Mặc dù đất nước Ấn Độ không còn quá xa lạ, nền văn hóa, ẩm thực hay con người của vùng đất được mệnh danh là “tiểu lục địa” này đã được chia sẻ rất nhiều trong phim ảnh và trên mạng xã hội; tuy nhiên đây vẫn là vùng đất “không dễ đi” với ngay cả những người đam mê du lịch.
Vậy mà Mạc Hoàng Y Linh, cô nàng Xử Nữ 9X đời đầu, lại một mình vi vu khám phá Ấn Độ. Chuyến đi kéo dài 1 tháng với vô vàn những trải nghiệm thú vị mà theo Y Linh chia sẻ: “Trên phim ảnh không thể nào diễn tả hết được” .
Một mình xách balo đi Ấn Độ: Chuyến đi 30 ngày, tiêu hết 25 triệu
“Từ chuyến đi Malaysia, khi Linh được tận mắt thấy một phần Ấn Độ từ con người, văn hoá, ẩm thực trong đất nước Malay. Những sự khác lạ, mới mẻ đó dấy lên trong Linh sự tò mò về đất nước tỷ dân này. Và sau 4 tháng từ chuyến Malay, Linh đã chuẩn bị mọi thứ từ visa, lịch trình, hành trang, thông tin… để một mình vác ba lô đến Ấn Độ.
Nghe có vẻ mạo hiểm nhưng tâm trạng trước khi đi chỉ có chút lo lắng, còn lại là sự phấn khích nhiều hơn. Trước mỗi hành trình, trong đầu Linh chỉ suy nghĩ một câu duy nhất: Cứ đi thôi!”. – Y Linh chia sẻ.
Nói về hành trình trải nghiệm Ấn Độ của mình, Y Linh chia sẻ cô đã dành trọn vẹn 30 ngày cho chuyến đi Ấn một mình, đây cũng là thời hạn tối đa cho visa Ấn của Y Linh. Một chuyến đi du lịch bụi theo đúng nghĩa khi Y Linh tiết kiệm tối đa các chi phí mua sắm, đi lại… Cô chủ yếu dùng phương tiện công cộng, vài lần di chuyển bằng taxi. Tổng cộng 30 ngày ở Ấn Độ, Y Linh tiêu hết 25 triệu, trong đó riêng tiền vé máy bay bay thẳng từ Việt Nam sang Ấn Độ là 2,6 triệu.
Mức phí chi tiêu ở Ấn Độ không chênh lệch nhiều so với Việt Nam. Có chỗ rẻ hơn, có chỗ đắt hơn tùy khu vực nhưng Y Linh có thể kiểm soát mọi thứ.
“Có mấy khoản mà nó bất thường như khách sạn ở Mumbai siêu đắt, may mà đợt đó Linh ở nhà người bạn Ấn quen trong chuyến đi Indo trước đó, nên cũng tiết kiệm được phần nào. Nhưng ở xa trung tâm nên Linh đi mất 45 phút.
Hay tiền vé tham quan các điểm du lịch ở Ấn rất cao cho người nước ngoài, chênh lệch quá lớn (20 – 30 lần) so với người địa phương. Ví dụ mình phải trả 600 rupees (khoảng 180k) trong khi người Ấn chỉ 20 – 25 rupees (khoảng 7,5 – 9k) thôi. Giá vé ngang ngược vậy đó, mà nhiều lúc vào trong không có gì đặc sắc để xem nên mình cũng tiếc tiền lắm. Hay taxi ở vùng Ladakh – phía Bắc Ấn Độ, bên dãy Himalaya, giá siêu đắt. Tuy nhiên vé xe buýt, tàu hỏa ở Ấn khá rẻ nên mình chủ yếu chọn phương tiện công cộng để di chuyển” – Y Linh chia sẻ.
Khách sạn 5 sao Taj Mahal Palace và nhà thờ nổi tiếng tại Mumbai, Maharashtra, Ấn Độ.
Điều sợ nhất khi đến Ấn Độ
Nếu từng xem qua các đoạn clip hay phim ảnh của Ấn Độ, chắc mọi người cũng biết ẩm thực Ấn Độ là một điều rất khó “thích nghi”. Y Linh cũng không ngoại lệ, dù cô đã chinh phục rất nhiều quốc gia trên thế giới, và dù đã ở Ấn Độ tới 30 ngày thì cô vẫn rất sợ… đồ ăn Ấn.
“Hầu hết các món ăn của Ấn mà có mùi cà-ri, masala và sền sệt Linh đều cảm thấy khó ăn. Dù đã đi Ấn Độ đến 3 lần nhưng Linh vẫn ‘sợ’ đồ ăn ở đây và chưa thể nào quen được. Suốt 30 ngày đó, Linh chỉ ăn các món quen thuộc với mình như bún xào, cơm chiên… hoặc thậm chí Linh mang theo nồi điện để đi chợ địa phương và tự nấu luôn, nên cũng không bị thèm món Việt.
Và đồ ăn Ấn rất ít có rau, không ăn rau sống. Nếu nấu rau, họ sẽ nấu cho nhuyễn nhừ và thêm rất nhiều gia vị, Linh không thể ăn nổi” – Y Linh tâm sự.
Khám phá ẩm thực Ấn Độ trong hành trình 30 ngày của Y Linh. (Nguồn: Linh Sep GO).
