Làm rõ các ý kiến mà đại biểu Quốc hội nêu, khi thảo luận về tình hình kinh – xã hội sáng nay (ngày 2/6), theo Văn phòng Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, thời gian qua, đất nước gặp rất nhiều khó khăn khi đối mặt với đại dịch Covid-19, một đại dịch chưa từng có trong lịch sử đã tác động mạnh mẽ tới mọi mặt, từ phát triển kinh tế xã hội đến sức khỏe, tinh thần và tính mạng của nhân dân. Trong khi đó, hệ thống y tế còn hạn chế, kinh nghiệm phòng, chống dịch không nhiều, vắc xin và vật tư, trang thiết bị, thuốc men còn thiếu thốn, năng lực quản trị xã hội, quản lý nhà nước, xử lý tình huống còn bất cập.

Chiến thắng của ý chí, của sự đoàn kết, nhân ái của một dân tộc anh hùng…

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, chúng ta đã thực hiện thành công mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế – xã hội (ảnh: QH)

“Tuy nhiên, với sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự đồng hành, ủng hộ của Quốc hội, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, đồng lòng của người dân, doanh nghiệp, chúng ta đã thực hiện thành công mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới, tạo điều kiện cho nền kinh tế thích nghi, nhanh chóng chuyển sang giai đoạn phục hồi và phát triển. Đây là chiến thắng của ý chí, của lòng quả cảm, của sự đoàn kết, nhân ái của một dân tộc anh hùng…”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Chiến thắng của ý chí, của sự đoàn kết, nhân ái của một dân tộc anh hùng…

Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, đôn đốc tổ chức thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội (ảnh: QH)

Cũng trong sáng nay, phát biểu tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội đã đề ra 5 nhóm giải pháp với các nhiệm vụ hết sức cụ thể, phân bổ nguồn lực chi tiết, đề ra nhiệm vụ ban hành 14 văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện. Xem đây là nhiệm vụ trọng tâm trong năm và quyết tâm chỉ đạo thực hiện, thời gian qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, đôn đốc tổ chức thực hiện.

“Đến nay, về nhiệm vụ xây dựng chính sách cơ chế, đã ban hành 11/14 văn bản theo kế hoạch. Vẫn còn một số văn bản chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra, do đây là Chương trình chính sách phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp nhiều cơ quan. Mặt khác, đây cũng là nhiệm vụ mới chưa có trong kế hoạch dài hạn, nên nhiều công việc chưa được chủ động. Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành nhiệm vụ này…”, ông Lê Minh Khái cho biết.

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, sau một ngày rưỡi làm việc tích cực, nghiêm túc, đã có 74 ý kiến phát biểu, 4 đại biểu Quốc hội tranh luận, còn 55 đại biểu chưa phát biểu, do đó đề nghị các đại biểu gửi bài phát biểu cho bộ phận thư ký tổng hợp.

Chiến thắng của ý chí, của sự đoàn kết, nhân ái của một dân tộc anh hùng…
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, nợ xấu tiềm ẩn nguy cơ gia tăng, lạm phát tiếp tục tăng cao (ảnh: QH)

Cũng theo ông Trần Thanh Mẫn, các đại biểu cho rằng, bên cạnh kết quả đạt được, cần xác định rõ những thách thức, rủi ro do dịch bệnh và địa chính trị bất định từ bên ngoài và những tồn tại, hạn chế cần khẩn trương khắc phục. Vấn đề giải ngân vốn đầu tư công không đạt kế hoạch, một số cấu phần của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội hai năm 2022-2023 triển khai còn chậm, nợ xấu tiềm ẩn nguy cơ gia tăng, lạm phát tiếp tục tăng cao, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký mới suy giảm đáng kể, thu ngân sách vượt dự toán nhưng chưa bền vững, thu từ cổ phần hóa đạt thấp. Những hạn chế trong giám sát, quản lý thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán…

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Chính phủ chủ động kiểm soát, ứng phó với các rủi ro, đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước, kiểm soát lạm phát, nợ xấu; quản lý giám sát thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản…

Để đạt được mục tiêu đề ra, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội và những nội dung đề cập trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về việc thực hiện phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án, công trình trọng điểm quốc gia…

Liên quan đến tổng kết thực hiện Nghị quyết số 42 về xử lý nợ xấu, ông Trần Thanh Mẫn cho biết, đa số ý kiến của đại biểu đồng tình với sự cần thiết kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết đến ngày 31/12/2023. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ cần có giải pháp tích cực, hiệu quả hơn nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi Nghị quyết; khẩn trương nghiên cứu, xây dựng khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm. UBTVQH sẽ tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý trực tiếp của đại biểu Quốc hội vào dự thảo Nghị quyết Kỳ họp, để trình Quốc hội xem xét thông qua vào ngày 16/6/2022…/.