Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC cho biết, thử nghiệm khung tiêu chí đổi mới sáng tạo (ĐMST) trong khu vực công được xây dựng, nhằm cung cấp góc nhìn tống quan trong việc hình thành khái niệm và đo lường ĐMST và năng lực ĐMST trong khu vực công. Đồng thời, việc thử nghiệm khung tiêu chí giúp các đơn vị trong khu vực công nhìn nhận rõ mức độ và động lực ĐMST của đơn vị mình. “Trong tương lai, thử nghiệm khung tiêu chí ĐMST trong khu vực công được kỳ vọng sẽ là thước đo tin cậy để các đơn vị, tố chức trong khu vực công tự đánh giá được năng lực ĐMST của mình, từ đó điều chỉnh và triển khai các giải pháp phù hợp dựa trên các khuyến nghị được xây dựng bởi chuyên gia của NIC”, ông Huy nhấn mạnh.

Đẩy mạnh ứng dụng thử nghiệm khung tiêu chí đổi với sáng tạo trong khu vực công
Hội thảo “Đổi mới sáng tạo trong khu vực công”

Cũng theo đại diện NIC, trải qua hơn 6 tháng đồng hành với chuỗi chương trình Government Lab Studio và Hackathon, bộ khung tiêu chí (thử nghiệm) đã chính thức được giới thiệu với 4 trụ cột chính, bao gồm: các yếu tố đầu vào của ĐMST, năng lực ĐMST, quá trình ĐMST và đầu ra ĐMST.

Nhiều bước tiến tích cực trong hệ sinh thái ĐMST

Tại hội thảo, các thông tin đưa ra cho thấy trong thập niên qua, Việt Nam đã có nhiều thành tựu đáng kể trong phát triển một nền kinh tế hiện đại dựa trên ĐMST và ứng dụng các tiến bộ của khoa học công nghệ. Báo cáo Chỉ số ĐMST toàn cầu (GII) năm 2022 do Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) công bố cho thấy, Việt Nam xếp vị trí 48/132 quốc gia, nền kinh tế và thuộc nhóm quốc gia đạt được những tiến bộ lớn nhất trong thập kỷ qua. Theo các nghiên cứu tại Diễn đàn Quỹ Đầu tư Khởi nghiệp sáng tạo 2022 (Vietnam Venture Summit 2022), Việt Nam là một trong ba trụ cột chính của Tam giác vàng khởi nghiệp Đông Nam Á đối với đầu tư cho ĐMST nói chung và khởi nghiệp nói riêng. Theo đó, trong 9 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã thu hút gần 500 triệu USD đầu tư vào khởi nghiệp ĐMST. Số lượng các thương vụ đầu tư ở các vòng gọi vốn giai đoạn sau đã cao hơn so với cùng kỳ năm 2021, một lượng lớn các công ty startups Việt Nam đang dần lớn mạnh, thu hút được nguồn vốn lớn hơn qua các năm.

Như vậy, có thể nói hệ sinh thái ĐMST Việt Nam đã bắt đầu hình thành và đạt được những kết quả tích cực trong thời gian vừa qua, đặc biệt ở khu vực tư nhân. Tuy nhiên, để xây dựng một hệ sinh thái ĐMST mang tính bền vững và đồng bộ thì kinh nghiệm quốc tế cho thấy, sự vào cuộc của khu vực công đến từng cán bộ, công chức, viên chức là một yếu tố then chốt để kiến tạo nên một hệ sinh thái ĐMST hiệu quả.

Theo ông Huy, việc thúc đẩy và nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực công là mục tiêu chính của các chính phủ. Xây dựng khả năng nhận dạng và đánh giá khả năng ĐMST trong khu vực công, đặc biệt là trong xây dựng chính sách, cung cấp dịch vụ là cần thiết để các chính sách và dịch vụ công hướng tới mục tiêu và đáp ứng nhu cầu của cộng đồng tốt hơn và hiệu quả hơn.

