Chủ tịch Dragon Capital kiến nghị 8 giải pháp phát triển thị trường vốn Việt Nam
Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital (thứ 3 từ trái sang) cùng ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (thứ hai từ phải sang) tham dự VBF (ảnh: Đức Thanh, VIR)

Dấu ấn thành công của thị trường vốn Việt Nam

Chủ tịch Dragon Capital kiến nghị 8 giải pháp phát triển thị trường vốn Việt Nam
Ông Dominic Scriven khuyến nghị, để thực hiện các cam kết hạn chế phát thải CO2, Việt Nam có thể dựa vào các công cụ của thị trường vốn
Số lượng công ty niêm yết có định giá trên 1 tỷ đô la Mỹ đã tăng từ 5 lên 62 công ty trong vòng 10 năm. Cũng trong thời gian này, thị trường chứng khoán Việt Nam có tỷ suất sinh lợi tốt nhất so với các thị trường lớn trên thế giới…

Đại diện cho Nhóm công tác thị trường vốn phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên mới đây, ông Dominic Scriven đánh giá, năm 2020 và 2021 là hai năm chứng kiến rất nhiều biến động trong lịch sử nước Việt Nam hiện đại. Tuy nhiên, với sự lãnh đạo vững vàng, sự cam kết bền chặt và sự đoàn kết mạnh mẽ của toàn thể nhân dân và các lãnh đạo Việt Nam, chúng ta đã khiến cả thế giới thán phục và kinh ngạc. Tính đến ngày hôm nay, thị trường vốn của Việt Nam đã có sự phát triển và thành công vượt bậc, thể hiện ở 5 điểm lớn.

Thứ nhất, tổng vốn hóa của thị trường chứng khoán của Việt Nam khoảng 7,75 triệu tỷ, chiếm 95,6% GDP, vượt mục tiêu đặt ra cho Việt Nam vào năm 2025.

Thứ hai, tổng quy mô thị trường trái phiếu của Chính phủ Việt Nam là 1,5 triệu tỷ, và lợi suất trái phiếu Chính phủ Việt Nam ở một vài kỳ hạn còn thấp hơn lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ.

Thứ ba, trong năm 2021, số lượng nhà đầu tư mới tăng hơn 50% và đồng nghĩa với việc số người tham gia thị trường cũng tăng gấp rưỡi. Ngày càng có nhiều người bắt đầu đầu tư vào thị trường chứng khoán và coi đây như một kênh để tích lũy tài sản.

Thứ tư, trong năm 2021, giá trị giao dịch trung bình hàng ngày của thị trường đã tăng gấp 3,6 lần, đạt 24,7 nghìn tỷ (đối với thị trường chứng khoán) và 11 nghìn tỷ (đối với thị trường nợ).

Thứ năm, tổng vốn huy động qua thị trường chứng khoán và thị trường nợ ước tính đạt 670 nghìn tỷ đồng, tương đương với khoảng 45% tổng dư nợ tăng thêm trong năm 2021 (1,2 triệu tỷ đồng).

Thứ sáu, chỉ trong vòng 10 năm, số lượng công ty niêm yết có định giá trên 1 tỷ đô la Mỹ đã tăng từ 5 lên 62 công ty.

Cùng với đó, thị trường chứng khoán Việt Nam có tỷ suất sinh lợi tốt nhất trong vòng 10 năm so với các thị trường lớn trên thế giới. Đây là điểm xứng đáng để chúc mừng Việt Nam, ông nói.

Cũng theo ông Dominic Scriven, thị trường vốn sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam trong tương lai. Cụ thể, với Chính phủ, thị trường trái phiếu chính phủ đã trở thành công cụ tài chính để Chính phủ huy động nguồn vốn cho các dự án phát triển hạ tầng và giải quyết các nhu cầu ngân sách khác. Hơn thế nữa, trái phiếu Chính phủ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc thiết lập các chính sách tiền tệ và là cơ sở cho lãi suất phi rủi ro, vốn là một yếu tố nền tảng trong việc quản lý chi phí vốn trên toàn quốc.

Với các doanh nghiệp, ngành ngân hàng đang cần kiểm soát việc sử dụng các nguồn vốn ngắn hạn (chủ yếu là tiền gửi) để cho vay trung-dài hạn (chủ yếu là khoản vay cho doanh nghiệp, hộ gia đình) và buộc phải hạn chế tăng trưởng tín dụng. Do đó, thị trường vốn sẽ là kênh huy động các khoản vay thay thế cho các ngân hàng thương mại.

