Báo cáo về việc triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tháng 1/2023, đã ban hành 69 văn bản quy định cơ chế quản lý, hướng dẫn thực hiện 3 CTMTQG; tuy nhiên vẫn còn 3 văn bản hướng dẫn thực hiện một số nội dung, dự án thành phần thuộc CTMTQG phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa hoàn thành.

Ước đến ngày 30/01, còn 8/52 địa phương giải ngân dưới 20% hoặc chưa giải ngân vốn. Ảnh minh họa

Về phân bổ, giao kế hoạch vốn giai đoạn 2021-2025 còn lại của 3 CTMTQG, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ: (i) phương án giao bổ sung 9.547,732 tỷ đồng kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho các bộ, địa phương; (ii) cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn và các phương án giao kế hoạch vốn sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho các địa phương.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, ước đến ngày 30/1, đã giải ngân được 13.730,922 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương (khoảng 57% kế hoạch), còn 8/52 địa phương giải ngân dưới 20% hoặc chưa giải ngân vốn gồm: Hưng Yên (0%), An Giang (8%), Bạc Liêu (0%), Hà Tĩnh (0%), Bình Thuận (0%), Hòa Bình (0%), Sơn La (0%), Gia Lai (0%). Đến hết tháng 12/2022 đã giải ngân khoảng 92,9% kế hoạch vốn đối ứng từ ngân sách địa phương.

Về phân bổ, giao kế hoạch vốn năm 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao 48.355,812 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương năm 2023 (bao gồm: 24.216,812 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển; 24.119 tỷ đồng kinh phí sự nghiệp) cho các bộ, địa phương thực hiện 3 CTMTQG năm 2023, đạt 97,6% tổng kế hoạch vốn.

Đối với 1.208,188 tỷ đồng còn lại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ sau khi kế hoạch vốn trung hạn còn lại được giao; Ủy ban Dân tộc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất phương án phân bổ.

Đến hết ngày 30/01, có 44/53 địa phương đã giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư phát triển, dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 của 3 CTMTQG.

Trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Chính phủ chỉ đạo Ủy ban Dân tộc, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương ban hành, trình ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện 3 CTMTQG trước ngày 15/02/2023; các bộ, cơ quan, theo thẩm quyền xử lý dứt điểm các kiến nghị của địa phương liên quan đến vướng mắc trong áp dụng các thông tư, văn bản do cấp bộ ban hành.

Chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khẩn trương phê duyệt dự án đầu tư, dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất và các nhiệm vụ khác thuộc các CTMTQG; báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính… về tình hình, số liệu thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, dự án đầu tư, kết quả giải ngân kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2023 trước ngày 25 hằng tháng.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất Chính phủ giao Ủy ban Dân tộc, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì xây dựng phương án phân bổ vốn sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 chi tiết cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

“Trên cơ sở thống nhất ý kiến với Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan, giao các cơ quan chủ trì thông báo, hướng dẫn mức vốn sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 hỗ trợ các địa phương thực hiện từng CTMTQG trong giai đoạn, để chủ động xây dựng kế hoạch cân đối nguồn ngân sách địa phương và thực hiện các giải pháp huy động nguồn lực cho thực hiện các CTMTQG”‘, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất./.