TÁC ĐỘNG CỦA ĐẠI DỊCH COVID-19 ĐẾN DU LỊCH VIỆT NAM THỜI GIAN QUA

Nhằm phân tích thực trạng những tác động của đại dịch Covid-19 đến ngành du lịch Việt Nam thời gian qua, cũng như xu hướng hồi phục, phát triển của ngành du lịch sau khủng hoảng vì đại dịch Covid-19, tác giả phỏng vấn 16 chuyên gia và các nhà quản lý ngành du lịch từ tháng 01-3/2021.

Do tình hình đại dịch Covid-19 còn phức tạp, tác giả lựa chọn phỏng vấn qua email và điện thoại. Mục tiêu phỏng vấn là phân tích và đánh giá thực trang tác động của đại dịch Covid-19 đến ngành du lịch, xác định những thách thức và tiềm năng trong việc tái cấu trúc ngành du lịch Việt Nam. Nội dung phỏng vấn tập trung vào 4 vấn đề chính, đó là: (i) Thực trạng du lịch tại Việt Nam chịu sự tác động của khủng hoảng đại dịch Covid-19 trong thời gian qua; (ii) Thời cơ và xu hướng ngành du lịch để thích nghi với bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay; (iii) Xu hướng tái cấu trúc hay xu hướng thay đổi và phát triển của ngành du lịch để thích nghi với bối cảnh đại dịch Covid-19 và đón đầu hồi phục sau khủng hoảng; (iv) Các giải pháp thích nghi để tồn tại trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và các giải pháp chuẩn bị, đón đầu hậu khủng hoảng đại dịch Covid-19.

Du lịch Việt Nam: Ứng phó và thích nghi với khủng hoảng từ đại dịch Covid-19
Khủng hoảng đại dịch Covid-19 cũng tác động mạnh đến các Việt Nam, gây ra nhiều khó khăn, thách thức cho các doanh nghiệp du lịch.

Ngoài ra, nghiên cứu thu thập dữ liệu thứ cấp thông qua các tài liệu, sách báo, báo cáo thống kê của Tổng cục Du lịch, Tổng cục Thống kê… để làm rõ thực trạng những tác động của khủng hoảng đại dịch Covid-19 đến ngành du lịch Việt Nam..

Kết hợp giữa dữ liệu thứ cấp và kết quả phỏng vấn 16 chuyên gia và các nhà quản lý ngành du lịch, kết quả cho thấy, thời gian qua, khủng hoảng đại dịch Covid-19 đã tác động rất lớn đến ngành du lịch thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng trên cả 4 phương diện: (i) Số lượng khách du lịch; (ii) Doanh thu; (iii) Doanh nghiệp du lịch; (iv) Người lao động ngành du lịch. Cụ thể như sau:

Về số lượng khách du lịch

Bảng: Lượng khách du lịch và doanh thu ngành du lịch Việt Nam giai đoạn 2016-2020

Chỉ tiêu

2016

2017

2018

2019

2020

Số khách nước ngoài (triệu lượt)

10

13

16

18

3,7

Số khách nội địa (triệu lượt)

63

74

60

85

56

Doanh thu ngành du lịch (nghìn tỷ đồng)

400

515

620

720

312

Nguồn: Tổng cục Du lịch

Số liệu ở Bảng cho thấy, dịch Covid-19 xuất hiện vào đầu năm 2020 đã chấm dứt chuỗi tăng trưởng trung bình của ngành du lịch Việt Nam là trên 22,7%/năm giai đoạn 2015-2019. Năm 2020, Việt Nam chỉ đón được 3,7 triệu lượt khách quốc tế, giảm 80% so với năm 2019; 56 triệu lượt khách nội địa, giảm 34,1%.

Thực tế, lượng khách quốc tế từ tháng 3/2020 trở đi gần như là không có. Lượng khách du lịch nội địa cũng giảm mạnh do diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 và do quá trình thực hiện chính sách giãn cách xã hội trong nước. Theo Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 3/2020 giảm mạnh chỉ đạt gần 450.000 lượt khách, giảm 68,1% so với cùng kỳ năm 2019 và giảm 63,8% so với tháng 2/2020. Tổng lượt khách của cả quý I/2020 đạt 3,7 triệu lượt khách, giảm hơn 18% so cùng kỳ.

