Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 5/11, Quốc hội thảo luận về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Đại biểu Quốc hội Cầm Hà Chung (Phú Thọ) cho biết, theo tờ trình, Chính phủ có đề xuất cho phép dành 5% nguồn tiết kiệm chi thường xuyên để thực hiện chính sách xóa nhà tạm, nhà dột nát. Chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát cho nhân dân rất tốt, phù hợp.
Theo Đại biểu Quốc hội Cầm Hà Chung, để tạo động lực tăng thu, đề nghị Chính phủ cần cân đối vốn ngân sách Trung ương cho các địa phương thiếu nguồn cải cách tiền lương |
“Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vấn đề này, Chính phủ cần cân nhắc. Chúng ta đề xuất giảm 5% chi thường xuyên năm 2024, nhưng bây giờ là tháng 10 rồi. Theo quy định ngày 13/11 tới đây, Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết này. Trong khi đó, địa phương đã xây dựng dự toán từ đầu năm, nhiều địa phương cơ bản đã giải ngân hết. Nếu cắt giảm 5% thì địa phương sẽ lấy nguồn ở đâu?”, ông Chung băn khoăn.
Do đó, ông đề nghị Chính phủ cân nhắc vấn đề này, đồng thời cần có cơ chế mở hơn. Nếu địa phương nào có khả năng tiết kiệm được, thì thực hiện, không thể yêu cầu đồng loạt các địa phương đều như nhau. Nếu địa phương nào đã sử dụng hết và bắt buộc tiết kiệm thì đề nghị cần xem xét.
Về quản lý, sử dụng nguồn cải cách tiền lương, theo quy định hiện hành, các địa phương dành 70% tăng thu để thực hiện cải cách tiền lương. Theo ông Chung, điều này dẫn đến có nhiều địa phương có nguồn tăng thu lớn, dư rất nhiều, nhưng chỉ sử dụng 30%, còn 70% không có cơ chế nào để sử dụng, sau đó lại hoàn lại. Đây cũng là lãng phí nguồn lực. Bên cạnh đó, có nhiều địa phương khó khăn, thậm chí là không có tăng thu, không đảm bảo được nguồn cải cách tiền lương. Do đó, để tạo động lực tăng thu, đề nghị Chính phủ cần cân đối vốn ngân sách Trung ương cho các địa phương thiếu nguồn cải cách tiền lương. Đồng thời có cơ chế cho đầu tư để sử dụng vào các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương, có cơ chế sử dụng nguồn này chứ không đóng băng hoặc để treo như vậy.
Theo Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, để giảm chi thường xuyên, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành giảm công tác phí, chi tiêu ở các hội nghị, tiếp khách |
Làm rõ vấn đề trên, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, về vấn đề tiết kiệm chi thường xuyên, thì chủ yếu là tiết kiệm ở các sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp đô thị, mua sắm, rồi chi phí công tác phí, hội nghị tiếp khách, mua sắm nhỏ, còn lương và các khoản phụ cấp từ lương thì gần không tiết kiệm được. Việc chi thường xuyên cho trả tiền lương đã chiếm tới 45%, còn lại 65% là các khoản chi khác.
“Để giảm chi thường xuyên, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, đơn vị giảm công tác phí, chi tiêu ở các hội nghị, hội thảo, tiếp khách. Trong năm nay, Chính phủ cũng đã trình là cả nước giảm tiết kiệm được khoảng 7.000 tỷ đồng chi thường xuyên.”, ông Hồ Đức Phớc cho biết.
Về thủ tục thu tiền sử dụng đất, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết, thực tiễn thủ tục này không phức tạp, mà chỉ chậm do việc xác định giá đất tiến hành chậm. Khi chưa có giá đất, thì cơ quan thuế chưa thể phát hóa đơn thu tiền sử dụng đất. Do đó, khâu xác định giá đất đang là mấu chốt vấn đề. Bên cạnh đó, tiền sử dụng đất của cả nước chiếm 45% tổng nợ thuế của cả nước, đây là nợ khó đòi, tiền phạt chậm nộp nhiều gấp nhiều lần nợ gốc. Đây là vấn đề cần được quan tâm giải quyết, tháo gỡ. |
Cũng theo Phó Thủ tướng, hiện nay, Thường trực Chính phủ đang chỉ đạo tiết kiệm chi trong đầu tư công. Trước đây, trong những năm 2009 – 2011, Chính phủ đã thực hiện việc này. Đến nay, việc này được tái khởi động lại, cụ thể là tiết kiệm từ định mức dự toán đến định mức thi công; tiết kiệm trong bảo quản, thi công, vận chuyển. Vấn đề này sẽ được đưa vào hồ sơ mời thầu để tổ chức đấu thầu.
Về vướng mắc trong chi đầu tư công, chi thường xuyên, Hồ Đức Phớc cho biết, hiện nay, có những bất cập như thiếu đất để san lấp, do theo quy định thì đất là khoáng sản, nên phải thực hiện theo quy trình chung đối với khoáng sản. Cần sửa đổi quy định cho phù hợp, hoặc nếu vẫn giữ quan điểm cũ, thì cần quy định cấp đất, cấp mỏ cho các nhà thầu thi công tuyến đường chỉ để xây dựng tuyến đường, cấm bán ra ngoài, đóng mỏ ngay sau khi hoàn tất công việc thi công. Chính phủ sẽ trình cấp có thẩm quyền để quyết định việc sửa đổi, bổ sung quy định này.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc, như các đại biểu Quốc hội phản ánh, việc phân bổ ngân sách, kế hoạch đầu tư phát triển phải được đổi mới về hình thức và cách thức. Tuy nhiên, theo luật quy định, việc phân bổ ngân sách phải có đầy đủ các thủ tục, thì mới có thể thực hiện được. Trong chi thường xuyên cũng như vậy, phải có dự toán và đơn giá định mức được duyệt.
Liên quan đến tự chủ tài chính, ông Hồ Đức Phớc cho biết, có các mức độ tự chủ khác nhau như: Tự chủ một phần, tự chủ thường xuyên, tự chủ toàn diện. Vừa qua, một số đơn vị tự chủ toàn diện như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K đã xin được tự chủ một phần, Chính phủ đã đồng tình. Đây là những bệnh viện tuyến cuối, phục vụ công tác thăm khám, chữa trị, đảm bảo sức khỏe cho nhân dân, nên cần có sự hỗ trợ. Đối với việc quản lý các loại tài sản trong đơn vị sự nghiệp công lập, Luật Quản lý sử dụng tài sản công đã có quy định cụ thể, cởi mở, cho phép liên doanh, liên kết, cho phép cho thuê, nhưng không được làm mất tài sản của nhà nước.
Việc phân bổ chi cho khoa học công nghệ cũng phải có dự toán, định mức được phê duyệt. Giải pháp sắp tới, Chính phủ sẽ có sự đổi mới về chi thường xuyên và chi đầu tư. Theo đó các tỉnh sẽ phân bổ ngân sách theo quy định. Sau đó, Bộ Tài chính sẽ kiểm tra lại…/.