Tua tắm rừng đắt khách
“Trước khi dịch Covid bùng phát chúng tôi đã tổ chức tua tắm rừng. Bị gián đoạn ba năm vì dịch, hai năm trở lại đây, khách đặt tua bắt đầu tăng dần. Trung bình mỗi tuần chúng tôi có ba tua, cho cả khách phía Bắc và phía Nam, tập trung ở các rừng Tam Đảo, Cúc Phương, Pù Mát, Cần Giờ, Bù Gia Mập. Khách đa phần là giới trẻ, tập trung ở độ tuổi 22-35, gần đây tệp khách trung tuổi khoảng từ 40-60 cũng tăng dần.
Hiện tại ở Việt Nam có đến khoảng hơn chục đơn vị du lịch có tua tắm rừng. Nước ta có tới 34 vườn quốc gia, rất nhiều trong số đó an toàn và phù hợp cho việc tham quan, trekking và tắm rừng.
Chúng tôi dự đoán là xu hướng này sẽ tăng trong thời gian tới khi mọi người ngày càng nhận ra ích lợi của việc kết nối với thiên nhiên” – Anh Trần Văn Thiện (Công ty lữ hành Alleztours) chia sẻ.
Tắm rừng hay Shinrin-yoku là một khái niệm khởi phát từ Nhật Bản, quãng những năm 1980. Người Nhật tin rằng việc dành thời gian trong rừng: ôm cây, đi bộ thư giãn, ngồi thiền, hít thở không khí trong lành… sẽ giúp tăng cường sức khỏe, giảm stress và kéo dài tuổi thọ.
Càng ngày, hệ lụy của lối sống hiện đại khiến con người càng xa rời thiên nhiên. Tắm rừng chính là cách hàn gắn sự đứt gãy ấy. Rất nhanh chóng, nó trở thành một xu hướng được nhiều người yêu thích.
Trong cuốn sách “Shinrin-yoku – Nghệ thuật tắm rừng của người Nhật ”, tác giả, bác sĩ Qing Li cho biết, xúc chạm với rừng bằng tất cả các giác quan sẽ giúp con người nhận được tối đa năng lượng tốt lành từ thiên nhiên.
Ngoài việc có hàm lượng oxy cao, không khí trong rừng còn vô cùng dồi dào phytoncide (là tinh dầu do cây tiết ra để chống các loại vi khuẩn, sâu bọ, nấm…). Tiếp xúc với phytoncide giúp chúng ta tăng cường hệ miễn dịch, giảm đáng kể nồng độ hormone căng thẳng, giúp cân bằng hệ thần kinh và đem lại cảm giác thư giãn dễ chịu.
Chị Việt Hà (CEO của một Công ty chuyên kinh doanh đồ nội thất) chia sẻ, sau khi được mời tham gia một tua tắm rừng ở Bù Gia Mập, chị đã quyết định đăng ký cho hơn 70 nhân viên của công ty cùng tham gia.
“Khi về, bộ phận công đoàn của chúng tôi có làm một phiếu thăm dò ý kiến, 100% nhân viên đều bày tỏ sự hài lòng với chuyến đi, ba phần tư trong số đó bày tỏ muốn có những hoạt động tương tự trong tương lai.
Từ trải nghiệm của cá nhân tôi, việc đắm chìm trong các mảng xanh của cây cối, lắng nghe thanh âm tự nhiên hay chạm vào vỏ cây, đất, đá… thực sự mang lại nhiều kết quả tích cực cho sức khỏe thể chất cũng như tinh thần.
Có lẽ tôi đã tìm được một cách mới để điều trị chứng burn out (được WHO định nghĩa là hội chứng do căng thẳng gây ra trong thời gian dài mà không được kiểm soát tốt ở nơi làm việc).
Trường hợp của Thúy Jiry
Thúy Jiry là một phụ nữ Việt Nam sống ở Phần Lan. Tuy nhiên cuối năm 2020, sau khi sinh bé đầu, Thúy bị trầm cảm . Lý do của chứng bệnh này là vì cuộc sống tha hương bí bách do phải ở nhà nhiều, ít bạn bè, lâu ngày không ra ngoài khiến cô cảm thấy mình mất khả năng giao tiếp xã hội. Thúy đã thử nhiều phương pháp điều trị khác nhau, nhưng không có gì giúp cô cảm thấy tốt hơn.
Vốn xuất thân trong gia đình làm nông ở Đắk Lắk, Thúy kể rằng cô thích lao động, đặc biệt là công việc gần gũi thiên nhiên. Một ngày, Thúy quyết định thử tắm rừng. Cô đi vào rừng và dành thời gian để hít thở không khí trong lành, lắng nghe tiếng chim hót và ngắm nhìn cây cối. Quá trình này khiến cô cảm thấy rất thư giãn và bình yên.
Sau một thời gian, Thúy nhận thấy rằng tắm rừng giúp cô cảm thấy tốt hơn. Cô bắt đầu đi tắm rừng thường xuyên hơn và cảm thấy mình đang dần hồi phục.
“Mỗi lần vào rừng, tôi tìm thấy sự bình yên, giải tỏa những áp lực nuôi con đè nặng trên vai. Ngoài ra, hoạt động này còn giúp tôi nguôi ngoai nỗi nhớ quê hương, nhớ người thân”, Thúy nói.
Chỉ sau vài tháng, chồng Thúy nhận thấy sự thay đổi tích cực từ vợ nên đã tạo điều kiện hết mức cho cô duy trì đam mê. “Khu rừng cách nhà tôi khoảng 5-10 km và chỉ có thể đi rừng vào mùa hè, mùa thu. Buổi tối mùa hè ở Phần Lan vẫn sáng, nên sau khi tan làm, ông xã về trông con, tôi sẽ vào rừng từ 17h đến 19h”, cô giải thích thêm.
