THỰC TRẠNG CƠ CẤU LẠI KINH TẾ NÔNG NGHIỆP Ở TP. HÀ NỘI

Trước tác động mạnh mẽ của xu thế toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế và sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, cơ cấu lại nông nghiệp nhằm xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả, bảo đảm an ninh lương thực – thực phẩm, ổn định xã hội vừa là xu hướng khách quan, vừa là yêu cầu cấp thiết đối với phát triển kinh tế nông nghiệp Việt Nam.

Cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp Hà Nội theo hướng hiệu quả, bền vững
Cần phát triển mạnh mẽ thị trường khoa học, công nghệ trong nông nghiệp để thúc đẩy quá trình cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp ở TP. Hà Nội theo hướng hiệu quả và bền vững

Nhận thức sâu sắc vấn đề đó, trong Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định: “Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, khai thác và phát huy lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại”. Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Quyết định số 255/QĐ-TTg, ngày 25/2/2021 về việc phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu “Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản; bảo vệ môi trường, sinh thái; nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn; đảm bảo an ninh lương thực và an ninh quốc phòng”. Quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, Chính phủ, căn cứ vào tình hình thực tiễn của Thành phố, ngày 17/3/2021, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 04-CTr/TU về việc đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025.

Trong thời gian qua, việc triển khai tổ chức, thực hiện tích cực, chủ động, đồng bộ cơ cấu lại ngành nông nghiệp của Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả tích cực, sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển, hiệu quả kinh tế cao. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hà Nội, năm 2020, trong bối cảnh khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, tăng trưởng ngành nông nghiệp vẫn đạt 4,2% – cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ một số ngành kinh tế. Tổng giá trị sản xuất nông, lâm, nghiệp và thủy sản trên địa bàn Thành phố đạt 38.093 tỷ đồng, tăng 4,5% so với năm 2019. Đến năm 2021, giá trị sản xuất nông nghiệp so với cùng kỳ năm trước có sự tăng trưởng ổn định, quý I tăng 2,51%, quý II đã tăng lên 3,09% và quý III tăng 4,39%, phấn đấu tăng 4,2% trong cả năm 2021. Mặc dù còn những vướng mắc nhất định trong chính sách hỗ trợ nông dân, thu hút vốn đầu tư cho sản xuất nông nghiệp chưa nhiều, cơ sở chế biến nông phẩm, giết mổ gia súc, gia cầm tập trung còn ít… Tuy nhiên, trong bối cảnh, dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, mức tăng trưởng trên là rất đáng khích lệ, thể hiện quyết tâm và nỗ lực vượt qua khó khăn của nông nghiệp Thủ đô. Đó cũng là minh chứng thực tiễn cho tính đúng đắn của việc cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp ở TP. Hà Nội. Theo đó, cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp ở Thủ đô đã đạt được những kết quả sau:

Kết quả đạt được

Cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp ở TP. Hà Nội hiện nay chủ yếu tập trung vào 3 vấn đề sau:

Một là, cơ cấu lại kinh tế ngành nông nghiệp

Đây là nội dung trọng tâm trong cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp ở TP. Hà Nội hiện nay, góp phần quyết định thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển theo hướng hiệu quả bền vững, cải thiện đời sống nhân dân. Cơ cấu lại các phân ngành trong kinh tế nông nghiệp cần thực hiện đồng bộ cả trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.

Đối với nông nghiệp: Tập trung cơ cấu lại trong nội bộ cả trồng trọt và chăn nuôi. Cơ cấu lại trồng trọt theo hướng tăng diện tích cây trồng hiệu quả kinh tế cao như: hoa màu, cây cảnh, hoa, dược liệu; giảm diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt (chủ yếu là lúa) và cây lâu năm hiệu quả kinh tế thấp. Tập trung xây dựng, phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, đáp ứng tiêu chí quy trình VietGAP, GlobalGAP.

Năm 2021, trên mỗi lĩnh vực, nông nghiệp Hà Nội tập trung vào những mặt hàng, những loại hình có thế mạnh. Đối với trồng trọt, ngành nông nghiệp Thành phố duy trì 62.806 ha trồng lúa, trong đó chủ lực là lúa chất lượng cao. Hà Nội cũng tập trung phát triển lúa gạo tại các vùng sản xuất tập trung, theo hướng tăng cơ cấu giống lúa Japonica để phục vụ tiêu dùng trong Thành phố và xuất khẩu. Cùng với đó, Hà Nội cũng duy trì 7.200 ha hoa, cây cảnh với các giống chủ lực, như: hoa lan, hoa cúc, hoa hồng, các giống hoa mới nhập khẩu… đầu tư hình thành các vùng tập trung (quy mô từ 20-50 ha trở lên) ứng dụng công nghệ cao, thông minh… Còn với cây ăn quả, Thành phố duy trì 22.350 ha, tập trung phát triển cây trồng có giá trị kinh tế cao như bưởi đỏ Tân Lạc và một số giống bưởi đặc sản của Hà Nội (Sơn – Huyền, 2021).

