Ngày 17/6/2022, Hội thảo “Phát triển khu công nghiệp sinh thái, hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0″ nằm trong chuỗi các hoạt động về “Thúc đẩy tăng trưởng xanh” do Tạp chí Mekong – ASEAN thực hiện, đã diễn ra tại Hải Phòng.

Chuyển đổi sang KCN sinh thái: Không chỉ trông chờ vào Nghị định
Toàn cảnh Hội thảo

Xây dựng các KCN sinh thái: Rất cần thiết!

Bà Vương Thị Minh Hiếu – Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, hệ thống các khu công nghiệp luôn đóng vai trò quan trọng trong thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Cụ thể, hiện nay, Việt Nam có gần 400 khu công nghiệp và khu kinh tế, thu hút tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt khoảng 12 tỷ USD, chiếm khoảng 80%-90% các dự án có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất.

Tuy nhiên, theo bà Hiếu, bên cạnh những mặt tích cực, sự phát triển công nghiệp một cách nhanh chóng cũng đã gây ra những ảnh hưởng, tác động nhất định đến môi trường. Một số khu công nghiệp đang hoạt động chưa hoàn thành việc xây dựng máy xử lý nước thải, đe dọa sức khỏe và đời sống người dân do ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí, chất thải nguy hại.

Do đó, cần thiết phải chuyển đổi từ khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp bền vững hơn, nhấn mạnh hơn vào việc sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên và sản xuất sạch hơn. Việc xây dựng các khu công nghiệp sinh thái được coi là giải pháp không chỉ khắc phục được những hạn chế, bất cập về vấn đề môi trường, giảm lãng phí tài nguyên, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Chuyển đổi sang KCN sinh thái: Không chỉ trông chờ vào Nghị định
Bà Vương Thị Minh Hiếu – Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phát biểu tại Hội thảo

Tại Hội thảo, GS. TS. Đặng Kim Chi – Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cũng chỉ rõ, hiện nay, chúng ta đang có hơn 380 khu công nghiệp, trong đó có 280 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, nhưng chỉ có 250 khu có hệ thống xử lý rác thải.

Theo bà Chi, các khu công nghiệp hiện nay có thể chia làm 3 dạng: Khu công nghiệp thời bao cấp; Khu công nghiệp hỗ trợ và Khu công nghiệp được xây dựng hoàn chỉnh sinh thái. Bà cũng cho rằng, khu công nghiệp sinh thái muốn phát triển chỉ thuận lợi đối với các khu công nghiệp mới theo hướng xây dựng tập trung đi lên. Tuy nhiên, để phát triển xu hướng giảm phát thải thì phải xác định còn rất nhiều khó khăn với việc cải tạo các khu công nghiệp kiểu cũ phát triển thành khu công nghiệp sinh thái.

“Điều này phụ thuộc nhiều vào cơ chế chính sách, ý thức tự giác của chủ doanh nghiệp và chủ đầu tư”, bà Chi nói.

Để phát triển KCN sinh thái: Cần có các tiêu chí rõ ràng

Chia sẻ về thực tế tại Khu công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền, ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch CTCP Shinec (Chủ đầu tư) cho biết, khu công nghiệp này có diện tích hơn 263 ha, hiện có hơn 70 doanh nghiệp đầu tư.

“Ban đầu, chúng tôi định hướng là khu công nghiệp xanh, sau đó khi có Nghị định 82, chúng tôi mới tiếp cận khái niệm khu công nghiệp sinh thái và bắt tay vào xây dựng. Với 8 tiêu chí mà Nghị định 82 đưa ra về Khu công nghiệp sinh thái, Nam Cầu Kiền đều đã đảm bảo được”, ông Điệp nhấn mạnh.

Chuyển đổi sang KCN sinh thái: Không chỉ trông chờ vào Nghị định

Ông Phạm Hồng Điệp – Chủ tịch CTCP Shinec: “Với 8 tiêu chí mà Nghị định 82 đưa ra về khu công nghiệp sinh thái, Nam Cầu Kiền đều đã đảm bảo”

Thực tế, các nhà đầu tư khi tìm đến các khu công nghiệp rất quan tâm đến hạ tầng, đảm bảo môi trường. Đặc biệt là hệ thống các công ty xuất nhập khẩu đều mong muốn được vào khu công nghiệp sinh thái. Lý do là việc này sẽ giúp các nhà sản xuất sẽ dễ dàng vượt qua được hàng rào thuế quan khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại quốc tế.

