Hàng dài những chuyến xe chất đầy lương thực thực phẩm, vật dụng thiết yếu như áo phao, đèn pin, quần áo hàng ngày… vẫn đang tức tốc lên đường ngay trong đêm để kịp thời hỗ trợ bà con vùng lũ.
Tuy nhiên vẫn xuất hiện rất nhiều những vấn đề phát sinh khiến mọi người không thể lường trước được.
Đồ ăn cứu trợ chưa kịp đến tay bà con đã bị hỏng
Hành động kịp thời, chủ động đi cứu trợ là rất đáng quý, nhưng trước hết phải đảm bảo an toàn cho chính mình và không làm rối thêm cho các địa phương bị hoạn nạn. Hoạt động cứu trợ không chỉ bằng tấm lòng mà cần có kinh nghiệm, kỹ năng và đặc biệt là cần thông qua MTTQ và chính quyền địa phương vùng thiên tai. Điều đó sẽ tránh được nơi thì ùn ứ hàng hóa dẫn đến hư hỏng phí phạm, nơi người dân trông ngóng từng ngày thì lại thiếu thốn.
Cũng có những trường hợp lương thực được gửi đến vùng lũ, nhưng trong quá trình vận chuyển bị hỏng, không còn dùng được nữa nên phải bỏ đi, rất lãng phí.
Rất nhiều những hình ảnh được chia sẻ trên MXH, bánh chưng, bánh mì… bị hỏng do vận chuyển đường xa, rất phí phạm. (Nguồn: @m.ca.t.nam)
Chưa kể có những nơi, đồ cứu trợ dồn lại vì điều kiện nước lũ dâng cao, ngập sâu, chảy xiết nên chưa thể đưa tới bà con ngay được, khiến lương thực, thực phẩm gặp nước mưa bị hỏng và lại phải bỏ đi.
Không chỉ cứu trợ bà con mà giờ còn phải huy động lực lượng để cứu đồ cứu trợ. Vì nhiều khi đồ được tổng hợp lại nhưng lại không đủ nhân lực để phân chia ra các khu vực, hoặc đường xá nguy hiểm nên chưa thể chuyển ngay đến tay bà con, khiến đồ ăn bị hỏng rất nhiều. (Nguồn: @duynshop96).
Nhiều người cũng đóng góp ý kiến của mình:
– “Nếu là xôi, bánh chưng, bánh mì… những đồ ăn đã được chế biến thì chỉ nên cứu trợ những nơi gần để không bị hỏng trên quãng đường di chuyển”.
– “Với những vùng xa xôi, vẫn có những khu vực khô ráo không bị ngập lụt, mọi người có thể tập kết lương thực ở đó rồi mới nấu, như vậy đồ ăn cũng sẽ được đảm bảo hơn”.
Đó là một vài ý kiến của người dân, nhưng thực sự trước tình hình bão lũ như hiện tại, rất khó nói trước được điều gì, và cũng khó có thể bảo quản độ tươi ngon của các món ăn cứu trợ khi đến tay bà con.
Trên báo Đại Đoàn Kết, ông Trần Sỹ Pha – Trưởng ban Công tác xã hội – Quản lý thảm họa (Hội Chữ thập đỏ Việt Nam), từng chia sẻ, các đoàn cứu trợ nên liên lạc thông qua kênh chính thức là MTTQ, Hội Chữ thập đỏ, bởi ở đó có các số liệu thống kê về tình hình thiệt hại, nhu cầu cấp bách nhất của những nơi bị ảnh hưởng. Có nghĩa là phải biết người dân cùng lũ đang cần cái gì nhất rồi mới lên kế hoạch và chuẩn bị đồ cứu trợ.
Thùng sữa hết hạn trong đồ cứu trợ
Ngoài tình trạng đồ ăn chưa đến tay bà con đã bị hỏng, những ngày qua MXH cũng xôn xao thêm một vấn đề: Ủng hộ vùng lũ sữa hết hạn. Cụ thể, một đoàn cứu trợ phát hiện ra trong chuyến xe cứu trợ lần này, rất nhiều những thùng sữa đã hết hạn từ tháng 4/2024.
