Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số tại Nam Định

Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Nam Định Trần Minh Hoan phát biểu tại Hội nghị kết nối hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo các tỉnh Nam Đồng bằng sông Hồng ngày 6/5/2022

Sự cần thiết cần phải chuyển đổi số

Những sự thay đổi to lớn về năng suất lao động, nhu cầu, tâm lý, thói quen của người tiêu dùng và các mô hình sản xuất, kinh doanh mới đang được hình thành cho thấy vai trò và tác động của chuyển đổi số đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế và xã hội.

Thực tế cho thấy khó có được một định nghĩa rõ ràng và cụ thể về chuyển đổi số, bởi vì quá trình áp dụng chuyển đổi số sẽ có sự khác biệt ở từng lĩnh vực khác nhau. Một cách hiểu chung nhất về khái niệm chuyển đổi số được nhiều đối tượng chấp nhận đó là, chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay, công nghệ số, hiểu theo nghĩa hẹp, là một bước phát triển cao hơn của công nghệ thông tin, cho phép tính toán nhanh hơn, xử lý dữ liệu nhiều hơn, truyền tải dung lượng lớn hơn, với chi phí rẻ hơn. Bốn công nghệ số tiêu biểu thúc đẩy chuyển đổi số gồm: trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (bigdata), điện toán đám mây (cloud computing). Ngoài ra, chuỗi khối (block chain) cũng là một công nghệ số quan trọng của chuyển đổi số.

Quyết định số 749 ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 định nghĩa: Chuyển đổi số là đổi mới căn bản, toàn diện công tác quản lý, điều hành của Nhà nước tiến tới xây dựng chính quyền số; phát triển kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ số, hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có sức cạnh tranh trên thị trường.

Lộ trình chuyển đổi số

Để thực hiện chuyển đổi số hiện nay, thông thường chúng ta có lộ trình gồm ba bước:

Bước một, có nhận thức và tư duy đúng về chuyển đổi số: Với một tổ chức, nhận thức của lãnh đạo cao nhất là điều kiện tiên quyết, để từ đó truyền nhận thức, cảm hứng, khát vọng và quyết tâm thay đổi tới các thành viên.

Bước hai, xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động: Xác định trạng thái hiện tại và trạng thái cần đến để định rõ mục tiêu, gồm cả việc xác định mô hình hoạt động, kinh doanh mới trong môi trường số, xây dựng kế hoạch hành động với các giai đoạn hợp lý, nội dung cụ thể.

Bước ba, xác định công nghệ số chủ yếu trong lĩnh vực hoạt động cũng như các nền tảng cần có để hỗ trợ việc chuyển đổi: Từ đó, xây dựng năng lực số, gồm đào tạo nhân lực số, xây dựng thói quen, hình thành văn hóa đổi mới với mô hình hoạt động mới và thực hiện chuyển đổi.

Một số vấn đề then chốt trong chuyển đổi số tại tỉnh Nam Định

Các đại biểu tham quan và tìm hiểu gian hàng trưng bày sản phẩm có thế  mạnh của Tỉnh
Các đại biểu tham quan và tìm hiểu gian hàng trưng bày sản phẩm của Tỉnh

Ngày 22/10/2021, UBND tỉnh Nam Định đã ban hành kế hoạch số 122 thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 15/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Nam Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Mục tiêu là huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đẩy mạnh chuyển đổi số để xây dựng chính quyền số; phát triển kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng nhanh và bền vững dựa trên khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống và phúc lợi của người dân. Phấn đấu đến năm 2030, Nam Định cơ bản hoàn thành chuyển đổi số gắn với các dịch vụ đô thị thông minh kết nối đồng bộ với Trung ương và hệ thống các đô thị thông minh trên toàn quốc.

Để thực hiện mục tiêu trên, chúng tôi nhận thấy một số vấn đề về đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số tại tỉnh Nam Định hiện nay.

Xây dựng chính quyền số, hình thành và phát triển đô thị thông minh

Phát triển hạ tầng số, nền tảng số: Hoàn thiện trung tâm dữ liệu, mạng truyền số liệu chuyên dùng, hệ thống phần mềm dùng chung, dịch vụ số hóa dữ liệu; các cơ quan, đơn vị, các ngành tập trungsố hóa dữ liệu phục vụ hoạt động của các cơ quan bảo đảm tập trung, thông suốt; bảo đảm hoạt động lãnh đạo, điều hành của chính quyền trên môi trường số; đẩy mạnh họp trực tuyến, họp không giấy, ký số,… nhằm nâng cao chỉ số cải cách hành chính của Tỉnh.

