ThS. Nguyễn Huy Hiệu

Email: hieunh@ftu.edu.vn

ThS. Phạm Hà Phương, ThS. Đỗ Khánh Hiền

Khoa Tài chính Ngân hàng – Trường Đại học Ngoại thương

*Bài viết này là sản phẩm của Đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo mã số: B2023-NTH-04.

Tóm tắt

Huy động vốn qua công nghệ tài chính (Fintech) là hình thức huy động vốn rất phát triển tại nhiều quốc gia trên thế giới trong những năm gần đây, thể hiện được vai trò quan trọng đối với sự phát triển của các dự án khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, tại Việt Nam, hoạt động huy động này vẫn còn rất sơ khai và cần nhiều chính sách hỗ trợ để phát triển tương xứng với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Bài viết đưa ra những khái niệm tổng quan về hoạt động huy động vốn qua Fintech, tổng hợp những bài học kinh nghiệm quốc tế về phát triển hệ sinh thái huy động vốn qua công nghệ tài chính, từ đó đưa ra một số đề xuất đối với nền kinh tế Việt Nam để phát triển hoạt động này.

Từ khóa: công nghệ tài chính, huy động vốn qua công nghệ tài chính, Fintech

Summary

Fintech is a form of capital mobilization that has developed in many countries worldwide in recent years, demonstrating a crucial role in developing start-up and innovation projects. However, this mobilization activity in Vietnam is still very rudimentary and needs many supporting policies to grow commensurate with countries in the region and the world. The article provides an overview of capital mobilization activities through Fintech, summarizes international lessons learned on developing the ecosystem of capital mobilization through financial technology, and, on that basis, proposes some recommendations for the Vietnamese economy to develop this activity.

Keywords: financial technology, capital mobilization through financial technology, Fintech

GIỚI THIỆU

Hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp là một trong những chiến lược trọng tâm của Việt Nam nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, góp phần tạo ra những doanh nghiệp mới với tiềm năng tăng trưởng cao và ứng dụng được công nghệ tiên tiến. Tuy nhiên, một trong những trở ngại lớn nhất của các doanh nghiệp khởi nghiệp là tìm kiếm nguồn vốn phù hợp, đặc biệt trong giai đoạn chưa có doanh thu ổn định và mô hình kinh doanh chưa hoàn thiện. Tại Việt Nam, Fintech đang phát triển nhanh chóng và sâu rộng, có tiềm năng trở thành một trong những lĩnh vực chủ đạo của nền kinh tế số, với những ứng dụng đột phá trên nhiều khía cạnh. Huy động vốn qua Fintech là hình thức huy động vốn mới, đã được triển khai tại nhiều quốc gia và chứng minh được những ưu thế nhất định so với các phương thức huy động vốn truyền thống. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai cho thấy, để kênh huy động vốn này phát huy được tính hiệu quả và tiềm năng, vai trò của chính quyền và sự hỗ trợ của các chính sách liên quan là vô cùng quan trọng. Bài viết tổng hợp những bài học quốc tế về phát triển hoạt động huy động vốn qua công nghệ tài chính dành cho các công ty khởi nghiệp, qua đó đưa ra một số đề xuất đối với Việt Nam để phát triển hoạt động này.

HUY ĐỘNG VỐN QUA CÔNG NGHỆ TÀI CHÍNH

Fintech là thuật ngữ dùng để mô tả sự giao thoa giữa tài chính và công nghệ, đại diện cho những đổi mới công nghệ trong lĩnh vực tài chính, bao gồm thanh toán di động, huy động vốn cộng đồng, công nghệ blockchain và cho vay ngang hàng. Theo Gomber và cộng sự (2017), những xu hướng lớn về Fintech đã và sẽ xuất hiện, qua đó không chỉ định hình lại ngành tài chính mà còn đem lại những cách thức cung cấp và tiêu dùng dịch vụ tài chính trên toàn cầu. Đối với hoạt động khởi nghiệp, Fintech đem lại những lợi ích sau:

– Giúp doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn thông qua huy động vốn cộng đồng, cho phép các doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận vốn từ các nhà đầu tư cá nhân trên toàn cầu mà không cần dựa vào các kênh tài chính truyền thống. Điều này giúp các công ty khởi nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn cần thiết để phát triển kinh doanh (Belleflamme và cộng sự, 2014). Bên cạnh đó, các nền tảng cho vay ngang hàng (Peer-to-Peer Lending) được phát triển thông qua Fintech cho phép các doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận vốn vay từ các nhà đầu tư cá nhân với các điều khoản linh hoạt hơn so với các tổ chức tài chính truyền thống (Mills và McCarthy, 2014).

