Từ khóa: đầu tư trực tiếp nước ngoài, EVFTA, xuất khẩu, linh kiện điện tử
Summary
In recent years, foreign direct investment (FDI) from Korea into Vietnam has grown quite strongly, especially in electronic components. However, there are only a few studies examining the relationship between FDI from Korea and export turnover of this product, as well as the impact of the Vietnam-EU Free Trade Agreement (EVFTA). This article proposes a research model to evaluate the impact of FDI from Korea into Vietnam on the export turnover of electronic components in the landscape of EVFTA implementation using a gravity model. The authors wish to contribute to theoretical and practical foundations on the role of FDI and EVFTA in Vietnam’s foreign trade, as well as provide a scientific basis for future research on this topic.
Keywords: foreign direct investment, EVFTA, export, electronic components
GIỚI THIỆU
Trong những năm gần đây, dòng vốn FDI từ Hàn Quốc không chỉ có số lượng vốn lớn, mà còn hướng đúng vào mục tiêu chiến lược thu hút FDI công nghệ cao của Việt Nam. Có thể nhận định rằng, Hàn Quốc là đối tác đầu tư phù hợp cho mục tiêu thu hút đầu tư có chất lượng đáp ứng về góc độ tài chính, tạo việc làm, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững của Việt Nam thời kỳ đổi mới.
Trong thời đại số hóa và công nghiệp hóa, linh kiện điện tử là “trái tim” của nhiều sản phẩm công nghệ, đặc biệt là hàng hóa công nghệ cao và được Chính phủ Việt Nam ưu tiên trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Theo Quy hoạch công nghiệp điện tử của Việt Nam giai đoạn 2016-2020, tăng trưởng của ngành điện tử trong giai đoạn 2016-2020 đạt 23,8%/năm; tầm nhìn năm 2030 đạt 19-21%/năm. Xuất khẩu của ngành điện tử của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng bình quân cao nhất thế giới ở mức 13,9% trong giai đoạn 2016-2020. Những năm trở lại đây, EVFTA đã tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam, bao gồm cả linh kiện điện tử. Tổng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang EU trong giai đoạn từ tháng 8/2020 đến tháng 7/2022 đạt 83,4 tỷ USD, bình quân 41,7 tỷ USD mỗi năm (Minh Dũng, 2022). Con số này thể hiện mức tăng 24% kim ngạch mỗi năm so với giai đoạn 2016-2019, phần lớn nhờ vào sự gia tăng ưu đãi thuế quan EVFTA. Việt Nam đứng thứ 11 trong các nước cung ứng hàng hóa cho EU, đang đứng vị trí đối tác thương mại thứ 16 của EU và là đối tác thương mại lớn nhất của EU trong khối ASEAN. Vì vậy, việc nghiên cứu và đánh giá tác động của dòng vốn FDI từ Hàn Quốc đến kim ngạch xuất khẩu mặt hàng linh kiện điện tử của Việt Nam trong bối cảnh thực thi EVFTA trở nên thực sự cấp thiết cho mục tiêu phát triển bền vững của ngành công nghiệp linh kiện điện tử Việt Nam hiện nay.
CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ CÁC GIẢ THUYẾT NGHIÊN CỨU
Ảnh hưởng của FDI đến kim ngạch xuất khẩu
Nghiên cứu của Elsevar Ibadov và cộng sự (2019) đã điều tra tác động của FDI đến xuất khẩu trong trường hợp của Jordan. Thông qua việc sử dụng giới hạn độ trễ phân phối tự hồi quy và phương pháp đồng liên kết thử nghiệm đối với dữ liệu từ năm 1980 đến năm 2018, nhóm tác giả đã đưa ra kết quả rằng có mối quan hệ lâu dài giữa các biến. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu đã chứng minh tác động tích cực và có ý nghĩa thống kê của FDI vào xuất khẩu trong dài hạn, kết quả ước tính chỉ ra rằng, 1% FDI tăng làm xuất khẩu tăng 0,13%.
