Cứ đến tháng 11, hàng vạn người lại đổ về ngôi làng này chỉ để ngắm hai gam màu đặc biệt

ORIG. TEAM

Mỗi khi mùa thu đến, từ khóa “mùa thu ở Hoàng Lĩnh”, “du lịch Vụ Nguyên”, “Hoàng Lĩnh cổ thôn”, “tắm nắng mùa thu” bỗng được tìm kiếm nhiều ở Trung Quốc. Đặc biệt với nhiều người ưa thích du lịch, khám phá, làng cổ Hoàng Lĩnh ở huyện Vụ Nguyên, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc là điểm đến không thể bỏ qua.

Làng cổ Hoàng Lĩnh có lịch sử hơn 500 năm, được mệnh danh là làng nông thôn cổ đẹp nhất Trung Quốc. Không phải tự nhiên ngôi làng này thu hút nhiều khách du lịch như vậy. Vào mùa thu hoạch, tại ngôi làng này, du khách chỉ nhìn thấy hai gam màu rực rỡ ở khắp mọi nơi: Đỏ và vàng.

Mùa thu, giống như một bức tranh khổng lồ, mang theo những sắc màu rực rỡ nhất của thế gian, ùa về trước mắt. Nếu hỏi mùa thu Trung Quốc ở đâu đẹp nhất, chắc chắn không thể bỏ qua Hoàng Lĩnh với cảnh “phơi mùa thu” đặc sắc. Bước vào tháng 11, Hoàng Lĩnh cũng chào đón thời điểm đẹp nhất trong năm.

Cảnh tượng “phơi mùa thu”, “đón nắng đông” ở Hoàng Lĩnh hoành tráng đã thu hút không ít du khách và nhiếp ảnh gia trên khắp đất nước tỷ dân. Ai cũng muốn được tận mắt chứng kiến vẻ đẹp này, như thể chỉ có làm thế mới không phụ lòng mùa thu.

Hoàng Lĩnh, nằm ở trấn Giang Loan, huyện Vụ Nguyên, thành phố Thượng Nhiêu, tỉnh Giang Tây, ban đầu là một ngôi làng cổ nằm trên vách núi, được xây dựng vào thời nhà Minh, niên hiệu Tuyên Đức, đến nay đã có hơn 500 năm lịch sử. Hiện tại, Hoàng Lĩnh đã trở thành một khu du lịch.

Hoàng Lĩnh sở hữu nhiều danh hiệu đáng ngưỡng mộ: “nhà trên mây”, “ngôi làng đẹp nhất Trung Quốc”, “biểu tượng đẹp nhất của Trung Quốc”, “một trong mười ruộng bậc thang đẹp nhất thế giới”, “ngôi làng đẹp nhất thế giới”,…

Do địa hình Hoàng Lĩnh không có chỗ nào bằng phẳng, đất bằng trong làng rất ít, nên mái nhà trở thành nơi phơi nông sản chính. Người dân Hoàng Lĩnh để thích nghi với địa hình tự nhiên, nhà nào nhà nấy đều mở rộng tầng trên cùng để làm giàn phơi. Chính vì vậy, “phơi mùa thu” đã trở thành biểu tượng đặc trưng của Hoàng Lĩnh.

Việc phơi nông sản ở nông thôn là một hiện tượng phổ biến, có ở nhiều vùng núi như Hồ Nam, An Huy, Giang Tây, nhưng chỉ có Hoàng Lĩnh mới phơi mùa thu theo một cách độc đáo riêng.

Những ngôi nhà tường trắng ngói đen, những ngọn núi xa mờ, những hàng cây vàng rực, trước sau nhà biến thành thế giới của những giàn phơi tre, những chiếc sào dài nâng đỡ những giàn phơi tròn, bên trong là những loại quả mùa thu đầy màu sắc, tất cả đã tạo nên một bức tranh phong cảnh nông thôn “phơi mùa thu” độc nhất vô nhị trên thế giới.