– Giúp doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận thị trường toàn cầu qua: Mở rộng kênh tiếp cận khách hàng thông qua các nền tảng số hóa, mở rộng thị trường và nâng cao khả năng cạnh tranh (Puschmann, 2017); Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp phân tích thị trường và khách hàng nhanh chóng và hiệu quả (Gomber và cộng sự, 2017).

– Tối ưu hóa hoạt động kinh doanh thông qua quản lý tài chính và kế toán tự động, từ đó tăng khả năng sinh lời; đồng thời giúp các doanh nghiệp tăng khả năng thanh toán nhanh chóng và an toàn (Bons và cộng sự, 2012; Broby, 2021).

– Hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp đối mới sáng tạo thông qua việc cung cấp các công nghệ tiên tiến, như: Blockchain và AI, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp này trên thị trường.

CÁC PHƯƠNG THỨC HUY ĐỘNG VỐN QUA CÔNG NGHỆ TÀI CHÍNH ĐÃ VÀ ĐANG ĐƯỢC TRIỂN KHAI HIỆN NAY

Huy động vốn cộng đồng (Crowdfunding) là phương thức gọi vốn trong đó các cá nhân hoặc tổ chức có thể đầu tư hoặc đóng góp tiền vào một dự án hoặc doanh nghiệp thông qua các nền tảng trực tuyến. Mô hình này cho phép các dự án hoặc doanh nghiệp huy động tiền từ một số lượng lớn người, thường là thông qua Internet, thay vì dựa vào nguồn vốn từ các nhà đầu tư truyền thống hay tổ chức tài chính (Belleflamme và cộng sự, 2014). Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hệ thống tài chính truyền thống ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế đối với các doanh nghiệp nhỏ và khởi nghiệp. Các nền tảng crowdfunding, như: Kickstarter, Indiegogo và các nền tảng địa phương, như: Fundstart.vn và Betado.vn đã bắt đầu thu hút sự quan tâm từ các nhà đầu tư và doanh nhân và trên thực tế đã có nhiều dự án đã huy động vốn thành công thông qua phương thức này.

Cho vay ngang hàng (P2P Lending) là phương thức cho vay mà trong đó các cá nhân hoặc tổ chức cho vay tiền trực tiếp cho các cá nhân hoặc doanh nghiệp khác thông qua một nền tảng trực tuyến, mà không cần qua các tổ chức tài chính truyền thống như ngân hàng. Đây là một dạng của huy động vốn cộng đồng, nơi các bên liên quan (nhà đầu tư và người vay) giao dịch trực tiếp với nhau, qua đó giúp giảm bớt các chi phí giao dịch và quy trình vay vốn so với các tổ chức tài chính truyền thống (Mills và McCarthy, 2014). Một số nền tảng cho vay ngang hàng phổ biến và đã chứng minh được sự hiệu quả trên thế giới, như: LendingClub, Prosper, Funding Circle, RateSetter hay Tima, Lendbiz, Moneycat, Momo tại Việt Nam.

ICO và STO: Theo Fisch (2019), ICO (Initial Coin Offering) là một hoạt động gọi vốn trong đó các dự án blockchain phát hành và bán các token mới cho các nhà đầu tư để huy động vốn. Những token này thường được phát hành trên nền tảng blockchain, như Ethereum, và có thể được sử dụng trong hệ sinh thái của dự án hoặc giao dịch trên các sàn giao dịch tiền điện tử. Mặt khác, STO (Security Token Offering) là phương thức gọi vốn, trong đó các token được phát hành và bán cho các nhà đầu tư với mục đích cung cấp chứng khoán hoặc tài sản tài chính theo quy định pháp luật. Các token này được đảm bảo bằng các tài sản thực tế, chẳng hạn, như: cổ phiếu, trái phiếu, hoặc bất động sản và phải tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn pháp lý. STO mang lại sự minh bạch hơn và bảo vệ tốt hơn cho các nhà đầu tư so với ICO.

