Đổi mới công nghệ mang lại nhiều lợi ích

Xuất phát từ chủ trương của lãnh đạo công ty là luôn luôn tiến hành đổi mới, sáng tạo, các cán bộ, công nhân viên của Công ty cổ phần Sơn Hải Phòng luôn tích cực tham gia vào các hoạt động nghiên cứu, cải tiến, đẩy mạnh việc phát triển khoa học công nghệ. Đề tài nghiên cứu gần đây nhất, mà Công ty cổ phần Sơn Hải Phòng thực hiện là “Hoàn thiện công nghệ và thiết bị sản xuất sơn Alkyd dung môi nước có hàm lượng VOC thấp, công suất 15.000 tấn/năm”.

“Cú hích” đổi mới công nghệ ở Công ty Sơn Hải Phòng
Hiệu quả trong đổi mới công nghệ đã mang lại nhiều lợi ích cho Công ty Sơn Hải Phòng

Đề tài nghiên cứu trên là kết quả của sự phối hợp giữa Công ty với Quỹ đổi mới Công nghệ quốc gia – Bộ Khoa học Công nghệ. Đến nay, đề tài này đã được áp dụng đại trà vào sản xuất của Công ty, là minh chứng rõ nhất về hiệu quả của việc thay đổi, áp dụng kết quả nghiên cứu khoa học – công nghệ vào sản xuất, qua đó mang lại nhiều lợi ích:

Hiệu quả về kinh tế – xã hội: giá trị làm lợi về giá thành của sơn Alkyd dung môi – nước (mới) so với chủng loại sơn Alkyd dung môi (cũ) giảm từ 3 – 5%.

Tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm: kết quả nghiên cứu của đề tài khi được ứng dụng vào sản xuất sơn Alkyd giúp tăng khả năng duy trì độ bóng và độ bền, giảm thời gian hóa vàng, giá thành hạ, tạo cho sản phẩm có sức cạnh tranh lớn trên thị trường, từ đó làm tăng doanh thu – lợi nhuận cho Công ty.

Hiệu quả đối với doanh nghiệp chủ trì đề tài nghiên cứu: tạo ra sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao, nên sẽ tạo được uy tín và niềm tin vững chắc cho khách hàng, tăng doanh thu cho Công ty. Khi lợi nhuận tăng sẽ làm tăng quỹ lương và thưởng cho người lao động, tăng quỹ đầu tư và quỹ nghiên cứu phát triển của doanh nghiệp, qua đó Công ty có thêm điều kiện để phát triển hoạt động nghiên cứu đổi mới công nghệ.

Hiệu quả đối với môi trường: khi chuyển đổi sơn Alkyd dung môi sang sơn Alkyd dung môi – nước sẽ thay thế được khoảng 30% lượng dung môi cần sử dụng bằng nước. Với sản lượng sơn Alkyd khoảng 2.000 tấn/năm của Công ty Sơn Hải Phòng, lượng dung môi sử dụng sẽ giảm là: 2.000 tấn × 50% × 30% = 300 tấn/năm (Sơn Alkyd hiện có hàm rắn khoảng 50%). Như vậy, sản phẩm sơn Alkyd dung môi – nước của dự án đã đem lại hiệu quả lớn trong giảm ô nhiễm môi trường, giảm các ảnh hưởng tiêu cực do dung môi hữu cơ đem lại cho người sử dụng.

Mở lối cho tiếp tục đổi mới công nghệ

Với những bước đổi mới mạnh mẽ về công nghệ đã và đang diễn ra, năm 2021- 2022, Công ty có tham vọng sẽ sản xuất các sản phẩm sạch, sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao chiếm tỷ trọng 70% tổng sản phẩm và con số này trong năm 2025 là 85%.

Theo Công ty Sơn Hải Phòng, để tiến tới chuyển đổi sản xuất xanh, phát triển bền vững, Công ty tiếp tục thực hiện đề tài: “Nghiên cứu ứng dụng, làm chủ công nghệ tiên tiến trong sản xuất nhựa tổng hợp acrylic dùng cho sơn trên bề mặt thép mạ kẽm và sơn công-ten-nơ” cũng với sự hỗ trợ của Quỹ Đổi mới Công nghệ quốc gia. Công ty tin tưởng đề tài này cũng sẽ được thực hiện thành công, mang lại nhiều lợi ích hơn nữa.

Ban lãnh đạo Công ty đang có chủ trương thành lập Trung tâm nghiên cứu phát triển (R&D), nhằm tập trung nguồn lực về trang thiết bị, con người và có các chính sách nhất quán về cơ chế hoạt động. Tuy nhiên, từ thực tiễn, Công ty đề nghị các bên liên quan cần tập trung đầu tư vào các công trình, đề tài nghiên cứu khoa học trọng điểm và nâng mức đầu tư cao hơn và có thêm cơ chế, tạo điều kiện thông thoáng, khuyến khích các doanh nghiệp trong hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, gắn với đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có hiệu quả. Công ty còn mong muốn được tạo điều kiện trong việc tiếp cận các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, đồng thời được hỗ trợ chuyển giao để có thể đi tắt đón đầu trong thời kỳ Cách mạng công nghệ 4.0. Công ty cũng cần nhận được sự hỗ trợ mạnh hơn nữa cho các chuyên gia nước ngoài đến làm việc tại Việt Nam để cán bộ kỹ thuật Việt Nam có thêm nhiều cơ hội được tiếp cận học tập, đồng thời tạo điều kiện để có thêm nhiều cán bộ Việt Nam ra nước ngoài học tập, làm việc, tiếp thu nhanh hơn các kiến thức tại các nước có trình độ khoa học tiên tiến, để về triển khai trong nước…/.