Mưa lũ lịch sử do hoàn lưu bão số 3 khiến hầu hết các tuyến đường giao thông ở Sa Pa (tỉnh Lào Cai) bị ảnh hưởng, nhiều tuyến đường từ trung tâm đi các xã và bản du lịch cộng đồng bị chia cắt.
Lỡ đặt chân đến Sa Pa đúng thời điểm khắc nghiệt nhất, trong lúc “tiến thoái lưỡng nan”, du khách Violeta Linde đã được một doanh nghiệp lữ hành địa phương mở cửa chào đón, bố trí chu đáo trong suốt những ngày cao điểm mưa lũ.
“Tôi đến từ Tây Ban Nha, đây là lần đầu tiên chứng kiến cảnh tượng này. Chúng tôi cảm nhận được tình đồng bào ấm áp của người Việt. Chúng tôi cũng nhận được sự hỗ trợ từ tất cả mọi người, từ các du khách, các đơn vị hỗ trợ, đặc biệt còn được bố trí nơi ở miễn phí, điều mà chúng tôi chưa từng gặp ở đất nước nào”, chị Violeta Linde cho biết.
Cùng được sắp xếp miễn phí nơi ở an toàn tránh mưa lũ, du khách Yvette Kingsford đến từ New Zealand chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất biết ơn sự hỗ trợ của những người bản địa ở Sa Pa và sự tốt bụng đến từ khách sạn mà chúng tôi đang ở. Họ khiến chúng tôi cảm thấy dù là người nước ngoài nhưng lại như được sống ngay tại chính ngôi nhà của mình. Tôi cùng mọi người làm những công việc cộng đồng như nấu cơm phục vụ những người dân tại đây, giúp họ có những bữa ăn vượt qua giai đoạn mưa lũ”.
Trong những ngày cao điểm mưa lũ, đặc biệt từ ngày 8 – 11/9, rất nhiều đơn vị kinh doanh du lịch ở Sa Pa và các cá nhân, gia đình hảo tâm đã cùng chính quyền chung tay hỗ trợ du khách. Bà Trần Thị Huyền – Giám đốc công ty TNHH du lịch Ahatrip VN Travel (tỉnh Lào Cai) cho biết, ngoài tạo điều kiện ăn nghỉ cho khách quốc tế bị mắc kẹt, cơ sở của chị còn nấu cơm tiếp tế cho vùng lũ, làm được bao nhiêu gửi đi bấy nhiêu vì thấy mình còn hạnh phúc hơn biết bao người. “Chúng tôi cũng muốn góp chút sức mình để mọi người vượt qua giai đoạn bão lũ này, sớm quay trở lại cuộc sống thường nhật, kinh tế sớm phát triển bình thường”.
Theo ông Vũ Đại Dương – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Lào Cai, có hai du khách người Anh và Argentina tới Sa Pa du lịch, sau khi nghe tin về vụ sạt lở ở thôn Hòa Sử Pán 1, xã Mường Hoa khiến 6 người chết, 9 người bị thương, họ đã quyết định ở lại. “Có người tìm cách về, nhưng họ sẵn sàng ở lại mấy hôm. Sau đó, tự đi quyên góp từ bạn bè, khách hàng của họ để hỗ trợ cho các hộ gia đình bị mất người, mất nhà cửa, đến khi thời tiết tạnh ráo hơn thì họ mới về”.
Sau khi trở về, hai du khách này còn gửi thư cảm ơn Hiệp hội Du lịch tỉnh Lào Cai và một phụ nữ tên Thơm đã giúp họ kết nối, hoàn thành kế hoạch của mình, vượt mục tiêu ban đầu là 600 bảng Anh lên số tiền 1.700 bảng Anh.
Theo bà Hoàng Thị Vượng, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin thị xã Sa Pa, giai đoạn cao điểm mưa lũ vừa qua, có trên 2.000 khách quốc tế đang du lịch tại địa phương, nhiều du khách bị ảnh hưởng lịch trình do giao thông chia cắt. Nhờ chủ động rà soát sớm, cũng như có sự chung tay của doanh nghiệp, người dân nên Sa Pa đã linh hoạt được nhiều giải pháp bảo đảm an toàn cho du khách.
“Bản thân khách quốc tế họ cũng lo lắng về sự an toàn của mình, nên ngoài việc đề nghị chính quyền địa phương hỗ trợ, họ cũng liên hệ qua kênh Đại sứ quán, nên một số Đại sứ quán các nước tại Việt Nam như của Singapore, Hàn Quốc, Bỉ… cũng quan tâm, gọi điện hỏi han, đề nghị hỗ trợ rà soát. Thị xã Sa Pa cũng đã giao đầu mối kết nối hỗ trợ thành công, không có trường hợp đáng tiếc nào xảy ra”, bà Hoàng Thị Vượng thông tin thêm.
Bà Vượng cũng cho biết, do đang vào mùa cao điểm khách quốc tế, nên vẫn có nhiều khách nước ngoài đang lưu trú tại Sa Pa. Sau nhiều nỗ lực khắc phục, hệ thống giao thông ở Sa Pa cơ bản đã thông suốt trở lại; chính quyền cũng thường xuyên đưa ra khuyến cáo, hướng dẫn du khách di chuyển theo các lộ trình thuận lợi, an toàn.