Chương trình Phục hồi giải ngân trên 55.500 tỷ đồng, chưa như kỳ vọng
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, sau gần 8 tháng thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế- xã hội 2022-2023, đã có trên 55.500 tỷ đồng được giải ngân. Ảnh: VGP

Đến ngày 02/9/2022, đã giải ngân được 55,5 nghìn tỷ đồng

Về tiến độ ban hành chính sách, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay, đã ban hành 15/17 văn bản cụ thể hóa các chính sách theo yêu cầu tại Nghị quyết (tăng 01 văn bản so với báo cáo tháng 7/2022). Còn 02 văn bản thuộc thẩm quyền Bộ Tài chính và Bộ Thông tin và Truyền thông đang trong quá trình xây dựng, đó là Thông tư của Bộ Tài chính sửa đổi các nội dung thuộc lĩnh vực quản lý tại Thông tư số 12/2016/TTLT-BKHCN-BTC hướng dẫn nội dung chi và quản lý Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, văn bản của Bộ Thông tin và Truyền thông về xây dựng phương án và quyết định theo thẩm quyền việc hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông, Internet từ Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam.

Một nội dung quan trọng trong Chương trình Phục hồi và Phát triển là thực hiện, giải ngân các chính sách hỗ trợ, theo báo cáo của người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sơ bộ đến ngày 02/9/2022, đã giải ngân được 55,5 nghìn tỷ đồng.

Trong đó, giải ngân các chương trình cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đến ngày 23/8/2022 đạt 10.073 tỷ đồng. Giải ngân hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đến ngày 02/9/2022 đạt khoảng 3.045 tỷ đồng cho gần 4,54 triệu người lao động. Giải ngân hỗ trợ 2% lãi suất cho các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình đến hết tháng 8/2022 đạt 13,5 tỷ đồng. Giảm thuế giá trị gia tăng, thuế môi trường đối với nhiên liệu bay, xăng đến ngày 26/8/2022 là 34.970 tỷ đồng. Gia hạn các loại thuế, tiền thuê đất là 52.000 tỷ đồng. Chi phí cơ hội hỗ trợ thông qua các chính sách gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất đến hết tháng 6/2022 là là 7,4 nghìn tỷ đồng.

Còn “lệch pha” giữa nhu cầu và kế hoạch cho vay của các chương trình tín dụng

Báo cáo Chính phủ về khó khăn, vướng mắc trong triển khai Chương trình, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ rõ, hoạt động hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động thực hiện chưa được như kỳ vọng. Nguyên nhân là do chênh lệch giữa số liệu tại thời điểm xây dựng chính sách và triển khai thực tế. Dự kiến đối tượng quay trở lại thị trường lao động nhiều hơn thực tế, kinh phí dự kiến hỗ trợ đủ 03 tháng tiền thuê nhà, nhưng thực tế có nhiều người lao động chỉ đề nghị hỗ trợ 01 hoặc 02 tháng tiền nhà. Thứ hai là do trình tự, thủ tục xác nhận, giải ngân còn phức tạp và đặc biệt là một số cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai chưa quyết liệt.

Hoạt động cho vay chính sách thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội cũng gặp một số khó khăn. Đó là việc huy động nguồn vốn cho vay gặp nhiều khó khăn. Việc phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh có lãi suất chưa đủ hấp dẫn nhà đầu tư nên tỷ lệ trúng thầu thấp, ít nhà đầu tư tham gia đấu thầu. Đến 15/8/2022, Ngân hàng Chính sách xã hội mới phát hành được 5.000 tỷ đồng/20.400 tỷ đồng, đạt 24,5% kế hoạch.

Đặc biệt, theo Bộ trưởng, vẫn có sự “lệch pha” giữa nhu cầu và kế hoạch cho vay của các chương trình tín dụng. Nhu cầu vay vốn của các địa phương đối với 04/05 chương trình tín dụng còn thấp. Riêng đối với chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm có nhu cầu vay vốn rất lớn, đã giải ngân 100% kế hoạch, nhưng nguồn vốn của Chương trình chưa đáp ứng đủ nhu cầu.

Lý do khác là do một số thông tư hướng dẫn thực hiện còn vướng mắc. Cụ thể là Chương trình MTQG phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP: Thông tư hướng dẫn của Ủy ban dân tộc mới có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2022, các địa phương chưa có danh sách đối tượng thụ hưởng chính sách, đồng thời cũng không căn cứ trên Nghị định số 28/2022/NĐ-CP; Thông tư của Bộ Y tế về hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý để ban hành.

