Đây là sự kiện trong khuôn khổ Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPSC) do Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là Cơ quan chủ, triển khai từ năm 2022 tới hết năm 2025.

Việt Nam đang từng bước chuyển mình, hướng tới nền kinh tế số

Đẩy mạnh thương mại điện tử, mở đường cho doanh nghiệp trong bình thường mới

Tại Việt Nam, theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company, quy mô thương mại điện tử hiện đạt giá trị 21 tỷ USD và dự kiến đến năm 2025 sẽ tăng lên 57 tỷ USD. Báo cáo cũng ghi nhận có đến 8 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới kể từ khi đại dịch bùng phát. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy, người dân đã dần quen với các hoạt động mua sắm trên Internet. Nhiều doanh nghiệp đã và đang nắm bắt cơ hội này để thúc đẩy doanh số, bù đắp lại quãng thời gian “đóng băng” trước đó. Trong bối cảnh thương mại điện tử là trợ lực không thể thiếu cho doanh nghiệp để bứt phá, tìm đường ra biển lớn, thương mại điện tử mở cơ hội để các doanh nghiệp tìm hiểu và kết nối trực tiếp với các sàn giao dịch, để hiện thực hóa các ý tưởng và kế hoạch kinh doanh dựa trên mục tiêu chuyển đổi số.

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, kinh tế Việt Nam đang từng bước chuyển mình hướng tới nền kinh tế số để phục vụ việc thu thập thông tin, giao dịch, kết nối xuyên biên giới. Hơn hết, hoạt động thương mại xuyên biên giới đang trở thành nhân tố cốt lõi trên toàn cầu.

Thị trường thương mại điện tử vì thế ngày càng mở rộng, mặc dù Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng, thương mại điện tử Việt Nam vẫn tăng trưởng và hấp dẫn nhất khu vực Đông Nam Á. Năm 2020 tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam là 18%, trở thành nước duy nhất trong Đông Nam Á có mức tăng trưởng 2 con số.

Đẩy mạnh thương mại điện tử, mở đường cho doanh nghiệp trong bình thường mới
Ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu khai mạc Hội thảo

Bên cạnh đó, với vai trò là cơ quan đầu mối, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu với các bộ ban ngành ban hành các giải pháp trong đó có hỗ trợ chuyển đổi số. Kết quả, dự án IPSC ra đời, đến nay là hỗ trợ kỹ thuật quy mô lớn, trong đó tập trung năng cường năng lực cho các doanh nghiệp tiên phong, doanh nghiệp vừa và nhỏ… Mục đích chính là hỗ trợ giải quyết vấn đề con người, công nghệ, kỹ thuật.

Dự án IPSC đang và sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp vươn ra quốc tế

Ông Nguyễn Đức Trung cho biết, IPSC là dự án quy mô lớn, nhằm hướng đến hỗ trợ 5.000 doanh nghiệp, trong đó có 60 doanh nghiệp tiên phong, 240 doanh nghiệp vươn ra quốc tế thành công. “Chúng tôi cũng hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp tăng cường năng lực, gồm cả doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh, hợp tác xã”, ông Trung nói.

Đánh giá về vai trò của khu vực tư nhân, ông Mark Birnbaum, đại diện Dự án IPSC cho rằng, khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam là một trong những trụ cột để thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế, đưa đất nước trở thành một quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. “Các doanh nhân và các doanh nghiệp là trái tim của bất kỳ nền kinh tế nào, đặc biệt là một nền kinh tế mới nổi mạnh mẽ kinh tế như Việt Nam. Đây là lý do tại sao dự án cải thiện năng lực cạnh tranh của khu vực tư nhân hướng tới thúc đẩy một khu vực tư nhân năng động và sáng tạo, mở rộng các cơ hội kinh tế trong nước và có khả năng cạnh tranh trong khu vực cũng như trên toàn cầu. Mục tiêu của IPSC là tập trung vào việc hỗ trợ sự phát triển kinh doanh sáng tạo và toàn diện, cũng như thúc đẩy các doanh nghiệp sử dụng công nghệ, bao gồm các công cụ chuyển đổi kỹ thuật số và thương mại điện tử”, ông Mark Birnbaum chia sẻ.

Theo đại diện Dự án IPSC, dịch Covid-19 đã cho thấy, một trong những chìa khóa để thích nghi và phát triển trong môi trường đầy thách thức này là ứng dụng kỹ thuật số nhiều hơn. Các doanh nghiệp nhỏ và đang phát triển có thể quản lý các kênh thương mại trực tuyến đã chứng tỏ mình có khả năng phục hồi tốt hơn, được đo bằng khả năng hoạt động của họ thông qua những giai đoạn gián đoạn hoạt động kinh tế vì Covid-19.

