Nhiều tồn tại

Báo cáo thẩm tra về dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 – 2025), vừa được Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày tại Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội, theo Văn phòng Quốc hội.

Đánh giá kết quả thực hiện Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2011-2020, Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015 và 2016-2020) quốc gia, ông Thanh cho biết, thời gian qua, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã phát huy vai trò quan trọng trong việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai; nguồn thu từ đất đai đóng góp quan trọng cho ngân sách nhà nước…

Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất còn tuỳ tiện
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, một số tỉnh chậm trễ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020… Ảnh: Quốc hội

“Tuy nhiên, nhiều vấn đề tồn tại, bức xúc chưa được đề cập một cách đầy đủ như: vấn đề chất lượng quy hoạch, việc điều chỉnh quy hoạch nhiều lần, có những trường hợp điều chỉnh còn tùy tiện, theo lợi ích của nhà đầu tư; một số tỉnh, thành phố chậm trễ trong việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 – 2020)…”, ông Thanh cho hay.

Trước thực trạng trên, Ủy ban Kinh tế đề nghị phân tích rõ hơn nguyên nhân không đạt được chỉ tiêu để rút ra bài học kinh nghiệm, nhất là các chỉ tiêu đạt dưới 50% như: đất khu công nghiệp; đất xây dựng cơ sở thể dục, thể thao; đất có di tích lịch sử – văn hóa, danh thắng; đất bãi thải, xử lý chất thải.

Cần làm rõ nhiều nội dung

Về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) quốc gia, ông Thanh cho biết, theo quy định tại Điều 6 của Luật Quy hoạch, Quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia, nhưng hiện Quy hoạch tổng thể quốc gia chưa được phê duyệt. Sau khi quy hoạch được quyết định hoặc phê duyệt, nếu có mâu thuẫn thì quy hoạch thấp hơn phải điều chỉnh theo quy hoạch cao hơn.

Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Điều 63 của Luật Đất đai quy định kế hoạch sử dụng đất cấp huyện là một trong những căn cứ để thu hồi đất. Vì vậy, để có đầy đủ căn cứ thực hiện thu hồi đất, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất giữa các quy hoạch, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương khẩn trương hoàn thiện và trình phê duyệt quy hoạch tỉnh.

Về đất trồng lúa, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, quy hoạch đất trồng lúa đã cơ bản bám sát Kết luận số 81-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị. Trên thực tế ở một số nơi, việc sử dụng đất trồng lúa để trồng các cây khác hoặc nuôi trồng thủy sản đang diễn ra và về mặt kinh tế có thể hiệu quả hơn. Tuy nhiên, đất chuyên trồng lúa là loại đất đặc biệt có đặc trưng riêng về thành phần lý hóa tính, cùng với hệ thống thủy lợi được đầu tư rất lớn, trong thời gian dài. Do đó, việc chuyển đổi đất chuyên trồng lúa sang sử dụng cho các mục đích nông nghiệp khác phải đi kèm điều kiện không hủy hoại các đặc trưng cơ bản nhất của đất lúa (tầng canh tác; hệ thống thủy lợi; không làm ô nhiễm, thoái hóa đất…). Khi đã sử dụng đất lúa cho mục đích phi nông nghiệp hoặc đất nông nghiệp khác, thì không dễ chuyển đổi trở lại thành đất lúa.

“Để có cơ sở xem xét đề xuất cho phép quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội về tình hình chuyển đổi trở lại đất trồng lúa sau khi đã chuyển sang cây trồng khác giai đoạn 2011-2020, đồng thời cần xác định nguyên tắc, tiêu chí cho phép chuyển đổi, khu vực có thể chuyển đổi, khu vực không cho chuyển đổi…”, ông Thanh cho biết.

Liên quan đến chỉ tiêu cụ thể về đất rừng phòng hộ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, các vùng bị giảm diện tích đất rừng phòng hộ là vùng Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung và vùng Đông Nam Bộ, trong khi đây là những địa bàn chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ hằng năm, rất cần củng cố và mở rộng phát triển diện tích rừng phòng hộ. Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ làm rõ nội dung này./.