Theo quan điểm của Bộ Y tế, mức thuế 10% là chưa đủ để làm thay đổi hành vi tiêu dùng, giảm tỷ lệ thừa cân béo phì và các bệnh không lây nhiễm và đề xuất cần áp mức thuế cao hơn (40%). Theo nghiên cứu được Tổ chức HealthBridge Canada thực hiện, nếu áp dụng mức thuế nêu trên thì sẽ thu ngân sách được khoảng 17,4 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, Bộ Tài chính đề nghị vẫn giữ nguyên đề xuất chỉ áp dụng mức thuế suất 10% để khuyến khích doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu loại đồ uống có lượng đường thấp, nâng cao nhận thức, điều chỉnh hành vi người tiêu dùng. Theo ý kiến của Bộ Tài chính, việc mở rộng phạm vi để bao trùm đầy đủ cần được nghiên cứu kỹ lưỡng dựa trên bằng chứng, lý lẽ thuyết phục phù hợp với điều kiện Việt Nam. Liên quan vấn đề này, vẫn có các ý kiến đang băn khoăn về tính khả thi của mục tiêu tăng doanh thu thuế và nâng cao nhận thức, điều chỉnh hành vi người tiêu dùng như kỳ vọng, xét trên các giác độ.
Cân nhắc giữa lợi ích và tác động tới nền kinh tế
Theo các chuyên gia, nhìn từ góc độ kinh tế, việc áp thuế TTĐB với NGKCĐ cần được cân nhắc rất kỹ trong giai đoạn này, bởi việc áp thuế không làm tăng thu ngân sách như kỳ vọng, mà có thể gây tác động tiêu cực chung đối với toàn nền kinh tế.
Nghiên cứu mới đây của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) về tác động kinh tế của việc áp thuế TTĐB đối với NGK đã chỉ ra rằng, nếu áp dụng mức thuế TTĐB 10% đối với NGK thì thu ngân sách từ thuế gián thu (thuế TTĐB) năm đầu tiên (2026) sẽ tăng khoảng 8.507 tỷ đồng nhưng thu ngân sách từ thuế trực thu sẽ giảm khoảng 2.152 tỷ đồng. Từ những năm tiếp theo (tức từ năm 2027 trở đi), thu ngân sách cả từ cả thuế gián thu và thuế trực thu đều sẽ bắt đầu suy giảm với mức -0,495%/năm, tương ứng ước tính giảm khoảng 4.978 tỷ đồng/năm. Điều này dẫn tới giảm giá trị tăng thêm, giảm giá trị sản xuất, giảm lợi nhuận; kéo theo làm giảm tổng nguồn thu ngân sách ở các chu kỳ sau.
Các chuyên gia cho rằng bài toán giữa chi phí và lợi ích của đề xuất đánh thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường cần được cân nhắc thêm |
Bên cạnh đó, nghiên cứu của CIEM cũng đánh giá việc áp dụng chính sách thuế TTĐB này sẽ không những tác động trực tiếp lên ngành đồ uống, mà còn tác động lan tỏa tới 25 ngành trong nền kinh tế và dẫn đến sụt giảm khoảng 0,448% GDP, tương ứng 42.570 tỷ đồng. Do vậy, CIEM đề xuất chưa áp dụng thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường.
Trong trường hợp nếu áp dụng mức thuế cao hơn (ví dụ mức 40% như quan điểm của Bộ Y tế) thì theo tính toán của các chuyên gia, tác động đối với các doanh nghiệp trong ngành, cũng như các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng nước giải khát sẽ lớn hơn và thu ngân sách cũng sẽ giảm khi doanh thu thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) từ các doanh nghiệp này giảm do lượng tiêu thụ nước giải khát ít hơn trước.
PGS.TS Vũ Sỹ Cường – Học viện Tài chính lưu ý, việc cải cách chính sách thuế giai đoạn 2025 – 2026 cần phải khuyến khích tiêu dùng nội địa; tính tới rủi ro của doanh nghiệp; rủi ro lạm phát trong ngắn hạn. Từ tháng 1/2023 đến tháng 8/2024, tốc độ sản xuất công nghiệp chỉ tăng 5%, thấp hơn mức tăng GDP quý. Trong bối cảnh này, muốn thay đổi cơ cấu kinh tế phải khuyến khích tiêu dùng nội địa. Do đó, các chính sách thuế đối với tiêu dùng nội địa như thuế VAT, TTĐB cần phải tính toán cụ thể.