Đẩy mạnh thương mại điện tử, mở đường cho doanh nghiệp trong bình thường mới
Ông Mark Birnbaum giới thiệu tổng quan về Dự án nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực tư nhân

Ông cũng nhận định, Việt Nam có tiềm năng mạnh mẽ để phát triển nền kinh tế kỹ thuật số với 50% dân số đang sử dụng thương mại điện tử. Việt Nam được dự báo sẽ trở thành thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất Đông Nam Á vào năm 2026 và tăng trưởng gấp 4 lần giá trị vào năm 2021. Tuy nhiên, với hơn 97% doanh nghiệp Việt Nam ở quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa, khu vực kinh tế tư nhân phải đối mặt với rất nhiều thách thức để nắm bắt cơ hội thương mại điện tử thành công. Những thách thức nổi bật nhất là kiến thức và kỹ năng của các doanh nghiệp còn hạn chế, sử dụng và quản trị trang web cũng như các nền tảng thương mại điện tử, phát triển sản phẩm, quản lý dữ liệu, tiếp thị kỹ thuật số, hậu cần và thanh toán điện tử… còn chưa tốt. Bên cạnh đó là tình trạng thiếu vốn đầu tư và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin để đạt tới mô hình kinh doanh đầy đủ.

Dự án “Nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực tư nhân” sẽ hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh Việt Nam chuyển đổi số trong và sau đại dịch. IPSC sẽ hạ thấp rào cản gia nhập bằng cách thiết lập mối liên kết với các nhà cung cấp công nghệ trong nước và quốc tế, nâng cao hiểu biết của các doanh nghiệp nhỏ và đang phát triển về các công cụ kỹ thuật số hiện có được sử dụng rộng rãi trên thị trường, đồng thời hỗ trợ trực tiếp trong việc thí điểm, triển khai và mua lại các công cụ này để nâng cao hiệu quả của hoạt động của các doanh nghiệp.

Phối hợp với các đơn vị tư vấn quản lý hàng đầu và các chuyên gia hàng đầu, IPSC đã thiết kế 5 gói dịch vụ hỗ trợ toàn diện phù hợp với nhu cầu của các doanh nghiệp nhỏ và đang phát triển bao gồm: Thích ứng va Tăng trưởng, Mở rộng thị trường, Ứng dụng Kinh doanh Số, Nâng cao Năng lực Tài chính và Nâng tầm Giá trị Việt.

IPSC cũng tập trung vào các doanh nghiệp tiên phong, nuôi dưỡng để các doanh nghiệp trở thành mô hình phát triển bền vững. Với sự hỗ trợ đồng tài trợ và thiết kế riêng của IPSC, doanh nghiệp tiên phong sẽ tạo ra những câu chuyện thành công để những người khác nhân rộng, cũng như cố vấn và huấn luyện cho các SGBs đang đối mặt với những thách thức tương tự. Ngoài ra, IPSC thu hút và xây dựng năng lực của mạng lưới tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp để cung cấp các khóa đào tạo mở và các sự kiện quy mô lớn cho tất cả các doanh nghiệp, chẳng hạn như sự kiện thương mại điện tử này, nhằm giúp cải thiện năng lực quản lý, hoạt động và đổi mới kinh doanh cho khu vực tư nhân Việt Nam.

Đẩy mạnh thương mại điện tử, mở đường cho doanh nghiệp trong bình thường mới
Các đain biểu và chuyên gia, doanh nghiệp thảo luận tại Hội thảo trực tuyến

Doanh nghiệp cần chuẩn bị tốt nội lực khi tham gia thị trường toàn cầu

Tại Hội thảo, bà Lê Thị Hà, Trưởng phòng Chính sách, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, đã cung cấp những thông tin về thực trạng thương mại điện tử tại Việt Nam và cơ hội cho doanh nghiệp trong bối cảnh bình thường mới. “Dù đối mặt với nhiều thách thức bởi Covid-19, các doanh nghiệp áp dụng được chuyển đổi số vẫn có cơ hội riêng”, bà Hà nhấn mạnh.

