ThS. Nguyễn Thị Huệ

Email: huexhh@gmail.com

PGS. TS. Nguyễn Thị Hoài Lê

Email: hoaile74@gmail.com

ThS. Nguyễn Thanh Huyền

Email: thanhhuyen9306@gmail.com

Viện Nghiên cứu Con người

Tóm tắt

Chuyển đổi việc làm cho người dân tộc thiểu số mang ý nghĩa quan trọng trên nhiều phương diện. Dựa trên khảo sát sự chuyển đổi việc làm của 280 hộ người dân tộc thiểu số (DTTS) làm nông nghiệp ở huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng, nghiên cứu cho thấy, đa số người DTTS đã chuyển từ làm nông truyền thống sang canh tác, chăn nuôi hướng đến thị trường hoặc làm thêm nghề phụ. Chuyển đổi việc làm giúp các hộ DTTS tăng thu nhập, kiến thức, kỹ năng và sự hài lòng với cuộc sống. Từ đó, nhóm tác giả đề xuất các giải pháp hỗ trợ các hộ DTTS chuyển đổi việc làm bền vững, bao gồm: đào tạo nghề; hỗ trợ phát triển nông nghiệp; ứng dụng khoa học công nghệ và tăng cường hợp tác.

Từ khóa: chuyển đổi việc làm, dân tộc thiểu số, tỉnh Cao Bằng

Summary

Job transition for ethnic minorities is crucial in many aspects. Based on a survey of job transitions of 280 ethnic minority farming households in Thach An District, Cao Bang Province, the study shows that most ethnic minorities have shifted from traditional farming to market-oriented farming and livestock raising or doing additional jobs. Job transitions help ethnic minority households increase their income, knowledge, skills, and satisfaction with life. From there, the authors propose solutions to support ethnic minority households in sustainable job transitions, including vocational training; support for agricultural development; application of science and technology, and strengthening cooperation.

Keywords: job transition, ethnic minorities, Cao Bang Province

GIỚI THIỆU

Việc làm là một trong những yếu tố quan trọng, có ý nghĩa trung tâm và là động lực căn bản thúc đẩy phát triển con người thông qua việc tạo thu nhập, an ninh, trao quyền, tham gia và tiếng nói, phẩm giá và sự thừa nhận (UNDP, 2015). Việc làm dưới nhiều hình thức đã đóng góp vào sự gia tăng thu nhập, tạo ra mức sống cao, kéo dài tuổi thọ trung bình của người dân, nhiều trẻ em được đến trường và nhiều người được tiếp cận với nước sạch và các điều kiện vệ sinh cơ bản, việc làm cũng đã đóng góp vào quá trình thực hiện bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (Nguyễn Ngọc Trung, 2023).

Việt Nam đã đạt được thành tựu đáng kể trong công cuộc giảm nghèo và phát triển kinh tế – xã hội, tuy nhiên tình trạng nghèo ở vùng đồng bào DTTS, đặc biệt tại khu vực miền núi phía Bắc vẫn đang là một trong những thách thức rất lớn hiện nay. Đây được coi là “lõi nghèo của cả nước”. Tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm đã và đang gây áp lực lên các vấn đề kinh tế – xã hội cũng như lộ trình đạt được các mục tiêu phát triển bền vững trên địa bàn vùng đồng bào DTTS. Trình độ học vấn và chuyên môn kỹ thuật thấp là những hạn chế về năng lực của nguồn nhân lực nông thôn (Nguyễn Thị Huệ, 2018). Xét trên khía cạnh phát triển con người, việc thiếu việc làm hay không thực hiện được chuyển đổi việc làm để thích ứng với sự biến đổi của các điều kiện tự nhiên – xã hội đặt ra yêu cầu bức thiết, cần có những giải pháp nhằm chuyển đổi cơ cấu lao động, đa dạng hóa các loại hình sinh kế cho người dân. Để đạt được mục tiêu thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa miền núi và đồng bằng, giữa người DTTS và người dân tộc đa số, đòi hỏi phải có những giải pháp đột phá trong chính sách giảm nghèo gắn liền với phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Việc giải quyết vấn đề sinh kế và chuyển đổi việc làm cho người DTTS được xác định là một trong những khâu giải pháp đột phá quan trọng để đạt mục tiêu trên, đồng thời góp phần xây dựng chương trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

CƠ SỞ LÝ THUYẾT

Việc làm đóng vai trò quan trọng đối với phát triển con người, góp phần nâng cao năng lực của người lao động, từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội bền vững (Todaro và Smith, 2015). Chuyển đổi việc làm không chỉ là một phần của phát triển kinh tế – xã hội, nhằm nâng cao năng suất lao động, tạo thu nhập và cải thiện đời sống (UNDP, 1990), mà còn là phương tiện để đạt được mục tiêu phát triển con người toàn diện (Sen, 1999).

