Nỗ lực thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và bảo toàn vốn

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước cho biết sau khi được tiếp nhận chuyển giao về ủy ban, 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước bên cạnh việc đảm nhiệm vai trò doanh nghiệp nhà nước (DNNN) lớn trong việc góp phần bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế, vừa duy trì hoạt động SXKD và góp phần phục hồi phát triển KTXH trong bối cảnh nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 kéo dài. Theo số liệu thống kê của Ủy ban quản lý vốn nhà nước, trong giai đoạn 2016-2020, tổng doanh thu hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước thuộc quản lý của Ủy ban đạt 6.280.882 tỷ đồng, bình quân đạt 1.256.176 tỷ đồng/năm; tổng lợi nhuận trước thuế đạt 442.619 tỷ đồng, bình quân đạt 88.523 tỷ đồng/năm; Thuế và các khoản phát sinh phải nộp ngân sách đạt 978.251 tỷ đồng, bình quân đạt 195.650 tỷ đồng/năm.

Đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả 19 ông lớn tập đoàn tổng công ty nhà nước

Đối với Công ty mẹ – 19 tập đoàn, tổng công ty, Tổng doanh thu đạt 3.821.579 tỷ đồng (bình quân đạt 764.315 tỷ đồng/năm); Tổng lợi nhuận trước thuế đạt 285.608 tỷ đồng (bình quân đạt 57.121 tỷ đồng/năm); Thuế và các khoản phát sinh phải nộp ngân sách đạt 347.031 tỷ đồng (bình quân đạt 69.406 tỷ đồng/năm).Tổng nộp ngân sách của 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc ủy ban bình quân năm giai đoạn 2016-2020 duy trì tỷ trọng gần 15% tổng thu ngân sách nhà nước.

Riêng năm 2021, trong bối cảnh dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề đến tình hình hoạt động, tổng hợp kết quả SXKD năm 2021 của Công ty mẹ – 19 tập đoàn, tổng công ty ghi nhận tổng doanh thu đạt 821.295 tỷ đồng, tương đương 99% kế hoạch, bằng 108% so với năm 2020. Tổng lợi nhuận trước thuế vượt 70% kế hoạch (34.179 tỷ đồng, bằng 93% so với năm 2020). Tổng nộp ngân sách vượt 27% kế hoạch (62.443 tỷ đồng, bằng 99% so với năm 2020). Trong đó, 13/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về doanh thu; 14/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về lợi nhuận trước thuế; 14/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về nộp ngân sách; 5 tập đoàn, tổng công ty đạt lợi nhuận cao so với kế hoạch và so với năm 2020; 4 tập đoàn, tổng công ty nộp ngân sách cao so với kế hoạch và so với năm 2020. Một số tập đoàn, tổng công ty đã có nhiều nỗ lực, đạt lợi nhuận vượt trội so với những năm trước như Vinachem, VIMC, Vinacafe.

Về công tác bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước giao, năm 2020, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải hàng không, đường sắt bị ảnh hưởng do chịu tác động rất nặng nề bởi Covid-19.

Tính bình quân hàng năm giai đoạn 2016-2020, tổng tài sản hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty là 2.357.564 tỷ đồng; công ty-mẹ là 1.635.856 tỷ đồng; Vốn chủ sở hữu hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty là 1.034.290 tỷ đồng; công ty mẹ là 906.908 tỷ đồng. Tại thời điểm 31/12/2020, tổng tài sản hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty là 2.399.149 tỷ đồng, Công ty mẹ là 1.649.655 tỷ đồng, chiếm 65,3% tổng tài sản của các doanh nghiệp có vốn góp nhà nước; Tổng vốn chủ sở hữu hợp nhất là 1.081.078 tỷ đồng, Công ty mẹ là 942.435 tỷ đồng, chiếm gần 63% tổng vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp có vốn góp nhà nước. Tổng vốn chủ sở hữu của Nhà nước tại của 19 tập đoàn, tổng công ty là 1.040.043 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của các tập đoàn, tổng công ty tăng chủ yếu từ nguồn quỹ đầu tư phát triển được trích lập từ lợi nhuận sau thuế, chênh lệch đánh giá lại tài sản và thặng dư vốn thu được trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp thành viên, đơn vị phụ thuộc của các tập đoàn, tổng công ty.

Về hoạt động đầu tư, trong giai đoạn 2016-2020, tổng vốn đầu tư đã thực hiện của 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc ủy ban là 976.636 tỷ đồng, tập trung các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế như: Điện (khoảng 609 nghìn tỷ đồng, chiếm 62,3% tổng vốn đầu tư); viễn thông (khoảng 80 nghìn tỷ đồng, chiếm 8,2%); khai thác than – khoáng sản (khoảng 57 nghìn tỷ đồng, chiếm 5,8%); hạ tầng giao thông, cảng (khoảng 43 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,4%); tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí (khoảng 33 nghìn tỷ đồng, chiếm 3,4%). Trong đó, cơ cấu nguồn vốn đầu tư gồm nguồn vổn từ ngân sách nhà nước: 37.986 tỷ đồng, chiếm 3,89%; nguồn vốn chủ sở hữu: 633.060 tỷ đồng, chiếm 64,82%; nguồn vốn vay: 298.384 tỷ đồng, chiếm 30,55%; nguồn vốn khác: 7.206 tỷ đồng, chiếm 0,74%.