Về doanh thu du lịch

Theo Tổng cục Thống kê, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống trong quý I/2020 ước đạt 126.200 tỷ đồng, tương đương 10% tổng doanh thu hoạt động thương mại, dịch vụ của cả nước, giảm 9,6% so với quý I/2019; doanh thu du lịch lữ hành quý I/2020 ước đạt 7.800 tỷ đồng, chiếm 0,6% tổng mức và giảm 27,8%. Tổng thu du lịch cả năm 2020 chỉ đạt 312.000 tỷ đồng, giảm khoảng 58,7%, tương đương 19 tỷ USD (Bảng).

Du lịch là một lĩnh vực kinh tế tổng hợp, liên quan tới nhiều nhóm ngành khác, như: vận chuyển, lưu trú, dịch vụ ăn uống…, vì vậy, tác động của dịch Covid-19 khiến doanh thu tất cả những nhóm ngành này cũng đồng thời sụt giảm. Các hoạt động trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ và giao thông hầu hết đều bị hoãn lại do lệnh giãn cách xã hội trên toàn quốc. Ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành cũng bị ảnh hưởng rất nặng nề. Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 01/2021, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước tính đạt 48,7 nghìn tỷ đồng, giảm 4,1% so với cung kỳ năm trước, trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 4,5 nghìn tỷ đồng, giảm 15%; doanh thu du lịch lữ hành ước tính đạt 1,6 nghìn tỷ đồng, giảm 62,2%.

Về doanh nghiệp du lịch

Khủng hoảng đại dịch Covid-19 cũng tác động mạnh đến các Việt Nam, gây ra nhiều khó khăn, thách thức cho các doanh nghiệp du lịch. Theo Tổng cục Du lịch, năm 2020, Việt Nam có 3.339 doanh nghiệp lữ hành, trong đó có 2.519 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 820 doanh nghiệp lữ hành nội địa. Tuy nhiên, có đến 90%-95% doanh nghiệp lữ hành tạm dừng hoạt động. Đồng thời, cũng trong năm 2020, có 201 doanh nghiệp lữ hành xin cấp mới giấy phép, nhưng có tới 338 doanh nghiệp xin thu hồi giấy phép. Đặc biệt, các doanh nghiệp lữ hành quốc tế chuyển hết sang kinh doanh lữ hành nội địa. Hơn 30.000 cơ sở lưu trú với 650.000 phòng trên cả nước, nhưng công suất phòng chỉ đạt 20%-25% ở các tỉnh, thành phố. Tại một số địa bàn du lịch trọng điểm, nhiều khách sạn buộc phải đóng cửa hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng vì không cầm cự nổi trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Ảnh hưởng của dịch Covid-19 còn tác động đến các cơ sở lưu trú. Theo Tổng cục Du lịch, công suất hoạt động các cơ sở lưu trú năm 2020 chỉ đạt 20%-30% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều khách sạn đã phải đóng cửa, công suất sử dụng phòng có thời điểm chỉ đạt từ 10%-15% vì lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt khoảng 3,7 triệu lượt. Các doanh nghiệp lữ hành, kinh doanh trong ngành du lịch rơi vào tình cảnh lao đao, thậm chí nhiều doanh nghiệp chỉ còn bộ khung vì dịch Covid-19.

Về người lao động ngành du lịch

Theo kết quả phỏng vấn, đại dịch Covid-19 cũng tác động nặng nề đến người lao động ngành du lịch tại Việt Nam. Việc sụt giảm số lượng lớn khách du lịch dẫn tới dư thừa lao động trong các doanh nghiệp dịch vụ du lịch, các doanh nghiệp buộc phải cho nhân viên nghỉ việc không lương, hoặc cắt giảm tối đa giờ làm việc của người lao động. Thu nhập bấp bênh, không chắc chắn đã đẩy nhiều người lao động vào tình trạng khó khăn về tài chính, từ đó dễ gây khủng hoảng tâm lý cho người lao động (Võ Đức Tâm và Võ Văn Bản, 2020). Theo Tổng cục Du lịch, trong năm 2020, có 26.721 hướng dẫn viên, với 16.965 người đã chuyển sang hướng dẫn nội địa hoặc chuyển nghề. Khoảng 40%-60% lao động bị mất việc làm hoặc cắt giảm ngày công. Các khách sạn trên khắp cả nước lần lượt tuyên bố đóng cửa. Chính điều này khiến nhân lực ngành du lịch bị mất việc làm, các công ty, khách sạn, nhà hàng lần lượt phải cắt giảm biên chế đến 60%.

