Mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, Đền Hùng đã trở thành biểu tượng của tinh thần dân tộc, là cội nguồn của sức mạnh, niềm tin, chói sáng của một nền văn hóa. Từ trong ý thức tâm linh cả dân tộc luôn hướng về: “Nước mở Văn Lang xưa/ Dòng vua đầu viết sử/ Mười tám đời nối nhau/ Ba sông đẹp như vẽ/ Mộ cũ ở lưng đồi/ Đền thờ trên sườn núi/ Muôn dân đến phụng thờ/ Khói hương còn mãi mãi”.

Đoàn nữ cán bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư hành trình về nguồn tại vùng đất Tổ
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Khu Di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt Đền Hùng

Theo Ban Quản lý Khu di tích, từ xa xưa, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã có vị thế đặc biệt trong tâm thức của người Việt. Đến đời nhà Nguyễn vào năm Khải Định thứ 2 (năm 1917), Tuần phủ Phú Thọ Lê Trung Ngọc đã trình bộ Lễ định ngày 10/3 âm lịch hàng năm làm ngày Quốc tế (Quốc lễ, Quốc giỗ). Điều này được tấm bia Hùng Vương từ khảo do Tham tri Bùi Ngọc Hoàn, Tuần phủ tỉnh Phú Thọ, lập năm Bảo Đại thứ 15 (1940) cũng đang đặt ở Đền Thượng trên núi Hùng, xác nhận: “Trước đây, ngày Quốc tế lấy vào mùa thu làm định kỳ. Đến năm Khải Định thứ hai (dương lịch là năm 1917), Tuần phủ Phú Thọ là Lê Trung Ngọc có công văn xin bộ Lễ ấn định ngày mồng Mười tháng Ba hằng năm làm ngày Quốc tế, tức trước ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đời thứ 18 một ngày. Còn ngày giỗ (11 tháng Ba) do dân sở tại làm lễ”.

Kế tục truyền thống cao đẹp của cha ông, nhất là đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, ngay sau cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22/SL-CTN ngày 18/02/1946 cho công chức nghỉ ngày 10/3 âm lịch hàng năm để tham gia tổ chức các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương – hướng về cội nguồn dân tộc.

Đoàn nữ cán bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư hành trình về nguồn tại vùng đất Tổ

Đoàn nghe giới thiệu về Khu di tích

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hai lần về thăm Đền Hùng (19/9/1954 và 19/8/1962). Tại đây Người đã có câu nói bất hủ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước – Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Người còn nhắc: “Phải chú ý bảo vệ, trồng thêm hoa, thêm cây cối để Đền Hùng ngày càng trang nghiêm và đẹp đẽ, thành công viên lịch sử cho con cháu sau này đến tham quan”.

Trải mấy nghìn năm, trước bao biến động thăng trầm, trong tâm thức của cả dân tộc, Đền Hùng vẫn là nơi của bốn phương tụ hội, nơi con cháu phụng thờ công đức Tổ tiên.

Với tấm lòng thành kính tri ân công đức Tổ tiên, Đoàn cán bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư do bà Lê Thị Tường Thu, Chủ tịch Công đoàn Bộ làm trưởng Đoàn đã dâng hương, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước; đồng thời, cầu cho đất nước bình yên, thịnh vượng, hạnh phúc với quyết tâm của nữ cán bộ, công chức, viên chức Bộ Kế hoạch và Đầu tư đoàn kết một lòng, vượt qua khó khăn, thách thức, ra sức thi đua hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.

Đoàn nữ cán bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư hành trình về nguồn tại vùng đất Tổ
Chủ tịch Công đoàn Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Thị Tường Thu phát biểu tại buổi giao lưu

Sau lễ dâng hương, đoàn nữ cán bộ, công chức, viên chức Bộ Kế hoạch đã có buổi giao lưu với Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Thọ.

Tại buổi giao lưu, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trịnh Thế Truyền chúc mừng các cán bộ nữ trong đoàn nhân kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ 8/3. Ông cũng mong rằng, các nữ cán bộ ngày càng có nhiều đóng góp tích cực hơn nữa vào công tác chuyên môn và hoạt động phong trào, xây dựng hình ảnh của cán bộ nữ Bộ Kế hoạch và Đầu tư năng động, đảm đang, chủ động và sáng tạo.

Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội năm 2022 của tỉnh Phú Thọ cho thấy, kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh cơ bản phát triển ổn định và đạt được kết quả quan trọng. Quy mô tổng sản phẩm của Phú Thọ năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 89.398,1 tỷ đồng, đứng thứ 34/63 tỉnh, thành phố và đứng thứ 3/14 tỉnh Vùng trung du và miền núi phía Bắc.

Đoàn nữ cán bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư hành trình về nguồn tại vùng đất Tổ
Chủ tịch Công đoàn Lê Thị Tường Thu cùng các nữ cán bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao quà lưu niệm cho Chủ tịch Công đoàn Sở Kế hoạch và Đầu tư Phú Thọ Đỗ Huyền Bảo Ngọc.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2022 tăng 7,97% so với năm 2021, đứng thứ 43 cả nước và đứng thứ 10 so với các tỉnh Vùng trung du và miền núi phía Bắc. Trong đóng góp vào mức tăng trưởng chung của GRDP, khu vực công nghiệp – xây dựng có mức tăng trưởng cao nhất, đóng góp 4,40 điểm phần trăm. Tiếp theo đó là các ngành dịch vụ đóng góp 2,56 phần trăm. Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy đóng góp 0,67 điểm phần trăm. Thuế sản phẩm đóng góp 0,34 điểm phần trăm.

Theo Báo cáo Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh thông qua ngày 21/2/2023, tỉnh này đề ra mục tiêu trở thành tỉnh phát triển hàng đầu trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc và tiến tới đứng trong nhóm 15-20 địa phương phát triển nhất trong cả nước ngay từ năm 2035 trở đi; xây dựng Việt Trì là thành phố hạt nhân và trở thành đầu tàu lôi kéo các địa phương tiểu vùng Tây Bắc…

Đoàn nữ cán bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư hành trình về nguồn tại vùng đất Tổ
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trịnh Thế Truyền (áo trắng, ở giữa) chúc mừng các cán bộ nữ trong đoàn nhân kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ 8/3.

Đồng thời, Phú Thọ lựa chọn kịch bản tăng trưởng trong giai đoạn 2021-2025 là 8,5%, giai đoạn 2026-2030 là 12,4%. Để thực hiện kịch bản này, tỉnh và đơn vị tư vấn lập quy hoạch dự kiến, số vốn đầu tư cần huy động trong giai đoạn 2021-2025 khoảng 45.000 tỷ đồng/năm, giai đoạn 2026-2030 là giai đoạn bứt tốc, với khoảng 115.000 tỷ đồng/năm.

Để hiện thực hóa các mục tiêu được nêu trong Quy hoạch, tỉnh Phú Thọ xác định ưu tiên phát triển: một trung tâm (Đô thị trung tâm Việt Trì); 2 trục (2 Hành lang kinh tế theo trục Bắc – Nam và trục Đông – Tây); 3 đột phá phát triển; 4 nhiệm vụ trọng tâm.

Đoàn nữ cán bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư hành trình về nguồn tại vùng đất Tổ
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Đền Mẫu Âu Cơ

Phú Thọ xác định 3 đột phá phát triển gồm cải cách hành chính và nâng cao năng lực quản trị địa phương; phát triển nguồn nhân lực chuyên môn, kỹ thuật và nguồn nhân lực chất lượng cao; tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng.

Cùng với đó, 4 nhiệm vụ trọng tâm là: xây dựng Phú Thọ trở thành trung tâm của tiểu vùng Tây Bắc trên 4 lĩnh vực: du lịch; y tế; giáo dục; thương mại, logistics gắn với chế biến nông, lâm sản; bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa vùng đất Tổ; làm mới sản xuất, kinh doanh (trong đó có lĩnh vực trọng điểm) và làm mới tổ chức theo hướng hiện đại; thu hút có hiệu quả nguồn vốn ngoài tỉnh./.