TS. Trần Đức Dũng, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

Email: tranducdungneu@gmail.com

Tóm tắt

Phát triển bền vững (PTBV), kinh doanh bền vững và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) có những điểm chung cùng hướng tới việc xây dựng chiến lược và thực hiện nhằm đảm bảo sự phát triển cân bằng giữa hiện tại và tương lai, đảm bảo sự cân bằng hệ sinh thái môi trường sống giữa con người và thiên nhiên. Bài viết đưa ra một số khái niệm về PTBV, đạo đức kinh doanh và CSR, cũng như mối quan hệ giữa các khái niệm này. Trên cơ sở đó, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm giúp doanh nghiệp kinh doanh bền vững.

Từ khóa: trách nhiệm xã hội, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, kinh doanh bền vững, mục tiêu phát triển, giải pháp phát triển bền vững, kinh doanh có trách nhiệm

Summary

Sustainable development, sustainable business, and corporate social responsibility (CSR) have in common the aim of building strategies and implementing them to ensure balanced development between the present and the future, ensuring the balance of the living environment ecosystem between humans and nature. The article presents some concepts of sustainable development, business ethics, and CSR, as well as the relationship between these concepts. On that basis, the article proposes some solutions to help businesses do business sustainably.

Keywords: social responsibility, green growth, sustainable development, sustainable business, development goals, sustainable development solutions, responsible business

MỘT SỐ KHÁI NIỆM

Tăng trưởng xanh

Theo quan điểm của OECD (2009), tăng trưởng xanh là mô hình tăng trưởng kinh tế và phát triển, trong khi đảm bảo các tài sản tự nhiên môi trường sống cho con người. Trong khi World Bank (2012) cho rằng, tăng trưởng xanh là mô hình tăng trưởng đảm bảo sử dụng hiệu quả tài nguyên với việc tối thiểu hóa ô nhiễm và các tác động tiêu cực đến môi trường. Đối với Việt Nam, theo “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050”, tăng trưởng xanh là một phương thức quan trọng để thực hiện PTBV, đóng góp trực tiếp vào giảm phát thải khí nhà kính để hướng tới nền kinh tế trung hòa carbon trong dài hạn. Cho đến nay, mặc dù còn nhiều cách hiểu khác nhau về nội hàm khái niệm, nhưng các quốc gia trên thế giới đã đi đến đồng thuận khi bàn về mục tiêu của tăng trưởng xanh là một phương thức quan trọng làm nền tảng của PTBV.

Như vậy, tùy theo lĩnh vực mà chúng ta đưa ra cách vận hành vì sự phát triển xanh khác nhau. Chẳng hạn, các đặc trưng của phát triển công nghiệp theo hướng tăng trưởng xanh, bao gồm các nội dung: (i) Sử dụng công nghệ và quy trình hiện đại trong sản xuất theo hướng tăng trưởng xanh; (ii) Sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường, người tiêu dùng; (iii) Tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, nâng cao tỷ lệ tái chế và bảo vệ môi trường.

Phát triển bền vững

PTBV là một khái niệm có tính vĩ mô, nhằm định nghĩa một sự phát triển về mọi vấn đề trong xã hội hiện tại mà vẫn bảo đảm sự tiếp tục phát triển trong tương lai xa, đảm bảo sự phát triển của các đối tượng trong xã hội và cân bằng về thời gian hiện tại và tương lai. Khái niệm này hiện đang là mục tiêu hướng tới của nhiều quốc gia trên thế giới, mỗi quốc gia sẽ dựa theo đặc thù kinh tế, xã hội, chính trị, địa lý, văn hóa riêng của mình để đưa ra hoạch định và thực hiện chiến lược phù hợp.

