Chủ tịch Hồ Chí Minh-Người làm nên lịch sử vĩ đại của thế giới
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đầu tiên tìm được con đường cứu nước đúng đắn, khoa học, cách mạng, vừa đáp ứng nhu cầu lịch sử dân tộc, hợp lòng dân, vừa phù hợp xu thế của thời đại mới được mở ra từ thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917. Tiếp đó, giương cao ngọn cờ độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội, Người và Đảng Cộng sản Việt Nam do Người đứng đầu đã lãnh đạo nhân dân ta tiến hành thắng lợi cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945, tạo ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc.

Nêu cao bản chất Chính phủ của dân, do dân, vì dân

Từ thành quả trực tiếp của Cách mạng tháng Tám 1945, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Hồ Chí Minh trên cương vị Chủ tịch Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam mới, thay mặt quốc dân đồng bào đọc bản Tuyên ngôn độc lập trịnh trọng công bố sự ra đời chính thức của một chính quyền mới – chính quyền dân chủ nhân dân; một nhà nước mới – nhà nước tự do và độc lập; một thể chế mới – dân chủ cộng hoà. Khác với các hình thức nhà nước của phong kiến, thực dân đã từng tồn tại ở Việt Nam, Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa là nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu cao bản chất chính phủ của dân, do dân, vì dân, Người dùng từ “Chính phủ là công bộc của dân” để diễn tả các công việc của chính phủ phải nhằm vào một mục đích duy nhất là mưu tự do, hạnh phúc cho mọi người.

Từ người đứng đầu Chính phủ – Chủ tịch Hồ Chí Minh, đến các thành viên Chính phủ và tất cả các bộ, ngành bao giờ “cũng phải đặt quyền lợi dân lên trên hết thảy. Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh“. Những yêu cầu này của Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất phát từ sự thấu hiểu về nhiệm vụ lịch sử của chính quyền mới, chính quyền cách mạng chăm lo tự do hạnh phúc cho đông đảo các tầng lớp nhân dân. Như tiêu ngữ “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” ghi dưới Quốc hiệu Việt Nam từ thuở khai sinh Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Độc lập – Tự do – Hạnh phúc là khát vọng, là mục tiêu phấn đấu.

Chính phủ nhân dân là tập hợp những con người của dân, do dân, vì dân nên Chính phủ phải biết làm việc cho mục tiêu khát vọng ấy. Đặt “quyền lợi dân lên trên hết thảy“, nỗ lực làm việc, nêu gương liêm khiết, mẫu mực đoàn kết thống nhất, kỷ luật, kỷ cương nghiêm minh, tự giác… là yêu cầu, nhiệm vụ, là trọng trách, chức năng, cũng là đạo đức cao cả của người cán bộ Chính phủ – những người được dân bầu lên, cử lên Chính phủ.

Đặt “quyền lợi dân lên trên hết thảy“, cho nên, ngay trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên Những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Đó là 6 nhiệm vụ khẩn thiết, sát hợp với đòi hỏi trước mắt của nước nhà: giải quyết nạn đói; giải quyết nạn dốt; xây dựng hiến pháp dân chủ, tổ chức cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu; giáo dục nhân dân trừ bỏ những thói xấu do chế độ thực dân đã dùng mọi thủ đoạn để đầu độc và hủ hoá dân ta; xóa bỏ thuế thân, thuế chợ, thuế đò và “tuyệt đối cấm hút thuốc phiện”; thực hiện tín ngưỡng tự do; lương – giáo đoàn kết.

Trước hết, theo sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ phát động phong trào tăng gia sản xuất để đẩy lùi nạn đói và ổn định đời sống nhân dân. Đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Thư gửi đồng bào toàn quốc ra sức cứu đói, hô hào nhân dân chống nạn đói, “coi cuộc chống nạn đói cũng như cuộc chống ngoại xâm“. Ngày 7/12/1945, Người viết thư Gửi nông gia Việt Nam với lời lẽ mộc mạc, tha thiết: “Nước muốn giàu mạnh thì phải phát triển nông nghiệp. Vậy chúng ta không nên bỏ hoang một tấc đất nào hết. Chúng ta phải quý mỗi tấc đất như một tấc vàng“.

Trước nạn đói đang trầm trọng, trên tinh thần “sẻ cơm nhường áo”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị với đồng bào cả nước và bản thân Người – người đứng đầu Chính phủ đã nêu gương thực hiện trước: “Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo“.