Đối với chăn nuôi, Hà Nội tập trung phát triển chăn nuôi tại các vùng xã trọng điểm theo hướng bền vững, an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học; tăng số lượng đàn bò lên 150-160 nghìn con, đàn lợn lên 1,8-2 triệu con…; đồng thời trở thành trung tâm cung cấp con giống (bò thịt, lợn, gia cầm) cho các địa phương. Thành phố cũng chuyển đổi các vùng đất trũng, thấp sang mô hình lúa – cá, bảo đảm diện tích chăn nuôi thủy sản từ 24.000-25.000 ha, trong đó, diện tích nuôi tập trung khoảng 11.500 ha với các loại đặc sản, như: trắm đen, cá lăng, điêu hồng, tôm càng xanh… (Đỗ Minh, 2021).

Đối với lâm nghiệp: Cơ cấu lại theo hướng tăng tỷ lệ rừng kinh tế trong tổng diện tích rừng; trồng mới những giống cây gỗ có giá trị kinh tế cao phù hợp với điều kiện cụ thể từng vùng sinh thái. Quản lý tốt việc khai thác tài nguyên rừng, chuyển đổi cơ cấu sản phẩm từ khai thác gỗ non sang khai thác gỗ lớn, tạo vùng nguyên liệu cung cấp cho công nghiệp chế biến gỗ. Bảo tồn các hệ sinh thái rừng và quỹ gen, đảm bảo đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan rừng để rừng vừa phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, du lich, vừa phục vụ nghiên cứu khoa học.

Đối với thủy sản: Thành phố tiếp tục tận dụng và khai thác có hiệu quả diện tích ao, hồ tự nhiên (hồ Miễu, hồ Văn Sơn, hồ Văn Xã…) và dân đào để tăng lượng nuôi trồng. Đồng thời, kết hợp nuôi cá theo phương thức thâm canh và quảng canh cải tiến, hướng vào các giống cá có giá trị kinh tế cao, như: cá chép lai, cá rô phi đơn tính; cá đặc sản, như: cá lăng, cá điêu hồng, trắm đen, trắm giòn, chép giòn… Ngoài ra, đánh bắt, khai thác các nguồn lợi thủy sản chủ yếu trên các tuyến sông lớn. Ứng dụng công nghệ hiện đại trong khai thác, bảo quản, chế biến nâng cao giá trị, giảm tổn thất và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Kết hợp nuôi trồng thủy sản với bảo vệ môi trường sinh thái, du lịch, dịch vụ. Theo đó, Hà Nội đã duy trì được diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 24.000 ha, nâng sản lượng nuôi trồng thủy sản lên 124 nghìn tấn (tăng 6,4% so với năm 2020); đồng thời, phát triển các vùng thủy sản tập trung theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nuôi thâm canh nhằm tăng năng suất, chất lượng với các giống có giá trị cao (Sơn – Huyền, 2021).

Hai là, cơ cấu lại kinh tế vùng nông nghiệp

Đây là nội dung cấp thiết trong cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp ở TP. Hà Nội hiện nay. Theo đó, Thành phố chủ trương thực hiện tốt cơ cấu lại kinh tế vùng nông nghiệp thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa phát triển, tận dụng tối đa tiềm năng, thế mạnh từng vùng, từng chủ thể trong phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả bền vững. TP. Hà Nội có địa hình, thổ nhưỡng, thời tiết khí hậu tương đối đa dạng, tạo điều kiện cho cơ cấu lại kinh tế vùng nông nghiệp theo hướng hình thành các vùng sản xuất tập trung chuyên canh với những “cánh đồng mẫu lớn”, “cánh đồng liên kết” gắn với chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, Thành phố cũng tập trung các nguồn lực xây dựng hạ tầng cơ sở ở vùng bảo đảm cơ giới hóa sản xuất, sản xuất khép kín, chủ động. Khuyến khích liên kết vùng với nhiều hình thức phong phú đa dạng.