“ĐMST trở nên quan trọng khi các cách tiếp cận truyền thống không thể giải quyết các vấn đề phức tạp và nan giải mà xã hội phải đối mặt. Sau một quá trình nghiên cứu, tham vấn chuyên sâu dựa trên kinh nghiệm quốc tế và trong nước, nhận thức được ý nghĩa quan trọng của việc cần một khung tiêu chí đánh giá ĐMST trong khu vực công, NIC phối hợp cùng UNDP tại Việt Nam xây dựng Thử nghiệm khung tiêu chí đánh giá ĐMST trong khu vực công tại Việt Nam. Đề án nghiên cứu này nằm trong khuôn khổ Sáng kiến Đổi mới sáng tạo vì người dân (CPII) thuộc Chương trình nghiên cứu Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI), với sự tài trợ chính của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT)”, ông Huy nhấn mạnh.

Tín hiệu đáng mừng từ ứng dụng ĐMST tại khu vực công

Đáng chú ý, các chuyên gia từ NIC chia sẻ những kết quả thu thập ban đầu từ khảo sát thử nghiệm tại Cục Đầu tư nước ngoài, Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh và Cục Quản lý Đấu thầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; và Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh: Quảng Ninh, Ninh Thuận và Sở Nội vụ của tỉnh Đắk Lắk đã chỉ ra một số tín hiệu đáng mừng. Theo đó, khoảng 36% người được hỏi của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và 27% người được hỏi ở 3 tỉnh cho rằng, đơn vị mình thực hiện đổi mới sản phẩm, dịch vụ trong 2 năm qua; 55% cá nhân ở đơn vị cấp bộ và 60% cá nhân ở đơn vị cấp tỉnh cho rằng, đơn vị thực hiện đổi mới quy trình và ĐMST trên nhằm cải thiện hiệu suất, hiệu quả của đơn vị.

Bên cạnh đó, tỷ lệ nhân lực đáp ứng các yêu cầu đề xuất và thực hiện ĐMST khá cao. Đặc biệt, hơn 50% cá nhân được khảo sát đánh giá quy trình, thủ tục tiến hành ĐMST là nhanh chóng, linh hoạt. Khoảng 68,2% cá nhân được hỏi ở đơn vị cấp bộ và 35,7% cá nhân được hỏi ở đơn vị cấp tỉnh cho rằng, đơn vị mình đã có chiến lược ĐMST, chủ yếu là các chiến lược trung hạn.

Tuy nhiên, kết quả khảo sát cũng chỉ ra rằng, hoạt động ĐMST trong khu vực công vẫn còn tồn đọng những hạn chế như: đơn vị cấp tỉnh ít có ngân sách riêng, gặp khó khăn hơn về tài chính cho ĐMST và ít nhận được hỗ trợ về tài chính để thực hiện ĐMST.

Chia sẻ cụ thể về các sáng kiến triển khai đấu thầu qua mạng, ông Phạm Thy Hùng, Giám đốc Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia cho biết, hiện việc đấu thầu qua mạng được áp dụng thí điểm tại 3 cơ quan là UBND TP. Hà Nội; EVN; VNPT trước khi mở rộng phạm vi áp dụng trên cả nước. Việc áp dụng thông qua thực hiện đồng bộ các giải pháp: truyền thông đại chúng, mạng xã hội; tổ chức các hội thảo, tập huấn đào tạo (cầm tay chỉ việc); diễn đàn về đấu thầu qua mạng đến các đối tượng gồm cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu; chủ đầu tư/bên mời thầu; nhà thầu với việc từng bước tin học hoá quy trình đấu thầu lĩnh vực, các hình thức/phương thức lựa chọn nhà thầu; các mẫu hồ sơ mời thầu; loại hợp đồng, đồng thời lắng nghe thực tiễn, liên tục bổ sung chức năng mới nhằm nâng cao hiệu quả.