Với khối kinh tế tư nhân, thị trường vốn là nguồn tài chính chủ lực cho sự phát triển của các công ty trong khối kinh tế tư nhân. Các công ty có thể tiếp cận các đối tác chiến lược thông qua các giao dịch trên thị trường vốn, đồng thời tìm ra mức định giá phù hợp cho doanh nghiệp của mình, bao gồm cả việc nâng cao vị thế thương mại. Ngoài ra, thị trường vốn là một kênh sàng lọc “đãi cát tìm vàng” để tìm ra các doanh nghiệp tốt và loại bỏ đi các doanh nghiệp yếu kém. Thông qua việc niêm yết trên thị trường chứng khoán, các công ty sẽ xây dựng được cơ chế để giữ chân nhân tài và lập kế hoạch kế nhiệm, phát triển thương hiệu và triển khai việc mua bán sáp nhập. “Minh chứng cho vai trò của thị trường vốn với sự phát triển của khối doanh nghiệp tư nhân, chính là sự gia tăng gấp 10 lần số lượng công ty có định giá trên 1 tỷ đô la Mỹ trong 10 năm qua”, ông Dominic nói.

Một vai trò quan trọng khác là thị trường vốn tạo cơ chế xử lý và đánh giá thông tin liên tục, là một nguồn tin cậy để xác định mức độ rủi ro. Chúng ta có thể thông qua thị trường vốn để xác định được giá trị thực của một doanh nghiệp. Cùng với đó, thông qua các quy định về công bố thông tin và lợi ích của người có liên quan, nộp các báo cáo tài chính định kỳ, quản trị doanh nghiệp…, thị trường vốn đã và đang thúc đẩy tính minh bạch trong hoạt động của các doanh nghiệp.

Ngoài ra, thị trường vốn hiện có các cơ chế giúp đẩy nhanh việc cải cách doanh nghiệp Nhà nước, như các quy định về minh bạch hoá thông tin, định giá doanh nghiệp, thoái vốn Nhà nước và sự tham gia của các đối tác chiến lược.

Cũng theo ông Dominic, để thực hiện các cam kết hạn chế phát thải CO2 của Việt Nam, Việt Nam có thể dựa vào các công cụ của thị trường vốn để tài trợ cho các dự án đầu tư phát triển bền vững và định giá việc phát thải carbon.

Kiến nghị 8 giải pháp để phát huy tối đa vai trò của thị trường vốn

Chủ tịch Dragon Capital kiến nghị 8 giải pháp phát triển thị trường vốn Việt Nam
Sự phát triển của thị trường vốn phụ thuộc rất nhiều vào niềm tin của nhà đầu tư – điều này chỉ được gây dựng thông qua việc nâng cao tính minh bạch và công bằng
Chủ tịch Dragon Capital kiến nghị 8 giải pháp phát triển thị trường vốn Việt Nam
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Việt Nam kêu gọi bảo đảm công bằng, công lý trong quá trình chuyển đổi xanh, mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế về hoàn thiện thể chế, đa dạng hóa nguồn vốn, công nghệ xanh, công nghệ sạch, quản trị và nguồn nhân lực.

Đại diện cho Nhóm công tác thị trường vốn, ông Dominic cho rằng, Việt Nam cần thực thi 8 giải pháp để phát huy tối đa vai trò của thị trường vốn. Thị trường phát triển sẽ tạo cơ hội rất tốt cho nền kinh tế vững bước đi lên.

Một là, cần sự hợp tác chặt chẽ và liên thông giữa các cơ quan ban ngành gồm Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và Uỷ ban Chứng khoán. Mỗi cơ quan đều có vai trò rất quan trọng trong việc quản lý và phát triển thị trường vốn và vì vậy, sự hợp tác sẽ giúp Việt Nam ngày càng nâng cao năng lực quản lý của các cơ quan Nhà nước.

Hai là, cần cơ sở hạ tầng hoàn thiện, gồm cơ sở hạ tầng cứng và cả cơ sở hạ tầng mềm. Việt Nam có hệ thống pháp luật vững chắc nhưng vẫn cần phải hoàn thiện thêm để đảm bảo tính thống nhất của các quy định pháp luật áp dụng cho thị trường nợ, thị trường chứng khoán… Cùng với đó, cần triển khai hệ thống giao dịch chứng khoán hiệu quả và đáng tin cậy, xây dựng cơ chế đối tác bù trừ thanh toán trung tâm, thành lập các tổ chức xếp hạng tín nhiệm và trên hết là nâng cao năng lực của các cán bộ quản lý.