Đồng thời, quy hoạch lại và quy hoạch mới các khu chăn nuôi tập trung ngoài khu dân cư, các xã chăn nuôi trọng điểm. Tăng cường quản lý kiểm soát nguy cơ ô nhiễm đất, nước từ chất thải chăn nuôi; phát triển nguồn năng lượng tái tạo từ các phụ phẩm chăn nuôi ở các vùng, khu chăn nuôi tập trung.

Ngoài ra, Hà Nội cũng chú trọng quy hoạch lại diện tích mặt nước ở các hồ tự nhiên, sông lớn để đầu tư xây dựng vùng sản xuất thủy sản hàng hóa lớn. Tăng cường đầu tư hạ tầng cơ sở đồng bộ, hiện đại cho các vùng nuôi trồng thủy sản công nghệ cao, tăng nhanh năng suất, chất lượng và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.

Ba là, cơ cấu lại các thành phần kinh tế trong nông nghiệp

Đây là nội dung có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp. Chỉ khi nào các thành phần kinh tế, hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp có quy mô tương ứng, nội dung, hình thức hoạt động đa dạng, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu và điều kiện, thì khi đó các nguồn lực xã hội mới được khai thác và sử dụng tối ưu, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển.

Nội dung cốt lõi trong cơ cấu lại các thành phần trong kinh tế nông nghiệp là thực hiện đổi mới, sắp xếp lại các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững. Tăng nhanh số lượng và chất lượng kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác, nhất là hợp tác xã nông nghiệp theo Luật Hợp tác xã (năm 2012); các doanh nghiệp nông nghiệp, cụm liên kết sản xuất công, nông nghiệp, các doanh nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản. Theo đó, từ việc tái cơ cấu nông nghiệp, Thành phố đã có 50 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 78 hợp tác xã nông nghiệp tham gia liên kết chuỗi… (Hà Tâm, 2021).

Chú trọng mô hình liên kết “4 nhà” theo chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp hàng hóa, tăng cường năng lực cạnh tranh cho các chủ thể, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đẩy mạnh các hình thức liên kết, hợp tác kinh tế giữa kinh tế hộ nông dân với các thành phần kinh tế khác trên cơ sở hợp đồng kinh tế và bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia.

Nâng cao hiệu quả đầu tư nhà nước vào sản xuất nông nghiệp theo hướng đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nông nghiệp nhà nước, tập trung vào các lĩnh vực, như: xây dựng kết cấu hạ tầng, giao thông nông thôn, hệ thống thủy lợi; xây dựng các trung tâm, viện nghiên cứu, thử nghiệm giống cây trồng vật nuôi; hợp tác quốc tế về chuyển giao khoa học, công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp; xây dựng nông thôn mới.

Một số khó khăn, hạn chế

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, thực hiện cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp của Hà Nội thời gian qua còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể: chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp đã có nhiều tiến bộ, nhưng còn chậm, chưa rõ nét, chưa xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa hình thành được các vùng sản xuất tập trung thực sự mang tính chất sản xuất hàng hóa mũi nhọn. Việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp còn thấp, các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm mới phát triển; kinh tế hộ nhỏ lẻ còn chiếm tỷ lệ cao, trong khi doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp số lượng ít, quy mô nhỏ, hiệu quả hoạt động còn nhiều hạn chế; hoạt động sản xuất của người nông dân thông qua các hợp tác xã, tổ hợp tác còn ít. Việc tiêu thụ nông sản vẫn phần lớn thông qua các tiểu thương, tiêu thụ thông qua hợp đồng số lượng hạn chế; đời sống và thu nhập của một bộ phận nông dân nhiều nơi còn khó khăn.

MỘT SỐ ĐỀ XUẤT

Trong phát triển kinh tế Hà Nội, nông nghiệp giữ vị trí quan trọng trong việc cung cấp nông sản đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân Thủ đô; tạo việc làm, cảnh quan, góp phần giữ gìn môi trường sinh thái, để Hà Nội trở thành Thành phố xanh, hòa bình. Để cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp Hà Nội theo hướng hợp lý, chất lượng, hiệu quả, phát huy được lợi thế so sánh, thích ứng tốt trước những tác động của quá trình đô thị hóa và sự phát triển mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế, theo tác giả, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp như sau:

Một là, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện công tác quy hoạch, kế hoạch; rà soát, bổ sung cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp của Thành phố theo mục tiêu, định hướng đã xác định. Tập trung làm tốt công tác rà soát, xây dựng và hoàn chỉnh các quy hoạch ngành, vùng của Thành phố. Từng bước cơ cấu lại diện tích cây trồng, vật nuôi đảm bảo phù hợp quy hoạch bố trí các vùng sản xuất nông sản hàng hóa cả trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Bổ sung và hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Điều chỉnh, bổ sung chính sách đất đai, quy định cụ thể về tích tụ, tập trung ruộng đất; có các cơ chế, chính sách thông thoáng trao quyền chủ động hơn cho người dân được giao đất, thuê đất tạo điều kiện cho phát triển sản xuất hàng hóa chuyên canh quy mô lớn.