Chuyển đổi việc làm mang lại nhiều lợi ích cho người lao động. Việc chuyển từ công việc nông nghiệp truyền thống sang các ngành nghề có năng suất cao hơn giúp tăng thu nhập, cải thiện điều kiện sống và tiếp cận dịch vụ xã hội tốt hơn cho người lao động (World Bank, 2000). Khi người lao động có việc làm, có thu nhập sẽ giúp họ có cơ hội cải thiện sức khỏe, nâng cao kiến thức và kỹ năng, năng lực lựa chọn và ra quyết định cũng như mở rộng mạng lưới quan hệ xã hội (World Bank, 2012; UNDP, 2015; UNDP và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, 2015; Stiglitz, Sen, và Fitoussi, 2009; ILO, 2015).

Chuyển đổi việc làm trong nội ngành nông nghiệp ở Việt Nam thời gian qua đang diễn ra khá sôi động với nhiều hình thức và xu hướng khác nhau, phản ánh sự thích ứng của người nông dân với những thay đổi của nền kinh tế và thị trường. Nhiều hộ nông dân đã chuyển từ sản xuất tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa, tham gia vào các chuỗi giá trị nông sản, hợp tác xã, tổ hợp tác để nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 2021). Nông dân ngày càng mạnh dạn đầu tư vào công nghệ, kỹ thuật mới để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, như: sử dụng giống mới, phân bón hữu cơ, hệ thống tưới tiêu tiết kiệm nước, nhà kính, công nghệ sinh học… (Nguyễn Thị Lan Hương, 2022). Ngày càng nhiều nông dân quan tâm đến các mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường như: nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, VietGAP… (Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, 2023). Bên cạnh sản xuất nông nghiệp, nhiều người dân ở nông thôn đã chuyển sang các ngành nghề dịch vụ phục vụ nông nghiệp như: vận chuyển, chế biến, bảo quản, kinh doanh nông sản, du lịch sinh thái… (Vũ Trọng Khải, 2019). Có thể nói, chuyển đổi việc làm nói chung và chuyển đổi việc làm trong nội ngành nông nghiệp nói riêng đóng vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế – xã hội, đem lại tương lai tươi sáng hơn cho người lao động.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Bài viết sử dụng số liệu khảo sát thực tế trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 10/2023, với sự tham gia trả lời tự nguyện bảng hỏi của 280 người DTTS đại diện cho hộ gia đình có việc làm trong lĩnh vực nông nghiệp ở 4 xã: Đức Thông, Thụy Hùng, Kim Đồng và Vân Trình thuộc huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng (Bảng 1). Kết quả được phân tích bằng phần mềm SPSS.22.

Bảng 1: Đặc điểm mẫu khảo sát

Tiêu chí

Số lượng

Tỷ lệ %

Tiêu chí

Số lượng

Tỷ

lệ %

Giới tính

Nam

123

43,9

Tuổi

15-24

30

10,7

Nữ

157

56,1

25-34

109

38,9

Tổng

280

100,0

35-44

97

34,6

Dân

tộc

Tày

92

32,9

45-54

32

11,4

Nùng

94

33,6

55-60

12

4,3

Dao

57

20,4

Tổng

280

100,0

Hmông

34

12,1

Trìnhđộ học

vấn

Tiểu học

29

10,4

DTTS khác

3

1,1

THCS

97

34,6

Tổng

280

100,0

THPT

128

45,7

Tình trạng kinh tế gia đình

Nghèo

133

47,5

Trường nghề

6

2,1

Cận nghèo

57

20,4

Cao đẳng

7

2,5

Trung bình

87

31,1

Đại học

13

4,6

Khá giả

3

1,1

Tổng

280

100,0

Tổng

280

100,0

Nguồn: Số liệu khảo sát của nhóm nghiên cứu năm 2023

ĐẶC ĐIỂM KINH TẾ – XÃ HỘI TỈNH CAO BẰNG VÀ HUYỆN THẠCH AN

Khu vực nông nghiệp vẫn đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2022 tăng 4,31% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 3,34% năm 2021. Trong mức tăng chung của nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,6%, đóng góp 0,78 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 4.734,9 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 22,02% (Cục Thống kê tỉnh Cao Bằng, 2023).