Bằng phương thức sử dụng Mô hình sai số hiệu chỉnh Vector để nghiên cứu mối quan hệ giữa dòng vốn FDI và xuất khẩu từ năm 1980 đến năm 2010 trong trường hợp của Ấn Độ, Sultan và cộng sự (2013) đã cho thấy, FDI và xuất khẩu có một mối quan hệ dài hạn ổn định. Trước đó cũng đã xuất hiện những nghiên cứu quốc tế về tác động lan tỏa của FDI và xuất khẩu, mà nổi bật là Sajid Anwar và cộng sự (2010) khi sử dụng phân tích về vấn đề này đối với Việt Nam để làm minh chứng cụ thể cho tác động tích cực của vốn FDI đến sự phát triển của xuất khẩu. Từ đó, giả thuyết nghiên cứu được đề xuất như sau:
H1: FDI của Hàn Quốc sang Việt Nam ảnh hưởng tích cực tới Kim ngạch xuất khẩu linh kiện điện tử của Việt Nam.
Ảnh hưởng của FTA đến kim ngạch xuất khẩu
Ảnh hưởng của FTA đến xuất khẩu luôn là một đề tài quan trọng trong chặng đường nghiên cứu nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế quốc tế. Peter Egger và Michael Pfaffermayr (2015) đã sử dụng mô hình trọng lực để nghiên cứu tác động của các FTA đối với xuất khẩu của các quốc gia. Kết quả của nghiên cứu này chỉ ra rằng, FTA có tác động tích cực đáng kể đối với xuất khẩu của các nước tham gia.
Ahmed Hannan (2016) đã sử dụng phương pháp kiểm soát tổng hợp (SCM) để phân tích ảnh hưởng của các hiệp định thương mại trong giai đoạn 1983-1995 cho 104 cặp nước. Nghiên cứu chỉ ra rằng, các FTA có thể tạo ra những lợi ích đáng kể, trung bình là một sự tăng trưởng của xuất khẩu lên đến 80 điểm % trong vòng 10 năm. Lợi ích này càng cao hơn khi các nước mới nổi có FTA với các nước phát triển. Tác giả cũng chỉ ra rằng, tất cả các nước trong NAFTA đều có lợi từ FTA này. Một nghiên cứu khác của Nicita và Saygili (2021) đã sử dụng một mô hình kinh tế lượng để khảo sát ảnh hưởng của các hiệp định thương mại khu vực (RTA) đến khả năng phục hồi của thương mại trong đại dịch Covid-19. Tác giả đã phát hiện ra rằng, thương mại trong các RTA đã chịu ảnh hưởng ít hơn so với thương mại toàn cầu trong năm 2020.
Cũng phân tích về ảnh hưởng của các FTA đến kim ngạch xuất – nhập khẩu hàng hóa của 16 nước Đông Á giai đoạn 1990-2010, Misa Okabe và Cộng sự (2014) cho thấy, các FTA có ảnh hưởng tích cực và có ý nghĩa thống kê đến kim ngạch xuất – nhập khẩu hàng hóa của các nước Đông Á. Nhóm tác giả cũng nhận thấy rằng, các FTA có ảnh hưởng lớn hơn đến kim ngạch xuất – nhập khẩu của các hàng hóa có giá trị cao, như: máy móc và thiết bị điện tử so với các hàng hóa có giá trị thấp, như: nông sản và khoáng sản.
Xét về khía cạnh nghiên cứu trong nước, Nguyễn Thị Thanh Huyền và cộng sự (2018) đã sử dụng mô hình trọng lực để phân tích ảnh hưởng của việc gia nhập WTO đến kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đến 15 thị trường lớn nhất trong giai đoạn 2000-2015. Kết quả cho thấy rằng, việc gia nhập WTO có ảnh hưởng tích cực và có ý nghĩa thống kê đến kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Nhóm tác giả cũng chỉ ra rằng, linh kiện điện tử là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, chiếm khoảng 25% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào năm 2015.
