“Nếu giả sử như năm 2020 và 2021 không có đại dịch Covid-19 xảy ra, thì GDP của Việt Nam tăng trưởng khoảng 7%. Tuy nhiên, trong thực tế, đại dịch xảy ra, nên tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2020 chỉ đạt 2,91% và năm 2021 dự kiến chỉ đạt 2,5%…”, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong, cho biết tại ”Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và Phát triển bền vững”, do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đồng tổ chức hôm nay (ngày 5/12), theo Văn phòng Quốc hội.

Dự kiến năm 2021, tăng trưởng kinh tế đạt 2,5%
Theo Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong (bên trái), Việt Nam nên hạ thấp lãi suất ngân hàng. Ảnh: Quốc hội

Theo ông Phong, để giảm thiệt hại cho nền kinh tế, Việt Nam cần tìm ra các biện pháp, cách thức nhằm nhanh chóng phục hồi đà tăng trưởng. Do đó, cần tìm ra động lực cho những tăng trưởng chính đối với nền kinh tế trong thời gian tới.

Dự kiến năm 2021, tăng trưởng kinh tế đạt 2,5%
Ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam

Mục tiêu phục hồi và phát triển của Việt Nam có thể đạt được, nhưng đòi hỏi quyết liệt cải cách cơ cấu và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Các chương trình hồi phục đã được chính quyền Việt Nam cân nhắc để đưa ra những cải cách nhằm nâng cao năng suất, nhưng kế hoạch cải cách này cần được thực hiện một cách quyết đoán và nhanh chóng hơn nữa. Việt Nam thực hiện các chính sách hỗ trợ phục hồi cần thiết như: tạo không gian tài khóa dồi dào; tăng chi tiêu cho y tế, tiêm chủng và trợ cấp; áp dụng biện pháp chuyển lỗ ngược; tăng cường đầu tư công; hỗ trợ đầu tư tư nhân…

Ông Phong phân tích, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu so với GDP vượt khoảng 200%. Đối với các quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh đều biết dựa vào thị trường rộng lớn ở bên ngoài và mở rộng quy mô sản xuất, thu ngoại tệ để nhập khẩu những thiết bị cần thiết. Thực tế cho thấy, khả năng mở rộng tăng cung cho nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào mức độ đầu tư.

Vì thế, các động lực chủ yếu cho tăng trưởng kinh tế hiện nay là đầu tư để vừa tăng cầu, vừa tăng sản lượng tiềm năng. Tức là mở rộng khả năng cung ứng, đẩy mạnh tiêu dùng trong nước, mở rộng đầu tư, ứng dụng công nghệ số để đổi mới cách thức sản xuất, tiêu dùng và đầu tư có hiệu quả. Trong đó, đầu tư là điều kiện cần, xuất khẩu là điều kiện đủ, tiêu dùng nội địa là yếu tố tăng thêm, chuyển đổi số là yếu tố thời đại.

“Việc khuyến khích tiêu dùng đầu tư nội địa rất cần thiết, nhưng nếu tăng đầu tư quá mức thì sẽ làm giảm tiết kiệm và qua đó giảm đầu tư hoặc dẫn đến phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài. Vì thế, việc khai thác thị trường trong nước nên chú trọng vào sản xuất hàng hóa tiêu dùng thay thế hàng nhập khẩu…”, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương khuyến nghị.

Ông Phong cho rằng, thông qua sự phát triển kinh tế của Việt Nam cho thấy, xuất khẩu và đầu tư nước ngoài là những yếu tố quan trọng để tạo được niềm tin của các nhà đầu tư trong nước. Tuy nhiên, đầu tư của Nhà nước vẫn đóng vai trò dẫn dắt để phục hồi nền kinh tế. Vì thế, sự đầu tư của Nhà nước nên tập trung vào cơ sở hạ tầng, nhân lực, khoa học công nghệ…

“Trong điều kiện phục hồi kinh tế, Việt Nam nên hạ thấp lãi suất ngân hàng, cần có gói kích thích kinh tế cũng như tái lập được cung ứng lao động để phục cho các sự hồi phục sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp…”, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề xuất./.