Tại phiên thảo luận, đa số các ý kiến nhất trí thống nhất cao về sự cần thiết đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2021-2025. Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc – Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội, xây dựng trục đường cao tốc cũng có nghĩa như con đường thống nhất Bắc – Nam trong thời kỳ mới, góp phần gắn kết về chính trị, thu hẹp khoảng cách vùng miền và lan tỏa về kinh tế – xã hội.

Đầu tư tuyến đường cao tốc Bắc - Nam sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế
Đại biểu Vũ Tiến Lộc – Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội

“Đầu tư tuyến đường cao tốc Bắc – Nam sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thông qua phát triển cơ sở hạ tầng về giao thông, đặc biệt là cơ sở hạ tầng về giao thông đường bộ là một mũi đột phá quan trọng cần phải được ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phân bổ nguồn lực quốc gia” ĐBQH Vũ Tiến Lộc phát biểu.

Đồng tình với việc triển khai dự án, đại biểu Đinh Thị Phương Lan – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, Dự án sẽ tạo thuận lợi cho địa phương. Về thiết kế hướng tuyến, Chính phủ đề nghị thiết kế theo tiêu chuẩn đường ô tô cao tốc là TCVN với tốc độ tối đa là 120km/h, đại biểu đề nghị tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế với vận tốc tối đa cho phép nhằm đảm bảo tính phù hợp, chủ động đáp ứng yêu cầu kỹ thuật tuyến đường cao tốc định hướng dài hạn đến năm 2050.

“Chính phủ cần tiếp tục đánh giá tính phù hợp với thiết kế quy mô 6 làn xe, 8 đến 10 làn xe và 4 làn xe, vì giải phóng mặt bằng được thực hiện một lần cho cả dự án. Cùng với đó, cần chính xác quy mô với các làn xe tối đa cho phép phù hợp với tiềm năng vận hành, khả năng trung chuyển của đường cao tốc gắn với hệ thống các cảng biển”, ĐBQH Đinh Thị Phương Lan kiến nghị.

Tuy nhiên, Đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ khả năng cân đối vốn theo phân kỳ đầu tư và tiến độ thực hiện dự án theo khoản 3 Điều 18 Luật Đầu tư công. Đồng thời, cần có phương án cụ thể, cơ sở pháp lý để tổ chức thực hiện thu phí chuyển nhượng nhượng quyền thu phí đảm bảo tính khả thi, minh bạch, tránh thất thoát tài sản của Nhà nước. Trường hợp nếu như dự án được đầu tư theo hình thức đầu tư công, đề nghị Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu, tiếp tục đánh giá tác động, đặc biệt là khả năng gây hiệu ứng lấn át khi tăng trưởng quá mức đầu tư công và nợ công đối với nền kinh tế.

Thống nhất với Tờ trình của Chính phủ đầu tư công toàn bộ dự án, đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, vì Dự án có mức đầu tư lớn 10 dự án trên 10.000 tỷ, thời gian thu hồi vốn kéo dài, kinh tế – xã hội nước ta còn khó khăn, lượng xe lưu thông hạn chế, tiềm ẩn rủi ro, khó hấp dẫn nhà đầu tư và các tổ chức tín dụng. Việc Chính phủ đề xuất triển khai đầu tư công toàn bộ 12 dự án thành phần, sau khi hoàn thành sẽ nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn cho Nhà nước là ý tưởng hoàn toàn có thể được, mặc dù chưa có tiền lệ, chưa có cơ chế về chính sách này. Đồng thời, Đại biểu đề nghị Quốc hội đồng tình để Chính phủ triển khai thực hiện ngay từ lúc này, để các bộ, ngành chuyên môn có thời gian chuẩn bị hồ sơ, thủ tục cần thiết khi dự án hoàn thành sẽ thực hiện ngay, với điều kiện là các dự án này là các nhà đầu tư chuyển nhượng phải thu phí không dừng.

Trong khi đó, đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội cho rằng, hiện chưa có cơ chế về nhượng quyền. Kể cả có nhượng quyền thì cũng không bù lại tiền Nhà nước đã bỏ ra. Chính vì vậy, đại biểu đề nghị là chúng ta cần phải cân nhắc lại về phương án huy động đầu tư PPP bằng cách là tách dự án giải phóng mặt bằng ra. Phần giải phóng mặt bằng không tính vào trong dự án đầu tư.

Đầu tư tuyến đường cao tốc Bắc - Nam sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế
Đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội

“Tiền mà ngân sách nhà nước dành để đầu tư cho dự án này nên chuyển cho Ngân hàng Đầu tư phát triển cho các nhà đầu tư vay để họ có nguồn vốn để thực hiện phương án đầu tư PPP. Nhà đầu tư tự đầu tư, tự vận hành, tự thu phí sẽ hiệu quả hơn nhiều lần so với Nhà nước đầu tư xong cho người khác vận hành vào thu phí trở lại”, Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu.

Về công tác giải phóng mặt bằng, Đại biểu Trần Đình Gia – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, tái định cư là yếu tố hết sức quan trọng để đảm bảo tiến độ dự án, gần như các dự án hiện nay chậm nguyên nhân chính vẫn là do giải phóng mặt bằng. Do đó, cần hết sức quan tâm đến việc giải phóng mặt bằng của dự án này. Đồng thời, đồng tình cao với phương án là bàn giao cho các tỉnh thực hiện dự án giải phóng mặt bằng tách ra thành một dự án độc lập.

“Cần phải bố trí ngân sách trung ương đảm bảo để thực hiện dự án giải phóng mặt bằng; cần có cơ chế đặc thù trong các dự án giải phóng mặt bằng như là các công trình tái định cư”, Đại biểu Trần Đình Gia nói.

Tuy nhiên, Đại biểu cũng lưu ý rằng, trên tuyến đường này có nhiều công trình thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng… nếu chỉ giao cho các tỉnh thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng mà các bộ, ngành trung ương không vào cuộc thì rất khó khăn.

“Chính phủ phải quyết liệt chỉ đạo sự vào cuộc của các địa phương, các bộ, ngành trung ương mới có thể đáp ứng được tiến độ giải phóng mặt bằng”, Đại biểu Trần Đình Gia kiến nghị.

Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, trên cơ sở ý kiến thảo luận tại Tổ và Hội trường của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu, hoàn chỉnh Nghị quyết về chủ trương đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 trình Quốc hội xem xét, thông qua./.