Từ những bằng chứng trên, có thể giả định rằng, EVFTA sẽ có ảnh hưởng tích cực đến xuất khẩu linh kiện điện tử của Việt Nam, bằng cách tạo ra những điều kiện thuận lợi hơn cho việc tiếp cận thị trường EU, tăng cường năng lực cạnh tranh và sản xuất của ngành này và góp phần vào sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sau đại dịch Covid-19. Như vậy, giả thuyết nghiên cứu được đưa ra như sau:
H2: EVFTA có ảnh hưởng tích cực đến Kim ngạch xuất khẩu linh kiện điện tử của Việt Nam.
Các yếu tố vĩ mô ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu (kim ngạch xuất khẩu linh kiện điện tử)
Mối liên hệ giữa GDP của Việt Nam và EU với kim ngạch xuất khẩu
S. Ederveen và cộng sự (2010) đã sử dụng mô hình trọng lực để phân tích ảnh hưởng của GDP của nước xuất khẩu và nước nhập khẩu đến kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của 25 nước OECD trong giai đoạn 1980-2003. Kết quả cho thấy rằng GDP của cả hai nước đều có ảnh hưởng tích cực và có ý nghĩa thống kê đến kim ngạch xuất khẩu hàng hóa. Nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy rằng các yếu tố khác, như: thuế quan, khoảng cách, sự tương đồng văn hóa, và tham gia vào các FTA cũng có ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu hàng hóa.
Trong một nghiên cứu khác của Oluwatosin Adeniyi và cộng sự (2019), các tác giả sử dụng mô hình trọng lực để phân tích ảnh hưởng của GDP của nước xuất khẩu và nước nhập khẩu đến kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Nigeria đến 10 thị trường lớn nhất trong giai đoạn 1981-2016. Kết quả cho thấy rằng, GDP của cả hai nước đều có ảnh hưởng tích cực và có ý nghĩa thống kê đến kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Nigeria. Nhóm tác giả cũng chỉ ra rằng các yếu tố khác, như: tỷ giá hối đoái, dầu thô và chính sách thương mại cũng có ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Nigeria.
Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có GDP tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực và thế giới. Việt Nam đã phát triển thành một trung tâm sản xuất linh kiện điện tử cho các tập đoàn lớn, như: Samsung, LG, Intel… Việt Nam cũng đã thu hút được nhiều FDI vào ngành này, tạo ra những liên kết phụ thuộc trong chuỗi giá trị toàn cầu. Do đó, Việt Nam hoàn toàn có khả năng xuất khẩu linh kiện điện tử cao hơn khi GDP trong nước và GDP của khu vực EU tăng.
H3: GDP Việt Nam có tác động thuận chiều đến Kim ngạch xuất khẩu linh kiện điện tử của Việt Nam.
H4: GDP toàn cầu có tác động thuận chiều đến Kim ngạch xuất khẩu linh kiện điện tử của Việt Nam.
Mối liên hệ trong khoảng cách giữa hai nước xuất khẩu và nhập khẩu với kim ngạch xuất khẩu
David Hummels và Alexandre Skiba (2004) đã sử dụng dữ liệu thương mại quốc tế của 130 nước trong giai đoạn 1990-1998 để ước lượng ảnh hưởng của khoảng cách đến kim ngạch xuất nhập khẩu của các mặt hàng nông nghiệp và công nghiệp. Kết quả cho thấy rằng, khoảng cách có ảnh hưởng tiêu cực và có ý nghĩa thống kê đến kim ngạch xuất – nhập khẩu của cả hai loại hàng hóa. Tuy nhiên, ảnh hưởng này khác nhau tùy theo giá trị của hàng hóa: các hàng hóa có giá trị cao sẽ bị ảnh hưởng ít hơn bởi khoảng cách so với các hàng hóa có giá trị thấp. Tác giả cho rằng, điều này là do chi phí vận chuyển chiếm một tỷ lệ nhỏ hơn trong tổng chi phí của các hàng hóa có giá trị cao.