Còn theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, theo tính toán của cơ quan soạn thảo, với đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt 10% với nước giải khát có đường sẽ có thể tăng thu ngân sách khoảng 2.400 tỷ đồng/năm. Tuy vậy, bài toán chi phí và lợi ích cần được cân nhắc thêm. “Toàn bộ thuế TTĐB chiếm 8,8% tổng thu ngân sách nhà nước. Nếu tăng thu 2.400 tỷ đồng từ áp thuế TTĐB với nước giải khát có đường cũng chiếm một tỷ lệ rất nhỏ, chỉ dưới 2% trong tổng thu thuế mỗi năm. Trong khi đó, giả sử việc đánh thuế sẽ điều chỉnh hành vi khiến tiêu thụ nước giải khát có đường giảm, như vậy số thu 2.400 tỷ đồng chắc chắn sẽ không đạt. Chưa kể, để thu đúng, thu đủ số thuế này cũng là vấn đề không đơn giản bởi không loại trừ tình trạng lách thuế”, ông Lực phân tích.
Tính hiệu quả của thuế TTĐB trong việc thay đổi hành vi của người tiêu dùng
Theo các chuyên gia, tính hiệu quả của chính sách thuế TTĐB đối với mặt hàng NGKCĐ trong việc làm thay đổi hành vi người tiêu dùng vẫn còn là câu hỏi để ngỏ và việc áp dụng chính sách thuế chưa chứng minh được hiệu quả trong việc giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì và các bệnh không lây nhiễm khác. “Việc áp mức thuế suất cao, ví dụ như 40%, đối với NGKCĐ sẽ làm giá bán lẻ của sản phẩm này tăng lên một cách đáng kể. Việc tăng giá bán lẻ có thể làm giảm tiêu thụ mặt hàng này tuy nhiên sẽ không có gì có thể đảm bảo rằng tỷ lệ thừa cân béo phì sẽ giảm, do người tiêu dùng vẫn có thể tiêu thụ các loại thực phẩm khác có chứa đường khác mà không bị chịu thuế TTĐB. Ngay cả khi họ không uống nước giải khát đóng chai thì họ vẫn có thể chuyển sang các loại đồ uống có đường khác mà không bị chịu thuế như các loại nước uống đường phố, các đồ uống tự pha chế… Ngoài ra, đường cũng có trong rất nhiều loại đồ uống và thực phẩm khác như sữa, bánh kẹo, kem”, một chuyên gia lý giải.
Các nghiên cứu khoa học bởi các chuyên gia dinh dưỡng đều chỉ ra rằng có nhiều nguyên nhân gây ra thừa cân, béo phì và các bệnh không lây nhiễm. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tếcũng đã chỉ ra nhiều nguyên nhân gây ra bệnh thừa cân, béo phì như: thiếu cân bằng dinh dưỡng, tiêu thụ nhiều thực phẩm có hàm lượng calorie cao, bệnh di truyền, và thiếu vận động thể chất. Mặt khác, lượng đường và calo từ nước giải khát thấp hơn nhiều so với các sản phẩm có đường khác. Lượng đường trung bình trong nước giải khát là 11g/100 ml, thấp hơn mức trung bình trong các sản phẩm bánh kẹo phổ thông (từ 29g/100g, một số loại vượt ngưỡng 40g/100g.
Theo khảo sát của Nielsen Việt Nam về thành phần dinh dưỡng của thực phẩm, lượng calo trung bình cung cấp từ nước giải khát có đường (44 kcal/100ml) thấp hơn nhiều so với các thực phẩm phổ biến khác, đặc biệt là các thực phẩm có chứa đường khác như sữa, bánh, kẹo. Báo cáo tổng hợp và phân tích các nghiên cứu trong nước và quốc tế về bệnh thừa cân béo phì và các bệnh không lây nhiễm khác, kinh nghiệm quốc tế và tác động của chính sách thuế đối với nước giải khát có đường của Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam gần đầu đã chỉ ra rằng, kinh nghiệm quốc tế cho thấy một số quốc gia đánh thuế đồ uống có đường có thể đã ghi nhận tỷ lệ tiêu thụ giảm nhưng tỷ lệ thừa cân báo phì vẫn tiếp tục gia tăng.