KINH NGHIỆM TẠI MỘT SỐ QUỐC GIA PHÁT TRIỂN

Cho đến gần đây, các cơ quan quản lý vẫn tỏ ra tương đối thận trọng và hoài nghi về sự phát triển của các công ty khởi nghiệp Fintech, vì những lý do: (i) Nền văn hóa, kiến ​​thức và khoảng cách khuyến khích giữa một bên là các chuyên gia Fintech và một bên là các cơ quan quản lý; (ii) Sự không chắc chắn xung quanh tiềm năng phát triển và sự năng động của thị trường; (iii) Sự phản kháng do khả năng xảy ra sai lệch trong cơ chế tài chính và thị trường lao động (Kaal, 2016); và (iv) Miền quy định theo truyền thống không được đồng bộ hóa tốt trong việc bắt kịp môi trường với tốc độ thay đổi nhanh chóng như công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo. Khi đó, cách tiếp cận “chờ và xem” (wait-and-see) mang lại cho cơ quan quản lý cơ hội quan sát và tìm hiểu về những rủi ro tiềm ẩn từ các công ty khởi nghiệp Fintech. Kirchner (2011) cho rằng, việc ban hành các quy định diễn ra khá chậm vì quy định dựa trên thực tế. Quá trình tìm ra cách thức ổn định và tối ưu cần dựa thử và sai (trial-and-error rulemaking).

Mỹ Sự đa dạng và linh hoạt

Hoa Kỳ đã đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển ngành Fintech và đã thiết lập một mô hình chính sách linh hoạt để thúc đẩy sự đổi mới và sáng tạo trong lĩnh vực này. Các cơ quan quản lý chính trọng yếu trong mô hình chính sách Fintech tại Mỹ bao gồm: Cục Dự trữ Liên bang (Federal Reserve) – nơi chịu trách nhiệm giám sát và quản lý các ngân hàng và các tổ chức tài chính khác. Họ cũng quản lý hệ thống thanh toán quốc gia và theo dõi các vấn đề tài chính quốc gia; Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) – quản lý và giám sát thị trường chứng khoán và giúp đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong giao dịch chứng khoán; và Cục Quản lý Tài chính Nhân dân (CFPB) – bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực tài chính và giám sát các công ty cung cấp dịch vụ tài chính. Hoa Kỳ là một trường hợp điển hình cho cách tiếp cận thận trọng, nơi mà cơ chế quản lý chưa có nhiều tác động tới việc định hình thị trường Fintech. Thay vào đó, nó dựa vào tuân thủ các quy định thực thi hiện hành được tạo ra dựa trên hoạt động (Board, 2013). Ví dụ, nếu một khoản cho vay nền tảng này tham gia vào hoạt động bảo lãnh, khởi tạo hoặc cung cấp dịch vụ, thì nền tảng đó có thể phải tuân theo các yêu cầu cấp phép cho người cho vay của tiểu bang. Điều này có thể làm khơi dậy “chênh lệch luật lệ” (regulatory arbitrage), khi mà những người mới tham gia có thể tận dụng để tránh các yêu cầu về vốn quy định và tuân thủ tốn kém. Văn phòng Kiểm toán Tiền tệ (OCC) đã công bố và cố gắng đưa ra đề xuất cho phép Fintech tiến hành kinh doanh trên toàn quốc thông qua một ngân hàng đặc quyền mới cấp quốc gia với mục đích đặc biệt đảm bảo sự minh bạch và tính thống nhất về quy định cao hơn[1]. Hơn nữa, mục đích của điều lệ là hợp lý hóa quy trình để Fintech hoạt động trên toàn quốc mà không cần phải đáp ứng yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước. Điều lệ này vẫn đang được cân nhắc để tránh vượt lên quyền hạn của các cơ quan quản lý các bang (Deloitte, 2016).