Thuật ngữ “PTBV” xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1980 trong ấn phẩm Chiến lược bảo tồn Thế giới (công bố bởi Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên Quốc tế – IUCN) với nội dung: “Sự phát triển của nhân loại không thể chỉ chú trọng tới phát triển kinh tế, mà còn phải tôn trọng những nhu cầu tất yếu của xã hội và sự tác động đến môi trường sinh thái học”. Đến năm 1987, Báo cáo Brundtland của Ủy ban Môi trường và Phát triển Thế giới (WCED) cho rằng, PTBV là sự phát triển có thể đáp ứng được những nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng, tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai. PTBV phải bảo đảm có sự phát triển kinh tế hiệu quả, xã hội công bằng và môi trường. Để đạt được điều này, tất cả các thành phần kinh tế – xã hội, nhà cầm quyền, các tổ chức xã hội…, đặc biệt là các doanh nghiệp phải bắt tay nhau thực hiện nhằm mục đích dung hòa 3 lĩnh vực chính: kinh tế – xã hội – môi trường.

Tổ chức Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra quan điểm, PTBV là một loại hình phát triển mới, lồng ghép quá trình sản xuất với bảo tồn tài nguyên và nâng cao chất lượng môi trường. PTBV cần phải đáp ứng các nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không phương hại đến khả năng đáp ứng các nhu cầu của thế hệ trong tương lai.

Mục tiêu của PTBV là phải đảm bảo sự đầy đủ giàu có cả về vật chất lẫn tinh thần văn hóa, sự bình đẳng giữa các tầng lớp trong xã hội, đảm bảo sự hài hòa giữa con người và môi trường thiên nhiên sinh sống. Mục tiêu nhằm đảm bảo phát triển 3 trụ cột (mục tiêu) cơ bản sau: phát triển tăng trưởng bền vững về kinh tế; phát triển tăng trưởng bền vững về xã hội; phát triển tăng trưởng bền vững về môi trường.

Cho đến nay, Liên hợp quốc đã đưa ra 17 mục tiêu PTBV nhằm giúp con người ngày càng có cuộc sống lành mạnh gần gũi với thiên nhiên, sức khỏe ngày càng tốt hơn và được hưởng cuộc sống hạnh phúc bình an hơn.

Kinh doanh bền vững

Kinh doanh bền vững với khái niệm ESG (Environment – môi trường; Social – xã hội và Governance – quản trị doanh nghiệp) là bộ 3 tiêu chuẩn để đo lường những yếu tố liên quan đến định hướng, hoạt động phát triển bền vững của doanh nghiệp. Kinh doanh bền vững không chỉ được áp dụng tại các tập đoàn lớn, mà các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô đều có thể thực hiện. Xu hướng này tạo ra một cơ hội để kinh doanh hiệu quả, doanh nghiệp có trách nhiệm hơn đối với tương lai của hành tinh và thế hệ sau; tạo thế phát triển kinh doanh bền vững cho mỗi doanh nghiệp và nền kinh tế.

Kinh doanh bền vững là kế hoạch phát triển tạo ra lợi nhuận bền vững của công ty, đồng thời xem xét tất cả các bên liên quan và giải quyết tác động môi trường. Đối với doanh nghiệp, kinh doanh bền vững có nghĩa là áp dụng các chiến lược và hoạt động kinh doanh đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và các bên liên quan cho cả hiện tại và tương lai.

Theo Bradley D. Parrish (2005), doanh nghiệp PTBV có thể được định nghĩa là một tổ chức góp phần PTBV, nơi “bền vững” được hiểu như là một tương lai con người và “phát triển” được hiểu là một sự cải thiện chất lượng trong điều kiện con người.

Một số điểm tích cực của kinh doanh bền vững để giải thích tại sao chúng ta cần các mô hình kinh doanh đó?

Kinh doanh bền vững mang lại lợi nhuận cho công ty. Mô hình kinh doanh bền vững hướng tới mang giá trị lợi ích cho con người và thiên nhiên xích lại gần nhau hơn. Do đó, tính bền vững rất quan trọng trong kinh doanh giúp doanh nghiệp tạo những lợi thế sau:

– Tạo ra giá trị lâu dài: Điều này góp phần xây dựng lòng tin và sự ổn định trong lòng khách hàng, nhân viên và các bên liên quan.

– Gây dựng niềm tin đáng tin cậy: Một doanh nghiệp bền vững trở nên hấp dẫn hơn trong mắt khách hàng, nhân viên và các bên liên quan.

