“Cần bổ sung trường hợp pháp nhân thương mại không được giao kết thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm…”, Đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà (Hà Nội) góp ý cho dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm, khi Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật, diễn ra chiều nay (ngày 27/5), theo Văn phòng Quốc hội.

Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm chưa đảm bảo tính bình đẳng
Đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà (Hà Nội) chỉ ra sự chưa rõ, chưa chính xác, chưa đầy đủ của dự thảo Luật (ảnh: Quốc hội)

Ông Hà cho rằng, khoản 3 Điều 123 dự thảo Luật chưa rõ, chưa chính xác, chưa đầy đủ, không bảo đảm bình đẳng giữa cá nhân với pháp nhân và không thống nhất với hệ thống pháp luật về tư pháp. Theo đó, khoản 3 Điều 123 dự thảo Luật quy định 3 trường hợp cá nhân không được giao kết thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm, gồm: đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang phải chấp hành hình phạt tù; bị cấm hành nghề. Trong khi pháp nhân thương mại chỉ quy định một trường hợp không được giao kết thực hiện hợp đồng, đó là đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

“Quy định trên không những không bình đẳng giữa cá nhân và pháp nhân, mà còn để sót. Quy định này đã để lọt 3 trường hợp theo quy định tại Điều 33 Bộ luật Hình sự về pháp nhân không được giao kết thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm, khi: đang bị đình chỉ hoạt động có thời hạn; đang bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn; đang bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động. Đề nghị bổ sung 3 trường hợp pháp nhân thương mại không được giao kết thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm như Bộ luật Hình sự…

Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm chưa đảm bảo tính bình đẳng
Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Liên Hương (Quảng Ngãi) đề xuất cần điều chỉnh quy định về nội dung chủ yếu của hợp đồng bảo hiểm (ảnh: Quốc hội)

Cũng liên quan đến tính bình đẳng, Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Liên Hương (Quảng Ngãi) đề nghị bổ sung nội dung về điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, và thỏa thuận mức độ rủi ro là thành phần chủ yếu trong hợp đồng bảo hiểm. Vì hợp đồng bảo hiểm là hợp đồng mẫu do bên bảo hiểm chủ động đưa ra, nên các điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm hoặc các thỏa thuận đưa ra yêu cầu điều chỉnh nội dung hợp đồng khi có yếu tố làm thay đổi mức độ rủi ro như tại Điều 23 thường theo hướng có lợi cho bên bảo hiểm. Nếu bên mua bảo hiểm không thỏa thuận kỹ về các nội dung này, thì sẽ không dự lượng hết những rủi ro, khiến khi xảy ra tình huống dẫn đến hủy hợp đồng quy định tại Điều 22 hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng quy định tại Điều 23, thì bên mua bảo hiểm sẽ chịu nhiều thiệt thòi.

Về hệ thống cơ sở dữ liệu kinh doanh bảo hiểm, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) đề xuất, Luật cần quy định thêm doanh nghiệp bảo hiểm bắt buộc phải có trách nhiệm đóng góp tài chính để cùng nhà nước thực hiện. Các dữ liệu kinh doanh của doanh nghiệp lúc nào cũng phải có cơ sở để dự trữ phục vụ cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm, nên họ phải có nghĩa vụ đóng góp tài chính, không thể Nhà nước đầu 100%, tỷ lệ đóng góp sẽ do Chính phủ quy định.

“Do vậy, cần điều chỉnh quy định về nội dung chủ yếu của hợp đồng bảo hiểm, để các bên thỏa thuận phù hợp với từng đối tượng bảo hiểm, đảm bảo nguyên tắc minh bạch, thiện chí, tự nguyện, bình đẳng giữa các bên trong giao dịch dân sự…”, bà Hương đề xuất.

Ở một khía cạnh khác, Đại biểu Quốc hội Lã Thanh Tân (Hải Phòng), đề nghị làm rõ chứng chỉ môi giới bảo hiểm do cơ sở đào tạo ở nước ngoài cấp có được sử dụng tại Việt Nam hay không? Cũng cần làm rõ việc cá nhân thuộc tổ chức có văn bằng, chứng chỉ phụ trợ bảo hiểm do cơ sở đào tạo ở nước ngoài cấp, thì có đáp ứng điều kiện để thực hiện hoạt động phụ trợ bảo hiểm tại Việt Nam hay không?

“Việc dự thảo Luật quy định chỉ cho phép sử dụng chứng chỉ (môi giới, phụ trợ) do Bộ Tài chính quy định về nội dung đào tạo, thi, cấp chứng chỉ là không phù hợp…”, ông Tân thẳng thắn.

Ông Tân cũng đặt vấn đề, các cá nhân đang trực tiếp thực hiện hoạt động môi giới bảo hiểm có tiếp tục được sử dụng chứng chỉ bảo hiểm hiện hành hay phải chuyển đổi/thi, cấp lại thành chứng chỉ môi giới bảo hiểm?/.