Hai là, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của quá trình cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp ở TP. Hà Nội. Làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý kinh tế nông nghiệp các cấp. Ban hành các chính sách phù hợp để xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành hợp tác xã nông nghiệp. Xây dựng đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp cả về số lượng và chất lượng. Tăng cường giáo dục nâng cao kiến thức toàn diện và tổ chức đào tạo nghề cho nông dân gắn với quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, quy hoạch xây dựng nông thôn mới của các địa phương.

Ba là, phát triển mạnh mẽ thị trường khoa học, công nghệ trong nông nghiệp tạo động lực thúc đẩy quá trình cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp ở TP. Hà Nội theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững. Nâng cao năng lực hoạt động nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ nông nghiệp. Đẩy mạnh các hoạt động môi giới trung gian về khoa học và công nghệ trong nông nghiệp. Có cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể sản xuất, kinh doanh tiếp cận khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại.

Bốn là, đẩy mạnh thu hút và sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư vào thực hiện cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp ở TP. Hà Nội. Ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” tập trung đầu tư vào các hạng mục nông nghiệp, nông thôn. Đổi mới chính sách tín dụng phục vụ cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp, tạo mọi điều kiện về các thủ tục hành chính cho phép các cá nhân, các hộ gia đình, các tổ hợp tác và các tổ chức khác tiếp cận nguồn vay tín dụng đa dạng hơn, thuận lợi hơn.

Năm là, phát huy vai trò của các chủ thể trong cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp ở TP. Hà Nội. Nâng cao vai trò của chủ thể là cấp ủy, chính quyền các cấp, tập trung xây dựng các tổ chức cơ sở đảng thực sự trong sạch vững mạnh, cùng đội ngũ đảng viên luôn tiền phong, gương mẫu, dám nghĩ, dám làm. Phát huy vai trò của các chủ thể trực tiếp thực hiện tổ chức sản xuất, kinh doanh nông nghiệp: Doanh nghiệp nông nghiệp giữ vai trò là đầu tàu, là động lực của quá trình cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp; các hợp tác xã nông nghiệp giữ vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ sản xuất, kinh doanh của các hộ nông dân; các hộ nông dân, người nông dân giữ là lực lượng trực tiếp trong chủ động nâng cao trình độ tay nghề, cũng như chuyển đổi nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm phù hợp với điều kiện, khả năng, thực hiện “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.

Tài liệu tham khảo

1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội

2. Thủ tướng chính phủ (2021). Quyết định số 255/QĐ-TTg, ngày 25/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025

3. Thành ủy Hà Nội (2021). Chương trình 04-CTr/TU, ngày 17/3/2021 về đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hà Nội (2020). Báo cáo Tổng kết thực hiện kế hoạch năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

5. Sơn – Huyền (2021). Nông nghiệp Hà Nội lấy thị trường làm căn cứ phát triển, truy cập từ http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/nong-nghiep/991216/nong-nghiep-ha-noi-lay-thi-truong-lam-can-cu-phat-trien

6. Đỗ Minh (2021). Ngành Nông nghiệp Hà Nội: Tái cơ cấu hướng đến hiện đại, truy cập từ http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Nong-nghiep/1005615/nganh-nong-nghiep-ha-noi-tai-co-cau-huong-den-hien-dai

7. Thiện Tâm (2021). Hiệu quả kinh tế từ cơ cấu lại ngành nông nghiệp, truy cập từ https://thanglong.chinhphu.vn/hieu-qua-kinh-te-tu-co-cau-lai-nganh-nong-nghiep

8. Hà Tâm (2021). Nâng cao thu nhập từ mô hình HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, truy cập từ https://thanglong.chinhphu.vn/nang-cao-thu-nhap-tu-mo-hinh-htx-nong-nghiep-ung-dung-cong-nghe-cao

Đỗ Văn Phúc

Trường Đại học Trần Quốc Tuấn

(Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 1 năm 2022)