XU HƯỚNG HỒI PHỤC, PHÁT TRIỂN CỦA NGÀNH DU LỊCH SAU KHỦNG HOẢNG ĐẠI DỊCH COVID-19

Kết quả phỏng vấn cho thấy, các đợt đại dịch Covid-19 đã thay đổi hành vi, dẫn đến nhiều thay đổi trong nhu cầu của khách du lịch hiện nay. Cụ thể, khách du lịch có xu hướng chú trọng hơn tới các yếu tố an toàn sức khỏe, vệ sinh, bảo hiểm du lịch, tránh tiếp xúc đông người; nhu cầu đối với các kỳ nghỉ dưỡng cao cấp ở các không gian mở, biệt lập gia tăng; lựa chọn các điểm du lịch gần, cắt ngắn thời gian các kỳ nghỉ, kế hoạch đi du lịch được xây dựng sát với thời điểm chuyến đi và có thể thay đổi linh hoạt hơn trước. Thay vì ưu tiên về giá cả, khách hàng sẽ ưu tiên về an toàn và lựa chọn sản phẩm du lịch có chất lượng cao.

Theo các chuyên gia tham gia phỏng vấn, du lịch là ngành chịu ảnh hưởng của đại dịch nặng nề nhất, nhưng đồng thời cũng là một trong những ngành có khả năng phục hồi nhanh nhất. Theo đó, khi đại dịch Covid-19 trong nước dần được kiểm soát, du lịch nội địa sẽ phục hồi dần và giữ vai trò duy trì sự ổn định của toàn ngành. Nếu nắm bắt được thời cơ, Việt Nam sẽ có thể bứt phá. Đặc biệt, nếu kiểm soát thành công dịch Covid-19, Việt Nam cũng sẽ nâng cao hình ảnh du lịch an toàn, hấp dẫn, thu hút được nhiều du khách quốc tế hậu Covid-19.

Với những thời cơ kể trên cùng với quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép” vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch vừa phục hồi kinh tế của Chính phủ, ngành du lịch Việt Nam sẽ đi theo một số xu hướng nhất định để thích nghi trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay cũng như tái cấu trúc để thích nghi với bối cảnh hậu đại dịch Covid-19 và đón đầu hồi phục sau khủng hoảng. Cụ thể là:

Một là, xu hướng du lịch điểm đến an toàn, thân thiện. Hiện nay, với tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới và Việt Nam đang diễn biến phức tạp, bên cạnh đó, sự bất ổn về tình hình chính trị, xã hội ở một số quốc gia đã và đang tác động trực tiếp đến quyết định chính của du khách trong việc đi du lịch của mình, thì điểm đến du lịch an toàn và thân thiện sẽ là hành vi, sự lựa chọn hàng đầu của du khách khi dịch bệnh được kiểm soát và mọi hoạt động sinh hoạt trở lại trong trạng thái bình thường mới.

Hai là, xu hướng du lịch được đảm bảo hơn về bảo hiểm và chăm sóc sức khỏe. Đại dịch Covid-19 được dự báo sẽ chưa thể kết thúc sớm. Điều này đồng nghĩa với việc khách du lịch cần biết thông tin chi tiết về hệ thống chăm sóc sức khỏe của điểm đến và các gói bảo hiểm du lịch ngoài những thông tin về điểm đến, dịch vụ… Những thông tin như vậy sẽ giúp khách du lịch giảm bớt lo lắng và yên tâm để thực hiện những chuyến đi của mình.

Ba là, xu hướng du lịch dịch chuyển từ nhu cầu du lịch quốc tế sang nhu cầu du lịch nội địa. Xuất phát từ lệnh hạn chế đi lại quốc tế và ở tại Việt Nam, cùng với sự hoài nghi về tính an toàn và chi phí y tế của điểm đến ngoài nước cộng với tâm lý muốn được đi lại, giao lưu của con người khi bị hạn chế di chuyển, sự kìm nén về sự khám phá và sự hạn hẹp về tài chính, thì du lịch nội địa sẽ là lựa chọn của rất nhiều du khách Việt Nam và các nước trên thế giới.

