doanh nghiệp đứng đầu về hiệu quả và uy tín trong bảng xếp hạng về cơ bản cũng đạt được các tiêu chuẩn cao về công bố thông tin trên nhiều khía cạnh: tần suất và số lượng thông tin công bố gắn liền với hoạt động của công ty, sự đầu tư vào hình thức và chất lượng của trang thông tin điện tử, khả năng tiếp cận của cổ đông tới các thông tin về hoạt động của công ty… Điều này cung cấp những bằng chứng quan trọng để khuyến khích các doanh nghiệp đại chúng/niêm yết khác xem xét nghiêm túc việc nâng cao chất lượng công bố thông tin, hướng tới cải thiện hiệu quả hoạt động và uy tín thương hiệu của doanh nghiệp./.