Một trong những điểm nổi bật khác của mô hình chính sách Fintech tại Hoa Kỳ là việc tạo ra các môi trường thử nghiệm (Sandboxs) cho các doanh nghiệp khởi nghiệp qua Fintech. Mô hình này cho phép các công ty thử nghiệm sản phẩm và dịch vụ mới mà không cần phải tuân thủ toàn bộ quy định từ đầu. Điều này thúc đẩy sự sáng tạo và phát triển trong ngành, đồng thời giúp cơ quan quản lý hiểu rõ hơn về các thách thức và cơ hội đối với Fintech. Bên cạnh đó, Hoa Kỳ cũng đã thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp Fintech và tổ chức tài chính truyền thống để tận dụng sự đổi mới và tạo ra những giải pháp tài chính tiên tiến hơn. Tính linh hoạt của mô hình chính sách đã làm cho nước này trở thành một trong những trung tâm quốc tế hàng đầu cho Fintech và công nghệ tài chính.

Vương quốc Anh – Hợp tác ngân hàng và Fintech

Vương quốc Anh cùng với Trung Quốc và Singapore đang đi đầu trong việc chứng minh cách các công ty khởi nghiệp Fintech tập trung vào các công nghệ có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các yêu cầu pháp lý hiệu quả hơn so với khả năng hiện có[2]. Đây là điều đã khiến Cơ quan Quản lý tài chính (FCA) không chỉ quan tâm đến việc tạo lập, quảng bá và cộng tác trong thị trường Fintech; trong đó, các sản phẩm tuân thủ được triển khai, thử nghiệm, kiểm tra lại và bảo mật trong các vườn ươm trước khi được các công ty dịch vụ tài chính hoặc cơ quan quản lý sử dụng. Tại Vương quốc Anh, Cơ quan Quản lý Tài chính đã công bố Cơ chế quản lý thử nghiệm (Regulatory sandbox) – nơi đón nhận sự thay đổi và sự phát triển trong các dịch vụ tài chính và đồng thời còn cung cấp một điểm liên lạc hai chiều cho các công ty khởi nghiệp và cơ quan quản lý.

Bên cạnh đó, Vương quốc Anh đã đạt được sự thành công trong việc thúc đẩy sự hợp tác giữa ngân hàng truyền thống và các công ty Fintech (Deloitte, 2016). Mô hình chính sách này đã tạo ra một môi trường thúc đẩy sự đổi mới và cung cấp các giải pháp tài chính tiên tiến hơn cho người tiêu dùng. Về chương trình khuyến khích hợp tác, Chính phủ Anh đã tạo ra các chương trình khuyến khích hợp tác giữa các ngân hàng truyền thống và các công ty Fintech (Anagnostopoulos, 2018). Điều này có thể bao gồm việc cung cấp hỗ trợ tài chính và cơ hội hợp tác thông qua các chương trình đối tác. Bên cạnh đó, Vương quốc Anh cũng đẩy mạnh hợp tác quốc tế bằng việc tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực Fintech và đã ký kết các thỏa thuận hợp tác với các quốc gia khác để thúc đẩy sự phát triển toàn cầu của ngành. Mô hình chính sách này đã giúp Anh trở thành một trong những trung tâm quốc tế quan trọng trong lĩnh vực Fintech và đã tạo ra nhiều cơ hội cho các công ty Fintech để phát triển và cung cấp các giải pháp tài chính tiên tiến cho khách hàng.

Singapore – Tối ưu hóa các điều khoản pháp lý

Singapore đã nắm bắt cơ hội trong việc tối ưu hóa điều khoản pháp lý để thu hút các công ty Fintech và đã xây dựng một mô hình chính sách rất hiệu quả. Điều đó đã giúp Nhà nước này trở thành một trung tâm quốc tế quan trọng trong ngành Fintech và dự kiến sẽ tiếp tục thu hút sự đầu tư và phát triển trong tương lai. Nổi bật trong chính sách về Fintech tại Singapor có thể kể đến đó là việc xây dụng quy định rõ ràng (Kirchner, 2011). Singapore đã thiết lập quy định rõ ràng về bảo vệ dữ liệu và tuân thủ tài chính, giúp tạo ra một môi trường tin cậy cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Các quy định này đảm bảo tính minh bạch và an toàn trong việc sử dụng dữ liệu cá nhân và tài chính. Các quy định này được đảm bảo bởi cơ quan quản lý chuyên nghiệp: Cơ quan quản lý chính trọng yếu trong ngành Fintech tại Singapore là Cục Bảo vệ Dữ liệu cá nhân (Personal Data Protection Commission – PDPC) và Cục Quản lý Tài Chính (Monetary Authority of Singapore – MAS). PDPC chịu trách nhiệm quản lý và giám sát bảo vệ dữ liệu, trong khi MAS quản lý ngành tài chính và đảm bảo tính minh bạch và ổn định trong hệ thống tài chính.

Bên cạnh đó, giống như Mỹ, Chính phủ Singapore đã khuyến khích sự đổi mới trong ngành Fintech thông qua việc thiết lập chương trình “Fintech Regulatory Sandbox”, nơi các công ty Fintech có thể thử nghiệm sản phẩm và dịch vụ mới mà không phải tuân thủ toàn bộ quy định. Ngoài ra, hợp tác quốc tế cũng được đẩy mạnh. Singapore đã hợp tác chặt chẽ với các quốc gia và khu vực khác để thúc đẩy sự phát triển quốc tế của ngành Fintech và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tài chính kỹ thuật số.

Úc – Hỗ trợ đào tạo và phát triển

Chính phủ Úc đã thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực Fintech. Điều này đặc biệt quan trọng để đảm bảo rằng ngành Fintech có đủ tài năng và kiến thức để phát triển và cạnh tranh trên thị trường quốc tế (Anagnostopoulos, 2018). Một mặt, Chính phủ Úc đã đầu tư vào các chương trình đào tạo Fintech thông qua việc hỗ trợ tài chính cho các trường đại học và tổ chức đào tạo. Điều này bao gồm cả việc phát triển các khóa học và chương trình học phí giảm giá để thu hút sinh viên và chuyên gia vào ngành. Bên cạnh đó, Chính phủ Úc cũng đã thiết lập các chương trình học bổng và hỗ trợ tài chính cho người học và sinh viên quan tâm đến lĩnh vực Fintech. Điều này giúp thu hút và duy trì những tài năng tương lai trong ngành.

Mặt khác, Chính phủ Úc đã hợp tác chặt chẽ với ngành công nghiệp Fintech để đảm bảo rằng các chương trình đào tạo và đào tạo chuyên sâu phản ánh nhu cầu thực tế của ngành. Điều này đảm bảo rằng người học được trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết để làm việc trong lĩnh vực này. Ngoài ra, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo và phát triển nguồn nhân lực Fintech cũng được tăng cường (Kirchner, 2011). Điều này bao gồm cả việc thúc đẩy trao đổi kiến thức và kinh nghiệm với các quốc gia khác để cùng phát triển nguồn nhân lực toàn cầu trong ngành. Những nỗ lực này của Chính phủ Úc đã giúp tạo ra một môi trường đào tạo và phát triển nguồn nhân lực mạnh mẽ trong lĩnh vực Fintech, giúp ngành này ngày càng phát triển và cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Canada – Hiện diện quốc tế

Sự hợp tác quốc tế của Canada trong lĩnh vực chính sách Fintech thể hiện cam kết của họ đối với việc xây dựng một môi trường tài chính kỹ thuật số an toàn và phát triển ngành này một cách bền vững (Anagnostopoulos, 2018). Canada có mặt tại các diễn đàn và tổ chức quốc tế, như: Tổ chức Tài chính Quốc tế (International Financial Organization – IFO), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và Hội nghị Ngân hàng Trung ương và Ủy ban Chứng khoán quốc tế để thảo luận và đề xuất các chuẩn mực quốc tế cho ngành Fintech. Việc tham gia tích cực này hỗ trợ xây dựng mạng lưới quốc tế với các quốc gia khác để chia sẻ thông tin và kinh nghiệm trong việc quản lý Fintech, thúc đẩy hợp tác toàn cầu để đối phó với các thách thức liên quan đến Fintech, như: bảo vệ dữ liệu và quản lý rủi ro toàn cầu, theo đó, tìm kiếm các giải pháp chung đối phó với các thách thức quốc tế.

Sự hợp tác quốc tế của Canada và các quốc gia phát triển khác trong lĩnh vực chính sách Fintech đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tính thống nhất và hiệu quả trong quản lý ngành này trên toàn cầu. Điều này giúp bảo vệ người tiêu dùng và đảm bảo tính minh bạch và an toàn trong hoạt động Fintech. Có thể thấy rằng, các chính sách liên quan đến hỗ trợ và quản lý các doanh nghiệp start-up thông qua Fintech của các quốc gia phát triển có sự đa dạng và linh hoạt, tuân thủ đặc điểm riêng của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, tất cả đều nhấn mạnh sự cần thiết của tính minh bạch, bảo mật thông tin, sự hợp tác giữa ngân hàng và các doanh nghiệp Fintech, và sự đầu tư vào đào tạo nguồn nhân lực. Những mô hình này cung cấp các bài học quý báu cho các quốc gia khác đang cố gắng phát triển và quản lý ngành Fintech trong bối cảnh kinh tế số ngày càng phát triển.

