Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh điều này khi chủ trì Hội nghị toàn quốc về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch thời kỳ 2021-2030. Hội nghị này diễn ra ngay sau Hội nghị công bố và triển khai quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2050.

Đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch thời kỳ 2021-2030
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc đổi mới tư duy, nhận thức quản lý nhà nước về quy hoạch, đặc biệt là việc tích hợp quy hoạch và giảm bớt số lượng quy hoạch đã tăng hiệu lực và tính thống nhất của quản lý nhà nước. Ảnh: VGP

Tiến độ lập quy hoạch đang bị chậm, chưa đáp ứng được với yêu cầu thực tiễn

“Hội nghị này rất quan trọng để các bộ, ngành, địa phương nhận thức được hơn nữa tầm quan trọng của công tác quy hoạch, đặc biệt là công tác lập, thẩm định, phê duyệt các loại quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia theo quy định của Luật Quy hoạch hiện đang chậm so với tiến độ đề ra. Đây cũng là cơ hội để chúng ta rà soát các công việc, nhiệm vụ đã làm được, chưa làm được; những khó khăn, vướng mắc, nhất là các công việc, nhiệm vụ mà Quốc hội, Chính phủ giao cho các bộ, ngành, địa phương”, Thủ tướng mở đầu bài phát biểu khai mạc Hội nghị.

Thủ tướng khẳng định, thời gian qua, Trung ương, Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, nhất là thể chế, cơ chế, chính sách trong triển khai Luật Quy hoạch. Các địa phương đã nâng cao nhận thức về công tác quy hoạch, về tầm quan trọng, vị trí, vai trò của công tác quy hoạch trong phát triển kinh tế – xã hội của các ngành, địa phương.

Sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 61/2022/QH15, Chính phủ đã ban hành ngay Nghị quyết số 108/NQ-CP để giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương rà soát, xây dựng và bám sát thực hiện theo lộ trình, tiến độ và kế hoạch cụ thể đối với từng giai đoạn của quá trình lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch theo nhiệm vụ được phân công.

Tuy nhiên, Thủ tướng chỉ rõ, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, việc triển khai lập quy hoạch đang gặp một số khó khăn, vướng mắc, tiến độ lập quy hoạch đang bị chậm, chưa đáp ứng được với yêu cầu thực tiễn.

“Số lượng quy hoạch còn lại mà các bộ, ngành, địa phương phải hoàn thành trong năm 2023 là rất lớn”, Thủ tướng lưu ý.

Đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch thời kỳ 2021-2030
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, dự kiến sau hội nghị, sẽ ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đề nghị các đại biểu có ý kiến cụ thể với dự thảo Chỉ thị. (Ảnh: VGP)

58/111 quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đã thẩm định

Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, đến thời điểm hiện tại đã có 58/111 quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đã thẩm định xong (trong đó 18/111 quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt; 08/111 quy hoạch đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét nhưng chưa được phê duyệt; 32/111 quy hoạch đã thẩm định xong và đang trong quá trình hoàn thiện); 16/111 quy hoạch đang được thẩm định; 29/111 quy hoạch đang trong quá trình xây dựng dự thảo và lấy ý kiến; 07/111 quy hoạch đang lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch và 01/111 quy hoạch chưa thực hiện do không đủ điều kiện.

Hệ thống chính sách, pháp luật về quy hoạch từng bước được hoàn thiện để triển khai công tác lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch, trong đó Nghị quyết số 61/2022/QH15 và chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 108/NQ-CP có ý nghĩa quan trọng, tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc.

Thứ trưởng chỉ rõ, việc đổi mới tư duy, nhận thức quản lý nhà nước về quy hoạch, đặc biệt là việc tích hợp quy hoạch và giảm bớt số lượng quy hoạch đã tăng hiệu lực và tính thống nhất của quản lý nhà nước; tăng cường phân cấp; xóa bỏ các rào cản và điều kiện kinh doanh không cần thiết; tăng cường thu hút đầu tư và bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.

“Cùng với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, tiến độ quy hoạch đã được đẩy nhanh hơn, chất lượng quy hoạch từng bước được nâng cao hơn”, Thứ trưởng báo cáo.