Để tăng cường kết nối với cộng đồng, Thúy Jiry quyết định cầm theo máy quay trong mỗi chuyến đi rừng, quay lại hành trình mỗi ngày của mình như: vào rừng hái việt quất, nho, mận, nấm… và chia sẻ trên kênh YouTube cá nhân. Sự quan tâm và những bình luận động viên của người xem khiến bà mẹ 31 tuổi cảm thấy “mình không cô đơn”.
Câu chuyện tắm rừng của cô dần được lan tỏa mạnh mẽ. Thúy Jiry trở thành “một ví dụ tắm rừng” rất được yêu thích trên các nền tảng mạng xã hội. Nhiều video của cô nhận về hàng trăm nghìn lượt xem.
Về tác dụng chữa lành của tắm rừng, Tiến sĩ tâm lý Mai Hoa xác nhận: “Năm 2018, tôi từng khuyến khích hai bệnh nhân trầm cảm của mình đi tắm rừng. Ngay lần đầu tiên, một cô gái trong số họ đã phản hồi rằng, việc ôm những cái cây đem lại cho bạn cảm giác như đang ôm người yêu, người thương. Còn một người khác thì nói, chỉ sau 30 phút vào rừng, cơn đau đầu do thiếu ngủ và làm việc căng thẳng của chị đã bị đánh bay.
Từ đó đến nay, đã có hàng trăm bệnh nhân của tôi được khuyến khích theo đuổi phương pháp thư giãn này. Tắm rừng có một ích lợi kép là bên cạnh chức năng làm dịu, điều hòa căng thẳng, nó bắt buộc người ta phải hoạt động thể chất.
Quá trình đi bộ đường dài, leo dốc, băng rừng khiến cơ thể sản sinh endorphin, một hoạt chất giúp cải thiện tâm trạng, giảm bớt lo âu và căng thẳng. Trong nhiều trường hợp, hoạt động này được đánh giá là tốt như thuốc chống trầm cảm”.
Tắm rừng để tìm cảm hứng sáng tạo
Đầu năm, ngồi nói chuyện với họa sĩ điêu khắc Trần Thiện Nhứt, người có tác phẩm thường xuyên bán tại Nhà đấu giá Drouot (Paris, Pháp), anh chia sẻ: “Mỗi khi bế tắc trong sáng tác hoặc quá tải vì công việc, Nhứt đều đi tắm rừng”.
Trần Thiện Nhứt quê ở Gia Lai, rừng với anh là một chốn nương náu về tinh thần. Gần 90% tác phẩm của Nhứt lấy cảm hứng từ rừng: những lá cây, gốc cây, cá sấu, khủng long, đám mây, hang núi v.v… đều từng được anh cách điệu thành tác phẩm nghệ thuật có giá từ vài chục đến vài trăm ngàn đô la Mỹ.
Chị Hà Vũ, người sáng lập thương hiệu Đĩa lá ép và là một trong những người đồng sáng lập dự án 1 tỷ cây xanh cũng là một fan của tắm rừng. Bắt đầu từ việc “cứ căng thẳng là vào rừng”, giờ chị Hà đã coi việc tắm rừng là hoạt động thường kỳ, vừa giúp giải tỏa căng thẳng, vừa tạo ra nhiều cảm hứng mới trong công việc.
“Khi đắm mình trong không gian xanh mát của rừng, lắng nghe tiếng chim hót, tiếng lá xào xạc, mùi hương của đất ẩm và cây cỏ, tôi luôn cảm thấy như mình đang ở giữa một bản giao hưởng tự nhiên. Tác giả Henry David Thoreau từng nói: “Đi sâu vào rừng, bạn sẽ đi sâu vào chính mình”.
Quả thật, khi rời xa những ồn ào của đô thị và hòa mình vào thiên nhiên, tôi có cơ hội để lắng nghe tiếng nói bên trong. Trong trạng thái thư giãn này, tâm trí trở nên linh hoạt hơn, dễ dàng kết nối những ý tưởng tưởng chừng như không liên quan thành những ý tưởng sáng tạo bất ngờ”, đạo diễn trẻ Hải Thanh chia sẻ.
Nhật Bản có tới 68% diện tích rừng rậm bao phủ. Nhưng Nhật cũng là nước có tỷ lệ người tự tử cao trên thế giới vì áp lực trong trường học, cuộc sống, công việc…
Để cải thiện sức khỏe cho người dân và sử dụng rừng hiệu quả mà không làm tổn hại đến rừng, người Nhật có phương pháp Tắm rừng – Shinrin Yoku, dựa theo phong tục cổ của Thần đạo và Phật giáo, là để thiên nhiên ngấm vào cơ thể qua cả năm giác quan.
Người Nhật coi trọng nghiên cứu cách thư giãn và chữa bệnh bằng rừng, có nhiều bác sỹ được cấp chứng nhận chữa trị bằng rừng nữa. Hàn Quốc cũng có hoạt động tắm rừng gọi là Salim yok, có một điều đáng ngạc nhiên là rừng của Hàn Quốc đã bị tàn phá và khai thác sạch gỗ sau chiến tranh.
Không có cây để giữ đất, nên đất từ trên núi sạt lở liên tục, giống như Việt Nam trong thời gian vừa qua! Phải tới những năm 1960 trở đi, người Hàn mới bắt đầu trồng lại rừng, và giờ đây Hàn Quốc còn đang tìm cách vượt mặt Nhật về khoản điều trị bằng rừng.