Dân số nông thôn và người dân tộc thiểu số chiếm chủ yếu trong cơ cấu dân số của tỉnh. Dân số trung bình năm 2022 của tỉnh Cao Bằng đạt 543.052 người, tăng 5.074 người, tương đương tăng 0,94% so với năm 2021, bao gồm dân số thành thị 138.465 người, chiếm 25,5%; dân số nông thôn 404.587 người, chiếm 74,5% (Cục Thống kê tỉnh Cao Bằng, 2023). Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở ngày 01/4/2019, tỉnh Cao Bằng có 27 dân tộc sinh sống, trong đó 7 dân tộc có số dân từ 500 người trở lên, là dân tộc Tày (40,84%); Nùng (29,81%); Hmông (11,65%); Dao (10,36%); Kinh (5,12%); Sán Chỉ (1,49%); Lô Lô (0,54%) (Cổng Thông tin điện tử tỉnh Cao Bằng, 2023).

Đời sống của người dân đã được cải thiện, nhưng tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao, lực lượng lao động đã qua đào tạo còn thấp đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Thu nhập bình quân đầu người một tháng trên địa bàn tỉnh theo giá hiện hành năm 2022 ước đạt 2.355 nghìn đồng; Tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều trong năm 2022 là 28,94%; Tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch là 86%, tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh năm 2022 là 77,29%. Năm 2022, tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc đã qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25,6%; trong đó, lao động đã qua đào tạo khu vực thành thị đạt 55,1%; khu vực nông thôn đạt 9,6% (Cục Thống kê tỉnh Cao Bằng, 2023). Trong tổng số lao động đang làm việc thì lao động trong ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản 124.703 người, chiếm 56,5%; lao động trong ngành công nghiệp và xây dựng 22.733, chiếm 10,3% và lao động trong các ngành dịch vụ là 73.277 người, chiếm 33,2% (Cục Thống kê tỉnh Cao Bằng, 2023).

Cao Bằng là tỉnh có GRDP quy đổi bình quân đầu người thuộc nhóm 5 địa phương có mức thấp nhất trong suốt giai đoạn 2016-2020. Số liệu của Tổng cục Thống kê (2021) cho thấy, GRDP bình quân đầu người của Cao Bằng tăng từ 3,36 nghìn USD năm 2016 lên 4,77 nghìn USD năm 2020, cho thấy tình hình kinh tế của tỉnh có sự cải thiện (Bảng 2). Tuy nhiên, mức GRDP bình quân đầu người của Cao Bằng vẫn thấp hơn so với bình quân chung của nhóm và chỉ cao hơn Điện Biên và Hà Giang. Điều này phản ánh kinh tế Cao Bằng còn nhiều khó khăn, tốc độ phát triển kinh tế chưa cao.

Bảng 2: GRDP quy đổi bình quân đầu người của nhóm 5 địa phương có mức thấp nhất giai đoạn 2016-2020 (nghìn USD-PPP)

Chỉ tiêu

2016

2017

2018

2019

2020

Bình quân nhóm có mức thấp nhất

3,48

3,79

4,15

4,45

4,81

Bắc Kạn

4,05

4,36

4,77

5,09

5,50

Yên Bái

3,75

4,12

4,50

4,91

5,46

Cao Bằng

3,36

3,67

4,07

4,34

4,77

Điện Biên

3,37

3,68

4,00

4,23

4,40

Hà Giang

2,88

3,11

3,39

3,70

3,94

Nguồn: Tổng cục Thống kê (2021)

Các chỉ số thành phần của Chỉ số phát triển con người (HDI) của Cao Bằng đều thấp hơn so với cả nước, cho thấy chỉ số phát triển con người của Cao Bằng thấp hơn mức trung bình của cả nước. Số liệu của Tổng cục Thống kê (2021) cho thấy, tuổi thọ trung bình của người dân Cao Bằng thấp hơn so với cả nước, khoảng 3 tuổi, số năm đi học bình quân của người dân Cao Bằng cũng thấp hơn so với cả nước. Điều này đòi hỏi Cao Bằng cần phải có những nỗ lực lớn hơn nữa trong việc đầu tư cho y tế, giáo dục, tạo việc làm, phát triển kinh tế để cải thiện đời sống và nâng cao chỉ số phát triển con người của địa phương (Bảng 3).

