Phục hồi phát triển kinh tế-xã hội, cần lưu ý 6 điểm

“Trong bối cảnh đặc biệt, thì cần thiết phải có giải pháp đột phá với cơ chế khác điều kiện bình thường…”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ, khi phát biểu bế mạc Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 hôm nay (ngày 5/12), theo Văn phòng Quốc hội.

“Chúng ta phải có ý thức đứng trên đôi chân của mình…”
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Diễn đàn. Ảnh: Quốc hội

Đối với chương trình phục hồi phát triển kinh tế-xã hội, theo Chủ tịch Quốc hội, Diễn đàn đã đề cập tới 6 điểm:

Thứ nhất, cần bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước để cụ thể hoá Kết luận lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII, Nghị quyết Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XV, trong đó đảm bảo tính nhất quán, kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu và thích ứng của nền kinh tế.

Thứ hai, tập trung tăng tổng cung và tổng cầu. Trong đó, cung là hỗ trợ đầu vào cho doanh nghiệp, cho người sử dụng lao động, giảm thuế, hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động. Cầu là kích cầu thị trường, kể cả thị trường dịch vụ hàng hóa và kích cầu đầu tư trong nước của mọi thành phần kinh tế, bao gồm cả đầu tư công và đầu tư của các thành phần kinh tế.

Thứ ba, cần phối hợp linh hoạt, chặt chẽ, hài hòa về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, như chính sách thương mại.

Thứ tư, quy mô gói phục hồi phải đủ lớn, có mục tiêu trọng tâm, trọng điểm, nếu không đủ liều lượng sẽ không giải quyết được những vấn đề cấp bách, không tạo ra được sự thay đổi, không khéo sẽ gây ra lãng phí; được thiết kế khả thi và thực hiện nhanh, nguồn lực đưa ra thì phải có khả năng hấp thụ ngay. Gói hỗ trợ có thời hạn triển khai chủ yếu trong 2 năm 2022-2023, đặt ra yêu cầu tập trung nguồn lực để phục hồi và kích thích kinh tế.

Thứ năm, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Do vậy cần đánh giá kỹ lưỡng tác động của chính sách và lưu ý đến độ trễ của chính sách. Có thể chấp nhận một số thay đổi trong ngắn hạn như tăng bội chi, tăng trần nợ công, lạm phát có thể không kiểm soát từng năm mà có thể kiểm soát theo lạm phát mục tiêu, nhưng trong cả một giai đoạn thì phải bảo đảm được chỉ số an toàn của tài chính và tiền tệ quốc gia, nhất là khả năng trả nợ của ngân sách Nhà nước.

Thứ sáu, huy động, quản lý, phân bổ các nguồn lực hợp lý, minh bạch, công khai, chống tiêu cực và lợi ích nhóm. Như vậy cần có thiết chế giám sát, kiểm tra bằng nhiều cách thức khác nhau.

Phối hợp chính sách tài chính, tiền tệ

Liên quan đến chính sách tài khóa, Chủ tịch Quốc hội cho biết, các đại biểu khuyến nghị nên cân nhắc kế hoạch vay và trả nợ, có thể chấp nhận một tỷ lệ nợ công/GDP cao hơn và một tỷ lệ bội chi ngân sách cao hơn trong năm 2022 – 2023, sau đó sẽ phấn đấu đưa trở về trạng thái bình thường để giữ ổn định tổng các chỉ tiêu vĩ mô trong giai đoạn 5 năm. Tiếp tục chú trọng biện pháp miễn và giảm thuế; giãn, hoãn thuế, phí. Tăng thêm hạn mức phát hành trái phiếu để Chính phủ bảo lãnh Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay hỗ trợ sản xuất và việc làm ở các đối tượng gặp khó khăn.

“Chúng ta phải có ý thức đứng trên đôi chân của mình…”
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, chúng ta cần không ngừng cải thiện năng lực quản trị quốc gia, năng lực quản trị doanh nghiệp. Ảnh: Quốc hội
Theo Chủ tịch Quốc hội, Diễn đàn đã toát lên một số thông điệp: chúng ta cần tự cường, phải có ý thức đứng trên đôi chân của mình, không ngừng cải thiện năng lực quản trị quốc gia, năng lực quản trị doanh nghiệp. Thông điệp nhất quán và được nhắc đến nhiều nhất là chúng ta hãy đồng hành với nhau như câu nói: “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”. Muốn đi xa trong điều kiện đường xá khúc khuỷu, gập ghềnh, thách thức thì phải đoàn kết sát cánh bên nhau trong nước, quốc tế…

“Tiếp tục tiết giảm chi thường xuyên, đẩy nhanh tiến độ thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trong việc phát hành trái phiếu Chính phủ, nghiên cứu khả năng ngân hàng trung ương mua trái phiếu Chính phủ, vì khi muốn tăng bội chi, tăng nợ công thì phải đi vay, nếu vay mà thị trường vốn không đáp ứng được thì có thể tính đến chuyện này. Rà soát, khai thác nguồn vốn đang tồn đọng tại các Quỹ ngoài ngân sách nhà nước như: Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích, Quỹ Vaccine…”, Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Về chính sách tiền tệ, theo ông Vương Đình Huệ, ngân hàng trung ương có thể triển khai bằng các công cụ của chính sách tiền tệ như phấn đấu giảm lãi suất điều hành, cắt giảm chi phí của ngân hàng thương mại để tiếp tục chia sẻ khó khăn với các đối tượng tiếp cận tín dụng. Có ý kiến đề nghị tạm thời neo tỷ lệ tiền vay trung và dài hạn như mức hiện nay khoảng 34%, theo lộ trình sẽ kéo về khoảng 30%, nhưng trong điều kiện đặc biệt cần giải pháp đặc biệt, thì có thể tạm thời “neo” lại, trì hoãn một vài năm để không tạo áp lực buộc các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động vốn vay.

“Những thông tin tại Diễn đàn sẽ là đầu vào, tư liệu hết sức quan trọng cho Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành cơ quan hữu quan xây dựng hoàn thiện Chương trình tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội…”, Chủ tịch Quốc hội cho biết./.