Cụ thể như Philippines áp dụng thuế TTĐB đối với đồ uống có đường từ năm 2018. Tỷ lệ TCBP năm 2015 là 31,1% đã tăng lên 37,2% vào năm 2019 và 38.6% trong giai đoạn 2021-2022. Thái Lan áp dụng thuế TTĐB đối với đồ uống có đường từ năm 2017. Hai năm sau áp thuế (2018-2019), mặc dù mức tiêu thụ đồ uống có đường trung bình hàng ngày đã giảm từ 474,0 mL trong năm 2018 xuống còn 453,8 mL vào năm 2019, tương đương mức giảm 2,5%. Tuy nhiên, tỷ lệ TCBP ở Thái Lan vẫn tăng từ 28,7% năm 2014 lên 33,2% vào năm 2019.
Ấn Độ bắt đầu áp dụng thuế TTĐB đối với đồ uống có đường từ năm 2017. Tỷ lệ TCBP ở nữ giới vào năm 2015-2016 là 20,6% đã tăng lên 24% vào năm 2019-2021; tỷ lệ TCBP nam giới tăng từ 18,9% vào 2015-2016 lên 22,9% trong giai đoạn 2019-2021; tỷ lệ trẻ em thừa cân tăng từ 2,1 đến 3,4%. Tương tự, Mexico bắt đầu áp dụng thuế TTĐB đối với đồ uống có đường từ năm 2012. Trong hai năm đầu mức độ tiêu thụ đồ uống có đường có giảm, tuy nhiên tỷ lệ TCBP vẫn tiếp tục tăng. Cụ thể là, tỷ lệ béo phì ở nam giới đã tăng từ là 26,8% năm 2012 lên 31,8% năm 2021; tỷ lệ béo phì ở nữ giới tăng từ 37,5% năm 2012 lên 41,1% năm 2021.
Ở châu Âu, Bỉ áp thuế TTĐB đối với đồ uống có đường từ năm 2016. Tỷ lệ béo phì ở nam giới nước này vào năm 2014 là 13,9% đã tăng lên 17,2% vào năm 2019, còn ở nữ giới tăng từ 14,2% năm 2014 lên 15,6% năm 2019.. Còn ở Phần Lan: áp thuế TTĐB từ năm 1940. Trong giai đoạn 2012-2013, mức tiêu thụ nước giải khát đã giảm 3,8%. Đối với nước trái cây bị đánh thuế, lượng tiêu thụ đã giảm từ 15% đến 35% trong giai đoạn 2011-2012. Tuy vậy, tỷ lệ béo phì vẫn tiếp tục gia tăng. Tỷ lệ béo phì ở nam giới vào năm 2014 là 18,9% đã tăng lên 21,8% vào năm 2017.
Những ví dụ trên cho thấy rằng việc giảm tiêu thụ NGKCĐ không đồng nghĩa với việc giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì. Nếu người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ em tiếp tục sử dụng các loại thực phẩm có hàm lượng calorie cao và ít luyện tập thể chất, thì vấn đề thừa cân, béo phì không thể được giải quyết dù có áp thuế TTĐB đối với NGKCĐ.
Thực tiễn tại Việt Nam
Tại Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Việt Nam, cho biết: Tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ 5 – 19 tuổi tại nước ta đã tăng gấp đôi trong giai đoạn 2010 – 2020, từ mức 8,5% lên 19%; dù vậy vẫn thấp hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình khu vực ASEAN là 33,96% (2021).
Theo bà Lâm, có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ, bao gồm: khẩu phần ăn và dinh dưỡng không cân bằng các chất, hoạt động thể lực kém, yếu tố di truyền, yếu tố kinh tế – xã hội, ngủ ít, suy dinh dưỡng thấp còi lúc nhỏ. Khảo sát của Viện Dinh dưỡng Quốc gia trong giai đoạn 2018 – 2021 cho thấy, những thực phẩm được trẻ em ở cả thành thị và nông thôn tiêu thụ thường xuyên nhiều nhất là ngũ cốc – tinh bột (trên 97%), rau củ quả (trên 90%), chất đạm (trên 85%), chất béo (trên 65%)…; đồ uống có đường trên đường phố, đồ uống bổ sung có đường và nước ngọt chiếm tỷ lệ thấp nhất, với mức tối đa là 24,6%.
Nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng chỉ ra, tỷ lệ thừa cân béo phì không tương ứng với mức độ tiêu thụ nước ngọt thường xuyên. Theo đó, ở thành thị, tỷ lệ thừa cân béo phì là 41,9%, trong khi tiêu thụ nước ngọt là 16,1% và tiêu thụ bánh kẹo là 51,1%. Ở nông thôn, tỷ lệ thừa cân béo phì 17,8%, trong khi tiêu thụ nước ngọt là 21,6% và tiêu thụ bánh kẹo là 56,4%.