Bảng 3: Chỉ số thành phần của HDI của Cao Bằng giai đoạn 2016-2020

2016

2017

2018

2019

2020

Tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh

Cả nước

73,4

73,5

73,5

73,6

73,7

Cao Bằng

70,3

70,4

70,5

70,6

70,6

Thứ hạng tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh của Cao Bằng/63 tỉnh

53

53

53

53

54

Số năm đi học bình quân

Cả nước

8,5

8,6

8,7

9,0

9,1

Cao Bằng

7,7

8,1

8,2

8,1

8,4

Thứ hạng số năm đi học bình quân của Cao Bằng/63 tỉnh

37

30

31

36

33

GNI* bình quân đầu người và GRDP quy đổi theo sức mua tương đương (USD-PPP) **

Cả nước

6211,1

6634,0

7279,2

7842,0

8132,0

Cao Bằng

3359,5

3672,6

4071,7

4342,5

4772,3

Thứ hạng GRDP quy đổi bình quân đầu người theo sức mua tương đương của Cao Bằng/63 tỉnh

62

62

61

61

61

*GNI là từ viết tắt trong tiếng anh của Gross National Income – Tổng thu nhập quốc gia hay Tổng thu nhập quốc dân. GNI phản ánh kết quả thu nhập lần đầu được tạo ra từ các yếu tố sở hữu của một quốc gia tham gia vào hoạt động sản xuất trên lãnh thổ quốc gia đó hay ở nước ngoài trong một thời kỳ nhất định, thường là một năm.

** GRDP quy đổi bình quân đầu người theo USA – PPP của các địa phương tính theo quy trình 4 bước: (i) Sử dụng tỷ lệ GNI so với GDP của cả nước những năm 2016 – 2020 chuyển GRDP theo giá hiện hành sang GRDP quy đổi; (ii) Sử dụng Chỉ số giá tiêu dùng không gian (SCOLI) chuyển đổi GRDP quy đổi của các địa phương sang cùng một mặt bằng giá so sánh; (iii) Sử dụng các hệ số PPP 2017 Tổng cục Thống kê đã xây dựng để chuyển GRDP quy đổi của các địa phương sang USD – PPP; (iv) Sử dụng dân số trung bình Tổng cục Thống kê đã công bố tính GRDP quy đổi bình quân đầu người theo sức mua tương đương.

Nguồn: Tổng cục Thống kê (2021)

Huyện Thạch An nằm ở phía đông nam của tỉnh Cao Bằng, cách TP. Cao Bằng 39 km, có đường biên giới Việt – Trung dài 5,5 km. Dân số trung bình toàn huyện năm 2022 là 40.598 người, gồm 06 dân tộc chính cùng sinh sống là dân tộc Tày, Nùng, Hmông, Dao, Kinh, Hoa, chủ yếu sống ở vùng nông thôn (chiếm trên 90%) với việc làm chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, trồng lúa nước kết hợp với trồng lúa nương, trồng ngô và canh tác rừng (Cục thống kê Cao Bằng, 2023).

QUÁ TRÌNH CHUYỂN ĐỔI VIỆC LÀM CỦA NGƯỜI DÂN TỘC THIỂU SỐ Ở HUYỆN THẠCH AN, TỈNH CAO BẰNG

Mức độ chuyển đổi việc làm

Đa số người DTTS đã có sự chuyển đổi việc làm ở các mức độ khác nhau. Kết quả khảo sát cho thấy: (i) Gần 2/5 số người DTTS đã chuyển từ làm thuần nông chủ yếu phục vụ gia đình chuyển sang canh tác, nuôi trồng để bán; (ii) Gần 1/3 số gia đình vẫn làm nông, nhưng có đi làm thuê lúc nông nhàn; (iii) Hơn 2/5 số hộ đã có thêm nghề phụ bên cạnh việc làm nông; (iv) Chỉ có gần 1/5 số hộ gia đình “không thay đổi chút nào” về việc làm (Hình 1).