Riêng việc mua máy tính bảng theo Chương trình “Sóng và máy tính cho em”, Bộ trưởng cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông kiến nghị cho phép tạm dừng việc mua máy và đánh giá hiệu quả của việc triển khai trong thời gian vừa qua.

Chương trình hỗ trợ lãi suất 2% cũng còn hạn chế bởi khó khăn trong xác định đối tượng được hưởng hỗ trợ lãi suất, cụ thể là đối với trường hợp khách hàng hoạt động sản xuất, kinh doanh đa ngành. Thứ nữa là ngân hàng thương mại còn ngần ngại do một số chương trình hỗ trợ lãi suất trước đây chưa được quyết toán chi phí; cần xây dựng hệ thống theo dõi, hạch toán, quản lý dữ liệu. Một nguyên nhân khác xuất phát từ phía khách hàng, họ có tâm lý e ngại công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán.

Báo cáo về Dự án Nâng cấp đoạn Km18-Km80, Quốc lộ 4B đã được Chính phủ báo cáo Quốc hội dự kiến bố trí 2.500 tỷ đồng từ nguồn vốn của Chương trình, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, chưa thể thông báo số vốn dự kiến nêu trên cho UBND tỉnh Lạng Sơn do UBND tỉnh Lạng Sơn đang làm rõ một số nội dung đối với việc đầu tư Dự án theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành.

Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án thuộc Chương trình

Với hợp phần quan trọng nhất của Chương trình Phục hồi là phân bổ phân bổ vốn chi đầu tư phát triển, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về danh mục và mức vốn bố trí cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình; đồng thời, tiếp thu, giải trình ý kiến của cơ quan thẩm tra để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp bất thường ngày 29/8/2022.

“Căn cứ kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Tờ trình Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn cho các nhiệm vụ, dự án”, Bộ trưởng không vui báo cáo Chính phủ rằng, cho đến nay, việc hoàn thiện thủ tục đầu tư các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình còn chậm.

“Tính đến ngày 27/8/2022, vẫn còn 3 bộ và 57 địa phương chưa báo cáo. Để đôn đốc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hai lần có văn bản gửi các bộ ngành và địa phương”, Bộ trưởng thẳng thắn.

Về giải pháp thúc đẩy tiến độ Chương trình, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất, đối với danh mục nhiệm vụ, dự án đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương cần khẩn trương phê duyệt quyết định đầu tư dự án ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn.

“Cần chủ động về nhân công, mặt bằng, mỏ nguyên vật liệu… để sẵn sàng thực hiện và giải ngân. Đồng thời, xem xét áp dụng các cơ chế đặc thù đã được Quốc hội cho phép để đẩy nhanh tiến độ thực hiện”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu quan điểm.

Đối với danh mục dự án chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các bộ ngành, địa phương phê duyệt chủ trương đầu tư đúng thời hạn yêu cầu, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Về các chính sách hỗ trợ, Bộ trưởng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Ủy ban dân tộc nhanh chóng ban hành, điều chỉnh, bổ sung các Thông tư, văn bản thuộc thẩm quyền để tạo điều kiện triển khai Chương trình. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội báo cáo cụ thể về khó khăn, vướng mắc trong triển khai chính sách hỗ trợ do cơ quan mình chủ trì; tính khả thi, nhu cầu hỗ trợ đến thời điểm hiện tại, dự kiến khả năng thực hiện và giải ngân; kiến nghị, đề xuất phương án xử lý.

Riêng đối với Dự án Nâng cấp đoạn Km18-Km80, Quốc lộ 4B, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Chính phủ chỉ đạo, UBND tỉnh Lạng Sơn chủ trì làm rõ một số nội dung theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, trường hợp đã xác định rõ hướng tuyến và việc thực hiện Dự án thuộc Quốc lộ 4B, thì giao Bộ Giao thông vận tải nhanh chóng rà soát, xem xét chuyển đoạn Km18-Km80, Quốc lộ 4B thành đường địa phương và bàn giao cho UBND tỉnh Lạng Sơn quản lý; Bộ Tài chính chủ trì việc điều chuyển tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cho UBND tỉnh Lạng Sơn.

“Trường hợp cần thiết để bảo đảm tiến độ chuẩn bị đầu tư Dự án, kiến nghị thực hiện việc điều chuyển tài sản sau”, Bộ trưởng nêu quan điểm./.