BÀI HỌC KINH NGHIỆM NHẰM PHÁT TRIỂN HOẠT ĐỘNG HUY ĐỘNG VỐN QUA FINTECH TẠI VIỆT NAM

Các nền tảng huy động vốn thông qua Fintech tại Việt Nam, đặc biệt là các nền tảng Crowdfunding và P2P lending, đã chứng kiến sự phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây. Nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đã sử dụng các nền tảng này để huy động vốn, nhờ vào sự gia tăng độ tin cậy và sự phát triển của công nghệ. Các nền tảng Fintech phổ biến có thể kể đến, như: FundStart, Tima, Lendbiz cung cấp các phương thức gọi vốn cộng đồng và cho vay ngang hàng nhanh chóng. Nhiều dự án, doanh nghiệp cũng đã thành công huy động vốn thông qua các kênh Fintech, như: dự án “IoT – Internet of Things” của FPT Software, dự án “Hệ thống lưu trữ và phân phối dữ liệu đám mây” của Betado.vn. Bên cạnh đó, theo Báo cáo huy động vốn từ cộng đồng để thúc đẩy đổi mới sáng tạo[3] được thực hiện dưới sự chủ trì của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hoạt động huy động vốn từ cộng đồng tại Việt Nam đã và đang tồn tại, đồng thời khá đa dạng về phương thức và có những đặc thù nhất định về phạm vi dự án và cách thức huy động. Báo cáo này cũng cho rằng Việt Nam rất cần phải sớm có một khung pháp lý điều chỉnh hoạt động này, qua đó giúp hoạt động huy động vốn qua Fintech có thể hoạt động hiệu quả hơn, bảo vệ tốt hơn lợi ích chính đáng của các bên liên quan. Đồng thời, việc tăng cường giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về hoạt động này cần được thực hiện mạnh mẽ hơn để hỗ trợ thay đổi tâm lý đầu tư, xây dựng văn hoá hỗ trợ khởi nghiệp tại Việt Nam.

Huy động vốn qua Fintech không phải là một hiện tượng mới nổi ở Việt Nam và trên thế giới. Trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây, đã có nhiều nghiên cứu trên thế giới một cách có hệ thống về vấn đề này. Trên thực tế, huy động vốn qua Fintech đã thành công ở một số quốc gia, chứng minh được sự phù hợp và tính khả thi để huy động vốn đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy sự cần thiết và vai trò của dẫn vốn của kênh huy động này, bên cạnh các nguồn vốn truyền thống khác, như: vốn đầu tư mạo hiểm, vốn vay thương mại, đặc biệt cho các hoạt động đổi mới sáng tạo. Huy động vốn qua Fintech không chỉ là một công cụ huy động tài chính mà còn là một phương thức giúp marketing hay đánh giá khả năng thương mại hoá của ý tưởng về sản phẩm, chứng minh khả năng phát triển của doanh nghiệp, dự án. Xét rộng hơn, kênh huy động vốn còn có thể giúp lan tỏa trong xã hội những ý tưởng, xu hướng tốt, tích cực, đặc biệt liên quan tới ứng dụng công nghệ cho toàn xã hội.

Dựa vào những phân tích, nghiên cứu đánh giá ở trên, tác giả đưa ra một số đề xuất đối với Việt Nam để phát triển hoạt động huy động vốn thông qua Fintech đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp

Một là, hoạt động huy động vốn qua Fintech với tư cách là một phương thức hỗ trợ vốn cho các hoạt động đổi mới sáng tạo nên được ghi nhận chính thức trong hệ thống pháp luật Việt Nam thông qua các điều khoản của luật, nghị định. Thực tế cho thấy, do chưa có quy định pháp luật cụ thể, nên các hoạt động huy động vốn của Fintech tại Việt Nam chưa được mạnh mẽ và chưa phát huy hết được tiềm năng và cũng dẫn tới những rủi ro nhất định cho các chủ thể liên quan.