Hình 1: Chuyển đổi việc làm của người DTTS ở Thạch An 5 năm gần đây (%)

Chuyển đổi việc làm của người dân tộc thiểu số ở Thạch An, tỉnh Cao Bằng

Nguồn: Số liệu khảo sát của nhóm nghiên cứu năm 2023

Chuyển đổi việc làm theo giới tính, địa phương và tình trạng kinh tế hộ gia đình

Để xem xét chuyển đổi việc làm một cách chi tiết, nghiên cứu đã loại bỏ các phiếu “không thay đổi chút nào” để chọn ra những người DTTS có sự chuyển đổi việc làm, sau đó phân tích trên các khía cạnh, như: giới, địa phương, tình trạng kinh tế hộ gia đình.

Xét theo giới tính, không có sự khác biệt lớn giữa nam và nữ về chuyển từ thuần nông sang canh tác nuôi trồng để bán, trong khi nam giới có xu hướng “chỉ đi làm thuê” nhiều hơn, thì nữ giới vẫn có xu hướng “làm nông nhưng khi nông nhàn có đi làm thuê” (Hình 2).

Hình 2: Chuyển đổi việc làm phân theo giới tính (%)

Chuyển đổi việc làm của người dân tộc thiểu số ở Thạch An, tỉnh Cao Bằng

Nguồn: Số liệu khảo sát của nhóm nghiên cứu năm 2023

Xét theo địa phương, người DTTS ở xã Vân Trình có xu hướng chuyển đổi việc làm mạnh mẽ hơn 3 xã còn lại (Vân Trình là xã chuẩn bị cán đích nông thôn mới, có trục đường quốc lộ đi qua trung tâm xã, có chợ xã và người Tày, Nùng cũng sinh sống ở đây nhiều hơn). Theo tình trạng kinh tế của hộ, người DTTS có mức sống khá giả có xu hướng chuyển đổi việc làm tốt hơn những gia đình người DTTS có mức sống thấp hơn.

Lý do chuyển đổi việc làm

Lý do chủ yếu dẫn tới chuyển đổi việc làm là do thu nhập thấp, tiếp đến là do việc làm hiện tại gặp khó khăn, việc làm không phải ly hương, thời gian nhàn rỗi còn nhiều và sức khỏe kém, với tỷ lệ trả lời lần lượt là 75,7%; 20,7%; 15%; 12,9% và 10,4%. Nguyên nhân chuyển đổi do kỹ năng (học được kiến thức mới, nghề mới) và do vốn xã hội/mối quan hệ xã hội (có người rủ) còn khiêm tốn (Hình 3).

Hình 3: Nguyên nhân chuyển đổi việc làm của người DTTS (%)

Chuyển đổi việc làm của người dân tộc thiểu số ở Thạch An, tỉnh Cao Bằng

Nguồn: Số liệu khảo sát của nhóm nghiên cứu năm 2023

Chuyển đổi việc làm trong nội bộ ngành nông nghiệp

Nghiên cứu cũng xem xét quá trình chuyển đổi việc làm trong nội ngành nông nghiệp, theo lĩnh vực canh tác, sản xuất và quy mô sản xuất. So với 5 năm trước, người DTTS đã có những thay đổi đáng kể về giống cây trồng vật nuôi, quy mô nuôi trồng, đưa công nghệ kỹ thuật vào sản xuất, mạng lưới tiêu thụ sản phẩm và chuyển hướng sang sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường (Hình 4). Đa số người DTTS đều cho rằng, giống cây trồng vật nuôi và quy mô sản xuất nhìn chung đều thay đổi so với 5 năm trước đây.

Hình 4: Chuyển đổi về giống cây trồng, vật nuôi và quy mô sản xuất so với 5 năm trước (%)

Chuyển đổi việc làm của người dân tộc thiểu số ở Thạch An, tỉnh Cao Bằng

Nguồn: Số liệu khảo sát của nhóm nghiên cứu năm 2023

Một trong những nguyên dân dẫn đến sự thay đổi này có yếu tố về nhu cầu của thị trường. Hầu hết người DTTS đều cho rằng, “bên thu mua nông sản phẩm (nhà máy, thương lái…) hướng dẫn và yêu cầu tôi làm theo” nên họ sẽ thay đổi giống cây trồng vật nuôi cũng như quy mô sản xuất (Hình 5).