Ông Vũ Kỳ, Thư ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh kể lại: Nhân dân ta lúc đó dù còn nhiều khó khăn nhưng Cụ Hồ đã kêu gọi thì từ Nam chí Bắc đều hưởng ứng nhiệt liệt. Bởi, không phải Cụ Hồ chỉ kêu gọi mà chính Cụ Hồ đã làm, đã thực hiện và là người thực hiện đầu tiên… Nhớ hồi đó có nhiều thư từ khắp nơi gửi đến, có thư của các cụ già, của phụ nữ, của cả các cháu thiếu nhi… gửi đến Chính phủ, đến Cụ Hồ, đề nghị Bác đừng nhịn ăn. Cảm động hơn có nhiều người xin nhịn thêm để thay phần cho Bác. Nhưng câu trả lời của Bác là: “Tôi là người nêu ra, tôi phải làm gương mẫu”. Chỉ trong một thời gian ngắn, nhân dân cả nước đã quyên góp được hàng vạn tấn gạo cứu đói. Phong trào tăng gia sản xuất được đẩy mạnh, diện tích trồng lúa và hoa màu tăng lên, nạn đói đã sớm được khắc phục.

Coi mọi lực lượng dân tộc đều là nguồn lực của cách mạng, cho nên ngay trong những năm đầu của chính quyền mới, Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn thấy vai trò của giới công thương trong sự nghiệp xây dựng đất nước.

Ngày 17/9/1945, trong thư gửi đồng bào toàn quốc nhân dịp “Tuần lễ vàng“, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: “Muốn củng cố nền tự do độc lập ấy, chúng ta cần sức hy sinh phấn đấu của toàn quốc đồng bào; nhưng chúng ta cũng rất cần sức quyên giúp của nhân dân, nhất là những nhà giàu có“.

10h ngày 18/9/1945, tại Bắc Bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp khoảng 30 nhà tư sản có tiếng ở Hà Nội. Trong buổi gặp mặt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao vai trò của giới công thương trong sự nghiệp xây dựng lại đất nước sau gần 80 năm thực dân Pháp đô hộ. Người phân tích khúc chiết, thấu tình đạt lý mối quan hệ giữa dân giàu – nước mạnh và khuyến khích: “Các nhà có tài sản lớn ở Hà Nội nên làm cho Tuần lễ vàng ở thủ đô Hà Nội có kết quả để tỏ rõ cho thế giới biết người Việt Nam đồng lòng giúp nước…“.

Sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp giới công thương đã một lần nữa thể hiện tinh thần nhất quán và xuyên suốt của Người và Chính phủ là: Lập cho được một chính phủ có nhiều thành phần, gồm nhiều đại diện của các đảng phái, đoàn thể, ngày càng mang tính dân chủ hơn, đoàn kết được mọi tầng lớp nhân dân, để tạo thành lực lượng cách mạng.

Tiếp đó, ngày 13/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Giới công thương Việt Nam, hoan nghênh giới công thương đã đoàn kết lại thành Công thương cứu quốc đoàn và gia nhập Mặt trận Việt Minh, đem vốn làm ích nước lợi dân. Người chỉ rõ: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà, thì giới Công – Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng. Chính phủ nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới Công – Thương trong công cuộc kiến thiết này”. Chính nhờ quan điểm và chính sách đúng đắn, tình cảm và sự hợp tác chân thành của Đảng, Chính phủ và Hồ Chủ tịch mà đội ngũ các nhà công thương Việt Nam đã biểu thị lòng yêu nước của mình bằng những việc làm cụ thể, thông qua “Tuần lễ vàng”, khi quyên góp được 370 kg vàng cho Chính phủ, góp 20 triệu đồng vào Quỹ Độc lập, 40 triệu đồng vào Quỹ Đảm phụ quốc phòng.

Song song với diệt giặc đói, chiến dịch diệt giặc dốt cũng được phát động. Ngày 8/9/1945, Hồ Chủ tịch ký 3 sắc lệnh quan trọng về giáo dục là Sắc lệnh số 17 đặt ra một bình dân học vụ trong toàn cõi Việt Nam; Sắc lệnh số 19 lập cho nông dân và thợ thuyền những lớp học bình dân buổi tối; Sắc lệnh số 20 định rằng việc học chữ quốc ngữ từ nay là bắt buộc và không mất tiền.

Thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Những người đã biết chữ hãy dạy cho những người chưa biết chữ“… Vợ chưa biết thì chồng bảo, em chưa biết thì anh bảo, cha mẹ không biết thì con bảo, người ăn người làm không biết thì chủ nhà bảo“, một phong trào thanh toán nạn mù chữ đã dâng cao trong cả nước. Các lớp học bình dân học vụ mở ra ở khắp mọi nơi với sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân. Nhờ đó, chỉ một năm sau Cách mạng tháng Tám, đã có 2,5 triệu người biết đọc, biết viết.

Tuy nhiên, để sự nghiệp kháng chiến kiến quốc giành được thắng lợi, nhiệm vụ trung tâm là củng cố chính quyền nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời đã kiên quyết thực hiện tư tưởng quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, xúc tiến tổ chức Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu.

Ngày 6/1/1946, cuộc Tổng tuyển cử đã được tiến hành và thành công tốt đẹp trên phạm vi cả nước. Cuộc bầu cử dẫn ến sự ra đời của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, củng cố tính pháp lý của Nhà nước Việt Nam mới. Tại phiên họp thứ nhất ngày 2/3/1946, Quốc hội đã lập ra Chính phủ liên hiệp kháng chiến, gồm 12 thành viên do Hồ Chủ tịch đứng đầu.

Trọng tâm là giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên

Cùng với Tổng tuyển cử bầu Quốc hội, việc soạn thảo Hiến pháp được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm đặc biệt. Ngày 9/11/1946, bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà đã được Quốc hội thông qua, đặt cơ sở pháp lý cho tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước và toàn xã hội.

Ngày 3/11/1946, Quốc hội đã thông qua danh sách Chính phủ mới do Chủ tịch Hồ Chí Minh đệ trình, gồm 14 uỷ viên. Đây là một Chính phủ “tỏ rõ cái tinh thần quốc dân liên hiệp“, “chú trọng thực tế và sẽ nỗ lực làm việc, để tranh thủ quyền độc lập và thống nhất lãnh thổ cùng xây dựng một nước Việt Nam mới“.

Để kiện toàn bộ máy Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký một loạt sắc lệnh về hệ thống tổ chức bộ máy nhà nước với chức năng, nhiệm vụ mới, trọng tâm là việc giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Bên cạnh các cơ quan Trung ương, việc xây dựng hệ thống chính quyền các cấp được chú trọng. Để không gây xáo trộn, Nhà nước chủ trương giữ nguyên các đơn vị hành chính cũ, có điều chỉnh cho thống nhất với toàn quốc, gồm 4 cấp: Kỳ (sau đổi thành bộ), tỉnh, huyện, xã.

Cũng nhằm bảo đảm tính pháp lý và sự thống nhất, Chính phủ đã ra Sắc lệnh 63 ngày 22/11/1945 về tổ chức chính quyền nhân dân địa phương (ở nông thôn) và Sắc lệnh số 77 ngày 21/12/1945 về chính quyền nhân dân ở đô thị.

Theo Sắc lệnh số 63, chính quyền nhân dân địa phương gồm hai cơ quan: HĐND và Ủy ban hành chính. Ở cấp tỉnh và xã có cả 2 cơ quan trên, còn cấp kỳ và huyện chỉ có uỷ ban hành chính. Trong tiến trình kháng chiến, hệ thống chính quyền các cấp tiếp tục được củng cố và kiện toàn, bảo đảm đưa kháng chiến đến thắng lợi, kiến quốc đến thành công.

Sự hình thành Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa là kết quả của một quá trình tìm tòi, khảo nghiệm lâu dài của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là thành quả lớn nhất của cuộc Cách mạng tháng Tám 1945.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt những nền móng bước đầu nhưng rất vững chắc cho nhà nước kiểu mới ở Việt Nam: Nhà nước đó bắt rễ vững chắc trong nhân dân, được toàn dân bầu ra theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Nhà nước đó đã ban hành Hiến pháp, hiến pháp dân chủ đầu tiên trong lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam.

Cán bộ của chính quyền đó được xây dựng trên quan điểm rất cách mạng và theo những tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính quyền đó là của dân, do dân và vì dân, quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ mà lịch sử giao phó, xứng đáng với “cảm tình thân mật xen lẫn với một tôn kính sâu xa” của nhân dân mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Chính phủ đối với ta như người “anh cả” trong gia đình, một đồng chí phụ trách trong một địa phương, một người đứng mũi chịu sào ta có thể vững lòng trông cậy và gửi số mệnh vào”.

Vũ Thị Kim Yến

Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch