THỰC TRẠNG

Kết quả đạt được

Chuyển đổi số (digital transformation) là việc sử dụng công nghệ số hay ứng dụng công nghệ số trên cơ sở các dữ liệu số hoặc dữ liệu đã được số hóa để thay đổi mô hình nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh nhằm tạo ra nhiều cơ hội và giá trị mới, cải thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động, tính cạnh tranh của tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp (Pham Huy Giao, 2020). Doanh nghiệp chuyển đổi số là việc tích hợp, áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả kinh doanh, hiệu quả quản lý, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của doanh nghiệp và tạo ra các giá trị mới.

Việc chuyển sang nền tảng số của doanh nghiệp Việt Nam giúp tạo thuận lợi cho đội ngũ, cán bộ nhân viên làm việc từ xa thông qua nền tảng số kết nối trong doanh nghiệp. Nền tảng số còn giúp tiết giảm nhân lực, giảm chi phí thông tin và giao dịch; chuẩn hóa quy trình, phản ứng kịp thời, qua đó giúp nâng cao hiệu quả trong việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ; nâng cao chất lượng công việc và gia tăng năng suất…

Thực tế cho thấy, trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, rất nhiều khâu trong hoạt động của doanh nghiệp đã được ứng dụng công nghệ số, như: việc thanh toán điện tử trong mua hoặc bán hàng, sử dụng mạng xã hội trong các chiến dịch marketing, các phần mềm quản lý kho hàng, giao nhận trong hoạt động logistics, dịch vụ điện toán đám mây trong quản trị nội bộ hay thương mại điện tử trong bán hàng…

Khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, với những hạn chế tiếp xúc và việc thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội đã buộc các doanh nghiệp phải ứng dụng nhiều hơn các công nghệ số trong hoạt động của mình, nhất là trong quản trị nội bộ, thanh toán điện tử, marketing trực tuyến. Trong một số hoạt động, dịch Covid-19 đã khiến tỷ lệ các doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ số cao gần bằng tỷ lệ doanh nghiệp đã ứng dụng trong thời gian dài trước đây, cụ thể như: trong quản lý nhân sự từ xa, hội nghị trực tuyến, học trực tuyến, phê duyệt nội bộ…

Doanh nghiệp chuyển đổi số tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp

Theo kết quả của khảo sát “Thực trạng chuyển đổi số trong doanh nghiệp trong bối cảnh Covid-19” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) thực hiện, đại dịch Covid-19 bùng nổ đã gây ra hậu quả nặng nề đối với nền kinh tế, tạo ra cú huých mạnh mẽ khiến 25,7% số doanh nghiệp được khảo sát, trước đây chưa quan tâm đến việc áp dụng công nghệ số, đã bước đầu áp dụng và có ý định sẽ tiếp tục sử dụng những công nghệ này trong tương lai. 17,3% doanh nghiệp cho biết, họ vẫn chưa ứng dụng công nghệ số nhưng có quan tâm tới việc áp dụng công nghệ số từ khi xảy ra Covid-19 (Hình). Có thể thấy, tuy chưa thực sự thay đổi trong hành động, xong Covid-19 cũng đã góp phần chuyển biến nhận thức – yếu tố quan trọng hàng đầu của một bộ phận doanh nghiệp về công cuộc chuyển đổi số.

Tính đến nay, chuyển đổi số đã diễn ra hầu hết các loại hình doanh nghiệp và ở nhiều mức độ khác nhau. Chẳng hạn, trong lĩnh vực tài chính, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã tổ chức Lễ phát động Chiến dịch chuyển đổi số nền khách hàng, với chủ đề “BIDV Digi Up – Thay đổi để dẫn đầu”. Nhằm nâng cao trải nghiệm cho khách hàng, BIDV đã áp dụng số hóa dữ liệu giao dịch. Thông qua chuyển đổi số, BIDV đã triển khai cổng thanh toán trực tuyến các dịch vụ công cấp độ 4 trên cổng dịch vụ công quốc gia, triển khai thành công hệ thống đăng ký trực tuyến BIDV SmartBanking…

Còn Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) là doanh nghiệp điển hình cho việc chuyển đổi số doanh nghiệp ngành viễn thông tại Việt Nam. Tập đoàn đã thúc đẩy chuyển đổi số về quản trị trong tất cả các lĩnh vực: công nghệ thông tin và dịch vụ số, sản xuất công nghiệp công nghệ cao, logistics…

Hay Vinamilk đã chuyển đổi số bắt đầu từ mô hình văn hóa doanh nghiệp của mình. Doanh nghiệp đã áp dụng mô hình Agile với sự phát triển phần mềm để đưa sản phẩm đến tay khách hàng nhanh chóng. Công tác chuyển đổi số được thực hiện ở hầu hết các hoạt động, như: quản trị, tài chính, nhân sự, kinh doanh quốc tế và chuỗi cung ứng.

Những khó khăn khi chuyển đổi số

Hiện nay, rào cản lớn nhất mà doanh nghiệp gặp phải khi áp dụng công nghệ số là chi phí cao trong ứng dụng công nghệ số. Để áp dụng được các công cụ kỹ thuật số, các phần mềm quản lý chuyên dụng, đòi hỏi doanh nghiệp bỏ ra một lượng chi phí tương đối lớn, đặc biệt là đầu tư vào các mua sắm thiết bị máy móc mới hoặc dây chuyền tự động hóa hiện đại, cũng như đồng bộ hóa lại cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin trong doanh nghiệp. Thiếu cơ sở hạ tầng về công nghệ số cũng vì thế trở thành khó khăn lớn đối với doanh nghiệp. Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin lạc hậu, thiếu đồng bộ sẽ gây cản trở trong việc áp dụng và kết nối các hệ thống giải pháp và phần mềm công nghệ thông tin cho các hoạt động liên quan tới nhân viên, đối tác và khách hàng.

Doanh nghiệp chuyển đổi số tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp
Trong bối cảnh hiện nay, chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp có sức chống chịu tốt hơn và đứng vững trên thị trường. Ảnh: Internet

Bên cạnh đó là rủi ro rò rỉ dữ liệu cá nhân/doanh nghiệp. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin tạo ra động lực để phát triển kinh tế – xã hội, nhưng cũng làm nảy sinh những nguy cơ về lỗ hổng bảo mật, tạo điều kiện cho tội phạm mạng lợi dụng tiến hành các hoạt động vi phạm pháp luật. Trong khi đó, đa phần doanh nghiệp Việt Nam chưa nhận thức hết được tầm quan trọng trong việc đầu tư áp dụng các giải pháp hỗ trợ để bảo mật thông tin.

Thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số cũng là một khó khăn lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Bởi, để áp dụng được các công cụ kỹ thuật số vào trong quy trình sản xuất, kinh doanh, không chỉ đòi hỏi lao động trong doanh nghiệp phải biết cách sử dụng hệ thống máy móc, thiết bị, phần mềm hiện đại, mà còn phải bảo đảm khả năng sửa chữa khi có lỗi phát sinh và tiến hành các hoạt động bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên.

Bên cạnh những hạn chế về nguồn lực, thì hạn chế trong nhận thức và tâm lý cũng là những rào cản khiến nhiều doanh nghiệp đang đứng ngoài cuộc trong xu thế chuyển đổi số hiện nay. Chuyển đổi số đòi hỏi doanh nghiệp phải sẵn sàng thay đổi, sẵn sàng từ bỏ các mô hình kinh doanh truyền thống để thiết lập mô hình kinh doanh mới, thiết lập lại quy trình làm việc, loại bỏ những công đoạn trung gian, rườm rà trên cơ sở ứng dụng công nghệ số. Tâm lý ngại thay đổi, ngại từ bỏ những tập quán kinh doanh truyền thống được duy trì nhiều năm khiến doanh nghiệp cảm thấy khó khăn khi tiến hành chuyển đổi số. Đó là lý do khiến một bộ phận các doanh nghiệp cho biết, họ đã bắt đầu sử dụng công nghệ số từ khi có đại dịch Covid-19, nhưng sẽ quay lại cấu trúc cũ khi hết dịch bệnh (3,1%). Một số doanh nghiệp khác chưa áp dụng công nghệ số và cũng không có ý định áp dụng công nghệ số trong tương lai (3,1%) (Hình). Chuyển đổi số đòi hỏi tổ chức phải có một quyết tâm thay đổi từ “gốc rễ”, liên tục thách thức những thói quen, không ngừng thử nghiệm cái mới và học làm quen với thất bại. Chính vì thế, nhiều doanh nghiệp rất khó khăn trong quá trình chuyển đổi số vì không thể nào thay đổi được cách thức làm việc truyền thống đã tồn tại nhiều năm.

Ngoài ra, hành lang chính sách, pháp luật của Nhà nước về chính phủ điện tử, các giao dịch, thủ tục hành chính trên nền tảng số vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Đây cũng là các thách thức, hạn chế cho doanh nghiệp khi xác định chiến lược, xây dựng kế hoạch chuyển đổi số (tiêu chuẩn công nghệ, giao dịch thương mại điện tử, chứng thực số, thuế, hải quan…).

MỘT SỐ GIẢI PHÁP

Để đẩy mạnh chuyển đổi số trong doanh nghiệp, theo nhóm tác giả, cần thực hiện các giải pháp sau:

Về phía Nhà nước

Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện môi trường thể chế, pháp lý đáp ứng yêu cầu trong điều kiện kinh tế số, chuyển đổi số. Cần sớm xây dựng và công bố quy hoạch ngành về phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin. Trên cơ sở đó, ban hành các quy chuẩn trao đổi thông tin giữa các cơ quan, đơn vị để tạo sự liên kết, đồng bộ trong quá trình đầu tư và phát triển hạ tầng dựa vào ứng dụng công nghệ thông tin.

Mặt khác, để tạo điều kiện cho chuyển đổi số, trong thời gian tới, cần tiếp tục phát triển hạ tầng số, đặc biệt là sớm triển khai chính thức mạng di động 5G. Hình thành và tổ chức điều phối mạng lưới chuyên gia tư vấn về chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, hỗ trợ đào tạo chuyển đổi số, tư vấn chuyển đổi số cho các doanh nghiệp.

Đồng thời, hỗ trợ ứng dụng giải pháp công nghệ chuyển đổi số cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thông qua việc xây dựng các gói hỗ trợ, bao gồm các chỉ dẫn giải pháp công nghệ cho các nhóm đối tượng khác nhau chia theo quy mô, giai đoạn phát triển kinh doanh và theo lĩnh vực, ngành nghề.

Về phía doanh nghiệp

Một là, lên ý tưởng và có chiến lược kỹ thuật số thật sự thu hút và hấp dẫn, điều chỉnh chuyển đổi số phù hợp với mục tiêu kinh doanh.

Đầu tiên, doanh nghiệp cần xác định được ý tưởng, mục đích và nắm chắc các cơ sở về chuyển đổi số, xác định trọng tâm và đối tượng mà doanh nghiệp hướng tới. Khi đã có ý tưởng và chiến lược chuyển đổi số, điều quan trọng là phải tiếp cận, sắp xếp nó để chuyển đổi thành công. Chuyển đổi số không chỉ dựa vào công nghệ thông tin, mà còn phải phù hợp với tầm nhìn, sứ mệnh, mục tiêu và giá trị của tổ chức.

Hai là, đào tạo đội ngũ nhân lực của doanh nghiệp các kỹ năng, kiến thức chuyên môn liên quan đến chuyển đổi số.

Việc chuyển đổi số đòi hỏi đội ngũ lao động và lãnh đạo của doanh nghiệp phải thích ứng và vận hành theo mô hình mới, có được các kỹ năng, kiến thức chuyên môn sẽ đem lại hiệu quả khi thực hiện chuyển đổi số. Do đó, doanh nghiệp cần đào tạo và trang bị cho nhân viên các kỹ năng cần thiết, năng lực sáng tạo và khả năng thích ứng nhanh với môi trường công nghệ thay đổi liên tục.

Ba là, tập trung đầu tư vào công nghệ.

Doanh nghiệp cần áp dụng công nghệ số để từng bước kết nối các hệ thống hiện có thành một hệ thống thông tin xuyên suốt từ kinh doanh đến các nghiệp vụ quản trị trong doanh nghiệp; xây dựng cơ sở dữ liệu chung trong toàn bộ doanh nghiệp; đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) để tạo ra các thay đổi trong sản phẩm, dịch vụ và không ngừng nâng cấp các hệ thống hiện tại; áp dụng công nghệ số mới để bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng cho dữ liệu của toàn doanh nghiệp.

Mặc dù các nền tảng công nghệ phục vụ chuyển đổi số ngày càng trở nên phổ biến, nhưng việc lựa chọn nền tảng phù hợp với quy mô và nguồn lực của doanh nghiệp lại không hề dễ. Cần phải bảo đảm đáp ứng được tiêu chí: tối ưu, hiện đại, bắt kịp xu hướng và có các tính năng thực sự phù hợp với đặc thù của doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu thực tế trong quá trình vận hành. Ngoài ra, doanh nghiệp cần quan tâm đến các chính sách và công cụ bảo mật để bảo vệ các bí mật kinh doanh, thông tin khách hàng và phòng ngừa rủi ro trong hoạt động của doanh nghiệp./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. VCCI và VNPT (2020). Chuyển đổi số: Giải pháp giúp doanh nghiệp vượt qua đại dịch Covid-19 và phát triển, Nxb Thông tin và Truyền thông

2. Đỗ Văn Viện (2021). Chuyển đổi số – Hướng đi bền vững cho doanh nghiệp trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 17, tháng 6/2021

3. Pham Huy Giao (2020). Digital transformation: Nature, practice and application, Petrovietnam Journal, 12, 12-16

4. Vũ Thị Vân, Vũ Hải Thúy (2020). Thực trạng hoạt động của doanh nghiệp khởi nghiệp và một số kiến nghị, truy cập từ https://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/thuc-trang-hoat-dong-cua-doanh-nghiep-khoi-nghiep-va-mot-so-kien-nghi-329826.html

Trần Thị Hạnh Nguyên, Nguyễn Triệu Phương Nam

Nguyễn Thị Thu Hằng, Vương Hồng Nhiên

Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh

(Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 31 năm 2021)