Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, sáng nay, ngày 30/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Góp ý cho dự thảo Luật, Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Phước (Kon Tum), hiện nay, trên không gian mạng đang có nhiều hiện tượng lợi dụng, lừa đảo trong giao dịch điện tử. Để giảm thiểu tình trạng nguy hiểm này, bảo đảm quyền lợi của người thực hiện giao dịch, cũng như môi trường giao dịch lành mạnh, dự thảo Luật cần bổ sung quy định trách nhiệm của các nhà cung cấp, các nền tảng trung gian trong giao dịch điện tử đối với các hành vi vi phạm pháp luật trên nền tảng số; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có liên quan trong việc xác minh, làm rõ, giám sát, xử lý các vi phạm để đảm bảo giao dịch trên môi trường số an toàn, lành mạnh.

Đề xuất “thuốc trị” lừa đảo trong giao dịch điện tử
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Phước (Kon Tum) đề xuất, dự thảo Luật cần có quy định áp dụng hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an làm tiêu chuẩn chung cho giao dịch trên môi trường điện tử, trong giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến

Theo Đại biểu Quốc hội Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa), tại Điều 12, Điều 14, Điều 22 của dự thảo Luật quy định giá trị của thông điệp dữ liệu chứng thư điện tử trong một số trường hợp theo hướng dẫn chiếu đến các quy định pháp luật khác có liên quan. Tuy nhiên, hiện tại các quy định pháp luật về công chứng, chứng thực, tố tụng và chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự chưa có quy định dành cho việc công chứng, chứng thực thông điệp dữ liệu, sử dụng thông điệp dữ liệu làm chứng cứ hợp pháp hóa lãnh sự, chứng thực một chứng thư điện tử.

Trước thực trạng trên, ông Thịnh đề nghị nên cân nhắc, xem xét cần thiết phải sửa đổi quy định ở cấp độ các bộ luật, luật hay chỉ cần ban hành quy định sửa đổi, bổ sung hướng dẫn ở cấp độ nghị định có liên quan đến công chứng, chứng thực thông điệp dữ liệu, sử dụng thông điệp dữ liệu làm chứng cứ hay hợp pháp hóa lãnh sự, chứng thực lãnh sự một chứng thư điện tử.

Để quy định ban hành được nhanh chóng áp dụng trên thực tế, cơ quan soạn thảo có thể tham vấn thêm ý kiến của các cơ quan quản lý chuyên ngành như Bộ Tư pháp, cũng như nghiên cứu các quy định từ các nước đã áp dụng việc công chứng thông điệp dữ liệu để quy định một cách cụ thể hơn về vấn đề này. Đề nghị ban soạn thảo rà soát rõ chủ thể có quyền chuyển đổi giữa văn bản giấy và thông điệp dữ liệu.

Đề xuất “thuốc trị” lừa đảo trong giao dịch điện tử
Theo Đại biểu Quốc hội Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa), về hình thức của chữ ký điện tử, dự thảo Luật quy định chỉ bao gồm một trong 3 loại là có phần chưa sát thực tiễn giao kết giao dịch trên môi trường điện tử

Ông Thịnh phân tích, theo dự thảo Luật, hình thức của chữ ký điện tử chỉ bao gồm một trong 3 loại: Chữ ký điện tử chuyên dùng, chữ ký số công cộng, chữ ký số chuyên dùng công vụ. Quy định này có phần chưa sát thực tiễn giao kết giao dịch trên môi trường điện tử.

Trên thực tế có 3 loại chữ ký điện tử được sử dụng phổ biến: Chữ ký số (có giá trị pháp lý và độ an toàn cao nhất được tổ chức chứng thực chữ ký); chữ ký scan (đặc biệt thông dụng trong các hợp đồng liên quan đến giao dịch đa quốc gia có yếu tố nước ngoài về mặt chủ thể); chữ ký hình ảnh (được sử dụng nhiều trong trường hợp trong hợp đồng có giá trị không lớn nhưng được ký nhiều lần và lặp đi lặp lại).

Đối chiếu với dự thảo Luật Giao dịch điện tử sửa đổi lần này, ông Thịnh cho rằng chữ ký scan và chữ ký hình ảnh dường như không thể xếp vào bất kỳ loại chữ ký điện tử nào quy định tại Điều 25. Do đó, giá trị pháp lý cho hai loại chữ ký này có thể không được công nhận. Tuy nhiên, hai loại chữ ký này tương đối phổ biến và áp dụng nhiều trong thực tiễn. Do đó, đề nghị nếu chữ ký điện tử đáp ứng đủ các điều kiện để đảm bảo chữ ký an toàn, giá trị pháp lý của các loại chữ ký điện tử, ngoài chữ ký số thì nên được công nhận.

Cùng mối quan tâm, theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương), dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ là dịch vụ công quan trọng đặc thù do đối tượng sử dụng dịch vụ là công chức, viên chức nhà nước. Lĩnh vực quản lý về chữ ký số chuyên dùng công vụ và quản lý về chữ ký số chuyên dùng công cộng là 2 lĩnh vực riêng biệt có đặc thù khác nhau về đối tượng, mục tiêu, phương thức quản lý hạ tầng kỹ thuật. Do vậy, khi quy định đối với cơ quan quản lý nhà nước về chữ ký số chuyên dùng công vụ cần cân nhắc kỹ lưỡng, không nhất thiết cứng nhắc bắt buộc phải tách bạch về quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ…/.