THỰC TRẠNG ĐIỀU HÀNH CHÍNH SÁCH TÀI CHÍNH, TIỀN TỆ NĂM 2021

Tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, ngày 01/01/2021 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, Chính phủ yêu cầu điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, bảo đảm an toàn hệ thống; phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Bám sát phương châm hành động của Chính phủ năm 2021: “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng và phát triển”, chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ đã được tham mưu, điều hành chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng. Để ứng phó với đại dịch Covid-19, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, cùng với các chính sách kinh tế, chính sách tiền tệ, nhiều giải pháp thu, chi ngân sách của chính sách tài khóa đã được ban hành, triển khai, không chỉ trong việc đảm bảo nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch và đảm bảo an sinh xã hội, mà còn hỗ trợ duy trì, phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và kích cầu tiêu dùng trong nước, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Theo đó, điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ năm 2021 đã ghi nhận những điểm nổi bật như sau:

(i) Chính sách tài khóa được điều hành chủ động, tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân ứng phó với dịch bệnh; đảm bảo nguồn kinh phí cho các công tác phòng, chống dịch Covid-19

Các chính sách đã ban hành như: gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất năm 2021; tiếp tục thực hiện giảm mức thu phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội; giảm tiền thuê đất cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19; tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh…

Chi ngân sách nhà nước năm 2021 tập trung ưu tiên cho phòng, chống dịch Covid-19. Ngoài nhiệm vụ chi đầu tư và chi thường xuyên theo dự toán Nghị quyết của Quốc hội, các nhiệm vụ chi tập trung ưu tiên cho phòng, chống dịch, nỗ lực cao nhất để kiểm soát dịch bệnh và đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân. Đối với chi đầu tư phát triển, luôn được bảo đảm đủ nguồn lực để thực hiện, nhằm tạo động lực kích thích và duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế.

(ii) Chính sách tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt, thận trọng, nhằm ổn định thị trường tiền tệ, kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế

Các giải pháp, chính sách đã ban hành: điều chỉnh giảm các mức lãi suất với tổng mức giảm 1,5-2,0%/năm đối với lãi suất điều hành giúp cho lãi suất huy động và cho vay giảm; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ; tái cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; miễn giảm phí dịch vụ thanh toán (phí chuyển tiền, giao dịch…); tiếp tục nghiên cứu hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh…

Trong năm 2021, mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm so với năm 2020. Tỷ giá, thị trường tiền tệ, ngoại tệ ổn định, thanh khoản thông suốt. Tín dụng tăng ngay từ đầu năm 2021 và cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm 2020, đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh, góp phần phục hồi kinh tế.

Điều hành chính sách tài chính, tiền tệ: Nhìn lại năm 2021 và kiến nghị giải pháp cho năm 2022
Trong năm 2021, mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm so với năm 2020

(iii) Chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ đã được phối hợp chặt chẽ để ứng phó với các vấn đề phát sinh do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đồng thời vẫn thực hiện được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, duy trì, phục hồi sản xuất, kinh doanh

Các cân đối vĩ mô năm 2021 được đảm bảo, đã thực hiện cơ cấu lại ngân sách nhà nước, nợ công; kiểm soát chặt chẽ bội chi, nợ công, phát triển thị trường vốn cùng với việc kiểm soát tốc độ tăng cung tiền, tín dụng, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng… Qua đó, đã góp phần quan trọng trong việc lành mạnh hóa nền tài chính quốc gia, hạn chế lạm phát kỳ vọng, kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4%/năm, giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay, củng cố giá trị đồng nội tệ, ổn định tỷ giá, khuyến khích đầu tư và xuất khẩu, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế…

Với sự phối hợp đồng bộ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, các doanh nghiệp có thêm nguồn vốn với chi phí rẻ hơn, đồng thời tiết giảm được các loại phí, lệ phí và chi phí thuế, duy trì được dòng tiền để tiếp tục duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh.

Về chính sách tài khóa, đã thực hiện nhiều chính sách miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất và các khoản thu ngân sách nhà nước khác để giúp doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh tiết giảm chi phí, có thêm nguồn lực để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Về chính sách tiền tệ, nhiều giải pháp về tiền tệ, tín dụng đã được thực hiện đồng bộ, để giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, điển hình là giảm lãi suất; cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi, phí; giữ nguyên nhóm nợ; cho vay chính sách để trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất đối với người lao động và hỗ trợ người sử dụng lao động phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan nhà nước để phòng, chống dịch Covid-19; định hướng tín dụng có hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro…

KIẾN NGHỊ ĐIỀU HÀNH CHÍNH SÁCH TÀI CHÍNH, TIỀN TỆ NĂM 2022

Điều hành chính sách tài chính, tiền tệ trong năm 2022 cần triển khai theo hướng: (1) Điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, thích ứng kịp thời với diễn biến thị trường trong và ngoài nước; (2) Điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, bám sát diễn biến của dịch Covid-19, tình hình kinh tế – xã hội trong nước và quốc tế để kịp thời đề xuất các biện pháp điều hành ngân sách nhà nước phù hợp; (3) Chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ trong năm 2022 tiếp tục hướng tới mục tiêu tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để phục hồi sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định các cân đối vĩ mô của nền kinh tế.

Để việc điều hành chính sách tài chính, tiền tệ trong năm 2022 tiếp tục có đóng góp quan trọng cho ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, tác giả kiến nghị cần có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa trong điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, cụ thể như sau:

Thứ nhất, cùng với tiếp tục nghiên cứu triển khai, cụ thể hóa các chính sách vào cuộc sống, cần có đánh giá những thuận lợi, khó khăn trong triển khai chính sách để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp; bảo đảm vừa đủ nguồn lực để phòng chống dịch, vừa hỗ trợ phục hồi nền kinh tế.

Thứ hai, các chính sách cần được điều chỉnh một cách thận trọng, có trọng tâm, trọng điểm, phối hợp chặt chẽ với nhau để hỗ trợ phục hồi kinh tế theo hướng bền vững, phát triển xanh và toàn diện, bảo đảm an toàn các cân đối lớn về tài chính, ngân sách nhà nước; tiền tệ, tín dụng ngân hàng để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Để hỗ trợ Chương trình phục hồi nền kinh tế, bên cạnh sự phối hợp đồng bộ, cân đối giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, cần xem xét mở rộng chính sách tài khóa với quy mô đủ lớn và nhanh chóng, đi đôi với các biện pháp về chính sách tiền tệ nhằm tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân, đồng thời đảm bảo an toàn và ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Thư ba, song song với việc nới rộng chính sách tài khóa, tiền tệ, cần tiếp tục theo dõi sát tình hình, điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để bảo đảm kiểm soát lạm phát, nhất là áp lực tăng lạm phát từ bên ngoài, ổn định kinh tế vĩ mô, phục vụ phục hồi và phát triển kinh tế.

Thứ tư, việc xây dựng và triển khai các gói hỗ trợ/cấp bù lãi suất cho một số ngành, lĩnh vực đặc thù, hỗ trợ khôi phục kinh tế là cần thiết và cấp bách, trong đó, ngoài việc xử lý cho các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực trọng tâm cho phục hồi tăng trưởng, cần quan tâm tới các đối tượng chính sách, người lao động, người nghèo./.

ThS. Nguyễn Thế Ngân, Vụ trưởng Vụ Tài chính, tiền tệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 1, tháng 1/2022