– Đóng góp cho sự PTBV tạo niềm tin với chính phủ và nhà đầu tư: góp phần mở rộng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

– Bảo vệ môi trường và sinh vật giảm thiểu tác động đến môi trường. Tính bền vững giúp hành tinh và các sinh vật sống xích lại gần nhau hơn.

– Giảm thiểu tác động đến môi trường luôn là ưu tiên của các tập đoàn công nghệ trong việc thúc đẩy kinh doanh bền vững.

Chính vì vậy, trong nhiều năm trở lại đây, đã có không ít doanh nghiệp dần dịch chuyển định hướng, chiến lược kinh doanh từ “kinh doanh vì lợi nhuận” sang “kinh doanh có trách nhiệm”. Đó là một xu hướng tích cực đã và đang diễn ra trên thế giới.

Đạo đức kinh doanh

Đạo đức kinh doanh là những chuẩn mực, thông lệ đạo đức dựa trên các nguyên tắc, như: tôn trọng, công bằng, minh bạch…, nhằm mục đích hướng dẫn, đánh giá, kiểm soát và điều chỉnh hành vi của các chủ thể kinh doanh. Đạo đức kinh doanh là cách tương tác ứng xử của doanh nghiệp với các đối tượng hữu quan. Đây không phải là một khái niệm mơ hồ, mà là phạm trù đạo đức được vận dụng vào các hoạt động kinh doanh, gắn liền với lợi ích kinh doanh và ảnh hưởng đến sự tồn tại lâu dài của một doanh nghiệp, cũng như tác động mạnh đến các đối tượng hữu quan.

Nguyên tắc đạo đức kinh doanh

Tôn trọng: Để thúc đẩy những hành vi đạo đức và một môi trường lành mạnh tại nơi làm việc, mọi đối tượng hữu quan đều cần được tôn trọng và đối đãi bình đẳng (với nhân viên, khách hàng, đối thủ cạnh tranh, xã hội, nhà đầu tư…).

Trung thực: Nguyên tắc trung thực chính là chìa khóa để doanh nghiệp thực hiện các hành vi đạo đức trong kinh doanh.

Công bằng: Đối xử với khách hàng, nhân viên, đối tác với sự công bằng, bình đẳng là hành vi đạo đức cần thiết cho bất kỳ một doanh nghiệp đều cần phải hướng tới.

Mối quan tâm về môi trường: Doanh nghiệp cần phải quan tâm hơn nữa đến môi trường sống của con người và môi trường thiên nhiên. Việc này đòi hỏi tất cả mọi thành viên trong tổ chức đều phải thực hiện bảo vệ môi trường từ những hành động nhỏ nhất trong quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Minh bạch: Nguyên tắc minh bạch trong kinh doanh là một điều tuyệt vời để khách hàng, nhà đầu tư, đối tác hay nhân viên có thể tin tưởng và có cảm giác an toàn về doanh nghiệp. Một doanh nghiệp có tính minh bạch sẽ chia sẻ các thông tin về hiệu suất, doanh thu, các chương trình khuyến mại, các quy trình nội bộ, nguồn cung ứng, giá cả và các giá trị kinh doanh khác của doanh nghiệp.

Vai trò của đạo đức kinh doanh

Đạo đức kinh doanh còn có thể giúp một doanh nghiệp PTBV, cụ thể như sau.

Điều chỉnh hành vi của doanh nghiệp: Kiểm soát hành vi của doanh nghiệp, ngăn chặn tổ chức làm việc trái với những chuẩn mực đạo đức chung.

Nâng cao thương hiệu doanh nghiệp: Trên thực tế, khách hàng thường chỉ muốn tìm đến những đối tác uy tín, minh bạch để hợp tác lâu dài.

Góp phần mang đến xã hội văn minh: Khi tổ chức áp dụng các quy tắc đạo đức kinh doanh, các tệ nạn, như: sử dụng lao động trẻ em, quấy rối tình dục nhân viên, các hành vi xấu, sẽ dần được loại bỏ.

Nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc nhóm: Đạo đức kinh doanh giúp các nhân viên sớm cởi mở và hòa nhập với nhau nhanh hơn. Đồng thời, giúp nhân viên nhận ra giá trị của mình phù hợp với tổ chức và có thể cống hiến lâu dài cho doanh nghiệp.

Tránh bị phạt: Đạo đức kinh doanh giúp các doanh nghiệp tránh các hành vi vi phạm pháp luật. Nhờ đó tránh các cáo buộc, bê bối hay hình phạt của pháp luật.

Xây dựng văn hóa doanh nghiệp: Đạo đức kinh doanh giúp định hình những nguyên tắc và giá trị đạo đức mà doanh nghiệp sẽ tuân thủ và thể hiện trong mọi hoạt động kinh doanh, góp phần xây dựng uy tín và văn hóa doanh nghiệp.

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR)

Theo Friedman (1970), CSR được thể hiện qua việc sử dụng các nguồn lực trong hoạt động kinh doanh để gia tăng lợi nhuận, nhưng miễn là doanh nghiệp đó thực hiện đúng luật, đúng nghĩa vụ pháp lý quy định, có trách nhiệm tuân thủ các bộ luật quy đinh liên quan đến hoạt động kinh doanh. Davis (1973) cho rằng, CSR bao gồm không chỉ có sự đáp ứng và kết hợp tất cả các nhu cầu, yêu cầu về kinh tế, kỹ thuật và luật pháp, mà còn cần phải đạt được các mục tiêu xã hội cũng tốt như các mục tiêu kinh tế với mức độ cao hơn.

Theo các chuyên gia thuộc Ngân hàng Thế giới (World Bank), CSR là cam kết của doanh nghiệp đóng góp cho việc phát triển kinh tế bền vững, thông qua việc tuân thủ chuẩn mực về bảo vệ môi trường, bình đẳng về giới, an toàn lao động, quyền lợi lao động, trả lương công bằng, đào tạo và phát triển nhân viên, phát triển cộng đồng… theo cách có lợi cho cả doanh nghiệp cũng như phát triển chung của xã hội – bảo đảm cân bằng lợi ích các bên. Nội dung chính của CSR đó là: Trách nhiệm với người tiêu dùng; Trách nhiệm về bảo vệ môi trường; Trách nhiệm với người lao động; Trách nhiệm chung với cộng đồng.

Khi nghiên cứu về CSR vào năm 1999, Archie B.Carroll đã đưa ra tháp CSR về thứ tự ưu tiên 4 khía cạnh thuộc trách nhiệm xã hội mà doanh nghiệp cần phải thực hiện với các bên hữu quan, đó là: nghĩa vụ kinh tế, nghĩa vụ pháp luật, nghĩa vụ đạo đức xã hội và nghĩa vụ nhân văn (lòng bác ái) (Hình 1).

Hình 1: Tháp trách nhiệm xã hội của Carroll

Đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội: Mối quan hệ với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững

– Khía cạnh kinh tế: Doanh nghiệp phải đảm bảo lợi ích kinh tế đối với các bên hữu quan.

– Khía cạnh pháp lý: Doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ những quy định về pháp lý đối với các bên hữu quan.

– Khía cạnh đạo đức: Đó là những hoạt động và hành vi được coi là đúng mà các đối tượng hữu quan mong đợi từ phía doanh nghiệp.

– Khía cạnh nhân văn/lòng bác ái: Đây là khía cạnh cao nhất, thể hiện sự hy sinh muốn đóng góp của doanh nghiệp cho sự PTBV của toàn xã hội, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống.

MỐI QUAN HỆ GIỮA CÁC KHÁI NIỆM, QUY TRÌNH VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN ĐẠO ĐỨC KINH DOANH VÀ CSR

Mối quan hệ giữa các khái niệm

PTBV, kinh doanh bền vững và CSR có những điểm chung cùng hướng tới việc xây dựng chiến lược và thực hiện nhằm đảm bảo sự phát triển cân bằng giữa hiện tại và tương lai, đảm bảo sự cân bằng hệ sinh thái môi trường sống giữa con người và thiên nhiên. Khi các doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của mình => kinh doanh bền vững => sự PTBV của quốc gia nói riêng và xã hội loài người nói chung.