“Tại Nam Cầu Kiền, chúng tôi đã xây dựng 3 mô hình hệ thống cộng sinh công nghiệp. Các nhà máy của doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan, Italy, Singapore, Việt Nam… đều liên kết với nhau rất hài hoà vì giá trị gia tăng cho lợi ích từng doanh nghiệp. Chúng tôi đang muốn xây dựng thêm hệ thống năng lượng tái tạo, phủ hết điện mái nhà để sử dụng trong Khu công nghiệp”, ông Điệp cho biết thêm.

Tuy nhiên, việc phát triển điện mái nhà hiện còn nhiều vướng mắc, nên doanh nghiệp rất mong được cơ quan chức năng xem xét để tiến tới mục tiêu zero carbon. Theo đó, Nam Cầu Kiền sẽ tự đầu tư hệ thống điện mái nhà, tự sử dụng và không đưa lên lưới điện quốc gia.

Cũng theo người đứng đầu CTCP Shinec, một tiêu chí quan trọng nữa là Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền đã đem văn hóa địa phương, quốc gia trong việc xây dựng khu cây xanh của mình. Bên cạnh đó, Công ty cũng xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo và truyền thông về môi trường với nhận thức truyền thông trong bảo vệ môi trường là rất quan trọng, dẫn dắt thế hệ sau. Đây chính là lý do Shinec muốn đề xuất đưa tiêu chí này vào Khu công nghiệp sinh thái.

“Về Nghị định 35 mới về phát triển khu công nghiệp sinh thái, tôi đề xuất quy trình có 6 Bộ thẩm định, đưa ra tiêu chí rõ ràng để doanh nghiệp nhanh chóng có cơ sở để thực hiện”, ông Phạm Hồng Điệp nhấn mạnh.

Chuyển đổi sang KCN sinh thái: Không chỉ trông chờ vào Nghị định
TS. Mai Văn Sỹ đánh giá: “Nhắc đến khu công nghiệp sinh thái, kinh tế tuần hoàn thì mọi người đều thấy hay, nhưng thực tế xây dựng rất khó.

Làm khu công nghiệp sinh thái rất tốn kém

Chuyên gia kinh tế, TS. Mai Văn Sỹ đánh giá: “Nhắc đến khu công nghiệp sinh thái, kinh tế tuần hoàn thì mọi người đều thấy hay, nhưng thực tế xây dựng rất khó. Hiện nay, chính sách của chúng ta chưa thật khuyến khích Khu công nghiệp sinh thái, chưa có hành lang pháp lý chuẩn chỉ để doanh nghiệp thực hiện. Bên cạnh đó là việc các doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn mang tâm lý tính toán lợi nhuận trước khi bắt tay vào làm. Nếu như vậy thì rất khó vì để làm khu công nghiệp sinh thái rất tốn kém”.

Cụ thể theo ông Sỹ, làm mô hình sinh thái theo các tiêu chí quy định của Bộ Xây dựng, thì doanh nghiệp nào cũng muốn đẩy quỹ đất công nghiệp lên 70-75%. Như vậy, tỷ lệ quỹ đất cho cây xanh sẽ không đảm bảo. Một vấn đề nữa là các doanh nghiệp Việt còn xúc tiến đầu tư kém, chưa kéo được nhà đầu tư lớn quốc tế vào.

“Đó một phần còn do tình trạng xin xong làm dần, hàng chục năm vẫn chưa hình thành khu công nghiệp. Trong khi thời hạn sử dụng chỉ còn 20-30 năm nữa thì nhà đầu tư nước ngoài không muốn tham gia”, ông Sỹ nói.

Chuyển đổi sang KCN sinh thái: Không chỉ trông chờ vào Nghị định
“Chính sách phát triển khu công nghiệp sinh thái của Việt Nam đang phát triển hơn so với một số nước khác. Indonesia còn đang phải học tập chúng ta Nghị định 35 về phát triển Khu công nghiệp sinh thái, thậm chí chúng ta còn phát triển hơn trong lĩnh vực này so với Anh hay Colombia. Đây là điểm tích cực”, bà Trâm Anh nhận định.