Hình 5: Mức độ đồng ý với nhận định “bên thu mua nông sản phẩm hướng dẫn và yêu cầu tôi làm theo” của người DTTS (%)

Chuyển đổi việc làm của người dân tộc thiểu số ở Thạch An, tỉnh Cao Bằng

Nguồn: Số liệu khảo sát của nhóm nghiên cứu năm 2023

Điều này cũng dẫn đến chuyển đổi xu hướng tiêu thụ hàng hóa đã chú ý đến yêu cầu của thị trường và người dân đã quan tâm đến xử lý chất thải để bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất. Hầu hết người DTTS cho rằng, so với 5 năm trước đây, cách thức tiêu thụ hàng hóa cũng như cách thức xả thải hoặc xử lý chất thải để bảo vệ môi trường đã có sự thay đổi nhiều (Hình 6).

Hình 6: Chuyển đổi về tiêu thụ hàng hóa và xử lý chất thải để bảo vệ môi trường so với 5 năm trước (%)

Chuyển đổi việc làm của người dân tộc thiểu số ở Thạch An, tỉnh Cao Bằng

Nguồn: Số liệu khảo sát của nhóm nghiên cứu năm 2023

Chuyển đổi công nghệ, kỹ thuật sản xuất trong canh tác nông nghiệp

Chuyển đổi công nghệ, kỹ thuật sản xuất là xu hướng tất yếu trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ cho ngành sản xuất nói riêng và nền kinh tế nói chung. Đặc biệt đối với sản phẩm nông sản, việc áp dụng khoa học công nghệ, một mặt sẽ giúp người bán xây dựng được thương hiệu sản phẩm, chỉ dẫn địa lý; mặt khác, người mua có thể truy xuất nguồn gốc nguyên vật liệu, sản phẩm một cách minh bạch, tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng. So với 5 năm trước đây, người DTTS cho rằng, đã có sự thay đổi về kỹ thuật, máy móc, phương tiện, đã đưa công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào công việc sản xuất của mình (Hình 7).

Hình 7: Chuyển đổi về khoa học kỹ thuật so với 5 năm trước đây (%)

Chuyển đổi việc làm của người dân tộc thiểu số ở Thạch An, tỉnh Cao Bằng

Nguồn: Số liệu khảo sát của nhóm nghiên cứu năm 2023

Để chuyển đổi công nghệ, kỹ thuật sản xuất, người DTTS đã được cán bộ của huyện, xã về hướng dẫn và họ làm theo hướng dẫn, bên cạnh đó người DTTS cũng cập nhật thông tin trên tivi cũng như trên mạng để làm theo. Ở chiều ngược lại, ứng dụng công nghệ thông tin vào việc làm tăng lên cũng giúp người dân có cơ hội cao hơn để chuyển đổi việc làm. Điều này cho thấy, người DTTS ở Thạch An rất tích cực trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đây là một tín hiệu đáng mừng để các cơ quan hoạch định chính sách của Cao Bằng thiết kế các chương trình tập huấn có áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 13,9% số người DTTS chưa biết ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa vào việc làm (Hình 8).

Hình 8: Ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa với việc làm (%)

Chuyển đổi việc làm của người dân tộc thiểu số ở Thạch An, tỉnh Cao Bằng

Nguồn: Số liệu khảo sát của nhóm nghiên cứu năm 2023

Những lợi ích từ chuyển đổi việc làm của người DTTS ở Thạch An

Chuyển đổi việc làm không chỉ giúp họ tăng thu nhập, kiến thức và kỹ năng mà còn giúp họ tăng sự hài lòng với cuộc sống.

Hình 9: Chuyển đổi việc làm trong nông nghiệp với thu nhập của người DTTS (%)

Chuyển đổi việc làm của người dân tộc thiểu số ở Thạch An, tỉnh Cao Bằng

Nguồn: Số liệu khảo sát của nhóm nghiên cứu năm 2023

Tăng thu nhập. Kết quả nghiên cứu cho thấy, khi người DTTS có sự chuyển đổi việc làm trong lĩnh vực nông nghiệp, họ có xu hướng tăng thu nhập ở các mức độ khác nhau. Cụ thể: (i) Có hơn một nửa số người DTTS cho rằng, thu nhập của họ đã tăng lên ít; (ii) Gần 1/5 số người DTTS cho rằng, thu nhập của họ đã tăng lên nhiều. Nam giới cho rằng, chuyển đổi việc làm đã góp phần tăng thu nhập của họ nhiều hơn nữ giới. Đặc biệt, không có sự khác biệt về nhóm tuổi trong đánh giá về thu nhập tăng lên khi chuyển đổi việc làm (Hình 9).