Lần đầu tham gia lễ hội tại Ấn Độ: Đông nghịt người, cảm giác ngộp thở chỉ muốn thoát ra, nhưng thật sự choáng ngợp
“Linh luôn nói với các bạn khi đến Ấn Độ, nếu muốn cảm nhận Ấn Độ một cách bình yên thì đừng đến những thành phố lớn bởi ở đó sẽ đông một cách kỳ lạ, môi trường ô nhiễm, xe cộ inh ỏi mọi nơi, và tất nhiên sẽ không sạch sẽ. Hãy đặt chân đến Kerala – một bang ở ven biển ở phía Nam Ấn Độ, nơi đó có Goa, Alleppey, Varkala… và nhiều vùng đất khác đáng để đặt chân đến. Hay Ladakh – vùng đất màu nhiệm bên dãy Himalaya là nơi hấp dẫn mà Linh luôn muốn quay trở lại. Từ khung cảnh, văn hoá, con người và mọi thứ quá hùng vĩ cho những kẻ đam mê chinh phục sự mới lạ như Linh” – Y Linh chia sẻ.
10 địa danh Y Linh đặt chân đến trong chuyến trải nghiệm Ấn Độ. (Nguồn: Linh Sep GO)
Một lễ hội ở Jaipur, Rajasthan, Ấn Độ.
Trong chuyến đi này, Y Linh đã tham gia Durga Puja – một lễ hội rất lớn của người theo đạo Hindu tại Kolkata. Lễ hội đông ngoài sức tưởng tượng, sẽ rất khó chịu và nghẹt thở, mọi thứ như bị quá tải, ban đầu cô cảm thấy ngột ngạt chỉ muốn thoát ra khỏi nơi này.
“Nhưng vượt qua được cảm giác đó, là những sáng tạo đáng ngưỡng mộ, sự đầu tư quá mạnh tay khiến Linh choáng ngợp. Lễ hội với hàng trăm nghìn Panda với các vị thần bên trong, mỗi Panda sẽ được thiết kế độc nhất vô nhị và tráng lệ không thể tả. Và trăm nghìn Panda thế này chỉ dựng lên cho 5 ngày lễ hội, sau đó sẽ được phá dỡ, các bức tượng bằng đất sét màu sắc sẽ được thả xuống sông và năm sau lại đầu tư cái khác” – Y Linh chia sẻ.
Ấn Độ và những điều cần tránh
Đa số mọi người đều e ngại khi đi du lịch tại Ấn Độ, tuy nhiên Y Linh lại vô cùng thoải mái, tận hưởng chuyến hành trình 30 ngày của mình. Chính cô cũng rút ra những điều quan trọng mà mọi người cần lưu ý khi đặt chân đến đất nước này.
– “Khi đến Ấn Độ thì Linh luôn tránh những nơi vắng vẻ hoặc quá đông đúc. Nếu đi một mình là Linh về khách sạn lúc chiều, tránh việc đi ban đêm.
– Trên xe buýt hay tàu hỏa đều có khu vực riêng cho nữ, nên các bạn chọn những khu vực này nha! Bên Ấn, Linh thấy nữ giới được ưu tiên hơn hẳn, có nhiều phương pháp và có khu vực nữ giới riêng biệt, bảo vệ phụ nữ.
– Khi đến những vùng có khu ổ chuột, gọi là ‘slum’ thì mình đừng tự tiện đi vào khu vực của họ, tránh tiếp xúc hay lại gần những khu vực này.
– Bò là loài vật linh thiêng nên bò sẽ đi khắp nơi, các nẻo đường, mình không xua đuổi, có hành động không hay. Bên này cũng không ăn thịt bò luôn, các bạn lưu ý nhé!
– Người Ấn sẽ ăn bằng tay và dùng tay phải, nên khi mình đưa đồ, nhận đồ gì thì mình dùng tay phải, quan niệm tay trái chỉ dùng cho những việc như vệ sinh cá nhân… mà thôi”.
Khu ổ chuột tại Mumbai, Maharashtra, Ấn Độ.
Cô gái Việt đưa tà áo dài truyền thống đến Ấn Độ cùng 11 quốc gia trên thế giới
Trong hành trình 30 ngày chinh phục Ấn Độ, điều khiến mọi người ấn tượng nhất là hình ảnh Y Linh mặc áo dài truyền thống, khám phá các địa danh nổi tiếng tại Ấn Độ. Không những người Việt Nam cảm thấy ấm lòng mà người dân Ấn Độ cùng khách du lịch quốc tế cũng bị thu hút trước sự duyên dáng của người phụ nữ Việt Nam trong tà áo dài thướt tha. Y Linh đi đến đâu là mọi người xin chụp ảnh đến đó. Chính Y Linh cũng cảm thấy vô cùng hạnh phúc và tự hào.
“Linh đã đưa tà áo dài truyền thống của Việt Nam đến với 11 quốc gia và con số này chắc chắn sẽ tăng lên nữa. Ban đầu từ chiếc áo dài của mẹ (một nhà giáo ưu tú), Linh thấy thích thú và ý nghĩa nên đã mang đi khắp Đà Nẵng rồi các tỉnh thành phố ở Việt Nam như Huế, Quảng Nam, Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Phú Quốc…
Sau đó thì những chuyến đi quốc tế nối tiếp nhau và ý tưởng đó được tiếp tục lan rộng. Nét đẹp duyên dáng, lạ lẫm với du khách nước ngoài hay người bản địa khiến niềm tự hào và hạnh phúc trong Linh cao vút. Rất nhiều người đã thốt lên hai chữ ‘Việt Nam’ nhìn thấy hình ảnh Linh trong tà áo dài.
Và cũng rất nhiều mối lương duyên, những cuộc nói chuyện, những đoạn video đã diễn ra nhờ nét đẹp truyền thống này. Vì vậy, Linh luôn muốn lan tỏa điều thiêng liêng và tuyệt vời ấy đến tất cả những nơi mà Linh có cơ hội đặt chân đến” – Y Linh chia sẻ.