Theo ông Sỹ, để phát triển khu công nghiệp sinh thái, vấn đề quy hoạch ngay từ đầu rất quan trọng. Đặc biệt là quy hoạch cây xanh.

“Như tại Shinec, tất cả các đường giao thông đều chia từ vỉa hè vào 6m, sau đó trồng cây ở trên để ngăn cách. Với 20% cây xanh của các nhà đầu tư, 15% cây xanh ở chủ đầu tư khu công nghiệp thì đã bám sát tiêu chí sinh thái. Đặc biệt trong phát triển khu công nghiệp sinh thái, ý chí và trách nhiệm của các doanh nghiệp rất quan trọng. Như việc trồng một cây xanh tuổi thọ 70-80 năm đắt hơn cây tuổi thọ 1-2 năm, nhưng tất nhiên mang ý nghĩa hơn”, ông Mai Văn Sỹ nêu dẫn chứng.

Đồng thời, cần có cơ chế, chính sách cụ thể, rõ ràng để hỗ trợ phát triển khu công nghiệp sinh thái. Như câu chuyện ưu đãi, nếu nhận được ưu đãi miễn thuê đất, như: khu kinh tế thì nhiều doanh nghiệp sẽ tham gia hơn. Trong khi việc phát triển kinh tế tuần hoàn đòi hỏi cần công nghệ sản xuất phải cao, vì công nghệ hiện đại mới tận dụng tối đa nguồn lực. Khi được hỗ trợ, doanh nghiệp mới có nguồn kinh phí để quay vòng đầu tư vào sản xuất.

Ông Mai Thế Toản, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh, nếu đưa ra chính sách không phù hợp với thực tế thì đó là chính sách không khả thi, nên chính sách cần bao quát và sát nhất với thực tế.

Ông Toản cho biết, trong thời gian tới sẽ có các tiêu chí cụ thể cho khu công nghiệp sinh thái. Không có một quy định nào về kinh tế tuần hoàn nêu rõ được hưởng bao nhiêu % ưu đãi thuế, nhưng đối chiếu sang các quy định khác thì doanh nghiệp sẽ được các ưu đãi vay vốn tín dụng xanh, Nhà nước cấp bù lãi suất, các cơ hội tạo điều kiện tiếp cận vốn đầu tư nước ngoài…

Bà Nguyễn Trâm Anh – Chuyên gia kỹ thuật quốc gia của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), đánh giá rằng, khoa học công nghệ là rất cần thiết trong quá trình chuyển đổi khu công nghiệp truyền thống sang sinh thái. Quá trình này có hai phần gồm chính sách và thực hiện.

“Chính sách phát triển khu công nghiệp sinh thái của Việt Nam đang phát triển hơn so với một số nước khác. Indonesia còn đang phải học tập chúng ta Nghị định 35 về phát triển Khu công nghiệp sinh thái, thậm chí chúng ta còn phát triển hơn trong lĩnh vực này so với Anh hay Colombia. Đây là điểm tích cực”, bà Trâm Anh nhận định.

Ngoài sự hỗ trợ của chính sách, theo bà Trâm Anh, vai trò của ban quản lý khu công nghiệp cũng rất quan trọng trong việc chuyển đổi. Nhưng ở mặt này, bà Trâm Anh nhận định, sự liên kết giữa các doanh nghiệp và ban quản lý khu công nghiệp của Việt Nam đang yếu hơn.

“Chuyển đổi sang khu công nghiệp sinh thái là việc cần nhiều bên liên quan hỗ trợ, chứ không chỉ trông chờ vào Nghị định. Kinh tế 4.0 đang tạo cho chúng ta sự kết nối tạo cộng sinh công nghiệp, xây dựng nền kinh tế mới hoàn toàn, khu công nghiệp không bị đóng trong khu công nghiệp. Vì vậy, chúng ta cần nhìn nhận vấn đề ở những góc cởi mở hơn”, bà Trâm Anh nói thêm./.