Màu đỏ và màu vàng là hai màu sắc đẹp nhất của mùa thu Hoàng Lĩnh. Màu sắc đậm đà, kết hợp với tường trắng ngói đen, lá phong và quả hồng điểm xuyết, ớt đỏ, hoa cúc vàng, rau xanh, gạo nếp trắng, quả là một bữa tiệc thị giác.

Lương thực, rau quả được sắp xếp khéo léo trên mái nhà, bệ cửa sổ, tạo nên một bức tranh rực rỡ sắc màu đỏ, vàng, đen, trắng như một bức tranh sơn dầu.

Có lẽ, phơi thu (phơi mùa thu) là một phong tục độc đáo của người dân miền núi Trung Quốc, đã trở thành một biểu tượng văn hóa tuyệt đẹp, thu hút hàng triệu du khách mỗi năm. Từ mái nhà, cửa sổ đến vách đá cheo leo, sắc màu rực rỡ của nông sản phơi nắng tạo nên bức tranh thiên nhiên sống động, mang đậm bản sắc địa phương.

Nhiều người cho biết, những ngày cuối tuần ở Hoàng Lĩnh sẽ càng đông. Thứ Bảy lượng khách đạt 9.000 người, còn Chủ nhật lên đến 10.000 người. Điều này cho thấy sức hút của mùa thu Hoàng Lĩnh đối với mọi người. Tuy nhiên, do lượng khách quá đông, nhiều nơi rất chật chội, muốn chụp được vẻ đẹp yên bình của Hoàng Lĩnh quả thật không dễ dàng.

Cứ tháng 11 đến, hàng vạn người đổ về ngôi làng đẹp nhất đất nước tỷ dân chỉ để ngắm hai gam màu đặc biệt - Ảnh 7.

Ở những vùng nông thôn khác nhau, phơi thu cũng có những “biến tấu” khác nhau. Địa điểm phơi không chỉ trên mái nhà và bệ cửa sổ mà còn ở nhà đất và vách đá. Những thứ được phơi cũng rất đa dạng, ngoài ớt, ngô, lương thực truyền thống còn có hồng, mì treo, nước chấm… mang đậm nét đặc trưng của từng địa phương. Phơi hồng là một cảnh quan phơi thu độc đáo của An Khê, Phúc Kiến. Người dân phơi hồng trên mái nhà, tạo nên cảnh tượng “cả làng đều là nhà vàng” vô cùng ngoạn mục.

Nhà đất cũng là một lựa chọn phơi nông sản của người dân trong mùa phơi thu. Người dân trong các nhà đất ở Phúc Kiến tận dụng không gian để phơi lương thực và rau quả đã thu hoạch. Nhà đất là một hình thức kiến trúc đặc biệt của Phúc Kiến, kết hợp chức năng sinh hoạt, kho chứa và phòng thủ. Cổ Phong Trại (Trùng Khánh), một khu nhà của người Thổ Gia với hơn 300 năm lịch sử, vào đầu mùa thu, người dân phơi ngô, ớt, đậu nành trên mái nhà sàn, tạo nên một bức tranh phơi thu đặc sắc.

Cứ tháng 11 đến, hàng vạn người đổ về ngôi làng đẹp nhất đất nước tỷ dân chỉ để ngắm hai gam màu đặc biệt - Ảnh 9.

Mùa thu, hãy ra ngoài dạo chơi, ngắm nhìn cảnh sắc mùa thu, cảm nhận hương thơm của thiên nhiên và niềm vui của mùa màng bội thu. Giữa những dãy núi như tranh vẽ, gió nhẹ thoảng qua, làm đỏ thêm những trái ớt. Còn bạn, chỉ cần tản bộ trên những con đường núi quanh co, lắng nghe giai điệu của thời gian…

Nguồn: Kinh tế và Dự báo

Share This Article
Leave a comment