Bốn là, xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, internet để tìm hiểu kỹ hơn trước chuyến đi. Với diễn biến khó lường của dịch bệnh, khách du lịch thông qua các sản phẩm từ công nghệ tiên tiến hiện nay được các nhà mạng cũng như các nhà làm công nghệ cung cấp để đầu tư nhiều thời gian hơn vào việc tìm hiểu thông tin trước khi quyết định chuyến đi hay đặt dịch vụ cho kỳ nghỉ, cũng như thanh toán trực tuyến qua các phần mềm tài chính. Họ thu thập nhiều hơn thông tin về điểm đến, dịch vụ, các biện pháp đảm bảo an toàn… Bên cạnh đó, một số du khách cũng sẽ thông qua các ứng dụng trực tuyến để khám phá trước điểm đến bằng cách thông qua bạn bè, người thân, các công ty, nhà cung cấp dịch vụ du lịch phát trực tiếp để thỏa mãn trí tò mò cũng như muốn xem thực tại hình ảnh của điểm đến khi chưa thể đi du lịch được…

Năm là, xu hướng du lịch quốc tế bằng hộ chiếu vắc xin. Hiện nay, việc hạn chế đi lại, xuất cảnh quốc tế ở các quốc gia trên thế giới và Việt Nam để đảm bảo an toàn do đại dịch Covid-19 gây ra, đặc biệt được siết chặt. Với ý tưởng dùng hộ chiếu vắc xin nhằm xác định được tình trạng sức khỏe của du khách đáp ứng các yêu cầu về sức khỏe du khách khi đi du lịch tại nước sở tại, của điểm đến là yếu tố bắt buộc. Nhưng ý tưởng trên đang có nhiều phản ứng trái chiều của cộng đồng người dân trong việc cấp phép, kiểm tra, quản lý cũng như sự phân biệt đối xử… Mặc dù xu hướng này tuy chưa khả quan, mới chỉ dừng lại ở ý tưởng, nhưng vấn đề đặt ra cho các nhà quản lý, nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ du lịch nắm bắt được thị hiếu của thị trường để có quyết sách đối phó tối ưu nhất trong việc đón đối tượng khách du lịch này khi thành hiện thực.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, tác giả đề xuất một số giải pháp đối với ngành du lịch Việt Nam để có thể thích nghi và tồn tại trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành cũng như chuẩn bị và đón đầu hậu khủng hoảng đại dịch Covid-19, cụ thể như sau:

Nhóm giải pháp thích nghi để tồn tại trong bối cảnh đại dịch Covid-19

Đối với Nhà nước, cần tiếp tục triển khai nhóm giải pháp giãn thuế, cho phép nộp chậm các loại thuế; làm việc với các ngân hàng để cùng giải quyết các khó khăn về nguồn vốn cho các doanh nghiệp ngành du lịch. Trong thời kỳ khó khăn này, điều mà các doanh nghiệp du lịch cần nhất vẫn là được hỗ trợ vốn để tồn tại. Bởi tỷ lệ doanh nghiệp nhận được các hỗ trợ từ chính sách khắc phục khó khăn do dịch Covid-19 hiện nay còn rất ít.

Đối với ngành du lịch Việt Nam, cần chủ động liên kết các tỉnh, thành phố nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đàm phán hủy, hoãn tour du lịch giai đoạn dịch Covid-19; rà soát, đánh giá tình hình thiệt hại, đề xuất các biện pháp tháo gỡ. Đồng thời, ngành du lịch cần tiếp tục tập trung tăng cường truyền thông và triển khai ứng dụng các tiêu chí du lịch an toàn; tiếp tục đề xuất và phối hợp triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với doanh nghiệp du lịch; đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch; tăng cường xúc tiến thị trường du lịch trong nước, duy trì quảng bá ra thị trường du lịch nước ngoài; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch…

Đồng thời, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn phức tạp, để có thể thích nghi với bối cảnh hiện tại, du lịch Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt xu hướng chuyển đổi số để tiếp cận tới nhiều khách hàng hơn, chăm sóc khách hàng tốt hơn, giảm chi phí và tăng hiệu quả kinh doanh.

Đối với doanh nghiệp ngành du lịch, cần cắt giảm hoặc thay đổi hình thức làm việc của nhân viên, người lao động để giảm tối đa chi phí. Đồng thời, chuyển hướng tập trung vào khách du lịch nội địa, tạo ra nhiều ưu đãi về lưu trú cũng như di chuyển phù hợp với nhiều tầng lớp khách hàng để kích thích tăng lượng khách, góp phần nâng cao doanh thu cho doanh nghiệp xoay vòng vốn trong dịch.