Ba là, cần bảo vệ và củng cố niềm tin của nhà đầu tư: Sự phát triển của thị trường vốn phụ thuộc rất nhiều vào niềm tin của nhà đầu tư – điều này chỉ được gây dựng thông qua việc nâng cao tính minh bạch và công bằng của thị trường, áp dụng biện pháp trừng phạt thoả đáng với các hành vi vi phạm và thực thi các cơ chế bảo vệ nhà đầu tư, đặc biệt là tại thị trường Việt Nam chúng ta, hiện có sự tham gia đông đảo của các nhà đầu tư cá nhân.

Bốn là, cần thể chế hoá và đa dạng hoá đối tượng tham gia thị trường vốn: Giống như bất kỳ hệ sinh thái nào, thị trường vốn phát triển mạnh mẽ nhờ sự đa dạng của các đối tượng tham gia, bao gồm các định chế lớn, nâng cao mức độ quan tâm của họ và mở rộng các giao dịch mà họ có thể thực hiện. Thị trường vốn của Việt Nam hiện nay còn bị giới hạn, khi thị trường nợ phụ thuộc vào các ngân hàng thương mại và thị trường chứng khoán phụ thuộc vào các nhà đầu tư cá nhân. Chúng ta có thể làm nhiều hơn nữa để phát triển và kêu gọi sự tham gia của các đối tượng khác, như khuyến khích các quỹ hưu trí, các công ty bảo hiểm và các loại hình nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư chuyên nghiệp khác.

Năm là, cần tăng cường các tiếp cận quốc tế: Mặc dù Việt Nam có một nền kinh tế mở đáng kể, nhưng sự tham gia của nhà đầu tư quốc tế vào thị trường vốn của Việt Nam còn khá thấp so với mức mà Việt Nam có thể đạt được. Giải quyết tất cả các vấn đề để thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài có thể không đơn giản, nhưng nếu chúng ta nỗ lực phối hợp thì có thể mang lại kết quả ấn tượng hơn so với tình hình hiện tại. Trước mắt, nên đẩy nhanh việc biến TP.HCM thành một trung tâm tài chính của khu vực, tìm ra những lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ trong khu vực như Hồng Kông và Singapore.

Thứ sáu, về vấn đề Môi trường, Xã hội, Quản trị doanh nghiệp (ESG) và Khí hậu: Để thực hiện những tuyên bố của Việt Nam tại COP26 ở Glasgow về các chủ đề phá rừng, than và không phát thải khí carbon, thị trường vốn có thể và nên đóng một vai trò quan trọng trong việc tài trợ và khuyến khích sự phát triển bền vững ở Việt Nam, đặc biệt là ban hành quy định pháp luật và tạo động lực cho sự tham gia của các doanh nghiệp.

Bảy là cần tiếp tục đổi mới, cụ thể là nên có sự hỗ trợ và khuyến khích phù hợp để phát triển mảng công nghệ tài chính (fintech) và tạo ra cơ chế hỗ trợ vốn khởi nghiệp.

Tám là, cần thúc đẩy quản trị rủi ro để thị trường vốn tránh đi những cú sốc và thực sự là động lực mạnh mẽ và hàng đầu cho sự phát triển của Việt Nam. Ông Dominic cho rằng, các nhà hoạch định chính sách nên nhận thức rõ việc quản trị các rủi ro trong và ngoài biên giới Việt Nam, bao gồm: sự gia tăng tổng dư nợ quốc gia của hầu hết các nền kinh tế toàn cầu; sự tồn tại của lãi suất âm; lạm phát gia tăng và bất bình đẳng thu nhập; chưa có kế hoạch chuyển tiếp để giảm phát thải carbon và biến động giá năng lượng toàn cầu; dân số già và nhu cầu chăm sóc an sinh xã hội ngày càng tăng. “Dù biết rằng chúng ta sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức trong những năm sắp tới, chúng tôi luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo, hợp tác và hỗ trợ của Chính phủ và các cơ quan Nhà nước Việt Nam”, ông Dominic bày tỏ niềm tin và cho rằng, các thành viên thị trường vốn rất tự hào khi có mặt tại Việt Nam và “cam kết sẽ đồng hành với Việt Nam trong tương lai”.

Tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mong muốn các doanh nghiệp, hiệp hội tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, giúp đỡ Việt Nam trong quá trình phục hồi nhanh, phát triển bền vững trên tinh thần “đồng cam cộng khổ”, “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”. Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam kêu gọi bảo đảm công bằng, công lý trong quá trình chuyển đổi xanh, mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế về hoàn thiện thể chế, đa dạng hóa nguồn vốn, công nghệ xanh, công nghệ sạch, quản trị và nguồn nhân lực./.