Từ thống kê đó, bà Lâm cho rằng, nếu chỉ giảm tiêu thụ NGKCĐ, thì không giải quyết thừa cân béo phì và các bệnh không lây nhiễm (huyết áp, tim mạch, ung thư, đái tháo đường…). Để phòng chống thừa cân béo phì và các bệnh không lây nhiễm, cần tăng cường truyền thông về dinh dưỡng và sức khỏe. Cùng với đó, sử dụng hợp lý các nguồn thực phẩm; chế độ ăn cần tăng cường sử dụng rau quả, chất xơ; tăng cường các hoạt động thể chất…
Bà Trần Thị Nhị Hà, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội cho rằng, việc áp thuế cần hướng tới điều tiết hành vi của người tiêu dùng hơn là tăng thu ngân sách. Việc áp thuế đối với NGKCĐ thực chất là nhằm góp phần có chính sách điều chỉnh lượng đường đưa vào cơ thể cho hợp lý chứ không làm giảm thừa cân béo phì. Do đó cần bổ sung thêm đánh giá tác động tới sức khỏe, bởi đây là vấn đề rất được quan tâm nhưng dự thảo lại thiếu đánh giá về y tế.
“Nếu chúng ta đánh thuế TTĐB với NGK có đường thì cũng cần nghiên cứu kỹ theo tiêu chuẩn Việt Nam hay tiêu chuẩn nào trên cơ sở khoa học. Tôi nói điều này để chúng ta cân nhắc là không phải không đánh thuế hay đánh thuế, mà chúng ta cần cân nhắc đề xuất mức thuế 10% và việc NGK có đường theo tiêu chuẩn 5g/100ml là trên cơ sở nào. Tại sao chúng ta lại đưa ra quy định như vậy? Và đánh giá tác động và cơ sở bằng chứng về khoa học như thế nào?”, bà Hà nhấn mạnh vấn đề.
Tác động tới chuỗi sản xuất
Bên cạnh các khía cạnh tác động về kinh tế và thay đổi hành vi người tiêu dùng, nhiều ý kiến chuyên gia và doanh nghiệp, hiệp hội cũng khuyến nghị cần cân nhắc đến tác động tới chuỗi sản xuất trong bối cảnh các doanh nghiệp trong ngành NGK đang gặp nhiều khó khăn do chi phí sản xuất, chi phí hoạt động gia tăng, trong khi nhu cầu tiêu dùng sụt giảm.
Bởi quá trình phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành này đang chịu ảnh hưởng không chỉ từ các yếu tố về kinh tế xã hội mà còn từ các chính sách mới ban hành về đất đai, về bảo vệ môi trường và giảm phát thải… khiến các chi phí sản xuất sẽ tăng lên đáng kể. Cùng với đó, giá mặt hàng đường – nguyên liệu đầu vào của ngành sản xuất nước giải khát cũng tăng do thuế GTGT đối với mặt hàng đường tăng từ 5% lên 10%. Ngoài ra, Dự thảo Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) cũng đề xuất loại bỏ các ưu đãi thuế đối với nhóm mặt hàng chịu thuế TTĐB. Như vậy, khi các luật này được thông qua và có hiệu lực từ năm 2026 thì các doanh nghiệp ngành nước giải khát cũng sẽ không được hưởng các ưu đãi thuế nếu mặt hàng nước giải khát có đường thuộc diện chịu thuế TTĐB.
Trong điều kiện gia tăng chi phí sản xuất và chi phí hoạt động do những yếu tố này, các doanh nghiệp trong ngành NGK sẽ buộc phải tăng giá bán sản phẩm để đảm bảo cân đối doanh thu và chi phí. Điều này có thể khiến cho lạm phát gia tăng khi mặt hàng đồ uống cũng nằm trong nhóm hàng hóa và dịch vụ được dùng để tính chỉ số CPI.
Với áp lực chi phí sản xuất, chi phí hoạt động tăng, trong khi nhu cầu tiêu dùng đang trên đà giảm, các doanh nghiệp ngành sản xuất đồ uống, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn đã suy yếu nay lại phải chịu nhiều tổn thất hơn so với các ngành khác. Do vậy, các chuyên gia cho rằng, việc ban hành hay sửa đổi, bổ sung các chính sách hiện hành cần phải đánh giá tác động toàn diện, nhất là đối tượng chịu tác động của chính sách, đề từ đó cân nhắc việc quy định cũng như thời điểm áp dụng chính sách cho phù hợp./.