Đặc biệt, Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Quốc hội thông qua có ý nghĩa quan trọng trọng việc định hình không gian phát triển dài hạn của đất nước; là cơ sở để các ngành, các vùng, các địa phương triển khai lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 đảm bảo thống nhất, đồng bộ.

Quy trình thẩm định, phê duyệt quy hoạch còn phức tạp, tốn nhiều thời gian

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành về công tác quy hoạch để đảm bảo phù hợp với Luật Quy hoạch còn chậm so với yêu cầu đề ra.

Tại Nghị quyết số 108/NQ-CP, Chính phủ đã giao các bộ, cơ quan ngang bộ nghiên cứu xây dựng, sửa đổi, bổ sung 04 nghị định và 03 thông tư có quy định liên quan đến quy hoạch. Tuy nhiên, hiện nay còn 04 nhiệm vụ chưa được triển khai.

Đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch thời kỳ 2021-2030
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành về công tác quy hoạch để đảm bảo phù hợp với Luật Quy hoạch còn chậm so với yêu cầu đề ra. Ảnh: VGP

Thứ trưởng cũng báo cáo 4 vướng mắc trong thẩm định, lập quy hoạch.

Một là, quy trình thẩm định, phê duyệt quy hoạch còn phức tạp, tốn nhiều thời gian. Theo quy định về thẩm định quy hoạch tại Nghị định số 37/2019/NĐ-CP và quy trình rà soát tổng thể quy hoạch trước khi phê duyệt tại Nghị quyết số 77/NQ-CP của Chính phủ, hồ sơ quy hoạch tỉnh phải qua 03 lần tham gia ý kiến thẩm định, rà soát của các bộ, ngành và thành viên thẩm định, bao gồm: (i) Rà soát, tham gia ý kiến thẩm định quy hoạch; (ii) Rà soát, tham gia ý kiến sau khi địa phương hoàn thiện báo cáo quy hoạch theo kết luận của Hội đồng thẩm định và (iii) Rà soát khi địa phương trình Thủ tướng phê duyệt quy hoạch.

“Bên cạnh việc bảo đảm chất lượng của quy hoạch được phê duyệt, quy trình này còn phức tạp, tốn nhiều thời gian, cần được hoàn thiện, rút gọn”, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo.

Hai là, thời gian các bộ tham gia ý kiến và thời gian cơ quan lập quy hoạch hoàn thiện quy hoạch còn chậm.

Thứ trưởng dẫn giải, đối với quy hoạch ngành quốc gia, thời gian bình quân tổ chức thẩm định quy hoạch là khoảng 190 ngày, thời gian bình quân để xem xét phê duyệt quy hoạch là 160 ngày. Đối với quy hoạch tỉnh, thời gian bình quân tổ chức thẩm định quy hoạch khoảng 100 ngày; thời gian hoàn thiện hồ sơ trình phê duyệt khoảng 100 ngày; thời gian xem xét phê duyệt quy hoạch khoảng 70 ngày… Trung bình các địa phương cần khoảng 200 ngày để tiếp thu, giải trình, hoàn thiện hồ sơ quy hoạch theo ý kiến kết luận của Chủ tịch Hội đồng thẩm định và Báo cáo thẩm định quy hoạch tỉnh.

Ngoài ra, do tính chất tính hợp, toàn diện của các quy hoạch, đặc biệt là các quy hoạch tỉnh, nên việc phối hợp, tham gia ý kiến trong quá trình lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch tỉnh là rất khó khăn, thời gian cho ý kiến thẩm định và phê duyệt quy hoạch thường kéo dài, đặc biệt là các bộ có phạm vi quản lý liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực.

“Các bộ trung bình cần 35 ngày để tham gia ý kiến thẩm định, trong đó: 03 bộ có thời gian trung bình gửi ý kiến thẩm định nhanh nhất là Bộ Tư pháp; Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Bộ Thông tin và Truyền thông (khoảng18 ngày); 5 bộ có thời gian trung bình gửi ý kiến thẩm định nhiều nhất là: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường (trên 40 ngày)”, Thứ trưởng nêu dẫn chứng.

