Ban Tổ chức cho biết, Hội thảo sẽ cung cấp kiến thức một cách hệ thống về các nội dung đang là điểm nóng thời sự hiện nay bao gồm: Các quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, cơ chế carbon, thuế carbon, và ảnh hưởng đối với doanh nghiệp; Thị trường carbon và ý nghĩa đối với doanh nghiệp; Các giải pháp bước đầu giúp doanh nghiệp hạn chế rủi ro. Bên cạnh đó, các diễn giả và đại diện các doanh nghiệp cũng sẽ chia sẻ các bài học điển hình về cách thức doanh nghiệp chuyển đổi để đáp ứng và tầm quan trọng của các chiến lược chuyển đổi đúng đắn. Đây được đánh giá là các vấn đề nóng bỏng sẽ tác động trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư của hầu hết các doanh nghiệp trong thời gian tới.

Cung cấp giải pháp cho doanh nghiệp trong giảm thiểu phát thải carbon

Hội thảo có sự tham gia của các Chuyên gia đến từ Đức, thuộc Tập đoàn tư vấn hoạch định chiến lược bền vững hàng đầu châu Âu, Lãnh đạo doanh nghiệp với nhiều kinh nghiệm “thực chiến” nhằm chia sẻ những bài học điển hình, cũng như nhận diện các rủi ro cho doanh nghiệp khi yêu cầu phải chuyển đổi để đáp ứng các quy định về giảm phát thải đang ngày một bức thiết hơn bao giờ hết.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu trong khuôn khổ COP26 tại TP. Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã công bố những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo đó, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ; cùng với hơn 100 quốc gia đã tham gia Cam kết giảm phát thải metan toàn cầu vào năm 2030; cùng 140 quốc gia tham gia Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất; cùng 48 quốc gia tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; cùng 150 quốc gia tham gia Liên minh hành động thích ứng toàn cầu…

Việc thực hiện các cam kết tại COP26, đặc biệt là cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ được nhận định là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược; việc triển khai thực hiện kịp thời các cam kết này sẽ mang lại lợi ích lớn và lâu dài cho đất nước. Việt Nam cần tận dụng cơ hội này để thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng carbon thấp.

Cam kết của Việt Nam tại COP26 được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế, đối tác phát triển, tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt là các định chế tài chính, tập đoàn lớn về năng lượng tái tạo đã cam kết, đề nghị được hợp tác với Việt Nam trong triển khai thực hiện cam kết./.