Bằng phương pháp sử dụng mô hình trọng lực, Yoon Heo và Soonchan Park (2012) sau khi phân tích ảnh hưởng của sự tương đồng văn hoá đến kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của 21 nước OECD trong giai đoạn 1995-2007 đã chỉ ra rằng, sự tương đồng văn hoá có ảnh hưởng tích cực và có ý nghĩa thống kê đến kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa. Hay trong một nghiên cứu khác của Raluca E. Buia (2013), tác giả đã chứng minh khoảng cách văn hóa và địa lý có ảnh hưởng tiêu cực đến kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của 27 nước EU trong giai đoạn 2000-2010.
H5: Khoảng cách địa lý và văn hóa giữa quốc gia xuất khẩu và nhập khẩu có tác động nghịch chiều đến Kim ngạch xuất khẩu linh kiên điện tử của Việt Nam.
Mối liên hệ giữa thuế quan và các rào cản phi thuế quan với tình hình xuất khẩu
Sau khi tổng quan về các loại và xu hướng của các rào cản phi thuế quan trong thương mại quốc tế, cũng như các tác động kinh tế và chính sách của chúng, Bernard Hoekman (2015) nhấn mạnh rằng, các rào cản phi thuế quan có thể có những mục tiêu như bảo vệ sức khỏe, môi trường, an ninh… Tác giả đề xuất một số biện pháp để giảm thiểu các ảnh hưởng tiêu cực của các rào cản phi thuế quan, như: tăng cường minh bạch, hợp tác kỹ thuật, và thương lượng đa phương.
Nghiên cứu của M. A. Hossain và Cộng sự (2021) về “Ảnh hưởng của Covid-19 đối với luồng thương mại để đo lường tác động của rào cản thương mại và các biện pháp phòng chống dịch” đã sử dụng mô hình hồi quy bình phương tối thiểu động (DOLS) để phân tích dữ liệu của 10 quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới trong giai đoạn 2019-2020. Kết quả cho thấy rằng, đại dịch Covid-19 đã gây ra sự sụt giảm đáng kể về kim ngạch xuất khẩu của các quốc gia này, và rào cản thương mại như thuế quan, rào cản phi thuế quan và các biện pháp phòng chống dịch đã làm tăng thêm sự sụt giảm này.
H6: Rào cản thương mại có ảnh hưởng nghịch chiều đến Kim ngạch xuất khẩu linh kiện điện tử của Việt Nam
ĐỀ XUẤT MÔ HÌNH NGHIÊN CỨU
Từ các giả thuyết nói trên, nhóm tác giả xây dựng mô hình nghiên cứu được biểu diễn như sau:
XKijt = ꞵ0 + ꞵ1FDIit + ꞵ2FTAjt + ꞵ3GDPit + ꞵ4GDPjt + ꞵ5DISTij + ꞵ6TQijt + ꞵ7RCPTQijt + ℇijt
Trong đó:
XKijt – kim ngạch xuất khẩu mặt hàng linh kiện điện tử của Việt Nam i sang nước nhập khẩu j trong năm t
FDIit – vốn FDI từ Hàn Quốc vào Việt Nam trong năm t
FTAjt – biến đếm số lượng FTA có sự tham gia của Việt Nam trong năm t
GDPit – GDP của Việt Nam trong năm t
GDPjt – GDP của nước nhập khẩu j trong năm t
DISTij – khoảng cách giữa hai nước i và j
TQijt – thuế quan trung bình áp dụng cho mặt hàng linh kiện điện tử giữa hai nước i và j trong năm t
RCPTQijt – là các rào cản phi thuế quan trung bình áp dụng cho mặt hàng linh kiện điện tử giữa hai nước i và j trong năm t
ℇijt – sai số ngẫu nhiên
Mô hình nghiên cứu đề xuất được xây dựng như Hình.
