Tại Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) trong Kỳ họp bất thường lần thứ 5 của Quốc hội diễn ra hôm nay (ngày 17/1), các thành viên UBTVQH đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Trình bày tóm tắt dự thảo báo cáo của UBTVQH về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, UBTVQH đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Ngày 16/01/2024, Chính phủ đã có Báo cáo số 18/BC-CP về ý kiến đối với tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật.

Giải trình, chỉnh lý các vấn đề liên quan đến xử lý sở hữu chéo, thao túng, chi phối tổ chức tín dụng
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, dự thảo báo cáo của UBTVQH đã tiếp thu, giải trình, chỉnh lý các vấn đề về một số vấn đề đại biểu quan tâm liên quan đến xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm…

Dự thảo báo cáo của UBTVQH đã tiếp thu, giải trình, chỉnh lý các vấn đề về một số vấn đề đại biểu quan tâm liên quan đến: Xử lý sở hữu chéo, thao túng, chi phối tổ chức tín dụng (khoản 24 Điều 4, Điều 63, Điều 136); bảo vệ quyền lợi của khách hàng (Điều 10); xét duyệt cấp tín dụng, kiểm tra sử dụng tiền vay, tài sản cho thuê tài chính (Điều 102); các biện pháp hỗ trợ tổ chức tín dụng được can thiệp sớm (Điều 159); chấm dứt can thiệp sớm (Điều 161)… Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 15 chương và 210 điều (không thay đổi số điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội vào ngày 15/01/2024).

Trên cơ sở đó, các thành viên UBTVQH tiến hành cho ý kiến; đại diện Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình làm rõ vấn đề đại biểu nêu….

Trước đó, khi thảo luận về dự thảo Luật tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, Đại biểu Quốc hội Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng) đề xuất, cần xem xét các thủ tục, làm rõ cơ cấu sở hữu cổ phần, đặc biệt là những trường hợp cố ý làm trái quy định…

Cụ thể là tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông là tổ chức và người có liên quan của cổ đông đó không vượt quá 15% và 20% giảm xuống còn 10% và 15%. Mục đích của việc giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần này nhằm hướng tới việc loại bỏ tình trạng sở hữu chéo, sử dụng tỷ lệ sở hữu cổ phần để thao túng, chi phối hoạt động của các tổ chức tín dụng từ một số cổ đông, nhóm cổ đông lớn. Vấn đề điều chỉnh tỷ lệ sở hữu này không có nhiều ý nghĩa để hạn chế sở hữu chéo. Điều này chỉ kiểm soát được về mặt hồ sơ. Việc khống chế tỷ lệ không quan trọng bằng việc giám sát thực thi quy định, chưa nói đến việc có thể tạo ra rào cản ngăn dòng vốn ngoại chảy vào hệ thống ngân hàng. Trên thực tế, những trường hợp sai phạm vừa qua cho thấy, tỷ lệ sở hữu thực sự của những chủ thể này cao hơn rất nhiều so với quy định thông qua các công ty con, công ty liên kết hoặc các cá nhân đứng tên đó.

Giải trình, chỉnh lý các vấn đề liên quan đến xử lý sở hữu chéo, thao túng, chi phối tổ chức tín dụng
Đại biểu Quốc hội Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng) đề xuất thiết lập một khung pháp lý cụ thể trong lĩnh vực tài chính để làm rõ cơ cấu sở hữu, chủ sở hữu thực và trách nhiệm giải trình, xử lý nghiêm minh với những trường hợp cố ý làm trái

“Việc sửa đổi pháp luật để phù hợp với thực tiễn rất cần thiết. Tuy nhiên, khống chế tỷ lệ sở hữu tại ngân hàng không đủ ngăn tái diễn vụ việc tương tự như Ngân hàng SCB, bởi sở hữu chéo hay thao túng ngân hàng bản chất rất phức tạp. Nếu nhìn trên giấy tờ, nhiều cổ đông sở hữu thấp hơn tỷ lệ cho phép, nhưng vẫn nắm quyền chi phối. Do đó, bên cạnh việc siết tỷ lệ sở hữu với hiệu quả còn khá mơ hồ, cần xem xét quy định thật chặt chẽ về điều kiện, thủ tục cấp tín dụng cho khách hàng liên quan. Cổ đông có hệ thống giám sát chéo, thiết lập một khung pháp lý cụ thể trong lĩnh vực tài chính để làm rõ cơ cấu sở hữu, chủ sở hữu thực và trách nhiệm giải trình, xử lý nghiêm minh với những trường hợp cố ý làm trái…”, bà An phân tích và đề xuất.

Ở một khía cạnh có liên quan, theo góc nhìn của Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị), tổ chức tín dụng bao gồm nhiều loại hình, trong đó thì có loại hình ngân hàng thương mại mới có thể được thực hiện tất cả các hoạt động ngân hàng, bao gồm việc kinh doanh cung ứng thường xuyên các nghiệp vụ nhận tiền gửi, cấp tín dụng, cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản và các hoạt động kinh doanh khác theo luật định nhằm mục tiêu lợi nhuận, theo đó mới có mức độ ảnh hưởng lớn tới tính an toàn của hệ thống. Các loại hình tổ chức tín dụng còn lại đều bị giới hạn ở những mức độ khác nhau về phạm vi, quy mô, đối tượng và loại nghiệp vụ được phép kinh doanh. Theo đó là mức độ rủi ro được chấp nhận. Tương ứng với mỗi loại hình có các mức độ tiêu chuẩn, điều kiện yêu cầu khác nhau về quản trị, điều hành. Do đó, đối với ngân hàng thương mại sẽ ở cấp độ cao nhất và khắt khe nhất. Điều này có nghĩa, những ngân hàng quá nhỏ mới có khả năng gây nên các vấn đề hoảng loạn hay tháo chạy ngân hàng và đe dọa rủi ro lan truyền làm mất an toàn hệ thống. Khi có những sự cố như vậy xảy ra, thông lệ quốc tế tốt, cũng như những bài học kinh nghiệm đắt giá của Việt Nam đúc rút được đều chỉ ra rằng, Ngân hàng Nhà nước với tư cách là Ngân hàng trung ương của Việt Nam nên được trao quyền nhiều hơn, mạnh hơn để có thể phản ứng, xử lý nhanh nhạy, hiệu quả trước các sự cố ngân hàng, nhằm giảm thiểu các thiệt hại và ngăn chặn nguy cơ mất an toàn của hệ thống…
Việc hoàn thiện dự thảo Luật lần này đang được kỳ vọng không chỉ bịt những kẽ hở về pháp lý trong hoạt động của lĩnh vực ngân hàng đã bộc lộ đáng quan ngại trong thời gian qua, mà còn nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nhà nước, nhằm xử lý từ sớm, từ xa các rủi ro phát sinh với hệ thống tổ chức tín dụng./.