Tăng kiến thức, kỹ năng. Có hơn 2/3 số người DTTS cho rằng, chuyển đổi việc làm đã giúp họ tăng kiến thức, kỹ năng kỹ thuật canh tác, nuôi trồng hoặc sản xuất, kinh doanh. Có sự khác biệt về giới trong nhận định về chuyển đổi việc làm ảnh hưởng tới kiến thức và kỹ năng, trong khi nam giới có xu hướng nhận định là tăng lên nhiều, thì nữ giới có xu hướng đánh giá tăng lên ít. Trong khi đa số các hộ gia đình nghèo, cận nghèo và trung bình cho rằng, khi chuyển đổi việc làm, thì kiến thức và kỹ năng của họ được tăng lên theo mức độ ít, nhiều thì 100% hộ gia đình khá giả cho rằng, chuyển đổi việc làm giúp kiến thức và kỹ năng của họ tăng lên nhiều (Hình 10).

Hình 10: Chuyển đổi việc làm với kiến thức, kỹ năng kỹ thuật canh tác, nuôi trồng hoặc sản xuất, kinh doanh của người DTTS (%)

Chuyển đổi việc làm của người dân tộc thiểu số ở Thạch An, tỉnh Cao Bằng

Nguồn: Số liệu khảo sát của nhóm nghiên cứu năm 2023

Tăng các mối quan hệ xã hội. Chuyển đổi việc làm cũng làm gia tăng các mối quan hệ xã hội của hộ DTTS theo hướng tích cực hơn. Các yếu tố nhân khẩu học như giới tính, học vấn, tôn giáo có ảnh hưởng nhiều tới quyết định di chuyển và lựa chọn việc làm của người lao động (Đặng Nguyên Anh, 2005; 2007). Vốn xã hội, trong đó bao gồm các mối quan hệ xã hội, có ảnh hưởng tới phát triển kinh tế (Nguyễn Thị Hoài Lê, 2023). Khi người DTTS ở Thạch An chuyển đổi việc làm thì 4/5 trong số họ cho rằng, các mối quan hệ xã hội của họ được tăng lên và mở rộng hơn (Hình 11).

Hình 11. Chuyển đổi việc làm trong nông nghiệp với mở rộng các mối quan hệ xã hội (%)

Chuyển đổi việc làm của người dân tộc thiểu số ở Thạch An, tỉnh Cao Bằng

Nguồn: Số liệu khảo sát của nhóm nghiên cứu năm 2023

Có sự khác biệt giữa nam và nữ về ảnh hưởng của chuyển đổi việc làm tới các mối quan hệ xã hội của họ. Khi chuyển đổi việc làm, nam giới có xu hướng mở rộng các mối quan hệ xã hội mạnh hơn nữ giới. Những người trung niên (nhóm tuổi từ 31 đến 40) có xu hướng mở rộng các mối quan hệ xã hội nhiều hơn những người trẻ (dưới 30) và những người trên 40 tuổi.

GIẢI PHÁP

Trên cơ sở thực tiễn quá trình chuyển đổi việc làm của hộ DTTS tại huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng, nhằm giúp quá trình chuyển đổi việc làm của người dân trên địa bàn Huyện diễn ra bền vững hơn trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu đề xuất một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, phát triển kinh tế nông thôn và đa dạng hóa sinh kế. Khuyến khích người nông dân áp dụng các mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, VietGAP… nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm. Hỗ trợ đồng bào DTTS tiếp cận các giống cây trồng, giống mới, cây dược liệu quý, vật nuôi mới có năng suất cao, chống chịu sâu bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Xây dựng hệ thống thủy lợi, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đa dạng hóa sinh kế bằng cách khuyến khích phát triển các nghề phụ truyền thống, làng nghề và dịch vụ nông thôn, hướng tới phát triển du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm văn hóa, khai thác lợi thế về thiên nhiên và bản sắc văn hóa của đồng bào DTTS.

Thứ hai, đào tạo nghề, nâng cao trình độ và kỹ năng cho người lao động. Đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động, trong đó tập trung vào các ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao ở Thạch An và các khu vực lân cận, như: nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông lâm sản, du lịch, xây dựng… Đa dạng hóa hình thức đào tạo, kết hợp giữa đào tạo chính quy, đào tạo nghề ngắn hạn, đào tạo tại doanh nghiệp và học nghề truyền thống tại địa phương. Hỗ trợ tiếp cận thông tin về việc làm, cung cấp thông tin về cơ hội việc làm, kỹ năng xin việc, chính sách hỗ trợ việc làm cho người lao động.