(Nguồn: Mi Tu)
Đoàn xe cũng chia sẻ thêm, mọi người chú ý kiểm tra hạn sử dụng cẩn thận rồi hãy chuẩn bị đồ gửi đến bà con vùng lũ. Có thể số lượng đặt quá nhiều nên sẽ không thể kiểm tra hết được. Tuy nhiên, nếu gặp phải những thùng sữa hết hạn thế này, chỉ còn cách bỏ đi. Hi vọng rằng mọi người kiểm tra cẩn thận hơn để khi đến tay bà con, những món đồ ấy vẫn có thể dùng được.
Ngay lập tức có rất nhiều ý kiến bùng nổ:
– “Nhiều khi đoàn cứu trợ không kiểm tra được hết, vì có những chuyến xe chuẩn bị ngay trong đêm. Thời gian gấp quá, số lượng lại lớn. Có trách thì trách người bán mà thôi!”.
– “Khả năng là các shop, đại lý nhồi vào. Chứ khách mua cả trăm thùng sữa như vậy, sao mà kiểm tra từng thùng được”.
– “Biết là hàng cứu trợ bà con, mà vẫn bán đồ hết hạn. Thế này thì nghiệp lắm”.
– “Sữa như này mà trẻ con uống vào thì lại thêm bệnh tật. Bán đồ cho dân đi cứu trợ đồng bào mà lại làm ăn như vậy”.
Quần áo cứu trợ, ủng hộ bà con vùng lũ nhưng toàn cái không phù hợp
Chưa dừng lại ở đó, câu chuyện ủng hộ quần áo cho bà con vùng lũ cũng có rất nhiều vấn đề khó nói. Bà con đang chịu cảnh lũ lụt, đồ đạc quần áo ngập trong biển nước, có nơi phải đi sơ tán nên không đủ quần áo để mặc. Vậy nên, có không ít đoàn xe cứu trợ vận chuyển cả quần áo để ủng hộ bà con.
(Nguồn: Nhật ký yêu thương)
Tuy nhiên khi phân loại trang phục nam, nữ, người lớn, trẻ con… trước khi chuyển đi, không ít những tình huống khó đỡ phát sinh. Rõ là ủng hộ bà con, giúp họ có manh áo lành lặn, khô ráo để mặc trong những ngày bão lũ, vậy mà chọn ra được cả loạt váy áo không phù hợp. Rồi mọi người lại phải mất thời gian với công đoạn chọn trang phục không mặc được và để riêng ra một bên, mất rất nhiều thời gian và công sức.
(Nguồn: Thủy Nguyễn).
– “Ủng hộ đồ cũ, nhưng cũng nên lựa chọn những áo quần còn mặc được và phù hợp. Chứ cứ quyên góp kiểu này, mất công họ lại phải bỏ đi”.
– “Mình từng phân loại quần áo để ủng hộ, mình cũng biết. Có khi mất cả đêm để bỏ đi những món đồ thế này. Mong mọi người chỉ ủng hộ áo quần còn dùng được và phù hợp đến bà con vùng lũ”.
– “Không phải là chê bai hay gì, mà đây là thực tế. Ủng hộ quần áo thì cũng nên là đồ còn mặc được và đúng với hoàn cảnh”.
Vẫn biết quyên góp đồ của ít lòng nhiều, gom được bao nhiêu tốt bấy nhiêu, nhưng với đồ cứu trợ, mọi người hãy lựa chọn cẩn thận một chút, quần áo hàng ngày hay lương thực cũng vậy. Hãy cứu trợ bà con những món đồ mà bản thân mình cũng muốn được nhận và còn dùng được, chứ đừng ủng hộ những thứ mà chính mình còn muốn vất bỏ đi.