Đẩy mạnh ứng dụng thử nghiệm khung tiêu chí đổi với sáng tạo trong khu vực công
Ứng dụng đấu thầu qua mạng mang lại nhiều kết quả tích cực

Với việc triển khai áp dụng đấu thầu qua mạng đã bước đầu lại kết quả tích cực. Theo đó, số lượng nhà thầu đăng ký đã tăng mạnh từ 12.600 nhà thầu năm 2019 lên đến 129.281 nhà thầu năm 2021; số lượng bên mời thầu đăng ký tăng từ 4.900 lên tới 42,8 nghìn lượt trong thời gian tương ứng. Số lượng gói thầu qua mạng cũng tăng mạnh từ 1435 gói lên hơn 115,3 nghìn gói giai đoạn này, số lượng thông báo mời thầu được đăng tải cũng như số lượng kế hoạch lựa chọn nhà thầu được đăng tải cũng tăng vượt trội.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả này, ông Hùng cũng cho rằng còn một số vấn đề tồn tại cần khắc phục. Theo đó, một số tính năng của Hệ thống mới như: Mua sắm điện tử (e-Shopping Mall); Hợp đồng điện tử (e-Contract); Danh mục sản phẩm (e-Catalog); Bảo lãnh điện tử (e-Guarantee) chưa áp dụng được, do chưa được quy định trong Luật Đấu thầu hiện tại; số lượng nhà thầu tham gia còn thấp: trung bình có 1,8 nhà thầu/gói thầu đấu thầu qua mạng. Bên cạnh đó, việc chia sẻ, kết nối dữ liệu với các hệ thống công nghệ thông tin khác như: Hệ thống thông tin thuế, Kho bạc Nhà nước còn chưa thực hiện được. Do đó, ông Hùng đề xuất tiếp tục tin học hóa quy trình đấu thầu, hướng đến 100% quy trình đấu thầu thực hiện trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; đồng thời khai thác một cách hiệu quả, phân tích cơ sở dữ liệu về đấu thầu phục vụ công tác quản lý nhà nước về mua sắm công.

Chia sẻ về sáng kiến ứng dụng của tỉnh Thừa Thiên Huế, bà Lê Thị Hồng Mai – Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Tỉnh mạnh dạn đưa ra 3 sáng kiến gồm: cảnh báo sớm hành vi vi phạm cho doanh nghiệp, liên thông giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan, ứng dụng Hue-S.

Với sáng kiến cảnh báo sớm hành vi vi phạm, Tỉnh đã triển khai xây dựng phần mềm “Cảnh báo sớm các hành vi vi phạm cho doanh nghiệp” theo đó sẽ thiết lập gửi cảnh báo vi phạm bằng tin nhắn (email, tin nhắn điện thoại, tin nhắn Zalo…) cho người đại diện theo pháp luật của doanh. Từ đó, cung cấp các cảnh báo sớm nhằm giúp doanh nghiệp hạn chế và ngăn chặn các hành vi vi phạm, đồng thời giúp các cơ quan nhà nước xác định những dấu hiệu bất thường của doanh nghiệp, những lĩnh vực có rủi ro với mức độ, thang độ nhất định.

Với sáng kiến áp dụng Quy chế liên thông giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế trong giải quyết thủ tục hành chính về đăng ký hộ kinh doanh, đăng ký mã số thuế trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, đã giúp giảm đầu mối hướng dẫn, nhận hồ hơ và trả kết quả từ 2 nơi xuống thành 1 nơi duy nhất, giảm thời gian giải quyết hồ sơ từ 6 ngày xuống còn 3 ngày làm việc, giảm 2 loại thành phần hồ sơ nộp trùng giữa 2 cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế.

Cũng theo bà Mai, sáng kiến ứng dụng Hue-S được đưa vào vận hành thí điểm vào tháng 6/2018 và đưa vào hoạt động chính thức vào tháng 1/2019. Đến nay, Hue-S đã có 793.050 lượt tải ứng dụng, 17.371.225 lượt truy cập (tính riêng trong năm 2021), tiếp nhận xử lý trên 58.000 phản ánh với 226 đơn vị tham gia hệ thống xử lý. Đáng chú ý, ứng dụng đã thu hút hơn 10 tập đoàn, doanh nghiệp và tổ chức tham gia tích hợp vào hệ thống.

Trong phần toạ đàm, các khách mời là đại diện của cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức và doanh nghiệp đến tham dự chương trình đã có phần trao đổi cởi mở với các chuyên gia, nhằm hiểu rõ hơn về ĐMST tại khu vực công và Thử nghiệm khung tiêu chí ĐMST trong khu vực công. Hội thảo góp phần hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của mạng lưới ĐMST quốc gia, trong đó khu vực công là thành tố đặc biệt quan trọng./.