Ba là, việc rà soát tổng thể quy hoạch tỉnh mất nhiều thời gian. Thứ trưởng cho biết, Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 08/6/2022 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2022 giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát tổng thể hồ sơ và dự thảo Quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh báo cáo Thủ tướng chính phủ trong quá trình trình phê duyệt quy hoạch làm phát sinh thêm quy trình so với quy định, nên kéo dài thời gian phê duyệt quy hoạch.

“Việc rà soát tổng thể quy hoạch tỉnh theo yêu cầu tại Nghị quyết số 77/NQ-CP liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đòi hỏi phải có sự tham gia của các bộ, ngành nên kéo dài thời gian”, Thứ trưởng chia sẻ.

Bốn là, nhiều địa phương gặp khó khăn trong cân đối nguồn lực đất đai theo chỉ tiêu sử dụng đất được phân bổ tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Trong khi đó, một số chỉ tiêu sử dụng đất chưa sát với thực tế của địa phương, chưa tạo được sự chủ động trong phát triển kinh tế – xã hội và có thể làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển đề ra trong quy hoạch.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị một số giải pháp

Để triển khai kịp thời và hiệu quả Nghị quyết số 61/2022/QH15, Nghị quyết số 108/NQ-CP của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ rà soát các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch và các luật chuyên ngành, nếu có nội dung không phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch, làm phát sinh thêm trình tự, thủ tục, cần kịp thời sửa đổi hoặc kiến nghị sửa đổi. Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy định về điều kiện, quy chuẩn kỹ thuật, chuyên ngành về quy hoạch.

Để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, để cơ bản hoàn thành trong năm 2023 trên cơ sở bảo đảm chất lượng các quy hoạch.

Đối với các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt, thì khẩn trương tổ chức công bố, công khai quy hoạch theo quy định; xây dựng, trình ban hành Kế hoạch thực hiện quy hoạch theo quy định; rà soát, chỉnh lý hồ sơ, đảm bảo thống nhất với quyết định được phê duyệt để cập nhật vào Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch theo quy định tại Điều 42 Luật Quy hoạch và quy định tại Điều 41 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP.

“Đối với các quy hoạch đã thẩm định xong, đề nghị khẩn trương hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ quy hoạch để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định. Đối với các quy hoạch đã trình thẩm định, thì khẩn trương tổ chức thẩm định theo quy định. Đối với các quy hoạch đang xây dựng hoặc đang lấy ý kiến, thì khẩn trương tập trung nguồn lực để sớm hoàn thiện hồ sơ trình thẩm định theo quy định”, Thứ trưởng đề xuất.

Xây dựng, cam kết và chịu trách nhiệm về tiến độ lập, thẩm định, trình phê duyệt quy hoạch tỉnh thuộc phạm vi quản lý, gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh tiến độ nếu cần thiết.

Về tăng cường trách nhiệm, phối hợp triển khai công tác quy hoạch, Thứ trưởng đề xuất, các bộ, cơ quan ngang bộ tập trung cho ý kiến đúng thời hạn đối với các quy hoạch, ý kiến thẩm định quy hoạch và ý kiến rà soát quy hoạch đúng thời hạn tại văn bản xin ý kiến của các bộ, ngành, địa phương và Hội đồng thẩm định gửi tới theo quy định của pháp luật về quy hoạch.

Các bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường sự phối hợp và chia sẻ thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác, thống nhất trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện định hướng quy hoạch và thực hiện chính sách liên quan để đảm bảo sự đồng bộ của các cấp quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia.

Tập trung bố trí nguồn lực, đề xuất các cơ chế, chính sách để thực hiện hiệu quả các mục tiêu quy hoạch, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030, các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của từng bộ, ngành và địa phương.

Chịu trách nhiệm việc quản lý, thanh quyết toán nguồn vốn tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư công, pháp luật về ngân sách nhà nước; chịu trách nhiệm trong việc lựa chọn nhà thầu, quản lý hợp đồng đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả và tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu.

Thường xuyên tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao năng lực của cán bộ trong công tác lập, thẩm định, thực hiện và quản lý quy hoạch.

“Để chỉ đạo triển khai hiệu quả công tác quy hoạch trong giai đoạn tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất./.