Chứng minh cho bức tranh lạc quan từ thương mại điện tử, bà Hà dẫn kết quả của một cuộc điều tra tại 47 quốc gia từ tháng 1/2018 đến tháng 9/2021 cho thấy, tỷ lệ chi tiêu trực tuyến trong tổng chi tiêu toàn cầu tăng mạnh, nhất là thời điểm đỉnh dịch, khoảng 14,9%, so với trước thời điểm đó (năm 2019) là 10,3%.

Đại diện sàn thương mại điện tử Tiki, bà Vũ Thị Thư, Giám đốc kinh doanh Khu vực Hà Nội chia sẻ về những bài học đúc kết cho doanh nghiệp mới tiếp cận và đang tăng trưởng trên sàn thương mại điện tử trong mô hình kinh doanh B2B, B2C. Thay vì tâm lý e ngại, theo bà Thư, doanh nghiệp nên kinh doanh đa sàn, tận dụng tiềm năng doanh nghiệp và tối ưu hoá từ lợi thế mỗi sàn. Với doanh nghiệp mới lên sàn, cần hiểu rõ đối thủ, phân tích thị trường, xây dựng chiến lược dài hạn, tiếp theo là kế hoạch marketing, quảng bá sản phẩm, tư vấn và chăm sóc sau bán hàng… Bà Thư cũng nhấn mạnh sự hỗ trợ từ các sàn trong việc giúp doanh nghiệp gây dựng tiếng vang và phát triển.

Ông Trịnh Khắc Toàn – Giám đốc Khu vực phía Bắc, Amazon Global Selling Việt Nam chia sẻ thông tin về điều kiện tham gia và kỹ năng kinh doanh khi tham gia hoạt động TMĐT xuyên biên giới. Doanh nghiệp cần có nhân sự chuyên trách, có chiến lược sản phẩm và thương hiệu, hiểu rõ quy định của thị trường mục tiêu, nhất là khi đưa hàng ra các thị trường quốc tế.

So với năm 2020, năm 2021 số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam có doanh số 100.000 USD trên Amazon tăng 18%; số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam có doanh số 500.000 USD trên Amazon tăng 53%; số sản phẩm được bán bởi doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tăng 34%…

Tại Hội thảo, đại diện doanh nghiệp chia sẻ về những kinh nghiệm khi tham gia trên sàn thương mại điện tử. Trong khi đó, Luật sư Ngô Khắc Lễ chia sẻ về nhận diện các rủi ro pháp lý trong các giao dịch điện tử và biện pháp phòng tránh, được ông đúc kết qua một số vụ tranh chấp thương mại.

Ông Nguyễn Thế Minh, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam (MSB), Tổng Giám đốc Ngân hàng Doanh nghiệp – đã đưa ra những đánh giá các hình thức thanh toán quốc tế và phòng tránh rủi ro khi sử dụng mỗi hình thức, đồng thời thông tin về các cơ chế tạo nguồn vốn cho doanh nghiệp khi triển khai kinh doanh trên sàn thương mại điện tử./.

Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPS-C) được thực hiện với sự tài trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ quản. Dự án IPSC dành cho đối tượng là các doanh nghiệp Việt Nam nhỏ và đang tăng trưởng (doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất kinh doanh dưới 500 nhân viên toàn thời gian) và các tổ chức, hiệp hội hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Thông qua các gói hỗ trợ, các đơn vị này sẽ được hỗ trợ về năng lực quản lý quản trị chiến lược, tiếp cận thị trường và nguồn lực tài chính, đổi mới công nghệ, kết nối mạng lưới chuyên gia.

Bên cạnh đó, IPSC cũng sẽ đồng hành cải thiện môi trường kinh doanh thông qua thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp mục tiêu vào tiến trình xây dựng và thí điểm các chính sách, nhằm gỡ bỏ các rào cản, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp. Dự án có tổng vốn viện trợ hơn 36 triệu đô la Mỹ và được thực hiện trong thời gian 05 năm (2020-2025). Dự án đặt mục tiêu cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho tối thiểu 5.000 doanh nghiệp nhỏ đang tăng trưởng nhằm giúp họ nâng cao năng suất; hỗ trợ 240 doanh nghiệp nhỏ đang tăng trưởng gia nhập thành công thị trường khu vực và quốc tế, bao gồm cả việc định vị thành công các sản phẩm mang thương hiệu Việt; 60 doanh nghiệp tiên phong được nhận các gói hỗ trợ tổng thể, chuyên biệt để tạo ra sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng và trí tuệ của người Việt Nam, định vị thương hiệu sản phẩm “Made by Viet Nam”.