Hình: Mô hình nghiên cứu đề xuất
Nguồn: Nhóm tác xây dựng |
KẾT LUẬN
Kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả cho thấy, kim ngạch xuất khẩu linh kiện điện tử của Việt Nam bị ảnh hưởng bởi 6 yếu tố như: (1) FDI của Hàn Quốc vào Việt Nam; (2) EVFTA; (3) GDP Việt Nam; (4) GDP EU; (5) Khoảng cách giữa quốc gia xuất khẩu và nhập khẩu; (6) Rào cản thương mại.
Nghiên cứu trên cũng đã đề xuất mô hình nghiên cứu ảnh hưởng của FDI từ Hàn Quốc vào Việt Nam đến kim ngạch xuất khẩu mặt hàng linh kiện điện tử của Việt Nam trong bối ảnh thực thi Hiệp định EVFTA. Mô hình này sẽ là tiền đề để nhóm tác giả tiến hành khảo sát và kiểm định cũng như phân tích các nhân tố, từ đó giúp tăng trưởng ngành linh kiện điện tử nói riêng và thương mại quốc tế Việt Nam nói chung./.
Tài liệu tham khảo
1. Ahmed Hannan (2016), The impact of trade agreements: New approach, new insights, IMF Working Papers, 16/117.
2. Bernard Hoekman (2015), Regulatory Cooperation: Lessons from the WTO and the World Trade Regime, Policy Options Paper, 7-12.
3. David Hummels, Alexandre Skiba (2004), Shipping the good apples out? An empirical confirmation of the Alchian-Allen conjecture, Journal of Political Economy, 112(6), 1384-1402.
4. Elsevar Ibadov et al (2019), The impact of foreign direct investment on exports in Jordan: An empirical analysis, Journal of International Studies, 24, 38-47.
5. M. A. Hossain et al (2021), Impact of COVID-19 on trade flows to measure the impact of trade barriers and containment measures, Journal of International Trade and Economic Development, 30(1), 1-23.
6. Minh Dũng (2022), Kim ngạch xuất khẩu sang EU đạt 83,4 tỷ USD sau 2 năm thực thi EVFTA, truy cập từ https://nhandan.vn/kim-ngach-xuat-khau-sang-eu-dat-834-ty-usd-sau-2-nam-thuc-thi-evfta-post724180.html.
7. Misa Okabe et al (2014), Free Trade Agreements and Trade in Value Added: An East Asian Perspective, Asian Development Bank Institute Working Paper Series, No. 499.
8. Nguyễn Thị Thanh Huyền và cộng sự (2018), Ảnh hưởng của việc gia nhập WTO đến kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, Tạp chí Khoa học Tài chính kế toán, 25, 45-50.
8. Nicita, Saygili (2021), Trade agreements and trade resilience during COVID-19 pandemic, UNCTAD Research Paper Series, Chapter 4, 7-13.
9. Oluwatosin Adeniyi et al (2019), Remittances and output growth volatility in developing countries: Does financial development dampen or magnify the effects, Empirical Economics, 46, 865-882.
10. Peter Egger, Michael Pfaffermayr (2015), A structural estimation of gravity models with path-dependent market entry, Canadian Journal of Economics, 45, 1450-1487.
11. Raluca E. Buia (2013), Cultural and Geographic Distance Impact on Trade in EU Countries, Procedia Economics and Finance, 78, 86-93.
12. Sajid Anwar et al (2010), Foreign direct investment and trade: The case of Vietnam, Research in International Business and Finance, 44, 39-52.
13. S. Ederveen et al (2010), The Effect of FDI and other Foreign Capital Inflows on Growth and Investment in Central and Eastern Europe, The World Economy, 44, 139-163.
14. Sultan, Z. A., Haque, M. I. (2013), Impact of FDI on export performance in India: An empirical investigation, International Journal of Economics and Finance, 5(7), 148-158.
15. 16. Yoon Heo, Soonchan Park (2012), Cultural Affinity, Political Ties, and Endogenous Regional Trade Agreements, The World Economy, 28, 13-31.
TS. Đặng Xuân Huy, Lê Thúy Hằng, Nguyễn Hà Anh, Trần Thu Hiền
Trường Đại học Thương mại
(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 02, tháng 01/2024)