Hình 2: Mối quan hệ giữa các khái niệm

Đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội: Mối quan hệ với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững

Theo thuyết nguyên nhân và kết quả, có thể thấy, thực hiện đạo đức kinh doanh và CSR sẽ là nguyên nhân để đi đến kết quả phát triển xanh, phát triển xanh bao trùm PTBV với 3 trụ cột: Kinh tế, Môi trường và Xã hội.

Quy trình tổng quát thực hiện CSR để thúc đẩy xây dựng nền kinh tế phát triển xanh bền vững

Nhằm nâng cao việc thực hiện trách nhiệm xã hội hướng tới kinh doanh bền vững và phát triển bền vững của doanh nghiệp và nền kinh tế, tác giả đề xuất một quy trình thực hiện gồm 6 bước như Hình 3.

Hình 3: Quy trình thực hiện CSR thúc đẩy kinh doanh bền vững

Đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội: Mối quan hệ với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững

Bước 1: Đánh giá mức độ thực hiện trách nhiệm xã hội hiện tại của doanh nghiệp (đánh giá thực trạng).

Bước 2: Xác định mức độ mong muốn trách nhiệm xã hội và sự PTBV.

Bước 3: Xác định khoảng cách giữa hiện tại và mong muốn. Xác định mức độ chênh lệch.

Bước 4: Lập kế hoạch lấp đầy khoảng trống về trách nhiệm xã hội và PTBV.

Bước 5: Truyền thông và thực hiện kế hoạch về trách nhiệm xã hội và PTBV.

Bước 6: Kiểm tra, đánh giá và điều chỉnh nhằm đạt được kết quả theo định hướng kế hoạch.

Giải pháp áp dụng đạo đức kinh doanh giúp doanh nghiệp kinh doanh bền vững

Nhằm đóng góp cho sự PTBV của doanh nghiệp, tác giả đưa ra một số giải pháp áp dụng đạo đức kinh doanh hiệu quả trong doanh nghiệp như sau:

(i) Phổ biến kiến thức: Các yếu tố, vai trò, ý nghĩa của đạo đức kinh doanh đến sự PTBV của doanh nghiệp và xã hội.

(ii) Xây dựng bộ quy tắc ứng xử: Ban lãnh đạo các cấp xây dựng bộ quy tắc ứng xử (CoC – Code of Conduct) cho doanh nghiệm mình (bao gồm các tiêu chuẩn ứng xử phù hợp với đạo đức kinh doanh), hướng dẫn nhân viên cách thực hiện và tuân thủ các quy tắc này.

(iii) Truyền thông bộ quy tắc CoC: Áp dụng các kênh truyền thông nội bộ để đăng tải thông tin về đạo đức kinh doanh, bộ quy tắc ứng xử mà công ty ban hành.

(iv) Lãnh đạo làm gương cam kết: Các nhà quản lý và lãnh đạo cấp cao cần thể hiện sự làm gương, gương mẫu trong việc thực hiện cam kết cao đối với các quy tắc trong công ty, ứng xử theo các quy tắc đạo đức đã đề ra để làm gương cho nhân viên.

(v) Kiểm tra đánh giá nội bộ: Thường xuyên theo dõi và đánh giá việc thực hiện các quy tắc đạo đức trong doanh nghiệp, thực hiện kiểm tra định kỳ để đảm bảo nhân viên luôn tuân thủ các quy định.

(vi) Sức mạnh cơ quan quản lý chức năng: Thúc đẩy vai trò của các cơ quan, ban ngành có thẩm quyền trong việc chỉ dẫn, kiểm tra đánh giá, rà soát và ngăn chặn các hành vi vi phạm đạo đức kinh doanh bằng sức mạnh luật pháp.

(vii) Thưởng phạt công minh: Áp dụng các hình phạt nghiêm khắc nhưng công bằng, khách quan đối với các trường hợp vi phạm quy tắc đạo đức trong công ty. Động viên và khen thưởng những cá nhân hoặc nhóm thực hiện tốt các quy định đạo đức kinh doanh.