Hai là, khung pháp luật về hoạt động huy động vốn qua Fintech cho các dự án khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cần phải làm rõ phạm vi của khái niệm đổi mới sáng tạo để được áp dụng phương thức huy động vốn qua Fintech, các hình thức huy động vốn qua Fintech phù hợp, các chủ thể có thể thực hiện hoạt động này cũng như các điều kiện huy động vốn qua Fintech cho các công ty khởi nghiệp, như: giá trị tối đa, tần suất huy động… Đồng thời, các phương thức hỗ trợ của Nhà nước đối với hoạt động huy động vốn qua Fintech cho các dự án đổi mới sáng tạo, như; cơ chế thuế và kế toán, cơ chế thẩm định dự án hay trách nhiệm của các cơ quan nhà nước đối với hoạt động này cần được nêu rõ trong các văn bản quy phạm pháp luật.

Ba là, cần tiếp tục có những nghiên cứu chuyên sâu về từng hình thức huy động vốn qua Fintech để xác định hình thức phù hợp với Việt Nam và có phương án quy định phù hợp, các chính sách phù hợp với bối cảnh thị trường Việt Nam, như: các biện pháp ưu đãi cụ thể, những hỗ trợ về mặt kỹ thuật, cơ chế giải quyết tranh chấp… Đồng thời, sự tham gia của các tổ chức tài chính truyền thống là vô cùng quan trọng.

Bốn là, cần xây dựng các chính sách phát triển văn hoá đầu tư, hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam (Vuong và Nguyen, 2024)./.

Tài liệu tham khảo

1. Anagnostopoulos, I. (2018), Fintech and regtech: Impact on regulators and banks, Journal of Economics and Business, 100, 7-25.

2. Belleflamme, P., Lambert, T., and Schwienbacher, A. (2014), Crowdfunding: Tapping the right crowd, Journal of business venturing, 29(5), 585-609.

3. Board, F. S. (2013), Policy framework for strengthening oversight and regulation of shadow banking entities, Consultative Document, Financial Stability Board, Basel, retrieved from http://www.financialstabilityboard.org/publications/r_130829c.htm.

4. Bons, R. W., Alt, R., Lee, H. G., and Weber, B. (2012), Banking in the Internet and mobile era, Electronic markets, 22, 197-202.

5. Broby, D. (2021), Financial technology and the future of banking, Financial Innovation, 7(1), 47.

6. Deloitte (2016), RegTech is the new Fintech, How agile regulatory technology is helping firms better understand and manage their risks.

7. Fisch, C. (2019), Initial coin offerings (ICOs) to finance new ventures, Journal of business venturing, 34(1), 1-22.

8. Gomber, P., Koch, J.-A., and Siering, M. (2017), Digital Finance and Fintech: current research and future research directions, Journal of Business Economics, 87, 537-580.

9. Kaal, W. A. (2016), Dynamic regulation for innovation, Perspectives in Law, Business & Innovation (Mark Fenwick, Wulf A. Kaal, Toshiyuki Kono & Erik PM Vermeulen eds.), New York Springer (2016), U of St. Thomas (Minnesota) Legal Studies Research Paper (16-22).

10. Kirchner, C. (2011), Evolution of law: interplay between private and public rule-making-a new institutional economics-analysis, Erasmus L. Rev., 4, 161.

11. Mills, K., and McCarthy, B. (2014), The state of small business lending: Credit access during the recovery and how technology may change the game, Harvard Business School General Management Unit Working Paper (15-004).

12. Puschmann (2017), fintech, Business & Information Systems Engineering, 59(1), DOI:10.1007/s12599-017-0464-6.

13. Vuong, Q. H., Nguyen, M. H. (2024). Better Economics for the Earth: A Lesson from Quantum and Information Theories. AISDL.


[1] https://www.occ.treas.gov/topics/responsible-innovation/comments/special-purpose-national-bank-charters-for-Fintech.pdf

[2] https://www.fca.org.uk/publication/feedback/fs-16-04.pdf

[3] https://nic.gov.vn/wp-content/uploads/2023/04/BC-huy-dong-nguon-von.pdf

Ngày nhận bài: 30/8/2024; Ngày phản biện: 15/9/2024; Ngày duyệt đăng: 27/9/2024