Đối với người lao động ngành du lịch, cần linh hoạt học hỏi nhiều kiến thức, kỹ năng để có thể duy trì trạng thái có việc làm, mặc dù có thể là một công việc trái ngành ban đầu. Có thể nói, đây là giải pháp có hiệu quả nhất, giảm tối đa khả năng thất nghiệp của người lao động.

Nhóm giải pháp chuẩn bị và đón đầu hậu khủng hoảng đại dịch Covid-19

Đối với Nhà nước, hỗ trợ ngành du lịch và các doanh nghiệp trong ngành bằng các chính sách kích cầu du lịch mới. Đồng thời, Nhà nước cần có những chính sách miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp trong ngành du lịch, như: miễn thuế giá trị gia tăng cho tiêu dùng du lịch và các doanh nghiệp du lịch, giảm chi phí môi trường cho các doanh nghiệp du lịch, giảm thuế khoán đối với các hộ kinh doanh du lịch cá thể, áp dụng mức giá điện theo đơn giá điện sản xuất cho các cơ sở kinh doanh nhà hàng, dịch vụ lưu trú du lịch thay vì áp dụng mức giá dịch vụ…

Đối với ngành du lịch Việt Nam, cần chủ động tái liên kết với các tỉnh, thành phố để hỗ trợ doanh nghiệp dịch vụ du lịch thực hiện các tour du lịch đã bị hoãn trước đó. Bên cạnh đó, có biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, kích thích lượng khách du lịch mới sau dịch trên cơ sở an toàn là yếu tố quyết định của các chuyến đi. Ngành du lịch cần khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch, phù hợp với xu hướng, nhu cầu mới của thị trường. Đồng thời, đa dạng hóa thị trường du lịch để tránh phụ thuộc vào một số thị trường nhất định, từ đó có thể hạn chế rủi ro trước những biến cố trong khu vực và thế giới. Tăng cường xúc tiến, quảng bá, phát triển các sản phẩm mới thu hút khách du lịch quốc tế.

Đối với mỗi doanh nghiệp ngành du lịch, kết hợp với sự hỗ trợ của ban ngành, đưa ra các gói ưu đãi cho nhiều đối tượng khách hàng mục tiêu nhằm kích thích nhu cầu du lịch của khách hàng. Ngoài ra, sau đại dịch Covid-19, các sản phẩm du lịch cần hướng đến sức khỏe con người, các loại hình du lịch thể thao, chữa bệnh, sinh thái, yoga, du lịch gần gũi với thiên nhiên… Bên cạnh đó, các sản phẩm du lịch cũng sẽ đi vào có chiều sâu bởi du khách hướng vào các loại hình du lịch có chất lượng. Các doanh nghiệp cần tập trung vào những hoạt động coi trọng nền tảng văn hóa bản địa. Xu hướng này sẽ giúp ngành du lịch Việt Nam đón đầu hồi phục sau khủng hoảng đại dịch Covid-19.

Các doanh nghiệp du lịch cũng tranh thủ thời gian hoạt động du lịch bị đình trệ để điều chỉnh chiến lược kinh doanh, đổi mới sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ và đào tạo nguồn nhân lực trên toàn hệ thống chuẩn bị cho đón đầu xu hướng du lịch mới.

Đối với người lao động ngành du lịch, cần bảo đảm sức khỏe và cam kết thực hiện đúng các yêu cầu của doanh nghiệp trước khi quay trở lại nhịp làm việc mới. Chuẩn bị kỹ càng cho vị trí làm việc của mình sau một thời gian dài nghỉ dịch./.

Tài liệu tham khảo

1. Tổng cục Thống kê (2020). Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội quý I năm 2020

2. Tổng cục Thống kê (2021). Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội quý I năm 2021

3. Tổng cục Du lịch (2016-2021). Báo cáo thường niên du lịch Việt Nam các năm, từ năm 2015 đến năm 2019

4. Võ Đức Tâm, Võ Văn Bản (2020). Dự báo và biện pháp cho ngành Du lịch Việt Nam trong và sau đại dịch Covid-19, Tạp chí Công Thương, số 25

5. Kaushal Vikrant, Srivastava Sidharth (2021). Hospitality and tourism industry amid COVID-19 pandemic: Perspectives on challenges and learnings from India, International Journal of Hospitality Management, 92

6. Ugur Naciye Guliz, Akbıyık Adem (2020). Impacts of COVID-19 on global tourism industry: A cross-regional comparison, Tourism Management Perspectives, 36

Trần Thanh Long – Trường Du lịch – Đại học Huế

(Bài viết đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 22, tháng 8/2021)