Còn nhiều tồn tại, hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo đánh giá của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, vẫn còn nhiều tồn tại hạn chế trong trong hoạt động của 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước chưa khắc phục được, trong đó nổi lên vẫn là hiệu quả sản xuất, kinh doanh và đóng góp của nhiều doanh nghiệp còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực được giao, chưa thật sự phát huy vai trò dẫn dắt, tạo động lực phát triển đối với nền kinh tế. Vẫn còn có doanh nghiệp không hoàn thành một số chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, kinh doanh được giao, đạt kế hoạch đầu tư phát triển thấp. Đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, một số doanh nghiệp đã gặp khó khăn, dẫn đến thua lỗ (doanh nghiệp lĩnh vực vận tải hàng không, đường sắt,….).

Việc cơ cấu lại doanh nghiệp và cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước triển khai chưa đúng kế hoạch, một số khó khăn, vướng mắc về thể chế chậm được giải quyết, nhất là thể chế định giá doanh nghiệp, sắp xếp đất đai, xử lý tồn tại tài chính… Việc lựa chọn lãnh đạo quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên còn chậm đổi mới, quy định trách nhiệm của người quản lý doanh nghiệp chưa rõ ràng; công tác cán bộ, chính sách tiền lương còn bất cập, chưa phù hợp với cơ chế thị trường.

Cơ chế quản lý và việc thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước chưa được đổi mới cho phù hợp thực tiễn, đảm bảo việc tách bạch chức năng quản lý nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước.

Liên quan việc đầu tư triển khai các dự án, đáng chú ý, giá trị thực hiện đầu tư, tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư của hầu hết các tập đoàn, tổng công ty thấp so với kế hoạch; một số dự án chậm tiến độ do phải giãn, hoãn tiến độ triển khai, thanh toán để tập trung nguồn lực ứng phó ảnh hưởng của dịch Covid-19 và các tác động khác. Một số doanh nghiệp chưa quyết liệt trong việc tìm kiếm cơ hội đầu tư, quyết định và chịu trách nhiệm về hiệu quả đối với dự án đầu tư mới. Năng lực dự báo, đánh giá hiệu quả và tính khả thi đối với các cơ hội đầu tư mới còn hạn chế. Chất lượng lập, thẩm định, phê duyệt đối với một số dự án đầu tư còn thấp; lựa chọn công nghệ chưa hợp lý; chưa đánh giá kỹ lưỡng hiệu quả kinh tế và tính khả thi của dự án.

Việc huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển của các doanh nghiệp trong thời gian qua còn nhiều bất cập, nhiều dự án (đặc biệt là các dự án nguồn điện, các dự án phát triển dầu khí, các dự án lớn) chậm tiến độ do không huy động được các nguồn vốn đầu tư, chưa thu xếp được vốn của các doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp tiến hành đầu tư dự án khi năng lực tài chính chưa đáp ứng yêu cầu, chủ yếu dựa vào vốn vay trong nước và nước ngoài làm tăng chi phí tài chính dự án và chịu rủi ro chênh lệch tỷ giá ngoại tệ.

Quy mô vốn của các ngân hàng thương mại trong nước còn hạn chế nên không đáp ứng đủ nhu cầu đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty và các dự án lớn. Trong khi đó, việc tiếp cận nguồn tín dụng ngoài nước gặp nhiều khó khăn, có nhiều điều kiện ràng buộc; nhất là việc nhiều tổ chức tín dụng ngoài nước yêu cầu khi vay phải có bảo lãnh của Chính phủ, trong khi chủ trương của Nhà nước hiện nay là các doanh nghiệp tự vay, tự trả, Chính phủ không bảo lãnh.

Hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp chủ yếu vẫn mang tính đơn lẻ, chưa có sự phối hợp, liên kết, họp tác, tận dụng thế mạnh của nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực kinh tế-kỹ thuật có liên quan để cùng thực hiện dự án lán, trọng điểm (chuỗi dự án khí-điện Lô B, Cá Voi Xanh,…).

Cơ chế quản lý các tài sản là kết cấu hạ tầng quốc gia của Nhà nước giao doanh nghiệp quản lý, khai thác chưa tạo sự chủ động trong việc đàu tư nâng cấp, phát triển tài sản nhà nước để khai thác có hiệu quả cao nhất (ACV, VNR, VEC). Hiệu quả hoạt động đầu tư ra nước ngoài chưa đạt được kỳ vọng như mục tiêu đề ra, nhiều dự án không đạt hiệu quả kinh tế.

Cần đẩy mạnh tái cơ cấu để nâng cao hiệu quả các DNNN

Tham luận ý kiến đóng góp tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp nhà nước mới đây, theo Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) Lê Minh Chuẩn, trong bối cảnh mới đặt ra cơ hội đan xen thách thức ngày càng lớn thì việc tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN là một yêu cầu tất yếu. “Giai đoạn vừa qua, cơ chế quản trị DNNN còn chậm được đổi mới, chưa phù hợp với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế; tính công khai, minh bạch còn hạn chế. Điều này dẫn tới hiệu quả sản xuất kinh doanh và đóng góp của một số DNNN còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực Nhà nước đầu tư, thậm chí một số dự án của DNNN còn thua lỗ, thất thoát vốn.

Đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả 19 ông lớn tập đoàn tổng công ty nhà nước

Ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV)

Trong bối cảnh Việt Nam tham gia sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới và khu vực; đồng thời cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã tạo ra những cơ hội và không ít thách thức đối với các DNNN; do đó đòi hỏi các DNNN cần phải tiếp tục đổi mới để nâng cao hiệu quả hoạt động của mình, đáp ứng và phù hợp với các chuẩn mực quản trị hiện đại, tiên tiến”, ông Chuẩn nêu vấn đề. Chủ tịch TKV cũng lưu ý thêm đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi căn bản đến phương pháp tổ chức sản xuất tại không ít các doanh nghiệp. Do đó, tự thân mỗi DNNN cần thay đổi tư duy về phương pháp tổ chức sản xuất cũng như tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Bên cạnh những vấn đề nội tại từ phía doanh nghiệp, ông Chuẩn cũng cho rằng một số cơ chế, chính sách ban hành chậm so với kế hoạch đề ra, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tái cơ cấu còn chưa được các cấp có thẩm quyền giải quyết kịp thời, từ đó ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của doanh nghiệp cũng như tiến độ tái cơ cấu DNNN. Dẫn thực tiễn triển khai quá trình tái cơ cấu của TKV Chủ tịch TKV cho biết từ năm 2000 đến nay, TKV đã tiến hành cổ phần hóa gần 70 doanh nghiệp thành viên các cấp. Đến giai đoạn 2015-2020, theo tiêu chí phân loại doanh nghiệp thì công ty mẹ của một số tập đoàn năng lượng thuộc diện phải cổ phần hóa trong đó nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối.

Để nâng cao hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp cần thường xuyên tái cơ cấu mô hình tổ chức, quản trị doanh nghiệp. Trong mỗi giai đoạn 5 năm, các tập đoàn/tổng công ty đều được Chính phủ phê duyệt đề án tái cơ cấu, song khi chuyển tiếp sang giai đoạn 5 năm tiếp theo thì thông thường đến năm thứ 2 hoặc thậm chí giữa giai đoạn mới có quyết định phê duyệt đề án. Do đó, công tác sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn của TKV trong những năm đầu giai đoạn 2021-2025 bị “đóng băng”.

Xuất phát từ tình hình thực tiễn hiện nay, để đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu doanh nghiệp, ông Chuẩn nêu đề xuất của TKV đề nghị các bộ ngành xem xét tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, trao quyền chủ động hơn cho doanh nghiệp gắn với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực trong cơ cấu lại DNNN, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đặc biệt, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về thoái vốn, cổ phần hoá, nhất là khâu định giá, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, hợp nhất, sáp nhập, giải thể doanh nghiệp để tạo sự đồng bộ của Luật Doanh nghiệp và Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Đồng thời, cần có cơ chế để tăng cường sự phối hợp có hiệu quả giữa cơ quan đại diện chủ sở hữu với các bộ, ngành, địa phương trong giải quyết các đề xuất của doanh nghiệp trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.

Đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả 19 ông lớn tập đoàn tổng công ty nhà nước

Ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam

Đề cập vai trò “sếu đầu đàn”, dẫn dắt trong nền kinh tế của các DNNN, ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho rằng để tiếp tục giữ vai trò nòng cốt, dẫn dắt trong nền kinh tế, Chính phủ cần xây dựng chính sách phát triển, định hướng sắp xếp đổi mới doanh nghiệp cho phù hợp, đồng thời có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp nhà nước thực hiện vai trò dẫn dắt, mở đường; đẩy nhanh phân cấp, phân quyền cho các doanh nghiệp nhà nước trong các hoạt động sản xuất kinh doanh và trong công tác sắp xếp đổi mới doanh nghiệp; và đẩy nhanh lộ trình phát triển nền kinh tế số, trong đó có các doanh nghiệp nhà nước cần đẩy mạnh sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp, triển khai chuyển đổi số và giữ vai trò dẫn dắt trong xây dựng hạ tầng kỹ thuật số…

Đặc biệt, về đảm bảo an ninh năng lượng, EVN kiến nghị giao các tập đoàn kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo về năng lượng và làm nòng cốt dẫn dắt trong đầu tư phát triển hạ tầng năng lượng, dịch chuyển năng lượng. Trong đó, xây dựng cơ chế, chính sách dài hạn trong đầu tư phát triển hạ tầng năng lượng theo hướng đa dạng hoá hình thức đầu tư và khuyến khích các thành phần kinh tế tư nhân tham gia đầu tư các dự án điện phù hợp định hướng Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị. Tập trung đầu tư xây dựng các dự án năng lượng lớn như hạ tầng năng lượng, các dự án quan trọng đảm bảo an ninh quốc phòng, dự án điện gió ngoài khơi, tàu nổi LNG../.