“Sau gần 7 năm thi hành, Nội quy kỳ họp Quốc hội năm 2015 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, cần được sửa đổi, bổ sung…”, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, Trưởng ban soạn thảo dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội cho biết, khi trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra sáng nay (ngày 17/8), theo Văn phòng Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội cần truy vấn người trả lời chất vấn đến cùng…
Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, dự thảo bổ sung quy định về quyền tranh luận của đại biểu Quốc hội (ảnh: Quốc hội)

Cũng theo ông Cường, dự thảo Nội quy sửa đổi lần này gồm 24 vấn đề mới. Theo đó, dự thảo quy định cụ thể hơn trách nhiệm của đại biểu Quốc hội trong việc tham dự kỳ họp; sửa đổi quy định về tài liệu kỳ họp; bổ sung quy định về hình thức phiếu điện tử; quy định về kỳ họp bất thường; về hình thức làm việc trực tuyến, trực tiếp kết hợp trực tuyến. Dự thảo còn bổ sung quy định về quyền tranh luận của đại biểu Quốc hội; thẩm quyền cho Chủ tọa, người điều hành phiên họp toàn thể; quy định về chất vấn…

Liên quan đến vai trò của Chủ tọa, người điều hành phiên họp, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định Chủ tọa, người điều hành phiên họp có quyền linh hoạt kéo dài hoặc rút ngắn thời gian phát biểu hoặc giải trình; được quyền yêu cầu đại biểu Quốc hội dừng tranh luận hoặc phát biểu nếu đại biểu Quốc hội phát biểu, tranh luận quá thời gian hoặc không phát biểu, tranh luận đúng nội dung. Ý kiến khác đề nghị Chủ tọa, người điều hành phiên họp chỉ có quyền điều hành theo đúng thứ tự đăng ký phát biểu, tranh luận.

Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, trong quá trình thảo luận có một số vấn đề còn ý kiến khác nhau. Theo đó, về thời gian phát biểu của đại biểu tại phiên họp toàn thể, có ý kiến đề nghị sửa đổi quy định thời gian phát biểu là 5 phút. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến đề nghị giữ quy định thời gian phát biểu là 7 phút như Nội quy hiện hành.

Về tranh luận, chất vấn lại, có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định về tranh luận trong hoạt động chất vấn. Theo đó, đại biểu Quốc hội có quyền tranh luận với người bị chất vấn để làm rõ hơn vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Thời gian tranh luận không quá 2 phút. Thế nhưng, có ý kiến cho rằng, nếu người trả lời chất vấn giải trình chưa rõ, thì đại biểu Quốc hội cần tranh luận, truy vấn đến cùng nhằm làm sáng tỏ vấn đề. Không chỉ đại biểu có câu hỏi chất vấn, mà đại biểu khác có cùng sự quan tâm cũng có quyền tranh luận với người bị chất vấn. Còn chất vấn lại được hiểu là đại biểu đã chất vấn, nhưng không hài lòng với câu trả lời, thì có quyền chất vấn lại người bị chất vấn.

Liên quan đến quy trình, thủ tục xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng về kinh tế – xã hội tại 2 hoặc nhiều kỳ họp Quốc hội, có ý kiến đề nghị quy trình, thủ tục xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng về kinh tế – xã hội tại 2 hoặc nhiều kỳ họp Quốc hội quy định tương tự như quy trình về xem xét, quyết định các dự án quan trọng quốc gia như tại Nội quy hiện hành. Tuy nhiên, ý kiến khác cho rằng, nên quy định cơ quan trình (Chính phủ) có trách nhiệm tiếp thu, giải trình, chỉnh lý hồ sơ tài liệu trình Quốc hội trong thời gian giữa 2 kỳ họp, thì phù hợp hơn, vì Chính phủ mới có đủ điều kiện về nguồn lực để tổ chức phân tích, đánh giá, nhất là những vấn đề về tài chính, kỹ thuật, công nghệ…/.