Thứ ba, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Hỗ trợ đồng bào DTTS tiếp cận và ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp, cung cấp các khóa đào tạo về: sử dụng máy móc nông nghiệp, công nghệ sinh học, hệ thống tưới tiêu tiết kiệm nước… Bên cạnh đó, đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp và nông thôn, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào quản lý sản xuất, kết nối thị trường, tiếp cận thông tin và dịch vụ, ứng dụng thương mại điện tử để tiêu thụ nông sản, phát triển các nền tảng kết nối người sản xuất và người tiêu dùng.

Thứ tư, tăng cường hợp tác và xã hội hóa nông nghiệp, bằng cách huy động sự tham gia của các bên liên quan từ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức xã hội, các tổ chức quốc tế… cùng chung tay hỗ trợ đồng bào DTTS chuyển đổi việc làm, đặc biệt là chuyển đổi việc làm trong nội ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó, xây dựng mạng lưới hỗ trợ việc làm, kết nối người lao động với các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nghề, dịch vụ hỗ trợ việc làm. Tiếp đó là thúc đẩy hợp tác giữa các địa phương, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin và nguồn lực trong việc hỗ trợ chuyển đổi việc làm.

Các giải pháp này cần được triển khai một cách đồng bộ, linh hoạt và phù hợp với điều kiện cụ thể của huyện Thạch An và đặc thù của đồng bào DTTS, đáng chú ý là cần có sự tham gia chủ động của người dân và cộng đồng trong quá trình thực hiện các giải pháp này./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (2021), Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

2. Cổng Thông tin điện tử tỉnh Cao Bằng (2023), Dân tộc, truy cập từ https://caobang.gov.vn/dan-toc/dan-toc-941978.

3. Cục Thống kê Cao Bằng (2023), Niên giám Thống kê tỉnh Cao Bằng năm 2022, Nxb Thống kê.

4. ILO (2015), World Employment and Social Outlook: Trends 2015, International Labour Office.

5. Nguyễn Ngọc Trung (2023), Phát triển nguồn nhân lực thông qua đào tạo tại chỗ trong các doanh nghiệp, Nxb Khoa học Xã hội.

6. Nguyễn Thị Huệ (2018), Nguồn nhân lực nông thôn: thực trạng việc làm và một số vấn đề đặt ra từ góc độ phát triển con người, Tạp chí Nghiên cứu Con người, 1.

7. Nguyễn Thị Lan Hương (2022), Chuyển đổi số trong nông nghiệp: Thực trạng và giải pháp, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam, 64(1), 1-10.

8. Sen, A. (1999), Development as Freedom, Knopf.

9. Stiglitz, J. E., Sen, A., and Fitoussi, J. P. (2009), Report by the Commission on the Measurement of Economic Performance and Social Progress, Commission on the Measurement of Economic Performance and Social Progress.

10. Todaro, M. P., and Smith, S. C. (2015), Economic Development (12th ed.), Pearson.

11. Tổng cục Thống kê (2021), Báo cáo Chỉ số phát triển con người của Việt Nam giai đoạn 2016-2020.

12. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (2023), Kết quả khảo sát thực trạng sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam.

13. UNDP (1990), Human Development Report 1990, Oxford University Press.

14. UNDP (2015), Tổng quan báo cáo phát triển con người năm 2015: Việc làm vì phát triển con người.

15. UNDP, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (2015), Tăng trưởng vì mọi người: báo cáo phát triển con người Việt Nam năm 2015 về tăng trưởng bao trùm, Nxb Khoa học Xã hội.

16. Vũ Trọng Khải (2019), Thực trạng và giải pháp phát triển ngành nghề nông thôn ở Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế, 42(4), 75-88.

17. World Bank (2000), World Development Report 2000/2001: Attacking Poverty, Oxford University Press.


Bài viết là sản phẩm của đề tài cấp bộ “Chuyển đổi việc làm của người dân tộc thiểu số ở tỉnh Cao Bằng: thực trạng và giải pháp” do PGS. TS. Nguyễn Thị Hoài Lê làm chủ nhiệm, Viện Nghiên cứu Con người chủ trì, thực hiện 2023-2024.

Ngày nhận bài: 28/8/2024; Ngày phản biện: 20/10/2024; Ngày duyệt đăng: 30/10/2024