(viii) Duy trì và cải tiến liên tục: Không ngừng tăng cường nhận thức và phổ biến giáo dục về đạo đức kinh doanh cho các thành viên trong công ty hình thành nhận thức và hành vi ngày càng tốt đẹp hơn./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bảo Anh (2022), Chìa khóa PTBV cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, truy cập từ https://vtc.vn/chia-khoa-phat-trien-ben-vung-cho-doanh-nghiep-nho-va-vua-ar718818.html.

2. Blowfield and Murray (2008), Corporate Responsibility, Oxford University Press.

3. Bradley D. Parrish (2005), A value-based model of sustainable enterprise, Presented at the Business Strategy and the Environment Conference University of Leeds, UK.

4. Carroll, A.B (1999), Corporate Social Responsibility, Business and Society, 38(3), 268-295.

5. Davis, Keith (1973), The Case For and Against Business Assumption of Social Responsibilities, Academy of Management Journal, 1, 312-322.

6. Friedman Milton (1970), The social responsibility of business is to increase its profits, The New York Times Magazine.

7. Hà Anh (2023), Kinh tế tuần hoàn – Xu thế khởi nghiệp và kinh doanh bền vững, truy cập từ https://dangcongsan.vn/kinh-te/kinh-te-tuan-hoan-xu-the-khoi-nghiep-va-kinh-doanh-ben-vung-644014.html.

8. IUCN, UNEP, WWF (1980), World Conservation Strategy: Living Resource Conservation for Sustainable Development, 77.

9. Minh Nhật (2021), Kinh doanh bền vững không chỉ là lựa chọn mà là xu thế, truy cập từ https://vneconomy.vn/kinh-doanh-ben-vung-khong-chi-la-lua-chon-ma-la-xu-the.htm.

10. Minh Trang (2013), Tăng trưởng bền vững: Tầm nhìn chiến lược của doanh nghiệp FAST500, truy cập từ https://vietnamnet.vn/tang-truong-ben-vung-tam-nhin-chien-luoc-cua-doanh-nghiep-fast500-112595.html

11. Nguyễn Thế Mạnh (2024), Chìa khóa để doanh nghiệp PTBV, truy cập từ https://diendandoanhnghiep.vn/phat-trien-ben-vung-chia-khoa-thanh-cong-cua-pan-132179.html.

12. OECD (2009), Eco-Innovation in industry, enabling green growth, OECD publishing.

13. Thanh Ngân (2020), Đến thời phát triển doanh nghiệp bền vững, truy cập từ https://tapchitaichinh.vn/den-thoi-phat-trien-doanh-nghiep-ben-vung.html.

14. Robert W. Sexty (2007), Ethics & Responsibilities, Part III Ethical and Social Responsibilities, McGraw-Hil.l.

15. Vũ Phong Energy Group (2023), Lợi ích kho doanh nghiệp hướng tới sự PTBV là gì?, truy cập từ https://vuphong.vn/su-phat-trien-ben-vung-la-gi/.

16. WCED (1987), Our Common Future, Oxford University Press, New York.

17. World Bank (2012), Inclusive green growth: the pathway to sustainable development. Washington, D.C, retrieved from http://documents.worldbank.org/curated/en/368361468313515918/Main-report.

18. World Bank (2010), Corporate social responsibilit: Privite SelfRegulation is not enough, http://documents1.woldbank.org.

19. https://mocongtysingapore.com/mo-hinh-kinh-doanh/.

20. https://vbcsd.vn/detail.asp?id=656.

21.https://vietnam.opendevelopmentmekong.net/vi/topics/sustainable-development-goals/.

22. https://www.pwc.com/vn/vn/services/risk-assurance/sustainability/strategic-sustainability.html.

23. https://som.edu.vn/4-chien-luoc-esg-cho-doanh-nghiep-trien-khai-hieu-qua/.

Ngày nhận bài: 30/10/2024; Ngày phản biện: 16/11/2024; Ngày duyệt đăng: 28/11/2024