Xây dựng, tạo lập dữ liệu mở phục vụ người dân, doanh nghiệp khai thác, truy cập, sử dụng, góp phần công khai, minh bạch, phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, thúc đẩy phát triển các dịch vụ số.

Ứng dụng triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên thiết bị di động thông minh để phục vụ người dân, doanh nghiệp trong giao dịch với cơ quan hành chính góp phần nâng cao chỉ số xếp hạng về chính quyền số của tỉnh.

Xây dựng thí điểm mô hình chuyển đổi số cho 1-2 xã; 1-2 huyện/thành phố, trước mắt đầu tư nguồn lực cho chuyển đổi số tập trung xây dựng hệ thống giao thông thông minh, hệ thống giám sát an ninh thông minh, số hóa lĩnh vực tài nguyên, môi trường, y tế, giáo dục, doanh nghiệp,…

Phát triển kinh tế số

Thúc đẩy phát triển kinh tế số với trọng tâm là phát triển doanh nghiệp công nghệ số, phát triển nội dung số, công nghiệp sáng tạo, thương mại điện tử và sản xuất thông minh. Tập trung ưu tiên chuyển đổi số trong một số lĩnh vực sau:

Lĩnh vực công nghiệp: Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi,đổi mới công nghệ áp dụng các công cụ hệ thống quản lý chất lượng, thực hiện cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên các nền tảng số, thương mại điện tử, ứng dụng sản xuất thông minh.

Lĩnh vực tài nguyên môi trường: Nghiên cứu, ứng dụng xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản; bản đồ số; triển khai các giải pháp thông minh trong quan trắc, giám sát, quản lý, xử lý sự cố môi trường, cảnh báo sớm thiên tai.

Lĩnh vực giao thông: Nghiên cứu, ứng dụng triển khai hệ thống giám sát giao thông thông minh tại các đô thị; thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển, khai thác hệ thống kho, bến, bãi phục vụ vận tải và logistics. Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông vận tải, quản lý người điều khiển phương tiện. Số hóa thông tin hạ tầng giao thông trên bản đồ số phục vụ xây dựng, duy tu, bảo dưỡng công trình giao thông, quản lý quy hoạch giao thông,

Lĩnh vực nông nghiệp: Ứng dụng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ số trong quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, hướng dẫn, khuyến khích nông dân thực hiện thương mại điện tử trong nông nghiệp, tập trung vào các sản phẩm chủ lực của Tỉnh như: Lúa chất lượng cao, lúa giống, lạc, khoai tây, ngao, tôm, cá; một số loài cây dược liệu có giá trị kinh tế cao; các sản phẩm OCOP của Tỉnh.

Lĩnh vực du lịch: Ứng dụng triển khai số hóa dữ liệu các khu di tích lịch sử, văn hóa, du lịch trọng điểm như: khu di tích đặc biệt quốc gia đền Trần – chùa Tháp; Khu di tích Phủ Dầy; chùa Cổ Lễ,… Chuẩn hóa nội dung số kết hợp công nghệ 3D, 4D để giới thiệu về điểm đến, các tour tuyến du lịch, sản phẩm, dịch vụ du lịch của tỉnh và phát triển ứng dụng thuyết minh du lịch tự động qua thiết bị di động thông minh.Gắn mã QR-Code cho các điểm du lịch tiêu biểu của tỉnh gắn với nền tảng du lịch thông minh tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tiếp cận nhanh, sinh động, chính xác, đầy đủ thông tin về điểm đến.

Phát triển xã hội số

Về giáo dục và đào tạo: Nghiên cứu, ứng dụng đổi mới nội dung và chương trình giáo dục, đào tạo thích ứng với môi trường công nghệ liên tục thay đổi và phát triển; tận dụng công nghệ số để gia tăng khả năng tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng. Số hóa tài liệu, xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Về y tế: Ứng dụng, phát triển nền tảng hỗ trợ khám, tư vấn, chữa bệnh từ xa, từng bước xây dựng nền tảng quản trị y tế thông minh, hệ thống chăm sóc sức khỏe và y tế công cộng dựa trên nền tảng công nghệ số.

Về văn hóa: Ứng dụng công nghệ quảng bá các sản phẩm văn hóa, lịch sử; xây dựng hình ảnh, văn hóa của tỉnh trên không gian mạng.

Chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức. Tiếp theo là ứng dụng khoa học và công nghệ trong chuyển đổi số. Mỗi cơ quan, tổ chức cần tận dụng tối đa cơ hội để phát triển Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, trong đó, việc xác định sớm lộ trình và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực có ý nghĩa sống còn, là cơ hội để phát triển các ngành, lĩnh vực./.